Thứ Sáu, 06/03/2020 11:40

Leïla Slimani: “Tôi có cuộc sống mà tôi mơ ước có”

Sau thành công vang đội của tiểu thuyết Lullaby, hay gần đây nhất là cuốn sách tiếng Anh Sex and Lies được xuất bản, tên tuổi Leïla Slimani càng nổi lên như một người đại diện cho tiếng nói và quyền của người phụ nữ ở quê hương Ma rốc của cô.

:

Sau thành công vang đội của tiểu thuyết Lullaby, hay gần đây nhất là cuốn sách tiếng Anh Sex and Lies được xuất bản, tên tuổi Leïla Slimani càng nổi lên như một người đại diện cho tiếng nói và quyền của người phụ nữ ở quê hương Ma rốc của cô.

'Trinh tiết là nỗi ám ảnh ở Ma rốc': trích từ cuốn Sex and Lies của Leïla Slimani

Cuốn Sex and Lies của Leïla Slimani.

Cuốn sách phi hư cấu của nhà văn Leïla Slimani - Sexe et Mensonges: La Vie Sexuelle au Maroc xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2017 đã được dịch và chuẩn bị phát hành bằng bản tiếng Anh trong năm nay có tựa đề Sex and Lies.

Trong cuốn sách này, Slimani thu thập những câu chuyện, những lời tâm sự của nhiều phụ nữ Ma rốc ở mọi lứa tuổi để viết và trình bày câu chuyện bằng giọng điệu của họ. Đó là những người đang phải vật lộn sống trong một nền văn hóa Ả Rập bảo thủ, nơi luôn phản đối tự do tình dục và việc tuyên truyền giáo dục giới tính. Một đất nước cấm phụ nữ phá thai và quan hệ tình dục không hôn nhân, đồng tính luyến ái và mại dâm, thậm chí ngay cả việc hôn nhau trên đường phố cũng có thể bị bắt vì cho là một mối nguy hại đối với trật tự xã hội. Phụ nữ chỉ có hai lựa chọn: hoặc làm trinh nữ hoặc là người vợ.

Sex and Lies là cuốn sách dành cho mọi người Ma rốc, không chỉ phụ nữ, mà cả đàn ông, đặc biệt là những người trẻ tuổi, tầng lớp giàu có, thượng lưu, tư sản, những người cho mình quyền lẩn tránh cái nhìn trực diện vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống. Cuốn sách này như một chiếc gương phản chiếu thực tế xã hội mà nhiều người cho rằng họ không thể phá vỡ, đồng thời là tiếng nói mạnh mẽ đòi sự tự do, đòi hỏi tình yêu thương và những ham muốn của con người.

“Khi tôi bắt đầu viết tiểu thuyết, tôi hiểu sức mạnh của ngôn từ, sức mạnh mà nhờ đó người ta có thể nói lên sự thật. Điều này đã cho tôi can đảm để lên tiếng cho những người phụ nữ ở Ma rốc”, Leïla Slimani nói.

Vào tháng 9/2019, Slimani là người đứng lên thực hiện một cuộc gọi công khai đến cơ quan có thẩm quyền, chỉ ra sự cực đoan về vấn đề tình dục ở Ma rốc đã khiến cho những vấn nạn xã hội thêm tồi tệ, đặc biệt là vấn nạn nạo phá thai (các nhóm chiến dịch ở Ma rốc ước tính có tới 800 vụ phá thai bất hợp pháp mỗi ngày).

Nổi danh như một ngôi sao mới trong nền văn chương thế giới

Slimani với tác phẩm thắng giải Goncourt 2016.

Với tiểu thuyết Chanson douce, nhà văn, nhà báo Pháp - Ma rốc sinh năm 1981 được trao giải Goncourt vào năm 2016 và trở thành nữ tác giả thứ 12 giành được giải thưởng này kể từ khi nó được thành lập từ năm 1903.

Chansons douce (tạm dịch: bài hát ngọt ngào) xuất phát từ mẩu tin trên báo về vụ án giết hai đứa trẻ Lucia và Leo Krim ở Manhattan vào năm 2012, Slimani đã viết lên câu chuyện về người vú em đã sát hại hai đứa trẻ mình trông nom. Kể từ đoạn mở nút (Le bébé est mort - Em bé đã chết), tác giả đi ngược thời gian và khai thác những vết rạn của Louise - một vú em có vẻ hoàn hảo mà sự rối loạn tâm lí ngày càng lớn lên theo câu chuyện. Tiểu thuyết không chỉ là một vụ giết người rùng rợn, mà còn đề cập đến những chủ đề tình mẫu tử, gia đình, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng xã hội…

