Thứ Bảy, 03/08/2019 09:13

Lữ Mai - Đêm nhiệt đới mơ qua ngày trống rỗng

Khi con người nhận ra ngôn ngữ làm nên hiện diện, lịch sử đã đổi thay theo cách mà chúng ta tưởng tượng trên vệt dấu của những thanh âm, những kí hiệu.

.NGUYỄN THANH TÂM

Khi con người nhận ra ngôn ngữ làm nên hiện diện, lịch sử đã đổi thay theo cách mà chúng ta tưởng tượng trên vệt dấu của những thanh âm, những kí hiệu. Để hình dung về một con người, gặp gỡ chưa hẳn là một cơ hội tốt, thậm chí còn ẩn chứa nguy cơ sai lệch. Bởi thế, tôi tìm về quá khứ của mười năm trước, khi Lữ Mai cất giọng đầu tiên, từ đó kết nối vào thực tại, dựng lại một hành trình. Hành trình đó cho tôi một khuôn mặt, một hình hài, một phẩm tính, một thi cách rõ rệt hơn là việc vẫn thấy Mai hàng ngày ngang qua nhà số 4 (trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội), hàng ngày vẫn đi về khu tập thể nhà binh.
Kí ức lưu đọng nơi những con chữ, giấu mình sau từng nhịp điệu. Từ Giấc, Mở mắt rồi mơ, Mai chạm vào Thời cách ngăn trống rỗng. Đó là hành trình của niềm khắc khoải. Không khắc khoải ưu tư, không dịch chuyển mình qua những không gian khác, va chạm với tha nhân, người ta không thể nào nhận ra bản thể. Bản thể của Giấc là đêm, còn Mở mắt rồi mơ mang linh hồn của nước. Hai trạng thái ấy là Mai. Đêm chứa đầy bí mật, cũng như nước diệu hoạt đến vô cùng, yếu tính của Mai - như một hiện diện chủ thể, là “lòng tay nhiệt đới”. Nhưng, sắc thái nhiệt đới nơi chủ thể được hình dung ở phía lặng thầm hơn, không phải bão giông nắng nỏ, không phải gió mưa vũ vần, không phải réo gào gắt gỏng. Lòng tay đêm hứng giọt mưa khép nép, mơ đi qua ngày trống rỗng, ấy là Mai.

Tôi có hẹn trở về với kí ức bằng tưởng tượng, trong giấc mơ thiếu thời đầy bí mật, để gặp lại một hạt mầm cựa mình từ đêm mười sáu. Như là dự cảm, đêm chở che (hay cất giấu) một sinh mệnh rồi đây sẽ nảy nở vào đời Mai những ưu tư không dứt. Ba mươi lăm bài thơ gói ghém Giấc vào đêm. Ba mươi ba lần đêm trở đi trở lại. Có thể nói, đêm là thời gian, cũng là không gian của Giấc. Đêm cho Mai hiện hữu từng khoảnh khắc và đối diện với mình: Lặng lẽ khép xiêm y trinh bạch - Mộng mị thở dài gối cũ - Khuôn ngực tháng năm sạm khô mất ngủ - Nước mắt thuộc về ngày hôm qua. Đêm ấp ủ và nuôi dưỡng mộng mơ. Mộng mơ đánh thức thi ca: em mơ buốt lạnh gót mềm/ qua bao đêm lạc giọng/ chỉ còn nước mắt vẹn nguyên (Hà Nội lúc 0 giờ). Trong đêm, chủ thể nhận ra mình: Búp búp nhú đêm; Giấc mơ bí mật; Dè dặt đêm; Mí mắt đêm; Ngọn nến đêm; Gió khuya buồn tóc xõa đêm; Rờ rỡ trăng đêm; Gót mềm trong đêm; Đêm lạc giọng; Tiếng chim đêm; Mặt người chong đêm; Đêm dài hơn ý nghĩ; Đêm tối đầy u mê; Buổi tối đầy lên dằng dặc; Bóng đêm câm; Đêm rất sâu; Đêm suông… Đủ đầy những trải nghiệm đêm, gợi hình dung về phía tối, nơi cất giữ bao điều u uẩn, nơi đánh thức những dự cảm sâu kín, nơi vỗ về những bất an xao động của ngày. Đêm là hiện thực ở bề kia của ngày, làm hiện diện đủ đầy trạng thái sống của chúng ta. Bởi thế, đêm và thi ca bổ sung vào biết bao thiếu thốn của ánh ngày chói chang lí trí: rồi bỗng cần bóng tối hơn ánh sáng/ cơn sốt lâu ngày đổ ngược vào trong/ kỉ niệm chợt gõ vào bằng lặng/ từng tiếng vang lốc cốc u buồn (Dẫn dụ quay về).
