Thứ Hai, 29/03/2021 11:21

Mái nhà xưa yêu dấu

Rất nhiều năm sau này tôi thường xuyên mơ về ngôi nhà của tuổi thơ. Có những giấc mơ hiện lên cả hai ngôi nhà cũ và mới. Nhưng nhà mới sao mà xa lạ, để rồi thế nào tôi cũng vòng về nhà cũ.

Năm tôi vào học cấp ba thì gia đình chuyển nhà ra phố. Nghe có vẻ xa xôi nhưng nếu nhà cũ ở xóm Chùa Cuối (cách sân vận động Chùa Cuối- nay gọi là sân vận động Thiên Trường chừng nửa cây số) thì đến nhà mới trên phố Lê Hồng Phong (gần hồ Vị Xuyên) chắc chỉ khoảng ba cây số. Nhưng đó là một cuộc chuyển dời lớn lao đối với tôi. Tôi phải tạm biệt ngôi nhà ba gian giữa khu vườn rộng một sào bắc bộ, quanh năm cây cối xanh tốt để về sống một ngôi nhà hai tầng mầu xanh cũ kĩ rộng chừng 50 mét vuông không có một cái cây nào. Nhà cũ bán được 4 cây vàng, nhà mới 7 cây vàng, thành thử bố mẹ tôi phải gom góp bù thêm 3 cây vàng cho cuộc chuyển dời.

Vì sao phải chuyển đi?

Tôi hỏi bố mẹ điều ấy vì thực lòng tôi chưa sẵn sàng tâm thế rời khỏi ngôi nhà tuổi thơ của mình. Ngôi nhà với tôi như một người bạn tri kỉ. Tôi thuộc từng vết nứt trên trần nhà, từng gốc cây, từng hang dế trong khu vườn. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được giàn hoa giấy phủ trên cánh cổng sắt, hàng cây bóng nước dọc lối đi vào nhà mà giờ rất ít gặp, vườn hồng thơm trước cửa, hàng chanh sát cạnh ao cá nhà bác Sì hàng xóm, cây ổi thóc góc vườn vào mùa quả sai lúc lỉu, cây táo ngọt la đà chìa tận cửa sổ phòng ngủ, cây roi quả ngọt như đường nhưng nhiều sâu kinh khủng sà xuống mái nhà tắm, luống bí ngô quả căng tròn nằm lăn lóc như đàn lợn con vừa no sữa mẹ,...

Nhiều hôm đi học về, mẹ thấy cặp sách của tôi mà chẳng thấy mặt tôi đâu. Cất tiếng gọi thì thấy tôi đang vắt vẻo trên một cái cây nào đó ngoài vườn, vô cùng thư giãn và sung sướng. Mùa nào thức ấy, lúc nào tôi cũng tìm được quả từ vườn nhà để chén trong lúc chống đói, chờ cơm. Những hôm mưa gió, ngồi học trong buồng tôi thò tay ra cửa sổ cũng vặt được táo, ổi,... rồi nhẩn nha vừa ăn vừa ngắm trời ngắm đất.

"Bởi cuối cùng thì tôi đã vĩnh viễn mất đi thiên đường của tuổi thơ, bình yên và ngọt ngào vô chừng. Sự mất mát ấy sao có thể đong đếm, quy đổi được..."
Tranh minh họa. Tranh: Trần Nguyên

Cuối những năm 80, bố tôi thuê thợ xây thêm hai gian nhà mái bằng sát cạnh ngôi nhà ngói ba gian. Một gian làm bếp, một gian làm phòng ăn. Nhờ đó những hôm mưa gió tôi không còn cảnh đội mưa chạy vào gian bếp lụp xụp lợp giấy dầu để nấu ăn. Thay vào đó tôi có trò chơi mới là trèo lên nóc nhà mái bằng từ nóc nhà tắm rồi trải chiếu nằm gác chân ngắm trời ngắm đất. Cái nóc nhà mái bằng chắc chỉ cao hơn mặt đất chưa đầy 3 mét mà tôi đã thấy gần bầu trời lắm rồi, để những hôm trăng thanh gió mát tha hồ mộng mơ.

Việc phải chuyển đi khiến lòng tôi tan nát. Cả tuần liền tôi bần thần tính xem cần mang cái gì, cái gì phải bỏ lại. Tôi tiếc đến cả cái gầu múc nước giếng vì không nỡ rời xa. Ngày hè nóng tôi toàn đóng nước chanh vào bi đông, buộc vào gầu thả xuống giếng cho mát lạnh rồi kéo lên uống. Giờ tôi đi, cái gầu nằm chỏng chơ bên thành giếng sao mà buồn. Rồi còn cả khu vườn đang xôn xao, ngơ ngác...

