Thứ Hai, 08/11/2021 00:38

Ly Hoàng Ly - sự gặp gỡ giữa thơ và nghệ thuật trình diễn

Mới đây, phá vỡ không khí tĩnh lặng của đời sống văn học, một cuộc tranh luận đã nổ ra liên quan đến việc chọn lựa và giới thiệu chùm thơ của Ly Hoàng Ly trên số 1 (ra ngày 3/7/2021) của báo Văn nghệ bộ mới... (NGUYỄN THỊ KIM NHẠN)

. NGUYỄN THỊ KIM NHẠN
 

Mới đây, phá vỡ không khí tĩnh lặng của đời sống văn học, một cuộc tranh luận đã nổ ra liên quan đến việc chọn lựa và giới thiệu chùm thơ của Ly Hoàng Ly trên số 1 (ra ngày 3/7/2021) của báo Văn nghệ bộ mới. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra từ phía những người không đồng tình với cách lựa chọn này: Thơ Ly Hoàng Ly là thơ hay văn xuôi ngắt dòng? Việc chọn và giới thiệu một cách trang trọng thơ Ly Hoàng Ly trên Văn nghệ bộ mới, mà lại ở số báo đầu tiên vốn được kì vọng sẽ thể hiện được diện mạo mới cho một tờ báo văn chương có lịch sử lâu đời bậc nhất Việt Nam liệu có xác đáng? Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có thể hiện “con mắt xanh” thật sự khi chọn đăng lối thơ “tắc tị”, “bí hiểm”, “đọc không thể hiểu gì”? Trong khi đó, nhiều độc giả khen ngợi và tâm đắc với sự lựa chọn của tờ báo, coi đó là những vần thơ thể hiện những chuyển động của thời đại. Trước những phán xét, những luồng ý kiến trái chiều, bản thân Ly Hoàng Ly và Ban biên tập đều im lặng. Bỏ qua những quy kết và đố kị cá nhân, cuộc tranh luận cho thấy những khoảng cách và độ chênh rất lớn trong ngưỡng tiếp nhận của bạn đọc, phần đông là trong giới Văn nghệ sĩ.

Nhà thơ Ly Hoàng Ly

Nhìn ở một khía cạnh khác, cuộc tranh luận đã hâm nóng tên tuổi Ly Hoàng Ly, một nghệ sĩ thị giác tiên phong đồng thời là một nhà thơ lặng lẽ, gần như không có nhu cầu phát ngôn hay lập thuyết như nhiều nhà thơ đương đại khác. Ly trở lại bằng chính những bài thơ chị mới làm, và lần xuất hiện này, so với tập thơ đầu tiên được xuất bản (Cỏ trắng, 1999), khoảng cách là 22 năm. Sau 22 năm, Ly vẫn là điều gì đó mới mẻ, khó nắm bắt và không dễ hiểu với số đông bạn đọc. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, thơ Ly vẫn vẫy gọi, vẫn là nỗi ám ảnh đối với những người trân quý sự sáng tạo. Bài viết này không có tham vọng khái quát toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Ly Hoàng Ly mà chỉ đi sâu vào một khía cạnh của thơ tác giả này, đó là sự giao cắt giữa thơ ca và nghệ thuật trình diễn (performance art). Sự giao cắt này chính là một trong những điều làm nên cái khó nắm bắt, cái phi truyền thống nhưng cũng đồng thời là một khả thể cho những tìm tòi nghệ thuật mới mẻ mà một nhà thơ thực hành nghệ thuật thị giác đã khai mở cho thơ. Tôi coi sự gặp gỡ đó vừa như một cách tân nghệ thuật độc đáo ở thơ Ly, vừa như một phương thức cho những chất vấn khắc khoải về bản ngã và tâm thế sống của con người đương đại. Lấy việc phân tích bài thơ Performance photo như một minh chứng tiêu biểu, tôi sẽ làm sáng tỏ những vấn đề đó.