Mai bị ám ảnh bởi những cơn mưa, những cơn mưa nhiệt đới. Mưa ám ảnh hay mưa là Mai? Bốn mươi lăm bài thơ trong tập Mở mắt rồi mơ, mưa hiện diện tới ba mươi sáu lần, chứng thực cho một mộng mơ về nước làm nên “hiện thực thơ ca hoàn chỉnh” (G.Bachelard). Cùng với đó, các phái sinh từ nguyên thể nước trong trường liên tưởng: biển, sông, ao, hồ, đầm, vũng, sương mù, nước mắt,… thiết lập một sinh quyển kết nối có tính linh hoạt (tính lỏng). Nước kháng cự cách ngăn và đòi hỏi sự nhất quán. Như thế, từ mưa và các hiện diện phái sinh, nguyên thể nước mang hiệu năng thức tỉnh. Thơ ca là sự thức tỉnh ở phần mong manh và kì diệu, nơi lí trí gần như đã bất lực. Thơ trong mộng mê về nước làm dịu lại cơn khát rỗng của đời đang bủa vây từng thân phận. Bi kịch của chúng ta là bi kịch của một kẻ đói khát, một kẻ đã vắt kiệt mình trong cuộc mưu sinh, không còn chỗ cho hạt mầm tách vỏ, không còn bao dung cho những mộng mơ. Sai lầm bắt đầu từ ngày đó khi loài người từ bỏ giấc mơ của mình. Cơn mưa nào dịu khát, tưới lên ngày lưu đầy: mưa rồi sao ta vẫn khát/ nhịp môi mọng đỏ hoàng hôn/ gốc đa có người hỏi chuyện/ đẩu đâu dắt díu nhau về (Lễ chùa).
Nước mang trong mình sứ mệnh hòa giải, bởi nước mềm mại và linh hoạt. Nước là hiện thực trực tiếp của tính nữ, của thơ ca. Bởi vậy, những mộng mơ về nước trong thơ phản ánh tinh thần chủ thể trong miền vô thức. Ở phần sau ta sẽ hiểu vì sao Thời cách ngăn trống rỗng lại trổ mầm từ GiấcMở mắt rồi mơ. Tuy nhiên, ngay tại đây, ý niệm về nước là một trải nghiệm bên ngoài lí trí. Nó thức dậy giữa cơn mơ như một sự tái lập trạng thái cân bằng chủ thể, một đạo đức của tồn tại, tràn qua các cách ngăn, lấp đầy hiện tại trống rỗng. Mở mắt rồi mơ phải chăng là một sự trì hoãn, một níu giữ để không rơi vào ngày trống rỗng? Mộng mơ ở phía ấy trong hình trạng cụ thể của thơ là giọt nước mắt: làm sao thưa được cùng nhau/ dòng nước mắt chần chừ trong bóng tối/ quá nhiều lo toan, quá nhiều lầm lỗi/ và riêng em quá bé nhỏ trên đời (Giữa khoảng trống mờ xa).
Thời cách ngăn trống rỗng là một ý niệm về sự thiếu khuyết, cái không tồn tại. Có chăng, tồn tại một cái trống rỗng. Đó là thời của những trơ mòn nhợt nhạt và vô nghĩa. Đời trống rỗng, người trống rỗng, chữ trống rỗng. Nghĩa là một trạng thái của sự vô cảm. Nhưng, có thật là vô cảm hay chỉ là một chỉ dấu cho thấy những suy tư luôn dồn nén trong trái tim nhiệt đới? Một chất chứa lặng thầm ẩn sâu trong vẻ bức bối, oán than về hiện tại. Một thực tại trống rỗng mở ra ý niệm tròn đầy của tinh thần chủ thể. Đó là nỗi khắc khoải về tồn tại. Luôn khắc khoải, thơ Mai là những vọng âm hanh khát trên miền cằn khô nhân tính, là đêm mê mị giăng mắc những tín hiệu đòi được kết nối, là một thổn thức không yên, một băn khoăn hằn trong mơ mộng.
