Thứ Năm, 09/04/2020 13:00

"Mặt tích cực của hoang mang": Văn học trong bối cảnh toàn cầu

Một lần, trong tiểu luận Ghi chú về Bernard Shaw, tác giả người Argentine, Jorge Luis Borges – một trong những nhân vật chủ chốt của văn chương thế kỉ hai mươi, đã bàn đến tầm quan trọng của tính chủ thể và sự thông diễn của việc đọc.

Một lần, trong tiểu luận Ghi chú về Bernard Shaw, tác giả người Argentine, Jorge Luis Borges – một trong những nhân vật chủ chốt của văn chương thế kỉ hai mươi, đã bàn đến tầm quan trọng của tính chủ thể và sự thông diễn của việc đọc. Ông viết: “Mỗi cuốn sách chưa bao giờ là một thực thể cô lập: nó là một mối quan hệ hay một trục tọa độ của vô vàn mối quan hệ. Sự khác biệt giữa tác phẩm văn học này với một tác phẩm trước hoặc sau nó không phụ thuộc nhiều vào văn bản mà chính bởi bối cảnh mà nó được đọc: Nếu tôi được đọc bất cứ trang sách nào của hiện tại, như trang này chẳng hạn, và độc giả của những năm hai nghìn rồi cũng đọc nó, vậy thì tôi sẽ biết được diện mạo văn học của những năm hai nghìn trông như thế nào”.

Vậy ngay lúc này, chúng ta có thể rút ra được gì từ cách chúng ta đọc?

Sự định vị toàn cầu chắc chắn là một trong số những điều đáng bàn nhất ở thời điểm này. Thuật ngữ “văn học thế giới” chỉ thực sự được lưu tâm kể từ năm 1835, một vài năm sau ngày ra đi của đại thi hào người Đức, Johann Wolfgang von Goethe. Trong năm đó, người học việc của ông, Johann Eckermann đã cho xuất bản tập Những cuộc trò chuyện cùng Goeth, trong đó chứa những đoạn hội thoại của hai người bàn luận về một bài thơ viết bằng tiếng Serbia, một tiểu thuyết Trung Hoa, những bài ca tiếng Pháp của Béranger, hay về tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn người Ý, Alessandro Manzoni, rồi Shakespeare, Sophocles, Hafiz, Walter Scott, … và “Weltliteratur”, “văn học thế giới”, là cụm từ được nhắc tới xuyên suốt những chủ đề đó. Trong những lần chuyện trò đó, Goethe đã từng đưa ra một nhận định mà sau này sẽ trở nên nổi tiếng khi bàn luận về khái niệm “văn học thế giới: “Sự thật là người Đức chúng ta rất dễ rơi vào sự tự phụ rằng mình là chuẩn mực, là điển phạm, trong khi chẳng mấy khi rời mắt khỏi cái vòng tròn nhỏ hẹp bao quanh mình. Thế nên tôi thường phải tự đặt chính mình trong bối cảnh của những dân tộc khác và có lời khuyên cho tất cả mọi người cũng nên như vậy. Khái niệm về văn học dân tộc tại thời điểm này không còn quá nhiều ý nghĩa nữa, một kỉ nguyên mới của “văn học thế giới” đang tới gần và nhiệm vụ của chúng ta là phải đẩy nhanh bước đi của nó”. Cách tiếp cận phạm trù “văn học thế giới” của Goethe có hơi hướng vị Âu, những đối thoại giữa ông và Eckermann là điểm khởi đầu cho những thảo luận xa hơn xoay quanh vấn đề văn học toàn cầu kể từ sau Goethe cho tới tận hôm nay.

Vào năm 2003, học giả người Mĩ, David Damorosch của Đại học Havard một lần nữa khơi lại mối quan tâm về những khả năng của “văn học thế giới” cũng như chính khái niệm của nó. Trong cuốn sách Văn học thế giới là gì? của mình, Damorsch đã vấn đề hóa chủ đề này qua những khía cạnh về lịch sử, tính quốc tế và bản địa, văn hóa, quá trình sản xuất, dịch thuật, tiếp nhận và lưu truyền, mạng lưới, các mối quan hệ quyền lực và chính trị căn tính. Ông chất vấn lại ý nghĩa của văn học thế giới trong bối cảnh những năm đầu của thế kỉ hai mốt. Damrosch đã thận trọng không đưa ra bất cứ một định nghĩa duy nhất chắc chắn nào về văn học thế giới. Ông làm công việc diễn giải cách tiếp cận của mình, lật đi lật lại vấn đề và mở ra vô vàn những cách nghĩ, những cuộc tranh luận khác nhau xoay quanh khái niệm này. Damrosch cho rằng, khái niệm về văn học thế giới được xây dựng theo những cách khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau tại những thời điểm khác nhau.

