Thứ Hai, 16/08/2021 00:02

Mĩ thuật với đề tài Hà Nội

Nhiều họa sĩ đã thành danh nhờ vẽ về Hà Nội. Giờ đây, chúng ta có thể khẳng định có một dòng tranh Hà Nội trong dòng chảy của mĩ thuật Việt Nam hiện đại... (THU SANG)

. THU SANG
 

Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, luôn là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ họa sĩ. Nhiều họa sĩ đã thành danh nhờ vẽ về Hà Nội. Giờ đây, chúng ta có thể khẳng định có một dòng tranh Hà Nội trong dòng chảy của mĩ thuật Việt Nam hiện đại. Nói đến tranh Hà Nội là phải nhắc đến Bùi Xuân Phái, một trong bộ tứ mĩ thuật “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” nổi tiếng của hội họa nước nhà. Bùi Xuân Phái vẽ tranh phố cổ bằng tất cả tình yêu của mình. Tranh “phố Phái” theo giới nghiên cứu mĩ thuật được chia làm ba giai đoạn chính. Giai đoạn Nâu (1960 - 1970), thể hiện một Hà Nội xưa cũ nhất, còn giữ nguyên bản sắc. Giai đoạn Ghi xám (1970 - 1980), Hà Nội trong tranh Phái tươi mới và sinh động. Từ 1980 đến 1988 là giai đoạn Lam, họa sĩ vẽ Hà Nội với những gam màu ấm và nhẹ nhàng.

Tác phẩm của Bùi Xuân Phái

Tranh phố của Bùi Xuân Phái đậm nét cổ kính, hiện rõ tinh thần của phố cổ Hà Nội. Phố cổ thời họa sĩ sống là những con phố chưa sầm uất, không ồn ào mà có nét thâm trầm, xưa cũ và lặng lẽ như chính con người ông. Những Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai… mặc dù được vẽ theo một mô-típ chung (những dãy nhà có mái ngói đỏ xiêu vẹo, bờ tường rêu mốc, dưới đường hay trên vỉa hè rất vắng người qua lại) nhưng vẫn mang nét đẹp không trộn lẫn. Những mảng màu trầm mặc thời gian của họa sĩ Phái được bao bọc bởi đường viền đậm nét, tạo thành lớp lang và có chiều sâu bên trong, càng nhìn càng cuốn hút. Nhiều tác phẩm của ông như Phố cổ Hà Nội Bùi Xuân Phái (1972), Xe bò trong phố cổ (1972), Phố vắng (1981)… đã trở nên hết sức quen thuộc với công chúng, trở thành một biểu trưng về Hà Nội.

Ngoài Bùi Xuân Phái, họa sĩ Lê Văn Xương cũng là một tên tuổi trong giới hội họa về tranh phố phường Hà Nội. Có tài liệu khẳng định ông vẽ tranh phố cổ còn sớm hơn cả Bùi Xuân Phái, từ những năm 1950. Khác với “phố Phái” buồn, trầm mặc, Hà Nội trong tranh Lê Văn Xương lãng mạn và bay bổng. Tìm về cuộc triển lãm năm 1953 của họa sĩ, người xem sẽ hiểu hơn những con phố của thập niên thời ông sống và vẽ. Hàng Da, Gầm Cầu, Hàng Muối, Hàng Buồm, chùa Láng hay chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng... lần lượt hiện lên trong tranh ông dung dị, chân thực, được bao bọc bởi những gam màu nóng lạnh đan xen hài hòa. Trong bức Chợ Đồng Xuân được vẽ khoảng năm 1950, người và cảnh vật hiện lên rõ mồn một, những phương tiện di chuyển trên phố nhộn nhịp, xe đạp, xích lô, xa xa là những toa tàu điện sơn màu đỏ gõ chuông leng keng chạy tạo nên một không khí tươi vui, sầm uất. Chúng ta cũng thấy bầu không khí ấy trong các bức Phố Hàng Da, Phố Hàng Buồm với những góc phố đông vui tấp nập người đi lại trong ánh nắng vàng, bầu trời cao, trong xanh bình yên, những cô gái duyên dáng phấn khởi vui vẻ, thướt tha trong tà áo dài. Bức Chùa Trấn Quốc, Hà Nội vẽ ngôi chùa cổ linh thiêng của đất Hà thành với vẻ trầm mặc, cổ kính trong buổi sáng vàng nhẹ nhàng trong trẻo… Thiết nghĩ phải yêu Hà Nội lắm thì họa sĩ Lê Văn Xương mới chọn Hà Nội làm đề tài vẽ và mới vẽ Hà Nội vui vẻ, nhộn nhịp, khoáng đạt, giàu sức sống đến vậy.