Chansons douce được các nhà phê bình Pháp đón nhận, nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Pháp với hơn 76.000 bản in trong vòng ba tháng trước cả khi được trao giải Goncourt. Sau đó, cuốn sách được mua đọc nhiều nhất ở Pháp trong năm 2016 với hơn 450.000 bản và đến cuối năm 2017 khoảng 600.000 bản. Tính đến nay, sách đã được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng. Tại Anh, sách được xuất bản với tựa The Perfect Nanny (tạm dịch: Nanny hoàn hảo), ở nước Mĩ, cuốn sách có tên gọi Lullaby (tạm dịch: bài hát ru con) và ở Việt Nam tiêu đề là Người lạ trong nhà.

Tờ Elle của Pháp đã đưa Leïla Slimani lên trang bìa tháng 1 năm 2017 với tiêu đề đầy hấp dẫn: Siêu sao Leïla Slimani!. Cô được ca ngợi là hiện thân của Marianne, đại diện cho những người phụ nữ trẻ, đẹp, thông minh, đa ngôn ngữ, đa văn hóa của một nước Pháp mới, trẻ trung hơn do Tổng thống Emmanuel Macron đứng đầu.

Nhà ngoại giao, là đại diện cá nhân của tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Nhà văn Slimani trong buổi nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cung điện Elysée.

Slimani nhận được cuộc gọi của Tổng thống Pháp với lời mời gọi hấp dẫn: công việc thuộc Bộ Văn hóa Pháp. Cô hoàn toàn bất ngờ và nghĩ đó là một trò đùa. Cuộc gọi tiếp theo được thực hiện từ cung điện Elysée, nhưng Slimani đã từ chối. Cô trả lời: “Tôi không bị cám dỗ, bởi tôi là một nhà văn”.

Vài tuần sau đó, Tổng thống Macron đã mời Slimani đến gặp ông tại cung điện Élysée, bàn nghiêm túc về công việc mà lần này, cô đã không từ chối: một nhà ngoại giao Pháp với tư cách là đại diện cá nhân của tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho Tổ chức de la Francophonie (cộng đồng Pháp ngữ), để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Pháp trên toàn thế giới. Tổng thống cho rằng, ông chọn Slimani cho vai trò này bởi cô đại diện cho khuôn mặt cởi mở của cộng đồng Pháp ngữ, trong một thế giới đa văn hóa và thuộc về một thế hệ mới mà ông muốn thúc đẩy, làm nổi bật.

Sinh ra trong một nền giáo dục cởi mở, thích sự cô độc

Slimani lớn lên ở Rabat, Ma rốc, là con gái thứ của Othman Slimani, từng là bộ trưởng kinh tế trong chính phủ Ma rốc và sau đó là một nhân viên ngân hàng với Béatrice-Najat Dhobb-Slimani, một bác sĩ phẫu thuật.

Cuộc sống trong gia đình nói tiếng Pháp của cô rất tự do, thoải mái và nhiều đặc quyền. Các chị em cô đi học tại Pháp. Khi Slimani lên bốn, cô nói với bố mẹ: “Đây là miệng của con và con được nói những gì mình muốn”. Đó là một cuộc sống đầy hấp dẫn, nhưng cuộc sống đó tan vỡ khi cha Slimani bị kết án tù vì một vụ bê bối tài chính, ông qua đời ngay sau khi ra tù và được miễn tội, khi ấy cô vừa 22 tuổi.

Từ nhỏ, Slimani đã thích cảm giác ở một mình. Đến bây giờ, mặc dù rất thân thiết với mẹ và các chị, sự gắn kết gia đình khiến cô cảm giác hạnh phúc nhưng trong thâm tâm, cô vẫn thích sự cô độc. Mặc dù thường xuyên trong tình trạng bận rộn bởi công việc: một nhà ngoại giao, một nhà văn, một biên tập viên, một nhà báo và cả việc chăm sóc gia đình nhỏ, nhưng cô luôn thu xếp tìm kiếm một không gian vắng vẻ để có thể ở một mình. Có những khoảng thời gian trong cuộc đời cô cảm thấy sự cô đơn sâu sắc, như khi cô đến Pháp và thấy mình hoàn toàn cô độc, nhưng điều đó làm cô nhận ra nét đặc biệt trong tính cách của mình.