Điều này đưa chúng ta trở lại với quan điểm về thông diễn của Borges đã dẫn phía trên. Damrosch thường xuyên nhấn mạnh một khía cạnh rằng, “văn học thế giới” không phải một khái niệm rộng mênh mông và không thể nhận thức, nói đúng hơn, nó là một cách đọc”. Cách đọc này đòi hỏi những gì? Từ rất lâu trước khi Goethe và Eckermann thảo luận về văn học thế giới, sự lưu hành rộng rãi của văn bản trên phạm vi toàn cầu đã đóng góp vào quá trình hình thành những tư duy văn học vượt ra khỏi những đường biên văn hóa của chính chúng. Nhưng văn học thế giới giờ đây mới thực sự bước vào thời đại của tính toàn cầu, một thời đại làm biến đổi hoàn toàn cách chúng ta trải nghiệm văn bản. Những tác giả của ba trăm năm lẻ trước chắc chắn không hề viết trong tâm thế để dành cho độc giả của khắp năm châu; nhưng tác giả của ba trăm năm sau sẽ viết lách theo cách như vậy: xây dựng những đối thoại và lấy cảm hứng từ nhau một cách trực tiếp và chính xác – một điều rất khó để thực hiện trước kia. Khả năng lan truyền với một tốc độ chớp nhoáng, tức thì của những văn bản điện tử có thể được coi là cuộc cách mạng quan trọng nhất của ngành xuất bản kể từ sau phát hiện vĩ đại về phương pháp in của Gutenberg. Cùng với đó, sự phát triển chóng mặt của phương tiện truyền thông xã hội trong suốt thập kỉ vừa rồi cho phép chúng ta trải nghiệm việc kết nối toàn cầu ở một mức độ chưa từng thấy. Nhận thức của chúng ta về những người khác đã thay đổi, hoặc nhận thức của chúng ta về sự thiếu nhận thức của những người khác, hoặc nhận thức của chúng ta về khả năng siêu nhận thức của những người khác, tất cả đều thay đổi. Những điều này cũng chứng tỏ những khả năng mới của việc đọc, thay vì chỉ tìm thấy mình trong một mối quan hệ nhị phân với những nền văn hóa khác thì giờ đây, ta ở trên một lãnh địa rộng lớn hơn và mọi thứ đều mang tính tương đối.

Những ranh giới thuộc về quốc gia, văn hóa hay bản sắc đang được vẽ lại, và văn học đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Có lẽ bởi tính thẩm mĩ là thứ luôn hiển lộ rõ ràng mà nghệ thuật thường phải chứng minh sự tồn tại của mình theo một cách mà những lĩnh vực khác không buộc phải làm. Nhưng, ở nghệ thuật vẫn luôn ẩn chứa một khía cạnh thực dụng đặc biệt phù hợp để thích ứng với xu hướng kết nối toàn cầu của con người hiện giờ. Văn học, lẽ đương nhiên, sẽ dạy chúng ta cách để đọc. Nhưng việc đọc giờ đây đã vượt ra khỏi phạm vi của những trang giấy in. Đắm chìm trong các tác phẩm văn học và tìm cách thực sự kết nối với chúng chắc chắn giúp ta phát triển những kĩ năng phân tích và diễn giải để áp dụng trong cuộc đời thực ngoài kia. Văn học bền bỉ tôi luyện chúng ta trên từng trang sách, dạy ta cách thông diễn những cảnh huống mới mẻ, nghịch dị để có thể dần cảm giác được về chúng. Đây là cách chúng ta học để nhìn thấu hơn những ảo ảnh đằng sau những diễn ngôn chính trị, là cách ta nhận ra được bản chất không nhất quán trong những hành động của chính quyền và trong những tương tác hàng ngày ta va đập. Liệu còn có ứng dụng kí hiệu học nào hữu cơ và thực dụng hơn thế? Trong lời tựa tập truyện ngắn đầu tay của mình - Gào Thét, Lỗ Tấn đã viết rằng, văn học và nghệ thuật thật sự quan trọng bởi “hễ là thứ quốc dân hèn yếu, thì dù cho thân thể có mạnh mẽ đến đâu, vạm vỡ đến đâu, cũng chỉ có thể làm tài liệu và khán giả của cuộc thị chúng, không có ý nghĩa gì hết, đau và chết đi bao nhiêu kẻ, cũng không cần cho đó là sự đáng buồn. Thế thì cái điều cần kíp thứ nhất của chúng ta là ở sự biến đổi tinh thần của họ, mà muốn biến đổi được tinh thần, bấy giờ tôi nghĩ không gì bằng dùng văn nghệ”[1]. Ý tưởng của Lỗ Tấn sau này sẽ được nhắc lại bởi học giả chuyên ngành văn học so sánh Gayatri Spivak khi bà đưa ra nhận định rằng “gạch đầu dòng cuối cùng của việc dạy văn học chính là để dạy cách đọc, nói một cách rõ ràng hơn, là để dạy một hoạt động của trí tưởng tượng và trí tuệ”.

