Chủ Nhật, 26/03/2023 14:11

Margaret Atwood: Thời gian, thay đổi và hi vọng

Old Babes in the Wood mới ra mắt gần đây đã mang đến cho độc giả những điều kì lạ nhất về Atwood: một con ốc sên hoán đổi thân xác với con người, một buổi cầu hồn George Orwell, người ngoài hành tinh cố gắng dịch ngữ một chuyện cổ tích…

Old Babes in the Wood mới ra mắt gần đây đã mang đến cho độc giả những điều kì lạ nhất về Atwood: một con ốc sên hoán đổi thân xác với con người, một buổi cầu hồn George Orwell, người ngoài hành tinh cố gắng dịch ngữ một chuyện cổ tích… Những câu chuyện này xếp chồng lên nhau, tạo thành tác phẩm vô cùng ấn tượng, có ảnh hưởng lớn như bất kì tác phẩm hay nhất nào của Atwood.

Khi bà ngồi xuống, tôi lấy trong ví ra một danh sách các câu hỏi, háo hức muốn tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm mới nhất và quá trình sáng tạo dường như không mệt mỏi của bà. Cuối cùng thì tôi cũng làm vậy, nhưng cuộc trò chuyện của hai chúng tôi đã kết thúc ở một phạm vi rộng hơn và xa lạ hơn so với dự kiến.

THỜI GIAN VÀ NHẬN THỨC

Q: Tôi nghe nói bà đã phát minh ra một thiết bị kí sách từ xa?

A: Đúng vậy. Một ngày nọ FedEx giao một bưu kiện và tôi đã kí nhận nó. Trong quá trình đó, tôi nghĩ tại sao chúng ta không phát minh ra thứ gì đó để mà kí sách? Tôi mường tượng chữ kí của mình sẽ bay trong không khí và bằng cách nào đó sẽ biến thành mực. Khi tôi nói điều đó với những người hiểu biết hơn, họ chỉ cười và cười. Vì vậy, tôi nghĩ, OK, điều này sẽ không xảy ra. Nhưng mà… nó có thể xảy ra không? Vì vậy họ đã nghiên cứu ra loại thiết bị gần nhất với những gì mà tôi hình dung.

Q: Liệu có câu chuyện nào khác về tinh thần kinh doanh công nghệ của bà nữa mà tôi nên biết không? Bà đã bí mật tham gia BookTok chưa?

A: Chưa, nhưng tôi đã nghe về nó. Đó thực sự là của những người trẻ tuổi, vì vậy tôi nghĩ nếu tôi ở đó, họ sẽ hét lên và bỏ chạy mất.

Q: Không đâu. Họ hẳn sẽ rất vui khi được gặp bà.

A: Tôi không chắc về điều đó. Nhưng tôi biết những người lớn tuổi không thích nó lắm, vì họ không còn bảo được những người trẻ tuổi phải nên đọc gì. Mà ta thậm chí cũng không nên đọc giống nhau…

Q: Tôi chắc chắn không phải lúc nào cũng thích những cuốn mà tôi thấy trên TikTok. Nhưng tôi cũng lớn tuổi hơn các TikToker hiện nay.

A: Vâng, thị hiếu thay đổi từng ngày. Rất nhiều cuốn sách cô từng yêu thích ở tuổi thiếu niên, nhưng sau này cô sẽ nghĩ lại: Tại sao mình lại thích nó? Sau đó, cô sẽ nhớ đến một cuốn vô cùng nhàm chán mà mình đã đọc, nhưng ở tuổi 35, cô sẽ chiêm ngưỡng được những vẻ đẹp.

Q: Điều đó làm tôi nhớ đến một trong những câu hỏi đầu tiên tôi định hỏi bà. Thật sự thì khi già đi sẽ như thế nào?

A: Miễn là cô không thực sự chết đi hoặc mất trí nhớ, thì cô sẽ có ít thứ để mất hơn. Cô có thể làm được mọi thứ, vượt thoát khỏi mọi giới hạn, đặc biệt là so với những người trẻ hiện nay đầy lo lắng. Mọi người sợ bị đánh bại bởi các đồng nghiệp, bởi họ chưa được tôi luyện trong những đám lửa.

