Thứ Tư, 17/04/2019 19:23

“Mai rồi mưa tạnh trong xuân”

Mai rồi mưa tạnh trong xuân là tập tản văn gồm 45 “tiểu tự sự” “hư ảo và nên thơ”, “như sương như mưa” của tác giả Thái Kim Lan. (VĂN THANH)

Mai rồi mưa tạnh trong xuân là tập tản văn gồm 45 “tiểu tự sự” “hư ảo và nên thơ”, “như sương như mưa” của tác giả Thái Kim Lan.

Là người con của xứ Huế, sinh ra và lớn lên tại Huế, “thấm đẫm Phật giáo từ ngày còn thơ”, nhưng tác giả Thái Kim Lan lại dành hơn nửa thế kỉ gắn bó với nước Đức, hiện là giáo sư triết học so sánh Đông - Tây ở quê hương của những triết gia lừng danh.

Sau bao năm xa quê hương, những tưởng bản tính Đức mạnh mẽ đã “bứng” Thái Kim Lan ra khỏi căn tính Huế. Có những lúc, Thái Kim Lan đã hoang hoải cảm thấy “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”, nhưng rồi bỗng, một tiếng chuông chùa thoảng ngân, một cánh hoa hải đường bé bỏng, một nụ mai vàng chớm nở, “một vài sợi nắng le lói trên từng không” buổi giao mùa, màu áo trắng tinh khôi bảng lảng… đã níu giữ Thái Kim Lan lại với Huế.

Những câu chuyện tuổi thơ về bà, về mạ, về chị, về những nữ sinh Đồng Khánh, trong những dịp lễ Vu lan, ngày Phật đản, Tết Nguyên đán… hiển hiện tươi rói trong kí ức của tác giả, đưa người đọc trở về với những cảnh cũ người xưa “rặt Huế”.

Mai rồi mưa tạnh trong xuân, tập tản văn của Thái Kim Lan, 320 trang khổ 14 x 22.5, Nxb Kim Đồng, 2019

Huế hiện lên trong niềm thương nỗi nhớ thường trực khôn nguôi của tác giả, “cung đàn ‘Nhớ Huế’ như được căng giây trên khắp mọi nẻo, chỉ cần một giọt nước mưa rơi trên cầu Bến Ngự, một chút nắng trên tàu chuối trong vườn Vĩ Dạ, một câu hò vẳng xa mô đó trong một bài thơ hay một tiếng rao hàng não nuột trên một trang giấy” là kí ức Huế lại bừng lên xôn xao.

Hãy nghe Thái Kim Lan tả về vẻ đẹp xứ Huế: “Thuở ấy bờ sông Hương xanh um cây lá, bốn mùa nở rộ những loài hoa mộc mạc của ruộng vườn, hoa mướp hoa cà hoa bí xen với râm bụt thêu đường đi và lúa biền óng ả xanh bắt chước sóng nhấp nhô. Phong cảnh chảy theo hai bên bờ như hát cùng một nhịp đò đưa. Cây dại cây dứa níu áo bắt đền những trái mâm xôi chín mọng đang oà hương nơi từng bụm tay úp vào miệng. Có đứa đã lên xe, đứa còn dùng dắng gỡ gai mắc áo. Ðỉnh đồi Hà Khê như mõm con rồng chênh vênh trên con sông uốn khúc. Tới đây mà xem nì! Dòng sông cứ lửng lơ trong mơ mộng mãi hoài.”

Đi khắp phương trời, tác giả mới nghiệm ra, rằng “đi mô cũng không đẹp bằng ở Huế”. Để rồi “Chính trong giây phút nghe sông núi tĩnh lặng từ nghìn xưa còn đó, thấy tiếng hòa ca êm ái chảy tràn trong nắng xuân chơi vơi giữa sông, nếm được vị xuân nồng đang chuồi êm trên dòng Hương, sờ được màu tinh khôi của thời gian đang rải tơ xanh trên đỉnh Kim Phụng, nhận ra ‘dừng lại’ cũng là ‘đang trôi’ nơi sóng nước hồn nhiên dạt dào xuân tâm vô lượng, tôi chợt tìm thấy bóng mình đã in trong lòng sông ấy từ vô thủy vô chung.”

Về tác phẩm của mình, Thái Kim Lan chia sẻ: “Có thể những tiểu tự sự này chưa hẳn đem lại những ‘Huế’ mà người tân thời muốn biết về một thành phố cũ còn lại nơi một đất nước đang trải qua lắm ba đào đổi thay, chắc chắn cũng chưa đáp ứng được thao thức và ước mong tìm ra một bức tranh cổ đại nguy nga trong bão táp đam mê những đồ sộ, những hoành tráng, những tân trang nửa Tây nửa Tàu với thời thượng hiện đại.

Sẽ là nghịch lí khi thú nhận rằng chuyện Huế được viết giữa hai đầu múi giờ, trong một tâm trạng luôn mãi ngóng bên ấy bên này, mãi đến München mới tìm được Huế như chính Huế trong mình, mãi trong tuyết giá và sương mù, Huế mới long lanh, và bước qua ngọn cỏ vườn sau nhà bên Tây, tím Huế bỗng hiển hiện gọi lời nơi phương ấy...”

Nhẩn nha đọc những bài viết “văn phong thi vị và trong sáng” của người phụ nữ Huế “vừa tài giỏi trong nghiên cứu giảng dạy triết học, vừa có cách viết về Phật giáo giản dị và đầy thiền vị” như cách giáo sư Trần Văn Khê nhận xét về tác giả Thái Kim Lan, giữa một “chung trà nhỏ”, ngẫm về cuộc đời, về hạnh phúc, chợt bừng ngộ “mai rồi mưa tạnh trong xuân”.

VĂN THANH