Thứ Ba, 23/08/2022 08:58

Mary Gaitskill và những khuôn mẫu của việc viết

Các tác phẩm của bà xoay quanh chủ đề tình yêu, tình dục, ma túy… cũng như tâm lí thống trị và sự phục tùng. Đây là lạc thú là tác phẩm của bà mới được chuyển ngữ tiếng Việt.

Mary Gaitskill sinh năm 1954, là nhà văn Mĩ nổi tiếng ở mảng truyện ngắn. Các tác phẩm của bà đã được đề cử cũng như chiến thắng các giải thưởng danh giá như PEN/Faulkner, giải Sách Quốc gia Mĩ… cũng như thường xuyên xuất hiện trong các tuyển tập truyện ngắn Mĩ hay nhất và Tuyển tập truyện ngắn đoạt giải O.Henry. Các tác phẩm của bà xoay quanh chủ đề tình yêu, tình dục, ma túy… cũng như tâm lí thống trị và sự phục tùng. Đây là lạc thú là tác phẩm của bà mới được chuyển ngữ tiếng Việt.

QUAN ĐIỂM VỀ CHÍNH TRỊ VỚI HƯ CẤU VÀ PHI HƯ CẤU

Trong một tiểu luận in trong cuốn Mary Gaitskill's Substack, Out of It (tạm dịch: Những phân tích của Mary Gaitskill, và nhiều hơn nữa) Mary Gaitskill đã chia sẻ về việc viết.

Kể từ khi trưởng thành (chắc là ở tuổi thiếu niên), bà đã chứng kiến những cuộc tranh cãi liên tu bất tận về việc liệu một cuốn tiểu thuyết có nên được chính trị hóa hay không, liệu nó có nên được viết để giải quyết bất công hoặc ít nhất là để ủng hộ đạo đức xã hội hay không?

Nhưng giờ đây, đó có thể là một câu hỏi đặc biệt phù phiếm, bởi nhẽ dù bạn ở đâu trong hệ tư tưởng, thì các vấn đề xã hội vẫn đang ngự trị trên đầu chúng ta như những “con quỷ dữ”. Nghĩa là, nếu “các vấn đề xã hội” là một cụm từ đủ mạnh cho sự tàn phá hành tinh, cho bạo lực súng đạn, cho nỗi sợ sụp đổ kinh tế, cho vấn nạn phân biệt chủng tộc, cho đại dịch khó lường và cho cuộc chiến vô nghĩa do một siêu cường tiến hành… thì tất cả đều đang đang rình rập cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nhà văn Mary Gaitskill.

Ngay cả trong những thời đại ít khó khăn hơn, các thể chế xã hội và các mưu đồ chính trị vẫn là những thực tế của cuộc sống mà chúng ta phải tuân theo. Nhưng để viết tốt về mặt chính trị là một thách thức cực kì lớn. Bởi vì… không giống như âm nhạc hay phim ảnh, viết lách về chủ đề này không được thực hiện theo những phương cách có sẵn. Mary Gaitskill cho rằng, khó có thể chuyển đổi hiệu quả ngôn ngữ hoặc sức mạnh của các nhóm từ ngữ thành sức mạnh của một cá nhân riêng rẽ.

Sách hư cấu sử dụng ngôn ngữ cụ thể của ý thức cá nhân, của cảm nhận và giải thích thế giới với sự mơ hồ về mặt đạo đức. Tuy nhiên tiểu thuyết viết về chính trị gần như đối lập với thể loại trên. Nói một cách đơn giản, chính trị là cách chúng ta đấu tranh để đạt được những gì mình muốn, cần và tin là đúng. Chúng ta phải thống nhất với nhau về những gì đang nói. Và điều đó đòi hỏi phải loại bỏ rất nhiều thứ liên quan đến những “bí ẩn”, “phi xã hội" như các đặc trưng của tác phẩm hư cấu, hay của thể loại tiểu thuyết.

Các tác phẩm dính đến chính trị đòi hỏi phải có một định nghĩa rõ ràng, ngôn ngữ nhất quán, dễ nhận biết và có một cách “truyền đạt” khúc chiết, giúp mọi người hiểu rõ thay vì hỏi đi hỏi lại “ý này nghĩa là gì?” Nó đòi hỏi sự đồng thuận trong suy nghĩ và ngôn ngữ.

Twitter là ví dụ rõ ràng nhất về suy nghĩ đồng thuận. Đặc trưng của nó là những người cùng tham gia không thể nhìn hoặc nghe thấy giọng nói và khuôn mặt của nhau. Tuy thế họ lại có sự gắn kết trên quy mô lớn. Twitter không phát minh ra phương thức suy nghĩ này; mà là do con người luôn yêu thích sự phấn khích và thoải mái của việc suy nghĩ theo đám đông.

NHỮNG KHUÔN MẪU QUEN THUỘC

Nhiều thập kỉ trước khi Twitter tồn tại, độc giả của tiểu thuyết từ lâu đã quen với việc nhìn thấy cuộc sống của những câu chuyện được thể hiện bằng các phương tiện trực quan như phim và các chương trình truyền hình. Sinh viên trong các lớp học viết, dù là đại học hay cao học, thường viết như thể có một đạo diễn và đội quay phim đang lấp đầy khung cảnh cho họ, cùng với các diễn viên cung cấp giọng nói và biểu cảm khuôn mặt cho nhân vật - hay đúng hơn là họ cho rằng độc giả sẽ tự động tưởng tượng giống mình. Do đó những sự “điển hình” đã thành thông lệ, như đường phố phải có con người, xe cộ; còn khuôn mặt của một cô gái xinh đẹp sẽ luôn giống nhau.