Q: Câu hỏi thực sự mà tôi muốn hỏi sau đây có liên quan đến cách mà ta thay đổi theo thời gian. Như truyện Freeforall trong Old Babes in the Wood đã được xuất bản lần đầu vào năm 1986, nhưng giờ nó lại trở lại?

A: Ồ, vâng. Các biên tập viên muốn đưa nó vào. Họ nghĩ rằng nó có ý nghĩa lịch sử, vì nó có thể tạo ra một sự “thay đổi” như Chuyện người tùy nữ.

Q: Vậy ban đầu nó không có trong tuyển tập?

A: Tôi nghĩ là nó quá dài, vì vậy tôi đã thay đổi nó một chút. Ý tôi là, tôi nghĩ nó có ý nghĩa lịch sử, nhưng với tư cách là một câu chuyện riêng, nó sẽ không nằm trong danh sách của tôi. Tự tôi đang phê bình mình đấy!

Q: Giờ đây bà có cảm thấy được kết nối với nó như khi bà viết nó lần đầu không?

A: Như khi tôi đang viết nó? Dĩ nhiên là không.

Q: Nhưng cảm nhận về con người bà trong 2 lần viết thì sao?

A: Không. Tôi đã già đi. Sẽ thật kì lạ nếu tôi cùng là một người. Tôi sẽ là một con ma cà rồng mất.

Q: Vì vậy bà thường không xem hoặc là sửa đổi các tác phẩm cũ?

A: Tôi đã chỉnh sửa Freeforall để làm cho nó ngắn gọn hơn. Nhưng để “cập nhật” trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết thì không.

Q: Nhân tiện thì tôi không nghĩ bà cần làm lại bất kì cuốn tiểu thuyết nào của mình.

A: Một cuốn sách là một ảnh chụp trong một thời điểm. Chúng bất động ở độ tuổi của mình. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi The Edible Woman [tiểu thuyết đầu tay của Atwood xuất bản vào năm 1969] vẫn bán rất chạy. Đó là từ thời mà thậm chí còn không có quần tất.

Q: Thời đó chỉ có vớ thôi ư?

A: Chỉ hai chiếc tất, và ta giữ chúng bằng đai thắt lưng. Nhưng những người trẻ tuổi tuy thế giờ vẫn kết nối được với The Edible Woman, bởi nó chứa nhiều câu hỏi phổ quát, như “Ta sẽ sống bằng gì?”, “Điều gì sẽ đến tiếp theo?”, “Tôi có nên kết hôn không?” Ý tôi là, “Tôi có nên kết hôn không?” đã cấp bách hơn trong những ngày đó.

Q: Giống như Freeforall, các nhân vật Nell và Tig đã từng xuất hiện trong tuyển tập khác nhiều thập kỉ trước. Đối với bà, Nell và Tig của Old Babes in the Woods có còn là Nell và Tig của Moral Disorder?

A: Đúng. Nếu không thì tên của họ sẽ khác. Tại sao cô không hỏi tôi về chuyện có con ốc sên?

Q: Ồ dĩ nhiên rồi. Nói cho tôi biết về nó đi.

A: Hầu hết câu chuyện về người thay đổi hình dạng là về gấu, chó sói, hải cẩu và rắn. Đó là những motif trong truyện dân gian. Ồ, tôi quên mất, còn lũ chim nữa. Nhưng có một chuyện về con ốc sên trong các truyện dân gian Trung Quốc. Theo đó có một người vợ khá trầm tính, ngoan hiền, dành nửa cuộc đời của mình trong một cái xô ngoài cửa như một con ốc sên.

Nhà văn Margaret Atwood.

Q: Nếu bà phải hoán đổi thân xác với một con vật, bà nghĩ loại động vật nào sẽ là Margaret Atwood “phiên bản tốt nhất”?

A: Một con cáo. Chúng khả quỷ quyệt.

Q: Bà có dùng Substack 1 không?

A: Khá chán nản, nhưng đó là công việc. Tôi khá lười biếng.

Q: Bà không có vẻ lười biếng. Tôi đã đọc đâu đó rằng bà mô tả các nhà văn đang bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp mình. Bà có thể đã bước vào giai đoạn đó, nếu bà muốn nghỉ ngơi trên “vòng nguyệt quế”. Nhưng thay vào đó, bà đang tạo ra tác phẩm mới quan trọng này.

