Chủ Nhật, 13/10/2019 10:07

Lịch sử và phận người trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang

Là cái tên còn khá mới lạ trên văn đàn, song Nguyễn Thế Quang đã sớm chinh phục được bạn đọc bởi chiều sâu tư tưởng và sự già dặn trong lối viết. Những tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang, nhất là tiểu thuyết lịch sử

.BÙI NGUYỄN SAO MAI

Là cái tên còn khá mới lạ trên văn đàn, song Nguyễn Thế Quang đã sớm chinh phục được bạn đọc bởi chiều sâu tư tưởng và sự già dặn trong lối viết. Những tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang, nhất là tiểu thuyết lịch sử, khi xuất bản đều nhận được phản hồi tích cực từ độc giả, sự đánh giá cao của giới chuyên môn, trong đó Thông reo Ngàn Hống đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Lịch sử trong cái nhìn của nhà văn trở nên nhân bản và giàu chất suy tư khi ông gắn cuộc đời, số phận và bi kịch cá nhân của các nhân vật lịch sử vốn đã quá quen thuộc trong kinh nghiệm và hiểu biết cộng đồng với thân phận những người dân vĩ đại mà vô danh.

1. Trong hành trình tái hiện vương triều nhà Nguyễn, Nguyễn Thế Quang tập trung khám phá số phận những bậc đế vương. Đó là những con người tuy thân mang “chân mệnh thiên tử” nhưng sâu thẳm trong tâm hồn lại chứa đầy những góc khuất u uẩn. Họ hiện lên với sự đa diện về ngoại hình, tính cách và cách ứng xử. Ở hai cuốn tiểu thuyết Nguyễn DuThông reo Ngàn Hống, Nguyễn Thế Quang dành khá nhiều trang viết để luận giải cuộc đời, công trạng, số phận của những vị vua nhà Nguyễn - vốn tốn bao bút mực tranh luận của giới sử học nước nhà - như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… Trong Nguyễn Du, nhà văn đã phục dựng chân dung vua Gia Long vừa quen thuộc vừa mới lạ. Lên ngôi báu sau một thời gian dài nếm mật nằm gai, vua Gia Long hiểu hơn ai hết trách nhiệm của mình với dân chúng, với vận mệnh quốc gia. Trong những ngày tháng đầu tiên trên cương vị “cửu trùng”, điều khiến vua lo ngại nhất là làm sao thu phục được lòng dân, thu phục được đám sĩ phu Thăng Long vẫn quá nặng lòng với vương triều cũ. Nỗi lo lắng này khiến vua luôn hoài nghi quần thần kể cả những kẻ thân tín. Và có lẽ đó cũng là bi kịch lớn nhất của ngài khi trở thành một vị vua cô đơn, không có người tâm phúc, tri kỉ. Đối với các quan lại, vua nhận rõ xung quanh toàn là kẻ nịnh hót, lợi dụng quyền hành, trục lợi cá nhân, người chân chính rất ít. Với kẻ sĩ, vua rất quý trọng nhưng không mấy tin tưởng vì sợ họ làm phản. Vua tặng Nguyễn Du giấy, bút, mực, khen ngợi tài năng văn chương nhưng không quên căn dặn: viết để yêu thương thì được, nhưng kích động chống triều đình sẽ bị lấy đầu. Khi Nguyễn Du cáo quan về quê, vua Gia Long dứt khoát không đồng ý vì sợ hậu họa về sau.

Cùng chung nỗi niềm đó, vua Minh Mạng trong Thông reo Ngàn Hống cũng không ít đêm trằn trọc không ngủ, trăn trở về vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Khi ở đỉnh cao quyền lực, ông hiểu hơn ai hết sức mạnh của quyền uy và cả cái cô đơn không dễ sẻ chia của bậc vương chủ: “Có ai thức với mình không nhỉ? Chắc là không?... Ngài cảm thấy cô đơn lạ. Gánh nặng của giang sơn đè nặng lên vai mình”.

Không như vua Gia Long, vua Minh Mạng, trong quan niệm của Nguyễn Thế Quang, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức lại mang số phận của những người “bị làm vua” và chịu chung quy luật nghiệt ngã của lịch sử. Không có ý chí làm vua, chưa sẵn sàng cho trách nhiệm nặng nề đó, song vì lợi ích và sự tồn vong của dòng tộc, hai ngài không có sự lựa chọn nào khác. Trong suy nghĩ của Nguyễn Công Trứ (Thông reo Ngàn Hống), vua Tự Đức mang bi kịch “bị lịch sử” chọn lựa: “... đâu phải do ngài mà do người ta buộc vào cho ngài. Hiền lành, tốt bụng, chuộng đạo lí, đáng là một thi nhân nhàn nhã, người ta đã biế#n ngài thành một kẻ yếu đuối phải è cổ gánh những gánh nặng của giang sơn…”. Các nhân vật này phần nào cho người đọc hiểu về số phận đầy bi kịch của những con người nắm giữ quyền lực tối thượng trong những xung đột lịch sử. Họ giống như những con cờ trong “trò chơi vương quyền”. Không nắm giữ được vận mệnh của chính mình, họ bị những kẻ cơ hội lợi dụng như những con rối để mưu đồ soán đoạt quyền lực.