“Tôi chỉ có thể nghĩ rằng khuynh hướng tự nhiên của con người (cho rằng những gì tôi thấy trong tâm trí tôi là những gì mà mọi người cũng đang thấy) đã bị ảnh hưởng bởi thời gian xem những câu chuyện được chiếu trên TV và màn hình, nơi mọi người cư xử đều trông giống như chúng ta mong đợi và dự đoán sẵn”, Mary Gaitskill cho biết.

Năm 1949, Vladimir Nabokov viết một bài tiểu luận vui tươi có tựa đề Nghệ thuật văn chương và sự tranh chấp, trong đó ông gạt bỏ tư duy đồng thuận theo hình thức thông thường, điều mà ông tuyên bố một cách kì lạ là “về cơ bản là vô đạo đức”. Trong bài tiểu luận này, ông đề cao vẻ đẹp của sự bất ngờ và sự hiếm có của nghệ thuật, như một cách nuôi dưỡng tinh thần cho “niềm tin phi lí vào lòng tốt của con người” và “thế giới đáng yêu đang lặng lẽ tồn tại” ngay cả trong những hoàn cảnh tàn khốc nhất.

Ông say sưa nói về “tiêu chuẩn thiêng liêng và phi lí”, theo đó ông muốn nói đến “sự vượt trội của những chi tiết trên tồng thể, về điều nhỏ nhặt mà một người đàn ông quan sát và chào đón thay vì tin theo chủ nghĩa đám đông”.

“Tôi không phản đối việc viết về chính trị. Một số tiểu thuyết yêu thích của tôi là tiểu thuyết chính trị (không phải theo nghĩa chúng tồn tại để truyền tải một thông điệp chính trị, mà là chúng mô tả các tình huống chính trị). Điều tôi đang muốn nói là những câu chuyện về chính trị hoặc đấu tranh xã hội sẽ hiệu quả nhất khi thừa nhận rằng tất cả chúng ta có cùng tiếng nói, cho dù chúng ta có là ai đi nữa, là một chính khách quyền lực hay một đứa trẻ nghèo đói”, Mary Gaitskill cho biết.

TIẾNG NÓI ĐỘC ĐÁO VỀ ME TOO

Mới đây, San Hô Books và Nxb Phụ nữ đã phát hành cuốn tiểu thuyết đầy cá tính và độc đáo của Mary Gaitskill mang tên Đây là lạc thú. Là một tác phẩm có dung lượng ngắn, chỉ khoảng 100 trang, thế nhưng nó chứa đầy đủ yếu tố độc đáo cũng như khơi mở những góc nhìn táo bạo vốn là đặc trưng của Mary Gaitskill.

Lấy bối cảnh phong trào Me Too vốn đang bùng nổ, cuốn tiểu thuyết được kể đan xen giữa hai giọng văn - một của Quin - người đàn ông đang bị làn sóng nhấn chìm bởi những cáo buộc lạm dụng; và một của Margot - người bạn đồng nghiệp trong ngành xuất bản hơn 20 năm của Quin. Cô hiểu được Quin, biết rõ nguồn cơn của những cáo buộc. Nhưng liệu cô sẽ đứng về đâu, về những phụ nữ - cùng giới bị cho là bị xâm hại, hay về người bạn mà cô hiểu thấu?

Đây là lạc thú do San Hô Books và Nxb Phụ nữ Việt Nam liên kết ấn hành, qua bản dịch của Lam GIang.

Gaitskill phá vỡ những khuôn mẫu thông thường. Để thay vì xây dựng hình tượng một người đàn ông da trắng giàu có điển hình nắm nhiều quyền lực như Harvey Weinstein, bà tạo ra Quin như “tiểu tinh linh” người Anh nhỏ bé, được giáo dục trong các nền tảng giáo lí và tôn thờ chủ nghĩa khoái lạc - một nhánh của chủ nghĩa tự nhiên.

Với Quin, con đường hiểu thấu phụ nữ là một nhiệm vụ cao cả, và anh không ngại dấn bước vào nơi chốn ấy. Đó là lí do cho việc đụng chạm dẫu có đồng thuận trong lúc chọn váy, là nguồn cơn của việc tư vấn tình cảm, và của những sự “trừng phạt” có phần bí ẩn nhưng được đồng ý một cách ngấm ngầm… giữa anh và các đồng nghiệp nữ. Tuy thế khi làn sóng nổ ra, với sự quá khích nó cuốn anh đi và những “nữ thần” một thời anh đã ngoan đạo, giờ đây quay lại và cắn xé anh.

Các nhà phê bình cho rằng văn chương của Gaitskill không bao giờ đi trên bề mặt, và Đây là lạc thú cho thấy được nhận định đó. Cuốn tiểu thuyết này thiết lập nên thế lưỡng nan, liệu ta nên tin vào Quin hay phản bội anh. Và đặt vào góc nhìn của Margot - một “nữ tư tế” hiểu được “phương thức hiến tế”, ta sẽ gia nhập cùng những nữ chiến binh Amazon quét sạch mầm mống nam tính độc hại, hay bảo vệ cho những sự thật còn bị nhấn chìm như một cổ mộ bởi sự quá khích?

Tất cả được bà xây dựng trong một câu truyện rất ngắn, không thừa không thiếu, và cũng như trên, đậm tính phản ánh chính trị. Gaitskill phá vỡ mô hình thường thấy của việc luận tội, của chủ nghĩa anh hùng… để đi vào một đường biên mà chỉ văn chương mới khắc họa được. Và thông qua đó, ta có khả năng nhìn lại mọi thứ xảy ra, dưới con mắt khác, và khía cạnh khác.

NGÔ THUẬN PHÁT