Năm 1999, vừa tốt nghiệp cấp ba, Leïla Slimani đến Paris theo học lớp dự bị văn chương tại trường Fénelon và sau đó thì tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu Chính trị Paris. Năm 2008, cô kết hôn với Antoine, một nhân viên ngân hàng ở Paris. Năm 2013, sau khi bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tiên bị từ chối bởi mọi biên tập viên ở Paris, cô đã tham gia một khóa học viết sáng tạo. Kết quả là, năm 2014, Leïla Slimani xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Dans le jardin de l’ogre (tạm dịch: Trong khu vườn của yêu tinh). Cuốn tiểu thuyết với chủ đề về thói nghiện tình dục ở phụ nữ và phong cách viết đặc biệt đã khiến giới phê bình chú ý và lọt vào danh sách chung khảo của giải Flore. Đây là tác phẩm đầu tiên đưa Slimani đến gần hơn sự nghiệp sáng tác.

“Tác phẩm tiếp theo sẽ đầy khác biệt và bắt nguồn từ câu chuyện thực”

Đó là lời chia sẻ của Leïla Slimani về cuốn sách tiếp theo sau Sex and Lies. Cuốn sách Le Pays des Autres (tạm dịch: Đất nước của những người khác) sẽ được xuất bản tại Pháp vào tháng tới, là tập đầu tiên của bộ ba tiểu thuyết về lịch sử gia đình Slimani. Cuốn này viết về bà ngoại của cô là Anne Ruetsch, một phụ nữ cao ráo tóc vàng xinh đẹp, độc lập, quyết đoán, xuất thân từ một gia đình giàu có ở miền Đông nước Pháp, chuyển đến Ma rốc và nghĩ rằng mình sẽ sống phiêu lưu, tự do tại đây. Cho đến khi thực tế cuộc sống hoàn toàn trái ngược, với mối duyên tình đẹp đẽ kì diệu với một đại tá làm trong quân đội Pháp... Hai cuốn sách tiếp theo sẽ viết về cuộc đời của mẹ Slimani và câu chuyện cuộc đời của Slimani.

Trở thành nhà văn để có tiếng nói và lòng can đảm

“Tôi sợ tất cả mọi thứ. Khi ở một mình trong phòng viết, tôi cảm thấy an toàn, nhưng khi ra ngoài, tôi thấy những nguy hiểm ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn đi qua một cuộc biểu tình, bạn nhìn thấy những giọt nước mắt và mọi cảm xúc khác nhau. Khi trở thành người mẹ, tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để chống lại nỗi sợ hãi là đối diện với chúng, để bạn có thể bảo vệ những đứa trẻ. Đó là một lí do khiến tôi quyết định trở thành một nhà văn, để cố gắng kiểm soát nỗi sợ hãi, biến chúng thành một thứ gì đó tốt, thú vị và cảm động”.

“Tại Pháp, phong trào MeToo cũng đã giúp đỡ, tạo nên một tinh thần đoàn kết giữa những người phụ nữ mà trước đây chưa được chú ý. Những người phụ nữ tìm kiếm nhau, hỗ trợ nhau để chống lại những bất công, khó khăn mà họ gặp phải trong xã hội”.

'Tôi đã bị phân biệt chủng tộc ở đây tại Pháp. Tôi cố gắng phớt lờ nó, hoặc đôi khi tôi cười'.

“Tôi đã bị phân biệt chủng tộc ở Pháp và ban đầu, tôi bị tê liệt hoàn toàn. Tôi không biết làm thế nào để dập tắt điều đó. Bây giờ, tôi đã biết làm thế nào để ứng phó. Tôi cố gắng phớt lờ nó, hoặc đôi khi tôi cười. Tôi rất tự hào về nguồn gốc của mình: Ma rốc và Pháp. Nếu ai đó không thích người nước ngoài, đó là vấn đề của họ”.

“Tôi là một người mẹ không cảm thấy tội lỗi khi nói với con: 'Tôi phải làm việc' hoặc: 'Tôi muốn ở một mình'. Dù đó là một quyết định khó khăn, vì là một người mẹ, bạn sẽ nghĩ rằng những đứa con sẽ không hạnh phúc nếu không có bạn, hay sự chăm sóc, hi sinh từ bạn. Tôi đã chọn không trở thành một người mẹ như vậy. Tôi yêu thương các con và cố gắng ở bên chúng thường xuyên nhất có thể, nhưng tôi cũng rất coi trọng công việc chuyên nghiệp, đời sống nội tâm của mình. Tôi không phải người có cuộc sống phức tạp nhất trên thế giới. Bởi ngoài kia còn có những bà mẹ đơn thân đảm nhiệm bao công việc và phải chăm sóc con cái để có những giờ phút cho riêng mình. Tôi nghĩ rằng mình có một số đặc quyền riêng, thực may mắn và hạnh phúc. Tôi có cuộc sống mà tôi mơ ước có”, Slimani chia sẻ.

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian