Thứ Hai, 09/11/2020 06:45

M.

Những điều tôi biết về một cô gái có tên là M. đều xoay quanh chuyện cô ta đã chết. Phải, M. đã chết. Một cô gái tên M... (Truyện ngắn của NGUYỄN DƯƠNG QUỲNH)

. NGUYỄN DƯƠNG QUỲNH

Những điều tôi biết về một cô gái có tên là M. đều xoay quanh chuyện cô ta đã chết. Phải, M. đã chết. Một cô gái tên M. đã gieo mình từ tầng bảy của tòa nhà tôi đang làm việc. M. đã chết. M. đã chết, tôi biết về cái chết của M. trước khi biết là M. tồn tại. Trong lòng tôi, M. chưa kịp sống, dù chỉ như một bóng ma lướt qua giữa ngàn người trên đường đời, thì đã hóa thành một cái chết im lìm lạnh buốt như băng. Tất cả những gì tôi biết về một cô gái có tên là M. đều bắt nguồn từ chuyện cô ta đã chết.

Khi tôi muốn biết về cô, thì cô đã không tồn tại nữa rồi. Dù có nghe bao lâu, thì cũng chỉ là đồn đại đấy thôi. Đều đã là hình ảnh qua mắt nhìn người khác, đã vặn vẹo biến tướng đi nhiều rồi. Cầm những thứ thảm hại ấy trên tay, như những tấm hình chụp bằng một chiếc máy kĩ thuật số, chỉ là đang xem di ảnh của người chết. Bức ảnh vẫn sắc nét tươi màu, nhưng phần hồn đã cuốn theo người trong ảnh đi vào cõi khác rồi.

Tất cả những gì tôi biết về M. đều xuất hiện từ sau khi cô ấy chết.

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

Chiều ấy tôi về kể lại với nàng, rằng hôm nay ở chỗ tôi làm có một cô gái tự sát. Nàng không ừ hử gì, chỉ chống tay lên bàn, cũng chẳng buồn nhìn tôi ăn. Tôi biết nàng mệt. Cũng làm từng ấy tiếng, về còn phải lo chợ búa nấu nướng. Mệt đến bã người. Mệt đến mức không muốn nói chuyện. Đến mức không muốn ăn nữa. Còn sức đâu mà quan tâm đến người đã chết rồi.

Chúng tôi dọn vào với nhau đã sáu tháng. Đêm nào cũng nằm ngủ mê mệt như bị đánh thuốc mê. Cũng chẳng còn mấy chuyện để nói. Như thế này, liệu đã là chán nhau chưa?

“Canh cải”.

Tôi ngẩng đầu lên. Vẫn không hiểu có đúng là nàng đang nói không.

“Tuần này em đã nấu đã ăn canh cải được năm lần rồi. Mình đã ăn canh cải năm lần rồi”. Nàng giải thích, xòe ba ngón tay hờ hững. “Canh cải nấu với thịt bò”. “Ừ”. “Đã năm lần rồi.” Nàng lặp lại. Giọng nàng có vẻ bực bội. Như thể nàng không phải chính là người nấu. “Anh biết em bận”. Tôi múc chén canh đưa lên miệng. “Mà anh cũng về trễ. Có ăn là tốt rồi, anh chẳng yêu cầu gì nhiều đâu”.

Chúng tôi không nói gì nữa. Cho đến khi tôi ăn xong.

“Đêm nay có khi mưa”. Tôi nói một câu hoàn toàn vô nghĩa, và dĩ nhiên là không nhận được câu trả lời.

Đến khi chúng tôi đi ngủ, đến khi tôi nằm trên giường nghe tiếng nàng tắt công tắc điện và kéo chăn nằm xuống cạnh mình, nàng mới đột ngột hỏi: “Cái cô tự sát ở chỗ anh ấy, tên gì?”.

Tôi trả lời trong cơn mê ngủ mỏi mệt:

“M”.

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

M. là một nhân viên bình thường ở siêu thị dưới tầng một. Tầm thường thì đúng hơn. Không có nhan sắc, cũng chẳng giỏi nói chuyện. Loại người yên lặng không mấy đáng chú ý, và cũng chẳng có gì để người ta chú ý. Cẩn thận, chỉn chu, cũng không hẳn là biệt lập lắm đâu, mà còn có thể coi là khá hòa nhã. Bạn bè thì có, còn người yêu thì không. Ăn trưa một mình hay với một vài người bạn bằng cơm hộp mua ở phía đối diện tòa nhà.

M. sống một mình ở một căn phòng trọ phía nam thành phố. Khi người ta đến khám phòng cô để tìm một cái gì như một bức thư tuyệt mệnh, thì thấy căn phòng hoàn toàn ngăn nắp, và trống trải một cách khó hiểu. Trên bàn ăn ở nhà M. có tờ báo đánh dấu vài bộ phim trên tivi. Trong túi cô đi làm có vài mẩu giấy ghi những thứ lặt vặt cần mua. Có cái hẹn đi cắt tóc với người bạn học cũ. Hai giờ sau đó, lúc mọi người không chú ý, cô bước lên sân thượng theo lối cầu thang ẩm ướt vì những cơn mưa tháng mười một, trèo qua hàng rào, và buông mình xuống dưới.

Lúc ấy tôi đang ở tầng sáu, đang tự hỏi không biết có tin gì hay ho cho số báo ngày mai không thì bỗng nghe ngoài kia có tiếng xôn xao. Mở cửa nhìn xuống thì thấy dưới nền xi măng, M. nằm đó, sõng soài, như một cành hoa tan nát.

Cả tầng lầu tôi đều nhìn ra ban công, và đều yên lặng chìm đắm trong cơn sốc. Nhưng mười lăm giây, chỉ mười lăm giây thôi, chúng tôi đã hồi tỉnh và làm những việc cần làm.

Sau đó thời gian như nhòe nhoẹt cả vào nhau, cuốn đi với một tốc độ mà tôi cũng không hiểu mình đang làm chuyện gì nữa. Cảnh sát đến. Tôi đi theo họ khám căn hộ của M., một phần vì phải viết bài, dù chỉ là một mẩu tin ngắn ngủi ở mặt sau của tờ báo địa phương. Và đó là lí do tại sao tôi biết về cuộc đời cô, hay là biết về cô qua những hình ảnh phản chiếu còn sót lại. Tôi chỉ còn bắt được cái bóng còn lưu lại khi cô bước qua mà thôi

“Vậy thì tại sao cô ấy lại chết?”. Tôi buột miệng giữa lúc gõ tin tức.

Thụy, người bạn đồng nghiệp vẫn tựa tay vào máy tính, nhìn tôi chăm chú, rồi hỏi thêm:

“Thế cảnh sát bảo sao?”.

“Họ vẫn đang điều tra thì phải”.

Thụy nhếch mép cười. Y nói, chẳng có gì để điều tra cả. Một cô gái hai mươi tám tuổi bước ra khỏi nhà với những thứ tủn mủn trong ngày, mà thật ra ai mà chẳng vậy. Thế rồi vài tiếng sau cô ấy leo khỏi hàng rào rồi nhảy xuống đất. Đó là chuyện đã xảy ra.

“Phải có chuyện gì để cô ấy muốn nhảy từ trên lầu xuống đất chứ!”.

“Nhưng tại sao phải có chuyện gì? Mà nếu có chuyện gì thì đã sao?”.

Thụy nhướn mày.

“Không sống được thì chết, thế thôi. Ngày mai, có thể tớ hay cậu cũng thành tin trên báo. Suy diễn người ta sống chết vì lí do gì, thì có ích gì chứ?”.

Tôi không trả lời, vẫn nhìn vào màn hình vi tính. Thụy bỏ đi. Y vẫn ác miệng như thế.

Học chung với Thụy từ đại học, tôi biết người ta đồn Thụy ác. Nịnh trên nạt dưới. Có thể gọi là đáng khinh. Đồng nghiệp ngại, đám sinh viên tập sự căm thù. Bài viết của những đứa thực tập sinh Thụy không thích, Thụy đều mang ra chế giễu cười cợt, rồi gấp máy bay giấy hết.

Hôm nay cũng vậy, những tờ giấy gấp máy bay vương vãi khắp trên bàn. Làm sao tôi còn là bạn của Thụy, tôi cũng không hiểu nổi. Tôi nhớ rằng, mấy ngày trước, tôi có thoáng thấy Thụy là người duy nhất hoàn toàn bình thản uống trà trong phòng khi cô gái nọ rơi xuống đất. Có thể Thụy ác thật. Cũng có thể là rối loạn tâm lí khi đột nhiên quyết định bỏ thuốc. Mà trời tháng mười một thì thiếu nắng đến quay quắt.

*

*       *

Tôi trở về nhà lúc bảy giờ rưỡi. Nghe tiếng nàng nấu ăn trong bếp. Ngửi mùi nước sôi tôi cũng biết là canh cải, lòng không cố ý mà chợt thấy cợn cợn. Nàng vẫn chưa thay quần áo, không nhìn sang tôi, nàng lặng lẽ nêm thức ăn, có vẻ đã quá quen nên cứ thuận tay mà làm không cần nếm thử. Người tôi đầy bụi bặm và mồ hôi. Nhưng chưa muốn tắm, nên chỉ rót nước ngồi nhìn nàng nấu.

Nàng nhấc nồi canh xuống bếp.

“Hôm nay lại canh cải”. Nàng tuyên bố tỉnh bơ. “Anh biết”. Chúng tôi im lặng. Và tôi nói: “Nếu như em mệt quá thì để chuyện bếp núc cho anh cũng được”. “Chuyện không phải thế”. Nàng nói khô khốc, bắt đầu dọn bàn ăn. Tôi nghĩ mình nên đi tắm, nhưng chỉ cởi thắt lưng rồi cầm lấy đũa. Nàng cầm lấy đũa. Rồi chợt nhìn tôi chăm chăm, nàng nói, nàng cần đi tắm. Tôi nhắm mắt nghe tiếng nàng xả nước trong buồng tắm, nằm đếm thời gian trôi qua.

Khi nàng bước ra thì cơm canh đã nguội ngắt. “Em xin lỗi”. Nàng nói. Tôi lắc đầu, bảo nàng lỗi gì ở đây, nóng nực thì phải đi tắm thôi. “Không phải chuyện đấy”. “Thế là chuyện gì?”. “Về canh cải đấy mà”. Nàng múc canh vào chén, nói đều đều. “Rõ là sáng nay em không định nấu canh cải đâu. Thế mà bước ra khỏi chợ giật mình đã thấy như thế rồi. Chẳng kịp nghĩ suy gì cả”. Nàng lặp lại một lần nữa, với một sự hối hận chân thành khiến tôi gần như tê liệt không nói được gì. “Đã định nấu một món gì khác cho anh, thế mà…”. “Chẳng sao đâu. Đôi lúc anh cũng cảm thấy thế”. Cảm thấy gì? Nàng nhìn tôi dò xét. “Cứ muốn làm một việc gì đó, thế mà bước chân ra khỏi nhà, lại bị cuốn đi mất”. Nàng đặt chén canh trên bàn, rồi hỏi tôi, ngày hôm nay có chuyện gì xảy ra không? “Em thì dạo này có chuyện gì không?”. “Thì đã nói với anh rồi”. Nàng trả lời thờ ơ. “Không phải chuyện canh cải đâu”. Tôi buông chén cơm, nhìn thẳng vào nàng. Ánh mắt người con gái tôi đã quen bấy lâu nay chợt biến đổi kì dị. Nàng ngẩng đầu nhìn lên tôi như đang thách thức.

Căn phòng nhỏ chợt nóng, ngột ngạt.

“Chỉ là chuyện canh cải thôi, không có gì khác”.

“Không thể chỉ là chuyện canh cải được. Nhất định phải có chuyện gì khác rồi. Anh không ghét canh cải. Ừ thì ăn suốt một tuần cũng ngán thật đấy, nhưng nhất định đã có chuyện gì đó xảy ra rồi nên em mới tỏ ra khó chịu đến thế. Canh cải chỉ là cái cớ thôi”.

Nàng im lặng rồi nói, nếu tôi đã ngán canh cải đến vậy, nàng sẽ làm món khác.

Chúng tôi cãi nhau tối hôm đó. Tủn mủn chẳng vì lí do gì. Nàng khăng khăng, đây chỉ là chuyện của nàng và món canh cải mà thôi. Không có gì khác. Tại sao tôi không thể chấp nhận mọi việc như là nó vẫn thế? Tôi phải truy ra nguyên nhân để làm gì?

Tôi không thể trả lời nàng. Tôi vốn tệ với những câu hỏi trực diện như thế. Nàng không nói gì, chỉ lẳng lặng ăn. Tôi nhìn chăm chăm vào mảnh trăng ngoài cửa sổ. Chợt nhớ đến ánh trăng loang trên dòng sông ở quê nhà. Trong lòng tôi, những câu trả lời cũng đang trôi nổi trên sóng nước như thế. Mỗi lần tôi cố gắng chạm đến, chúng lại tan ra mất.

*

*       *

“Cãi nhau với bồ hả?”.

Thụy nói thẳng vào mặt tôi.

Tối đó tôi mượn cớ ra ngoài trả đồ cho Thụy. Y đã nghỉ làm mấy ngày rồi - tôi có giữ đồ của y thật, nhưng trả đồ chỉ là cái cớ ra khỏi nhà, để tránh nàng, và tránh nỗi bất an cứ lớn dần trong dạ. Sao mà đoán được hay thế? Thụy nheo mắt. Đôi mắt màu xám nhạt vốn trông đã lạnh lùng, giờ lại thêm vẻ độc ác. Y không trả lời, tiếp tục cắm mặt ăn cháo.

“Thế làm sao mà cãi nhau đấy?”.

Tôi im lặng, nhìn chăm chăm vào tờ báo trước mặt. Nhưng y vẫn không rời mắt khỏi tôi. Cuối cùng khó chịu, tôi đành phải nói.

“Vì canh cải đấy”.

Thụy tròn mắt. Thế rồi y bắt đầu cười. Điệu cười của y rất khó chịu. Cảm giác bực bội đè nén trong lòng khiến tôi khó chịu hơn. Chỉ muốn đấm vào mặt y. Nhưng biết chuyện đó vô lí, nên thay vào đó tôi thò tay vào túi tìm bật lửa.

“Mà thế là cậu và người yêu cãi nhau về chuyện canh cải thật à?”. Tôi không trả lời. Một lát, tôi nói: “Kệ cô ấy đi. Chắc chỉ đang bực dọc chuyện gì thôi. Ngủ một đêm chắc sẽ ổn lại”. “Chuyện gì đã khiến cô ấy để cậu ăn canh cải thịt bò cả tuần, mà có thể ngủ một đêm thì ổn lại ư?”. Thụy hỏi lại sắc lẹm. Y nói, nếu là y, nhất định cũng sẽ hỏi. Ít nhất ăn canh cải nhiều đến thế, tôi không thấy buồn nôn ư?

Tôi im lặng. Thật ra, cho tận tới khi nàng nói, tôi mới nhận ra.

Thụy ăn cháo xong, lại trèo lên giường nằm tiếp. Tôi vẫn ngồi trên ghế, yên lặng. Cuối cùng mới chợt buột miệng:

“Tớ có thể hỏi một câu được không? Lúc buổi sáng, vì sao cậu tỏ vẻ khó chịu đến thế? Lúc tớ hỏi tại sao M. chết ấy”.

Thụy ngẩng đầu lên trên trần.

“Vì chuyện đó ác lắm… Dẫu sao thì cô ta đã chết rồi. Ngồi suy diễn vì sao cô ta chết, có đúng hay sai cô ta cũng không cãi được nữa. Người ta cứ cố tìm ý nghĩa cho mọi chuyện… Nhưng phần đông những thứ ta làm trên đời, vốn chẳng có ý nghĩa gì mà”.

Thụy cảm thấy chuyện đó cứ tàn nhẫn thế nào ấy. Rồi y lẩm bẩm, chỉ sống qua từng ngày đã đủ mệt rồi.

Tôi ngồi nhìn hai bàn tay một lát, rồi khẽ lắc đầu.

“Nhưng nghĩ như thế thì mỏi mệt quá… Cậu chẳng lẽ không có mơ ước hay mong mỏi gì sao”. “Phi công lái máy bay trên trời đấy… Lúc nào còn bé, tớ cũng mơ được bay lên bầu trời”. “Thế về sau sao lại thôi?”. “Tớ bị tim bẩm sinh mà, sống được đến giờ là quý rồi, chứ bay sao nổi”. Trên giường, Thụy nhắm mắt, khẽ cười. Những đường nét có vẻ rất cay nghiệt trong biểu cảm thường lệ của y dịu đi. “Nhưng giữ gìn quá cũng mệt lắm. Đôi lúc, nếu có thể bay lên thì tốt. Cũng như M…”.

