Thứ Bảy, 16/03/2019 00:55

Lễ tiếp nhận hiện vật bảo tàng và ra mắt sách “Từ bến sông Nhùng”

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2019, từ 15/3 - 17/3/2019 tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Hà Nội).

Vào lúc 14h ngày 15/3/2019, Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật và ra mắt sách Từ bến sông Nhùng của tác giả Phạm Quốc Toàn. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2019, từ 15/3 - 17/3/2019 tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Hà Nội).

1. Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập ngày 28/7/2017. Đây là lần thứ 12 Bảo tàng tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật từ các cấp, các ngành, các tập thể và cá nhân, các nhà báo, gia đình nhà báo và công chúng báo chí trong cả nước.

Tại buổi lễ, Bảo tàng đã tiếp nhận nhiều hiện vật báo chí từ các tổ chức, gia đình, cá nhân như: Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình; Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang; gia đình cố nhà báo, luật sư Phan Anh; gia đình cố nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu; gia đình cố nhà báo Đặng Hùng Thao; gia đình cố nhà báo Quang Đạm; gia đình cố nhà báo Nguyễn Minh Vỹ; gia đình cố nhà báo Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân; gia đình nhà báo Phạm Thanh; nhà báo Lê Văn Ba; nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải; nhà báo Chu Sỹ Liên; nhà báo Nguyễn Văn Vinh; nhà báo Nguyễn Tiến Nên; nhà báo Lương Xuân Tam; nhà báo Trần Trịnh Diệu Hằng; ông Phạm Văn Nhàn…

Từ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xa xôi, nhà báo Nguyễn Tiến Nên đã mang trao tận tay Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhiều hiện vật quý 

Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Bảo tàng đang khẩn trương triển khai thi công để có thể mở cửa đón khách vào quý 3/2019. Hiện tại, nhiều hiện vật, tư liệu quý đã được tập hợp, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ để phục vụ kế hoạch trưng bày. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến các giai đoạn phát triển của lịch sử báo chí Việt Nam chưa được sưu tầm. Các hiện vật, tư liệu vô cùng quý giá mà các tập thể và cá nhân trao tặng cho Bảo tàng hôm nay sẽ san lấp phần nào khoảng trống mà chúng tôi rất trăn trở. Những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn coi đó là những tình cảm hết sức quý giá, xin hứa sẽ giữ gìn và giới thiệu rộng rãi nhất các di sản báo chí này đến với công chúng. Bảo tàng rất mong tiếp tục nhận được sự tin tưởng, chia sẻ, gửi gắm của quý vị. Chúng tôi kì vọng, trong tương lai, Bảo tàng sẽ là địa chỉ phục vụ các nhà báo trong và ngoài nước, các nhà khoa học và mọi người dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lịch sử báo chí Việt Nam hiện đã hơn 150 tuổi với hàng ngàn tờ báo đã trở thành di sản văn hoá tinh thần gắn liền với lịch sử dân tộc”.

2. Từ bến sông Nhùng là tiểu thuyết của nhà báo Phạm Quốc Toàn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam do Nxb Văn hoá - Văn nghệ ấn hành quý I/2019.

Cuốn sách dày 396 trang, khổ 14,5X20,5 (Ảnh: Thanh Bình)

Lấy nguyên mẫu nhà báo, nhà văn Phan Hoàng - một tên tuổi lớn của giới báo chí và văn nghệ, 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề, ra đi “từ bến sông Nhùng” miền “gió Lào cát trắng” - làm trung tâm, cuốn tiểu thuyết tạo ra một không gian rộng lớn cho các nhân vật khác xuất hiện, chủ yếu trong báo giới. Tác phẩm phần nào giúp bạn đọc cảm nhận sinh động diện mạo của nền báo chí nước nhà giai đoạn từ nửa cuối thế kỉ XX, những năm đầu thế kỉ XXI.

Tác giả Phạm Quốc Toàn chia sẻ: “Cuốn sách của tôi chắc chắn không thể diễn tả hết cuộc đời và sự nghiệp báo chí, văn chương đồ sộ của Phan Hoàng, càng không thể chạm đến được những ẩn kín cuộc đời mà ông đã nếm trải. Dù vậy, từ tấm lòng thành, xuất phát từ sự cảm phục một tấm gương sáng nghề nghiệp trên cả hai lĩnh vực báo chí và văn học mà tôi đã viết nên cuốn sách. Tuy nhiên, vì là tiểu thuyết, nên chuyện và việc được kể giống ngoài đời nhưng lại không có ngoài đời. Chỉ cái bóng của thời cuộc là mồn một hiện hữu”.

Tác giả Phạm Quốc Toàn (ngoài cùng bên phải) cùng các diễn giả, khách mời tại lễ ra mắt sách

Nhiều đồng nghiệp đã đánh giá cao cuốn tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng của Phạm Quốc Toàn: “Tác phẩm gói ghém trong 9 chương sách, chương nào cũng đầy ắp chi tiết, chất liệu - chuyện đời, chuyện nghề. Phải chăng, nhân vật Phan Hoàng chỉ là cái cớ, là cái khởi đầu để tác giả luận bàn thế sự, nhân tình thế thái, sự nhiễu nhương, trong bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, bằng vốn sống phong phú của một người trong cuộc, bằng lương tri của một trí thức” (nhà báo Nguyễn Xuân Lương); “Cuốn sách được viết bằng ngòi bút không tỏ ra đao to búa lớn, mà nhẹ nhàng, văn hoá, mực thước, nhất quán, công bằng, xây dựng. Giá trị hiện thực và giá trị nhân văn của tác phẩm chính là từ cái tâm của tác giả” (đại tá, nhà báo Phạm Đình Trọng)...

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn được chọn để giới thiệu đến công chúng bạn đọc trong dịp Hội báo toàn quốc 2019.

P.V