Thứ Sáu, 17/05/2019 11:36

Mệnh lệnh của đạo đức

Câu trả lời ấy là tiếng nói của cá nhân được tìm thấy để không lẫn vào tiếng nói của tập thể.

Giờ Đức văn của nhà văn người Đức Siegfried Lenz được đánh giá là cuốn tiểu thuyết sánh ngang tầm với Cái trống thiếc của nhà văn đoạt giải Nobel văn học năm 1999 Günter Wilhelm Grass. Đây cũng là một trong những tiểu thuyết bao hàm sự sâu sắc, cay đắng, say sưa, khiến người đọc phải suy tư nhiều nhất của văn chương Đức đương đại.

Tối 16/5/2019, tại Hà Nội, Viện Goethe và Công ty văn hóa Nhã Nam đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Giờ Đức văn nhân dịp cuốn sách được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Sách do dịch giả Hoàng Đăng Lãnh chuyển ngữ từ tiếng Đức. Sự kiện có sự tham dự của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu trong vai trò diễn giả, cùng đông đảo bạn đọc tại Hà Nội.

Xuất bản năm 1968, Giờ Đức văn của Siegfried Lenz thể hiện mối xung đột giữa nhiệm vụ với lương tâm, đạo đức dưới hình thức kì quái và rối rắm trong câu chuyện đầy sức thuyết phục. Sau một thời gian ngắn, sách được đưa vào nhà trường phổ thông, trở thành một trong những tác phẩm văn học kinh điển được đọc, mổ xẻ, phân tích nhiều nhất, rộng rãi nhất ở CHLB Đức.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết: Đây là một tác phẩm lớn, nhìn lại thời phát xít Đức với những vết thương mà nhà văn phải là người đi tìm câu trả lời. Giữa mệnh lệnh của những nhiệm vụ và mệnh lệnh của đạo đức, Siegfried Lenz đã chọn làm theo mệnh lệnh của đạo đức. Đó cũng là câu trả lời của nhà văn với lịch sử và là cách để ông thanh toán lịch sử. Tiểu thuyết được dịch giả chuyển ngữ một cách chính xác, tinh tế, giữ được văn phong và không khí của tác phẩm.

Giờ Đức văn hàm chứa nhiều tầng lớp chủ đề. Bối cảnh của tác phẩm là những năm cuối cùng của Thế chiến II và điểm nhìn từ một cậu bé với bài luận “Niềm vui nghĩa vụ” mà cậu phải hoàn thành. Bài luận đưa cậu trở về với kí ức, kí ức đau thương, ám ảnh và kí ức ấy chưa thể xong xuôi với cậu. Đó là lí do, nguyên cớ để bài luận ấy trở thành cuốn tiểu thuyết dày gần 600 trang này. Và khi đặt dấu kết cho tiểu thuyết cũng là khi nhà văn cảm thấy mình đã có câu trả lời cho lịch sử. Câu trả lời ấy là tiếng nói của cá nhân được tìm thấy để không lẫn vào tiếng nói của tập thể. Có nhiều cách để thực thi nhiệm vụ và bổn phận, có những cách sẽ biến con người trở thành nạn nhân hoặc đao phủ. Và nguồn gốc của phát xít phải chăng từ chính những điều/cách như thế này?

Tác phẩm cũng đưa đến những vấn đề của nghệ thuật từ cách con người nhìn nhận thế giới. Theo đó, có những tác phẩm không được hiện hữu nhưng sức mạnh nằm ở sự vô hình, nằm trong trí tưởng tượng, và đây mới là tác phẩm đẹp đẽ nhất, bởi khi đã hiện diện thì nghệ thuật cũng có nguy cơ đánh mất chính mình.

Các diễn giả tham dự tọa đàm

Từ lập trường của lí thuyết văn học so sánh, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng, văn học Đức gợi lên mối liên hệ với văn học Việt Nam. Các nhà văn đã đi tìm ý nghĩa của đời sống bằng việc lặn vào quá khứ, viết về quá khứ và biến quá khứ thành điều gì đó cho hiện tại, như một sự chất vấn lịch sử. Siegfried Lenz không đề cập đến những thứ khủng khiếp của chiến tranh, đây như một cuốn sách về thời hậu chiến nhưng kí ức thì như một dòng chảy ngược, ông suy tư về chiến tranh.

Nhà văn Siegfried Lenz (1926 - 2014) sinh tại Lyck, thành phố nhỏ thuộc Đông Phổ. Ông tốt nghiệp đại học Triết học, Anh văn và Lịch sử văn học Đức tại Hamburg sau Thế chiến II, là biên tập viên báo Thế giới một thời gian ngắn (1950-1951) rồi trở thành nhà văn tự do sống tại Hamburg. Lenz đã được trao các giải thưởng: Peace Prize of the German Book Trade (1988), The Goethe Prize of Frankfurt am Main (2000), Italian International Nonino Prize (2010). Trước khi qua đời, ông đã kịp khởi xướng Siegfried Lenz Prize - một trong các giải thưởng văn chương danh giá nhất của Đức cho “các nhà văn quốc tế được ghi nhận trong hoạt động văn chương sáng tạo theo tinh thần Siegfried Lenz”.

TÙNG QUÂN