Tôi vẫn còn ngây người, chưa từng nghe kể tới căn bệnh này của y. Cuối cùng mới có thể lẩm bẩm:

“Cô ta là rơi xuống, không phải bay lên”.

“Khi người ta chưa chạm đất, thì rơi xuống hay bay lên… cũng chẳng khác gì nhau”.

*

*       *

Ngày hôm sau ấy, Thụy không đến. Mấy cái máy bay giấy nằm chỏng chơ. Gọi điện cũng không liên lạc được. Gần trưa có người gọi điện tới thông báo y nhập viện từ đêm khuya hôm qua. Chẳng biết có phải do đau tim thật không. Hình như y may mắn sống sót nhờ bạn cùng phòng phát hiện cơn bệnh giữa khuya.

Tôi trở về nhà lúc mười giờ tối. Cửa nhà khóa. Bên trong tắt đèn. Canh cải vẫn ở trên bếp. Đồ ăn được bọc lại. Mọi thứ gọn gàng ngăn nắp. Chỉ có nàng là không thấy đâu.

Điện thoại của tôi không có tin nhắn.

Ngồi trên bàn, tôi nhìn chằm chằm vào cái điện thoại. Tôi múc canh cải trong bếp ra ăn với chỗ cơm còn lại. Canh cải dễ ăn, dễ nuốt, và không có gì lạ. Cứ thế trôi tuột qua cổ họng như thời gian tàn lụi vào đêm tối. Mọi chuyện đều bắt đầu từ đây chăng? Tất cả đều bắt đầu từ giữa nàng và món canh cải. Lối suy luận ngược đời ấy khiến tôi bật cười, dù cảm thấy sao mà không cười nổi. Vẻ căng thẳng trên mặt nàng, như muốn nói, không, còn điều gì khác nữa. Chuyện tôi đã thấy, chỉ như váng dầu trên nồi canh mà thôi.

Đúng lúc đó, điện thoại của tôi chợt reo.

Bên kia đầu dây là nàng. Bình thản như không hề có chuyện gì cả, nàng hỏi tôi đã về chưa. Nàng chỉ đi ra ngoài để mua thêm thức ăn mà thôi. Nàng hỏi tôi có muốn ăn thịt heo quay không. Nàng bảo, nàng cũng đã ngán canh cải rồi. Và chuyện chiều nay chỉ vì nàng bối rối, thấy mình có lỗi mà thôi. Nàng nói nhanh như không để cho tôi nói. Không có gì đáng lo cả, nàng trấn an tôi, không có gì đáng lo cả.

Tôi im lặng.

Bên kia đầu dây, giọng nàng càng gấp gáp. Có gì đâu mà tôi phải lo lắng vậy? Tôi vẫn im lặng. Bên kia điện thoại của nàng, tôi nghe tiếng ồn ào của xe cộ một ngày cuối năm. Thế rồi nàng hỏi, rất chậm rãi, mà cũng rất đột ngột:

“Anh có thương M. không?”.

Câu hỏi đó làm tôi ngạc nhiên, vội nói:

“Anh không hề biết cô ta. Trước khi cô ta rơi xuống, anh còn không biết cô ta tồn tại”.

“Em biết, em biết điều đó”.

Nàng nói, rồi lặp lại, thật chậm rãi.

“Nhưng dẫu vậy, anh có thương M. không?”.

Tôi có thương M. không?

“Luôn luôn. Luôn luôn”.

Tôi trả lời sau một khoảng lặng dài. Tôi chờ câu trả lời của nàng, nhưng nó không đến. Tôi nghe thấy tiếng xe cộ một chiều cuối năm nơi nàng đang đứng, nghe cả tiếng thở và sự hiện diện của nàng.

“Em về ngay đây”.

Nàng cất giọng, dịu dàng đột ngột. Rồi tất cả âm thanh chợt im bặt. Nàng tắt máy, như cầm kéo cắt xoẹt những sợi dây vô hình nào trong không gian…

N.D.Q