Bài thơ Performance photo nằm trong Lô lô (Nxb Hội Nhà văn, 2006) - tập thơ thể hiện rõ nét nhất thế giới nghệ thuật thơ Ly Hoàng Ly. Lô lô được tác giả sắp xếp làm hai phần. Phần I Khúc đêm là những bài thơ khắc khoải về thế giới tâm hồn người phụ nữ, trong đó, đêm như một nơi giãi bày, nơi kí thác, nơi những bóng tối và ánh sáng, những chiều kích sâu nhất của con người thức dậy một cách mãnh liệt (Đêm chảy lên trời, Sóng đêm, Lụt đêm, Đêm là của chúng mình...) Phần II Phòng trắng thể hiện nhiều hơn những chất vấn liên quan đến sự sống trải của con người và xã hội đương đại, cũng là nơi thể hiện những cách tân nghệ thuật đặc trưng của thơ Ly: sự lai ghép giữa thơ và nghệ thuật thị giác (Phòng trắng, Người đàn bà và căn nhà cổ, Ăn xin hạnh phúc, Hành xác và thử nghiệm...) Bài thơ Performance photo thuộc về phần II này.

Ngay tiêu đề của bài thơ - Performance photo - đã cho chúng ta thấy dấu ấn của nghệ thuật trình diễn, một trong những loại hình nghệ thuật thị giác mà Ly theo đuổi và trở thành nghệ sĩ tiên phong, gặt hái được ít nhiều thành công cả trong và ngoài nước. Vậy sự lai ghép giữa thơ và nghệ thuật trình diễn đã diễn ra như thế nào?

Nếu như thơ là nghệ thuật của ngôn từ, làm thơ là chưng cất ngôn ngữ thành nghệ thuật thì performance art lại là nghệ thuật của những trình diễn hành vi và thân thể con người. Trong nghệ thuật trình diễn, tác giả sẽ trực tiếp truyền đạt những thông điệp nghệ thuật bằng các hoạt động diễn xuất trực tiếp, buộc người xem phải đối diện với các vấn đề của cuộc sống. Là một loại hình non trẻ và đa chất liệu, performance art cho phép người nghệ sĩ phá bỏ ranh giới của các loại hình nghệ thuật: hội họa, âm nhạc, sân khấu, phim ảnh... để phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật mang tính tổng hợp. Do đó, performance art chính là nghệ thuật của không gian, nơi khán giả được chiêm ngưỡng một thế giới thu nhỏ qua những cử chỉ và hành vi, sự di chuyển và tiếng động của con người. Dù là bộ môn đa chất liệu, nhưng performance art vẫn lấy thân thể con người làm chất liệu chính, như nghệ sĩ trình diễn gạo cội Marian Abramovic bày tỏ: “Sự trình diễn là khoảnh khắc người trình diễn với ý tưởng của mình bước chân vào cấu trúc thể chất mang tính tinh thần (mental physical contruction) trước khán giả trong một thời điểm cụ thể.” Ý tưởng này cũng gặp gỡ với nhà nghiên cứu Như Huy khi anh cho rằng: “Thân thể con người, nhìn từ một góc độ nào đó, là một biểu tượng trực tiếp nhất của căn tính (identiny) và tự ngã (itself), do đó, trở nên chất liệu thích hợp nhất dùng để diễn bày các khảo vấn về chính các chủ đề căn tính và bản ngã trong một môi trường toàn cầu hóa và hậu thuộc địa.”

Như vậy, thơ và nghệ thuật trình diễn, một bên là nghệ thuật của thời gian, lấy ngôn từ làm chất liệu biểu đạt, một bên là nghệ thuật của không gian, lấy thân thể người nghệ sĩ làm chất liệu chính, sẽ gặp gỡ như thế nào trong thơ Ly Hoàng Ly? Trong bài thơ Performance photo, Ly đã hóa giải những khác biệt đó bằng tài năng ngôn ngữ của một nhà thơ và ý tưởng táo bạo của một nghệ sĩ tạo hình. Performance photo là một tác phẩm kép. Ngôn ngữ thơ Ly tái hiện một nghệ sĩ trình diễn (performer) đang trình diễn cuộc đời mình.