Có lúc tôi còn nghĩ sẽ ngồi vẽ lại sơ đồ nhà, dựng lại từng gốc cây cũng như từng chi tiết của ngôi nhà. Nguệch ngoạc cũng được, chỉ cần khi ngồi trước những bản vẽ ấy mình được trở về ngôi nhà, khu vườn của tuổi thơ mình. Giá như thời đó có máy ảnh để ghi lại tất cả...

Tôi biết đó chỉ là mong muốn viển vông không thể thực hiện. Bởi vẽ làm sao những vệt sơn mòn trên cánh cửa? Vẽ làm sao nền đất sần sùi gồ lên như vảy rồng trong căn nhà ba gian trống tuềnh toàng, mùa nồm ẩm nền những chiếc “vảy rồng” ấy trở nên dấp dính và mốc thếch? Vẽ làm sao mùi khói trong căn bếp? Vẽ làm sao tiếng gió trưa qua vườn? Vẽ làm sao mùi ổi chín lừng trong nắng mới? Vẽ làm sao những nỗi nhớ chẳng bao giờ nguôi?...

Mẹ tôi bảo cứ yên tâm chuyển nhà, sau này mình muốn thì có thể chạy về thăm nhà cũ. Chủ nhà cũ cũng rất chia sẻ với nỗi hoang mang của mình nên xởi lởi mời mình quay lại thăm nhà nếu muốn. Thực tế là sau đó tôi có lén lút quay lại. Lén lút bởi tôi sợ ngôi nhà và khu vườn nhận ra tôi, sẽ lại hờn trách tôi. Nhưng nhà cũ và vườn cũ đều đã biến mất. Chủ mới đã xây nhà mới, chia đất, xây thêm dãy nhà trọ cho thuê vì gần đó vừa mọc lên một xí nghiệp may liên doanh, tuyển mộ rất đông công nhân. Mấy người xóm cũ bảo nhà tôi xui, chứ nếu còn ở lại, chỗ đất ấy xây nhà trọ được ối tiền. Thôi thì chẳng biết đâu là dại là khôn, tôi chỉ xót cho ngôi nhà cũ, khu vườn cũ đã vĩnh viễn biến mất.

Bố mẹ tôi có lí do chính đáng để chuyển nhà. Đó là bởi vì bố mẹ cần ngôi nhà mặt đường để mở phòng khám làm thêm ngoài giờ. Như vậy đặng có thêm đồng ra đồng vào cho các con ăn học. Nhà trong xóm cũ ngoắt ngoéo khó tìm, bệnh nhân ai mà tìm được.

Năm cuối năm cấp ba khỏi nói tôi nhớ xóm Chùa Cuối và ngôi nhà xưa thế nào. Có những hôm tôi đi nhầm về nhà cũ, được nửa đường lại ngậm ngùi quay lại. Có những buổi tối khuya học xong bài tôi đứng ngoài ban công, nhìn phố xá vắng lặng, bỗng như nghe thấy tiếng khu vườn xưa gọi. Tôi không dám khóc vì sợ bố mẹ nghĩ ngợi.

Rất nhiều năm sau này tôi thường xuyên mơ về ngôi nhà của tuổi thơ. Có những giấc mơ hiện lên cả hai ngôi nhà cũ và mới. Nhưng nhà mới sao mà xa lạ, để rồi thế nào tôi cũng vòng về nhà cũ.

Ngôi nhà mới giờ được bố mẹ sang tên cho hai chị em tôi. Trong bản kê khai tài sản có mục quy đổi trị giá của tài sản. Nhưng tôi cứ bần thần mãi vì không biết phải quy đổi thế nào. Tôi không cần ngôi nhà ấy, dù theo thời giá bây giờ nếu bán đi có thể khiến tôi có thêm được chút ít về tài chính. Bởi cuối cùng thì tôi đã vĩnh viễn mất đi thiên đường của tuổi thơ, bình yên và ngọt ngào vô chừng. Sự mất mát ấy sao có thể đong đếm, quy đổi được...

Nhưng tôi tin ngôi nhà ấy, khu vườn ấy có linh hồn, để rồi biết cách tìm đến mình, tâm tình với mình cho mình nguôi ngoai...

PHONG ĐIỆP