A: Cô sẽ làm điều đó bởi đó là những gì mà cô thích làm.

Q: Thói quen viết lách của bà có thay đổi không?

A: Tôi không có thói quen. Tôi không bao giờ có. Khi cô có một công việc ban ngày, thì cô chỉ cần hoàn thành nó sớm nhất có thể, như vào buổi tối chẳng hạn. Khi cô có con nhỏ, cô sẽ làm chúng khi bọn trẻ ngủ trưa hay đang ở trường. Nó thay đổi theo thời gian. Bây giờ ở đâu thì thích hợp nhỉ? Viết trên máy bay thì cũng khá tốt. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi cô thà ngồi xem Kung Fu Panda hay Thuyền trưởng quần lót còn hơn.

Q: Có thể gọi đây là một phong cách hiện đại?

A: Tôi sẽ nghĩ như vậy. Nhưng vâng, một phần lí do khiến tôi không có thói quen viết lách là vì tôi đã quá già, tôi không đến trường dạy viết sáng tạo, vì hồi đó hầu như không có trường nào. Điều đó có nghĩa là không ai bảo tôi phải “chuyên môn hóa” sự nghiệp của mình. Cô có phải là một tiểu thuyết gia, một nhà văn viết truyện ngắn hay một nhà thơ? Không ai từng nói tôi nên lựa chọn những nghề nghiệp trên.

CÔNG NGHỆ VÀ TƯƠNG LAI

Q: Bà có tiếng là gợi ra những mô hình tương lai rất tiên tri. Tuy nhiên, một điều khiến tôi ấn tượng về tác phẩm này là nó tập trung vào quá khứ hơn. Đây có phải là dụng ý “cố quay nhìn lại”?

A: Không có gì là cố ý cả. Tôi chỉ đang viết những câu chuyện mà tôi muốn viết. Ý tôi là, đôi khi, có câu chuyện nào đó như Griselda mất kiên nhẫn chẳng hạn. Đó là một phần của dự án liên quan đến một số nhà văn, nơi chúng tôi dự định diễn giải lại cuốn Mười ngày của Giovanni Boccaccio. Đó là vào thời kì đầu của Dịch Covid, khi tôi vẫn đang khử trùng các hộp carton chứa thực phẩm được giao tới.

Vì vậy, tôi chọn câu chuyện về Griselda bởi nó luôn làm tôi thấy khó chịu. Người phụ nữ này kết hôn với một công tước, một con quái vật tàn bạo, người khiến cô ấy phải chịu mọi kiểu sỉ nhục. Vậy mà cô ta vẫn kiên nhẫn chịu đựng, và rồi được coi là một người vợ mẫu mực. Vì vậy, tôi đã làm lại một phiên bản khác để vị công tước bị nuốt chửng.

Q: Tôi cũng muốn nói về câu chuyện có liên quan đến George Orwell…

A: Nó bắt nguồn từ một câu hỏi khi tôi phỏng vấn cho một tạp chí. Họ nói, hãy chọn bất kì một nhà văn nào đã chết nào mà bà muốn trò chuyện. Orwell thì khá rõ ràng với tôi, bởi vì ông ấy có ảnh hưởng đến phong cách viết. Thêm vào đó, ông ta đã hủy hoại thời trẻ của tôi…

Q: Bằng cách nào thế?

A: Tôi đọc Chuyện ở nông trại mà không hề biết đó là một truyện ngụ ngôn. Tôi đã nghĩ nó đơn giản nói về động vật, như Gió trong rặng liễu chẳng hạn…

Các tác phẩm của Atwood.

Q: Bà có cảm thấy những thế giới đen tối của bà chính xác hơn thế giới khác ngay bây giờ không?

A: Chà, ngay bây giờ thì Chuyện người tùy nữ có vẻ khá giống. Nhưng điều đó sẽ thay đổi thôi.

Q: Ngoài cuốn kể trên thì từ khi bà viết về nợ trong Payback vào năm 2008, thế giới ngày càng được tài chính hóa…

A: Không, không hoàn toàn đúng. Thế giới được tài chính hóa theo những cách khác nhau.