Nếu trong nghệ thuật trình diễn, không gian và thời gian xác định là một tiêu chí quan trọng cho những thực hành của nghệ sĩ thì ở bài thơ Performance photo, Ly cũng đã phác ra cho nhân vật một bối cảnh của những trình hiện thân thể. Bài thơ mở đầu bằng một không gian đầy tính ám dụ:

Những bức chân dung photo nhoè nhoẹt dán tứ tung trên tường

Ghi hình những trạng thái khác nhau của cùng một gương mặt

Cười - khóc - giận dữ - vui vẻ - yêu đương - thất lạc - khổ đau - hạnh phúc

Cuộc đời gói gọn trong bốn bức tường

Nắng hắt vào đêm soi vào mưa táp vào gió quất vào

Những bức chân dung mỗi ngày thêm nhoè nhoẹt

Đọc những câu thơ này, bất cứ ai trong chúng ta cũng gặp mình trong đó. Thời gian khắc nghiệt sẽ cuốn trôi mọi thứ. Là động vật có kí ức và ngập tràn nỗi sợ hãi, con người luôn có khát khao lưu giữ những hình ảnh của mình. Chụp ảnh là một cách để lưu giữ những khoảnh khắc. Nhân vật trong bài thơ, một người phụ nữ như bất kì ai trong chúng ta đã tạo ra một cuộc sắp đặt - “dán tứ tung” những bức ảnh chân dung trên tường. Những bức chân dung ấy là của một người duy nhất: Ghi hình những trạng thái khác nhau của cùng một gương mặt. Các động từ tình thái cười - khóc - giận dữ - vui vẻ - yêu đương - thất lạc - khổ đau - hạnh phúc chỉ những trạng thái, những cung bậc cảm xúc của cô. Và, như tác giả đã bộc lộ, bộ sưu tập những bức ảnh chân dung đó toát lên thần thái, nói lên cuộc đời của chính chủ thể: Cuộc đời gói gọn trong bốn bức tường. Điều đáng nói là, ngay cả khi cuộc đời tưởng như đã gói gọn trong bốn bức tường thì thời gian và những xô đẩy liên tiếp của cuộc sống vẫn không thôi phủ bóng, in hằn lên chủ thể: Nắng hắt vào đêm soi vào mưa táp vào gió quất vào/ Những bức chân dung mỗi ngày thêm nhoè nhoẹt. Từ đầu đến cuối, đoạn thơ ám ảnh người đọc bởi sự xếp đặt lộn xộn tứ tung, sự mờ nhòe, hoen ố, tình cảnh bị xói mòn của những bức ảnh. Tất cả nói lên tính chất bi thương, xộc xệch của đời sống con người. Nếu như photo là phóng dụ về đời người, thì hẳn đó là một biểu tượng nghệ thuật trong tính trọn vẹn nhất của nó.

Như vậy, chọn photo làm chất liệu hình ảnh, Ly Hoàng Ly đã tạo ra một biểu tượng về cuộc đời mà mỗi chúng ta vẫn vô thức trưng bày, phơi mở. Nhân vật trong thơ Ly dường như đã có đủ đầy một cuộc đời, cũng như người thưởng thức dường như đã nếm trọn mọi cung bậc của nhân sinh. Nhưng nếu chỉ dừng lại như vậy, bài thơ có duyên mà vẫn không thể níu giữ độc giả. Nghệ thuật thị giác cũng như vậy, nếu như tác phẩm là những gì dễ thấy, những xếp đặt có thể đoán trước thì nghệ sĩ sẽ thất bại. Chính ở chỗ này, Ly đã làm xuất lộ một trình diễn mang tính nghệ thuật của người phụ nữ. Cô sẽ làm gì nữa khi đã có tất cả những hỉ nộ ái ố?