Tranh của họa sĩ Lê Văn Xương

Phạm Bình Chương là một gương mặt nổi bật trong giới mĩ thuật thế hệ đầu 7x. Anh là “đại diện” của trường phái tả thực và là nhóm trưởng nhóm hiện thực. Gắn bó với Hà Nội từ nhỏ, nên mọi góc phố tại đây đều trở nên thân thuộc với anh. Từ những con phố cổ, lối lên xuống dốc, những bậc cầu thang khu tập thể cũ, những góc nhà với đồ đạc cũ kĩ cho đến cảnh sinh hoạt của người dân, chiếc xe đạp cũ kĩ dựng bên bờ tường rêu mốc… đều trở thành nguồn cảm hứng để Phạm Bình Chương vẽ nên những tác phẩm giàu cảm xúc theo lối riêng của mình. Trong khoảng vài năm trở lại đây anh vẽ chừng một trăm bức với đề tài phố cổ Hà Nội, tổ chức hai triển lãm cá nhân Xuống phố 1 Xuống phố 2 đều về Hà Nội. Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương luôn có sự yên bình, lắng đọng và cái duyên thầm. Mỗi khi ngột ngạt, nhìn vào một bức tranh của Phạm Bình Chương, chúng ta sẽ tìm thấy ở đó chốn nương náu bình yên cho tâm hồn. Thưởng lãm Hà Nội trong tranh của anh, người xem như cảm nhận được cái hồn của sự vật, thậm chí ngửi được cả mùi rêu mốc của thời gian, mùi của gánh hàng rong, mùi riêng đặc trưng của phố cổ Hà Nội, mường tượng được nét hào hoa thanh lịch của người Tràng An… Họa sĩ họ Phạm từng bộc bạch về những bức tranh vẽ Hà Nội của mình rằng: “Tôi muốn mọi người thấy được vẻ đẹp của Hà Nội và cũng muốn mọi người gác lại sự gấp gáp của cuộc sống để thưởng thức sự thanh bình, trong trẻo qua những bức tranh, qua đó có một cuộc sống lạc quan, vui vẻ hơn.”

Tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương

Cũng vẽ về Hà Nội, cũng miêu tả cái nhộn nhịp tấp nập đông vui của Hà Nội như Lê Văn Xương nhưng họa sĩ trẻ Phạm Luận lại có cách thể hiện khác. Hà Nội trong tranh anh là Hà Nội của thế kỉ XXI với đầy đủ sự hiện đại, hào nhoáng của thời công nghệ 4.0. Nếu Lê Văn Xương chọn xe đạp, xe xích lô, tàu điện leng keng… thời ông sống để làm “nguyên liệu” vẽ tranh thì Phạm Luận lại lựa chọn những chiếc xe SH, Spacy, những chiếc băng rôn vẫn vắt ngang phố, những cửa hiệu quần áo trưng bày nhiều ma nơ canh điệu đà... làm chất liệu sáng tác. Mặc dù vậy, nhìn chung những bức sơn dầu về Hà Nội của Phạm Luận tái hiện sự tồn tại song song của hiện đại và cổ xưa, những mảng màu nâu cổ kính pha lẫn sự mới mẻ của phố thị. Họa sĩ trẻ Phạm Ánh cũng là người có những tìm tòi, thể hiện độc đáo về Hà Nội. Anh có nhiều tác phẩm miêu tả sinh động về đời sống trong những con ngõ Hà Nội. Bộ tranh chuyên vẽ về ngõ ngập tràn nắng của anh được giới mĩ thuật đánh giá cao bởi phối màu tốt và mang lại cái nhìn mới mẻ về những con ngõ đời sống của người Hà Nội. Cũng giống Phạm Bình Chương, Phạm Ánh hướng Hà Nội của mình về những điều mộc mạc dễ bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Anh muốn chứng minh với mọi người rằng cái đẹp không chỉ nằm ở những nơi xa hoa lộng lẫy mà ở ngay bên cạnh chúng ta, với những điều rất đỗi bình dị.

Hiện nay có hàng chục họa sĩ đủ các lứa tuổi tập trung vẽ về đời sống Hà Nội như Đào Hải Phong, Hoàng Đình Tài, Ngô Thành Nhân, Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Trường, Nguyễn Xuân Lục… Dù họa sĩ nào vẽ về Hà Nội và vẽ theo phong cách nào, bằng chất liệu gì thì Hà Nội vẫn hiện lên với tất cả những gì chân thực nhất, hồn cốt nhất, tinh túy nhất. Đó là cách các họa sĩ thể hiện tình yêu, niềm trân trọng yêu quý của mình đối với Hà Nội.

T.S