Q: Đây có phải là cách để bà nói cho tôi viết rằng bà đang tìm hiểu về tiền điện tử không?

A: Không. Nhưng tôi đã quan sát nó. Chúng tôi đã thực hiện một hội thảo trực tuyến tên là Những điều không tưởng nhưng thực tế vào mùa thu này. Tiền đề của cuộc tham luận là mọi người sẽ xây dựng những điều không tưởng của riêng mình. Có thể là một xã hội trung tính carbon, âm carbon và nhiều hơn thế. Chúng tôi có hàng trăm người tham gia từ khắp nơi trên thế giới và làm việc trong 8 nhóm. Đó là thành công mà tôi chưa từng nghĩ đến là nó có thể xảy ra. Một phần của nó sẽ trở thành NFT. Nhưng sau đó họ nói nếu theo kiểu đó thì nó sẽ tốn rất nhiều năng lượng.

Q: Vì vậy, bà không tạo ra NFT vì tác động môi trường của chúng?

A: Cuối cùng thì chúng tôi cũng làm được, bởi vì chúng tôi đã tìm thấy một mã nguồn khác sử dụng một hệ thống khác để xử lý vấn đề năng lượng. Là Tezos.

Tập truyện ngắn mới của Atwood.

Q: Tôi nghĩ mình có nghĩa vụ hỏi bà xem liệu bà có đang tìm hiểu sâu về thế giới của ChatGPT hay không?

A: Tôi biết về nó. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết tất cả sự lo lắng này bằng cách bắt buộc phải “niêm phong” mọi thứ do ChatGPT tạo ra.

Q: Giống như một “dấu đóng” mờ?

A: Vâng, đó là những gì tôi muốn nói.

Q: Bà có nghĩ rằng nó quá cường điệu?

A: Không. Orwell đã nghĩ ra rồi. Những cỗ máy tạo ra thứ văn học rác rưởi cho đại chúng? Trong 1984!

Q: Tôi đã nhanh chóng bị thuyết phục rằng nó sẽ làm tắc nghẽn Internet với vô số rác thải…

A: Nó đã bị tắc nghẽn.

Q: Chính xác. Vì vậy, tôi chắc là bà sẽ không sử dụng ChatGPT để tạo chuyến đi thứ ba đến Gilead?

A: [Atwood đặt tay lên trái tim như thể đang tuyên thệ] Tại sao tôi phải làm vậy? Đó là một động cơ xấu.

Q: Bà thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn. Có câu hỏi nào mà bà đang chờ ai đó hỏi mình không?

A: Các câu hỏi đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Không ai hỏi tôi “Tại sao bà ghét đàn ông?” nữa. Giờ họ hỏi rất nhiều về hi vọng, điều này khiến tôi cảm thấy khá quan trọng. Đó là thay đổi chính trong tâm trí mỗi người. Đó là lí do tại sao tôi đã thực hiện Những điều không tưởng nhưng thực tế. Đó là một dự án đầy hi vọng. Cô có biết về Thư viện Tương lai của Na Uy?

Q: Đó có phải là nơi mà bà đã viết cuốn sách sẽ được đọc trong tương lai?

A: Chà, chúng tôi không biết có thể gọi chúng là một cuốn sách không nữa. Điều chắc chắn là những văn bản này được làm từ ngôn ngữ. Có hai điều khoản mà tôi phải theo, là nó phải được làm từ chữ viết, và không được bật mí với bất cứ ai điều gì về nó. Đó có thể là một bức thư, một cuốn tiểu thuyết, một kịch bản phim, một bài thơ, một bài văn…

Q: Bà cảm thấy sao khi mọi người sẽ đọc nó trong 100 năm nữa?

A: Tôi không quan tâm. Tôi sẽ chết. Nhưng, đó là một dự án đầy hi vọng, bởi vì nó giả định rằng con người vẫn sẽ tồn tại, sẽ có một Na Uy, rằng thư viện Na Uy sẽ vẫn tồn tại.

ĐOÀN ANH TUẤN lược dịch từ bài phỏng vấn của Kate Knibbs trên WIRED

 

--------------------------------------

1. Substack là nền tảng cho phép bạn đọc đăng ký nhận bản tin email từ tác giả mà họ muốn theo dõi.