Văn chương nghệ thuật, về mặt nguyên lí là một hệ thống kí hiệu biểu nghĩa. Hệ thống đó cất lời về vẻ lặng im dữ dội của đời sống. Đó là chỉ dấu cho con người hướng đến bản chất - yếu tính của tồn tại. Thời cách ngăn trống rỗng là một dự phóng khắc khoải từ ngày Mở mắt rồi mơ. Có lẽ, còn từ trước đó nữa, trong dai dẳng phận người, cảm thức về sự trống rỗng đã phập phồng ngày khép xiêm y trinh bạch. Chẳng Giấc nào cất giữ được ý niệm trống rỗng, cũng như chẳng cơn mơ nào cứu rỗi được những lưu đầy từ tiền kiếp. Đêm nhiệt đới, lòng tay nhiệt đới có thể nào khác hơn là một đợi chờ giữa rưng rức tuyệt vọng, một khơi vẫy trong hoang mang, một âm ỉ khát giữa ngày mưa? Cơn mưa nào “tưới tẩm” những xanh non, giấc ngủ nào vỗ về những bất an, nối kết nào vượt qua những cách ngăn trống rỗng? Khắc khoải ấy là Mai trong định phận một người đàn bà trót nâng niu những gì bé mọn, trót thương yêu những gì mong manh, trót xót xa những điều khuất chìm thiếu vắng. Thiếu vắng cứ đầy lên dẫu lòng tay xít xao trũng xuống. Trong tàn tro bản thể, nhu nhú búp hoa đêm, e ấp, run rẩy mà trĩu đọng niềm hoài mong. Tàn tro bản thể là một dạng thái của vô thức đã hiện hình sau bao đêm âm ỉ. Mai không phải là ngọn lửa, thứ lửa thiêu đốt và réo gào hủy diệt. Mai thức bằng giấc mơ như tóc dậy một đêm mê mị, như vệt môi còn níu giữ sắc hồng đốm lửa, như khóe mắt còn ngân ngấn vì niềm xao xuyến nào chợt đi qua. Mai đến bằng giấc mơ, giấc mơ không lừa dối. Mai gọi bằng cơn mưa, cơn mưa dịu lành nửa bên kia vùng mây nhiệt đới. Có cơn mưa nào toan tính, do dự? Mưa hiện hình một mong ước kết nối, tưới tẩm, giao hòa. Mưa nữ tính mà cõi đời bạo liệt. Cách ngăn cứ mãi đầy lên thành những trống rỗng khổng lồ, thổi bùng cơn tuyệt vọng: dòng nhựa đắng trong em cũng đến hồi cạn kiệt/ có thể một ngày sẽ theo gót mưa giông/ đừng buồn nếu sớm mai kia từng bước em úa vàng chân cỏ/ đôi hài xanh nằm góc tối im lìm (Bên hồ). Vùng nhiệt đới và mưa - trạng thái động của nước, của mộng mơ, nhưng dịu nhẹ, không làm thành cơn thịnh nộ, mà mơn man ru vỗ. Mưa là thực tại thi ca của Mai trong bản nguyên của sự hiện hữu.
Tôi nhận ra, Mai buồn, như câu thơ của Mai: mây trũng lòng tay nhiệt đới. Lòng tay thì bé bỏng, khát vọng thì ắp đầy, mà mọi thứ trượt trôi, rơi rụng qua từng ngón mềm khép nép. Cách ngăn hay rơi rụng, cõi sống này chỉ là tiếc nuối vì những gì đã không thể nào giữ nổi. Điều đau đớn cũng là điều khác biệt, khiến cho chúng ta mang khuôn mặt con người chính là kí ức, là kỉ niệm. Những kỉ niệm của giọt máu nuôi từng hơi thở, hắt hiu giữ lại nhịp đập của từng sinh linh, đưa chúng ta đi qua từng cách ngăn, nuôi dưỡng tia hi vọng ở phía bình minh đang dậy. Thơ Mai, không quá quyết liệt, cũng chẳng thể gọi là khao khát tột cùng hay riết róng. Bởi lẽ, Mai chọn cho mình khoảng đêm để nương náu, cơn mưa để gọi mời, tiếng thở dài để kìm nén, đợi chờ. Lắm khi, lòng tay chợt thấy hoang mang vì hoài nghi chính mình. Sống giữa thời cách ngăn trống rỗng, có khi nào chính mình cũng trở thành một cô đảo, một đóng kín: ta cũng quên ta sau chỗ ta ngồi. Nghìn dấu môi không thắp lên một tia ấm áp trong “cõi người co ro”. Dự cảm của Mai, đôi mắt trẻ thơ hay chính là thực tại đã dày lên từ quá khứ. Niềm trống rỗng ken đặc những hoang mang, bủa vây từng chồi búp. Bao dung nào thức dậy cùng ban mai?