 

2. Lịch sử dân tộc từng chứng kiến hàng loạt cuộc chiến giữa các tập đoàn phong kiến, giữa triều đình trung ương với các phong trào nổi dậy của nông dân. Trong những tao đoạn đó, không chỉ quần chúng nhân dân mới rơi vào bước đường cùng mà tầng lớp trí thức - kẻ sĩ cũng là nạn nhân. Nguyễn DuThông reo Ngàn Hống đã dựng lại chân dung những kẻ sĩ nổi tiếng bằng các “chạm khắc” tỉ mỉ, tinh tế khơi mở những bí ẩn, khuất lấp trong cuộc đời họ. Nguyễn Du trong tác phẩm cùng tên hiện lên với những mâu thuẫn, tác động và xô đẩy của hoàn cảnh lịch sử cũng như uy lực của đấng quân vương. Tác phẩm bắt đầu bằng tâm trạng bất an của Nguyễn Du khi phải vâng lệnh triệu ra làm quan của vua Gia Long. Nhạy cảm trước thời cuộc, ông sớm nhận ra muôn vàn phi lí, bất công, rối ren của nhà Nguyễn bấy giờ. Nguyễn Du khát khao một cuộc sống tự do tự tại, rời xa chốn quan trường để giữ gìn phẩm cách của kẻ sĩ chân chính. Tuy nhiên, dưới uy quyền của quân vương, để bảo vệ bản thân, dòng tộc, ông buộc lòng vâng mệnh vua, một lần nữa dấn thân vào chốn quan trường. Xuyên suốt hơn 400 trang tiểu thuyết, người đọc bắt gặp một Nguyễn Du buồn bã, u uất, cô đơn, bế tắc. Tác giả đã khắc họa nhân vật từ chiều sâu bản thể, từ những khát vọng lớn lao đến thảm trạng của một trí thức lớn, luôn thao thức, lỡ thời, không được trọng dụng xứng đáng. Nỗi buồn của Nguyễn Du không dừng lại ở nguyên nhân bé nhỏ như bị đồng sự ghen ghét hay mặc cảm về cái việc “tôi trung không thờ hai chúa” mà ở nỗi niềm lớn lao hơn. Đó là tấm lòng yêu thương con người, là phẩm cách của một tâm hồn cao thượng, nhìn thấy những nghịch lí, nghịch cảnh tồn tại ở mọi thời, mọi nơi, như là một định mệnh không thể nào thay đổi được. Nguyễn Thế Quang đã thành công khi tái tạo nỗi niềm tâm sự khá phức tạp của Nguyễn Du trong một thời kì biến động của lịch sử. Đó là nỗi đau của kẻ sĩ bị bủa vây không lối thoát trong quyền lực quân vương. Một người xuất thân từ gia đình đại quý tộc chứng kiến sự thăng trầm của các triều đại vua Lê - chúa Trịnh - chúa Nguyễn - Tây Sơn - triều Nguyễn, Nguyễn Du làm sao không đau đớn, trăn trở trước bao bi kịch của kẻ sĩ. Anh trai Nguyễn Nễ - một con người tài hoa mấy triều đại đều tận tụy vì việc nước mà cuối cùng phải thắt cổ vì oan ức. Đại công thần Nguyễn Văn Thành, phò Gia Long từ khi chưa có một tấc đất, lại bị chính Gia Long khép vào tội chết do sự xúi bẩy vu oan của lũ nịnh thần vô học. Những bi kịch đó là “tấm gương tày liếp” khiến họ Nguyễn sợ hãi không dám chui ra khỏi “vỏ kén”, chấp nhận suốt đời sống trong cảnh mong ngóng cho đến ngày “chân tay đã lạnh”.

Nguyễn Công Trứ là một vị tướng văn võ song toàn, phong lưu đa tình. Ông có công với nhà Nguyễn trong cai trị, dẹp loạn, ổn định đời sống nhân dân. Nghĩ đến ông, chúng ta nhớ đến công lao trong việc khai hoang lấn biển và những giai thoại về tính cách ngất ngưởng và những cuộc tình bất tận. Nhưng Thông reo Ngàn Hống đã không sa đà theo hướng đó, mà tập trung miêu tả nỗi đau đời của Nguyễn Công Trứ với cốt cách của một đại trượng phu khi khai thác tâm trạng, đi sâu vào khát vọng, sự giằng xé nội tâm, những sự đối lập mà nhất quán trong con người ông. Một mặt, Nguyễn Công Trứ hiện lên với tư cách kẻ sĩ, đau đớn nhận ra “phận bạc” của những người như mình hoàn toàn nằm trong tay vua chúa, để tồn tại phải “uốn lưỡi” nói theo ý của đấng chí tôn: “Nguyễn và bao người nỗ lực cả đời mình để được đến quỳ ở đó phụng sự thiên tử và rồi cũng từ đó ra đi… Mỗi người mỗi vẻ, mỗi số phận, mỗi kết cục nhưng họ đều có cái chung là nói theo ý của đấng cửu trùng, nghĩ và làm và chịu kết cục theo ý của quân vương”. Mặt khác, Nguyễn Thế Quang lại khắc họa ông với tư cách là một nhà thơ tài hoa, một tài tử có tầm văn hóa lớn. Với Nguyễn Công Trứ, sự gặp gỡ ca trù giúp ông bỏ vẻ ngoài đạo mạo để thả hồn tiêu dao trong những đêm ả đào tình tứ. Say sưa trong tiếng trống chầu, đắm đuối trong thanh sắc của đào nương, tâm tình Nguyễn Công Trứ được ca trù nuôi dưỡng và ngược lại, chính ông cũng nuôi dưỡng nghệ thuật ca trù bằng những sáng tác hát nói để đời.