Người phụ nữ tự trói mình

Người phụ nữ bảo mọi người này anh này chị ơi hãy trói tôi lại

Trong tư thế trói gô

Người phụ nữ tự mỉm cười thỏa mãn vì bị trói gô

Ngôn ngữ của thơ cho chúng ta tưởng tượng về người phụ nữ đang tự nhìn lại cuộc đời qua những bức chân dung nhòe nhoẹt dán tứ tung trên tường. Những bức ảnh chính là một phiên bản của cô, phơi bày cuộc sống của cô. Nhưng dường như cô vẫn không tự bằng lòng với cuộc đời ấy, với phiên bản ấy, một phiên bản câm lặng, bị định hình. Cô thực hiện một hành động chưa từng có trong đời: van nài khẩn thiết những người xung quanh trói mình lại. Đây là một hành động gây kinh ngạc cho người đọc và chắc hẳn cũng gây kinh ngạc cho “mọi người”, cho những “anh”, những “chị” chứng kiến sự cầu khẩn của người phụ nữ kì dị. Với hành động ấy, cô bước vào một thế giới nghệ thuật tự tạo. Vì sao vậy? Không thể dự báo, không thể tiên lượng, đó mới là bản chất của nghệ thuật, nói như Iu.M.Lotman: “Nghệ thuật cung cấp cho ta cuộc đi trên những con đường mà ta đã không trải qua, tức là những gì đã không xảy ra. (...) Nghệ thuật bao giờ cũng là một khả năng thể nghiệm cái chưa bao giờ trải qua, là kinh nghiệm về những điều chưa xảy ra. Hay là kinh nghiệm về những cái có thể xảy ra.” Đặt trong chỉnh thể bài thơ, tự trói mình cũng là một hành động chứa đựng sự bất tuân và phản kháng. Người phụ nữ phản kháng với ai? Có lẽ với chính cái hình hài, cái phiên bản mờ nhòe trên tường kia, hay cũng có thể, với cái đã được định hình, đã được khung khổ hóa.

Lấy chính thân thể của mình làm chất liệu cho một trải nghiệm khác lạ, chưa từng có trong đời mình, cũng chưa từng có trong mắt “mọi người”, người phụ nữ thỏa mãn vì được trình diễn toàn bộ cuộc đời mình, theo một cách khác hoàn toàn với những bức tranh trên tường:

Trong tư thế trói gô

Người phụ nữ tự mỉm cười thỏa mãn vì bị trói gô

Rồi cười sặc sụa chảy nước mắt

Rồi bỗng mếu rồi bỗng khóc

Rồi giật đùng đùng

Rồi gào lên ấm ức

Rồi rú lên tuyệt vọng

Gục xuống

Giẫy giẫy

Tắt ngấm

Tới đây, Ly đã để cho người phụ nữ đó hoàn toàn làm chủ không gian nghệ thuật của mình. Cô ta thay đổi trạng thái liên tục: “cười sặc sụa chảy nước mắt”, “bỗng mếu rồi bỗng khóc”, “giật đùng đùng”, “gào lên ấm ức”, “rú lên tuyệt vọng”, “gục xuống”, “giẫy giẫy, “tắt ngấm”. Những hành động mạnh mẽ, dứt khoát nói lên những cảm xúc mãnh liệt mà ở trạng thái nào, nó cũng được đẩy đến tận cùng. Điều đáng chú ý là cái cười, cái khóc, cái tuyệt vọng, cái ấm ức ở đây khác hẳn với những trạng thái “cười - khóc - giận dữ - vui vẻ - yêu đương - thất lạc - khổ đau - hạnh phúc” dường như đã bị đông cứng trong những tấm ảnh bất động trên tường, tiếp tục bị thời gian làm cho nhòe nhoẹt và sẽ ngày càng mất sức sống hơn. Bằng chính những hành động kì quặc đó, cô đã đập tan những bức ảnh xơ cứng kia, đập tan cuộc đời mờ nhòe đi theo năm tháng kia, đập tan cái phiên bản cũ kĩ định hình nên cô. Phơi mở toàn bộ, phơi mở tận cùng những trạng thái của thân thể trước khán giả, người phụ nữ đã tự rũ bỏ hình hài cũ, cũng là tự lột xác chính mình.