Hai phép ẩn dụ thường được dùng khi nói về những cuốn sách trong bối cảnh của văn học thế giới chính là: cửa sổ và gương. Khi những cuốn sách trở thành những chiếc gương, chúng cho chúng ta biết ta là ai, điều gì nằm sâu trong ta. Khi những cuốn sách biến thành cửa sổ, chúng mở rộng tầm nhìn của ta ra những thế giới khác, những khả năng khác của tồn tại. Trong phép ẩn dụ thứ hai, văn học có thể giúp ta biểu hiện mình ở những chiều kích khác với những gì ta đang có. Nó có thể cung cấp một khả năng tiệm cận được tới những ý tưởng dường như không thể, và bằng những giá trị đã được thêm vào trong quá trình suy ngẫm, ta có thể dần dần chạm được vào những ý tưởng đó. Tính chủ thể có khả năng khơi gợi trí tò mò và nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Nó xúc tiến cho những kết nối mà không né tránh hay chối từ những bất đồng, nó nới rộng vùng nhận thức để ta vượt ra khỏi biên giới những gì ta biết. Quan trọng hơn cả, tính chủ thể phát triển trí tưởng tượng của độc giả bằng cách cho phép ta trải nghiệm đời sống ở những khả thể khác nhau, đưa ra giả thuyết về cái gọi là tự nhiên cũng như sự khác biệt của những thứ được cho là con người nằm bên ngoài những giới hạn căn tính của chính chúng ta. Khi thực hành điều đó một cách chính xác, đó cũng là lúc chúng ta bắt đầu có được tri thức về văn hóa, chúng ta bắt đầu nhận thức và hiểu được về kẻ khác, bởi vì lúc này, ta đã hiểu rằng tất cả những thứ được quy về là “khác” thực tế chỉ hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên.

Thật khó để không đặt câu hỏi về vị trí của một ai đó khi anh ta không ngừng tương tác với vũ trụ chủ quan của văn học. Những khả thể của tồn tại được đưa ra bởi những câu chuyện chắc chắn sẽ đặt căn tính của ta vào trong những hoàn cảnh phức tạp về văn hóa, lịch sử hay đạo đức, để khiến ta nhận ra rằng, cho dù có vẻ như ta đang đứng ở trung tâm vũ trụ của chính ta, nhưng thực tế, ta chưa bao giờ thực sự là trung tâm của vũ trụ này, ước chừng có khoảng bảy tỉ rưỡi vũ trụ các loại đang lang thang trên khắp hành tinh. Như cách mà Meissner và Doody nhận định, văn học hiếm khi trao cho chúng ta một niềm tin chắc chắn hay những giới hạn kèm nó, nói đúng hơn, nó dạy ta cách để “đón nhận lấy những mặt tích cực của hoang mang”

Sự liên kết, đa văn hóa, tính chủ thể và sự đa dạng - những điều mà chúng ta đang kiếm tìm trong cách ta đọc ngày hôm nay (theo luận điểm của Borges) – nói với chúng ta về hiện trang của thế giới này nhiều hơn trong những văn bản đọc. Văn học không phải là thần dược chữa bách bệnh, nhưng xa hơn thế, nó là một mảnh ghép gợi ý của câu đố để giúp chúng ta có thể cùng nhau giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu mà ngày ngày ta đương phải đối mặt. Có lẽ rằng, hơn một cánh cửa sổ hay là một tấm gương, những cuốn sách còn có thể là bản đồ, chúng chỉ dẫn ta tới con đường để xuyên qua thế giới của chính chúng ta.

KIỀU CHINH theo Global Dynamics ( tác giả Gabriel Garcia )

Gabriel Garcia Ochoa là Giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ học, Văn học, Văn hóa và Ngôn ngữ ứng dụng tại Đại học Monash, Australia.


1. Theo bản dịch của Phan Khôi.