Cũng trong Thông reo Ngàn Hống, người đọc gặp gỡ hai nhân vật thuộc giới tinh hoa của đất nước thời bấy giờ là Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Ở hai nhân vật này, Nguyễn Thế Quang không nói nhiều đến công trạng mà chủ yếu đề cập đến số phận cá nhân của họ. Dưới quyền lực quân vương, Nguyễn Văn Siêu phải lánh quan trường, về dạy học để giữ gìn phẩm cách của nhà nho chân chính còn Cao Bá Quát đứng lên khởi nghĩa, cuối cùng rơi đầu dưới lưỡi gươm oan nghiệt của triều đình. Với Nguyễn DuThông reo Ngàn Hống, Nguyễn Thế Quang đã có những trang viết đẫm nước mắt và nhiều suy tư về một thời kì bi tráng của dân tộc, đặc biệt thời khoảng bĩ cực của những kẻ sĩ chân chính.

 

3. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Thế Quang không chỉ soi rọi lịch sử từ số phận vương giả, số phận kẻ sĩ mà còn từ số phận nhân dân - những người dưới đáy xã hội. Trong Nguyễn Du, nhân dân, sau gần ba trăm năm kiệt quệ sức người, sức của vì chiến tranh, lại phải nai lưng làm lụng, cống nạp cho nhà Nguyễn xây dựng triều đại mới. Không chỉ bị bóc lột vật chất, nhân dân còn gánh chịu nhiều oan khuất, tổn thương về tinh thần. Nhìn nhân dân đói khổ, điêu linh, Nguyễn Du đau đớn thốt lên: “Sao người dân khổ cực trăm bề: ở rừng thì bị rắn rết hổ báo ăn thịt, ở biển khơi thì biển cả nuốt xác. Và điều nguy hại hơn là ở đâu, dù miền núi cao hay đồng quê, biển cả đều bị quan lại tham tàn ăn thịt”. Trước thực tế đau thương ấy, dân chúng không được và không dám nói lên tiếng nói của mình. Họ trở nên nhát sợ trước cường quyền: “Bị ức hiếp cũng cam chịu. Có kẻ bị hại chết người, nó cho một ít tiền, cho cày vài sào ruộng là thôi, không dám báo với quan trên. Khi em biết cho người về hỏi thì họ lạy: “Xin quan trên cho chúng tôi yên, tôi còn mẹ già, con nhỏ”. Trong Thông reo Ngàn Hống, số phận nhân dân cũng được thể hiện trong những tao loạn của lịch sử. Người đọc bị ám ảnh bởi không khí chiến trận trong cuộc đối đầu giữa quân đội triều đình với quân khởi nghĩa Phan Bá Vành hay cuộc nổi loạn Nông Văn Vân. Các cuộc khởi nghĩa này nổ ra đều xuất phát từ nguyên nhân nhân dân quá bất mãn với đường lối cai trị của triều đình nhà Nguyễn. Những người dân lầm than chấp nhận làm giặc để tự cứu lấy cuộc đời mình. Họ buộc phải chống đối triều đình để tìm cho mình một con đường sống: “Phần lớn bọn họ vì bị quan lại, cường hào áp bức quá đáng mà đi làm giặc. Rất nhiều người vì đói quá phải đi theo chúng để có miếng ăn”. Tuy không trực tiếp thể hiện thái độ của mình trong tác phẩm nhưng qua từng câu chuyện, có thể thấy mối quan hoài của nhà văn đối với số phận nhân dân.

Từ những thân phận khác nhau của vương giả, kẻ sĩ và người dân lao động, gắn liền với hạnh phúc, bi kịch, khổ đau, Nguyễn Thế Quang đã tái hiện những bước đi thăng trầm của lịch sử. Lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang là sự ngưng tụ của chiều sâu nội tâm và số phận con người trong dòng chảy của nó, hay nói như Vương Trí Nhàn, lịch sử mang một “gương mặt người”. Gần gũi, bình dị nhưng mỗi cuộc đời, mỗi số phận lại mang một chiều sâu của triết học nhân sinh

B.N.S.M