Ở đây, ngôn ngữ thơ đã nhường bước cho người nghệ sĩ lột xác trên sân khấu với những sắc thái dữ dội nhất. Vậy sau khoảnh khắc cuối cùng “tắt ngấm”, người phụ nữ còn lại gì?

Những bức chân dung nhoè nhoẹt trên tường

Bỗng trắng toát

Trong tư thế trói gô

Người phụ nữ không tìm thấy xác mình

Chỉ thấy rêu xanh lét chân tường

Chỉ thấy đêm đầm đìa nước mắt…

Thơ Ly tiếp tục cho độc giả những tưởng tượng. Người phụ nữ kì lạ kia dường như đã gục xuống cho một khoảng lặng, nhưng khi cô kết thúc những hành động dữ dội lạ lùng cũng là lúc những vật thể quanh cô trở nên bất thường. Và lúc này, ngôn ngữ của nghệ thuật trình diễn đã nhường chỗ cho ngôn ngữ thi ca cất tiếng: Những bức chân dung nhoè nhoẹt trên tường/ Bỗng trắng toát. Kì dị đến mức siêu thực, trạng thái “bỗng trắng toát” kia đã xóa sạch dấu vết của những bức chân dung hoen ố trên tường, đến mức chỉ còn nhận ra những mảng “rêu xanh lét chân tường”, như nhắc nhở rằng, dù thế nào, thời gian vẫn cứ trôi. Đây phải chăng chính là sự vong hóa của cái-tôi-bị-mặc-định, sự biến mất hoàn toàn của chủ-thể-bị-định-hình? Khi sự vong hóa diễn ra triệt để tới mức “người phụ nữ không tìm thấy xác mình”, thì một cái tôi mới ra đời. Người phụ nữ đã chính thức được lột xác:

Trong tư thế trói gô

Người phụ nữ không tìm thấy xác mình

Chỉ thấy rêu xanh lét chân tường

Chỉ thấy đêm đầm đìa nước mắt…

Chối bỏ tình thế bị đông cứng, người phụ nữ muốn định hình lại cái tôi mới cho mình. Tất cả những hành động khó hiểu, kì quặc của cô, một lần nữa, chứa đựng tinh thần phản kháng, khước từ những định chế, ngay cả định chế do chính mình tự tạo. Đây chính là tinh thần của nghệ thuật trình diễn, lấy sự trình diễn thân thể làm chất liệu cho những chất vấn về căn tính và nhân tính. Đó cũng chính là tinh thần của thơ ca, luôn tìm cách khám phá chiều kích không ai nhìn thấy được, không ai lường trước được của thế giới tâm hồn con người, nơi những mong manh và mạnh mẽ, bí ẩn và phổ quát luôn ẩn nấp trong mỗi thực thể chúng ta. Mang ý niệm trình diễn vào thơ, Ly Hoàng Ly đã tạo nên cuộc hôn phối giữa thơ và nghệ thuật trình diễn để từ đó cất tiếng nói chối bỏ những áp đặt, phá bỏ những khung khổ và thể hiện bản sắc, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ đương đại.

Từ một bài thơ đa chất liệu, chúng ta thấy sự giao cắt giữa ngôn từ nghệ thuật của thơ ca và trình diễn thân thể của loại hình performance art. Đằng sau những giao cắt đó là tiếng nói của người nghệ sĩ không chịu khuôn mình trong một dạng thức, không dừng lại ở một loại hình nghệ thuật nào - một chủ thể luôn đập vỡ cái đã có để tái tạo và khám phá chính mình. Cách thế sống đương đại ấy, khi được đặt trong vai trò kẻ sáng tạo, đã giúp Ly Hoàng Ly tạo tác những nhân vật, những con người không chịu khuôn định, bất tuân. Performance photo vì thế giống như một tuyên ngôn của Ly về sự tung phá, quẫy đạp, không chỉ của cái tôi, mà còn là sự tung phá của thơ ca trong khát vọng khai phóng.

N.T.K.N