Bản mệnh của thơ Lữ Mai là nước- nước nguyên thể. Trong những dạng thức tồn tại của nó, nước hóa hình thành mây, thành sương, thành mưa, nước lưu đọng hình hài trong sông bể ao hồ… nhưng, ở đâu nước vẫn giữ vẻ mềm mại uyển chuyển, khả năng th ấm nhập và tưới tẩm (cũng nhắc lại ở đây khái niệm tưới tẩm mà Thích Nhất Hạnh đã dùng khi nói về khả năng hiện diện của một thực tại tinh thần hay hành vi nào đó của con người nhờ một sự sinh dưỡng lâu dài từ chủ thể và thực tại sinh tồn của chủ thể). Ai đó sẽ dừng lại để tra vấn về sự phổ quát của nước trong nhiều tượng hình nghệ thuật, nhưng tại đây, nước nguyên thể chỉ là hình hài có tính tượng trưng cho bản thể. Nước mở ra ý niệm về người. Nước nói lên phẩm tính dịu dàng (nhưng hãy cẩn thận, nước sẵn sàng cuộn dâng nhấn chìm khi bị dồn đẩy - khi này, như G.Bachelard chỉ ra, sự thịnh nộ của nước lại thuộc về nam tính). Với Mai, tại đây, nước là dịu lành, khỏa khát. Nước là cơ hội của kết nhập thân tình- trạng thái nữ tính. Trong thơ Mai, người ta ít thấy bão giông gào thét hay lũ lụt ngập chìm, hiện diện tạo thành khí hậu của thơ Mai là mưa. Những cơn mưa trong trời nhiệt đới dường như đã “vắt nửa mình sang thu” (Hữu Thỉnh). Dắt ngày vào đêm, thơ Lữ Mai làm nên những ảnh tượng ở chiều bên kia của ánh sáng, nơi mộng mơ thức dậy. Thơ chỉ là một hóa thân của mộng, một văn bản của vô thức (Lacan), một tiếng vọng của những gì không thể ngủ yên, không thể lụi tắt. Điều gì không ngủ yên, không lụi tắt khi bóng đêm phủ dày lên hết thảy? Chỉ có thể là những băn khoăn, khắc khoải về phận người, về nỗi đời, về những cách ngăn trống rỗng đang trương lên bao phủ kiếp người.
Lòng tay nhiệt đới - tôi không thể rời bỏ ý nghĩ này, cũng không thể gọi Mai bằng một hình dung khác, đủ đầy nắng mưa, đủ đầy nâng niu, mà cũng bé nhỏ, tội nghiệp quá chừng. Dường như, Mai cảm nhận rõ sự mỏng manh của cơn mưa rây từ giấc mộng, chẳng đủ để làm dịu lại những nỗi đời hanh khô cằn cỗi, chẳng đủ để cứu vớt ngay chính bản thân mình: mưa từ mắt nhỏ vào lòng/ vườn cũ thanh âm quá mỏng (Vườn phố). Thế nên, day dứt cứ nối dài vào đêm, hi vọng trĩu lòng tay đón hứng, mặc những ngón mềm có lẽ đã co ro.
Cho đến khi nào chúng ta nhận ra mình đã bị cuốn đi quá xa trong cơn bão của ngày nắng khát, của những rượt đuổi kéo nhau về vô nghĩa? Trở về với đêm để nương náu những hi vọng an lành, lắng cơn mưa dịu dàng trong vườn khuya yên tĩnh, mơ giấc mơ chồi búp trổ mầm… giản đơn mà thành diệu vợi. Thế nên, những gì hiện hữu từ Mai, hóa ra đã thấm vào ta như một nỗi niềm ăn năn hay một nhắc nhở dịu lành. Nhận ra ta ấy cũng là khi ta nhìn Mai một cách tròn đầy - đêm nhiệt đới mơ qua ngày trống rỗng
N.T.T