Thứ Sáu, 17/07/2020 15:35

Michel Bussi - tác giả trinh thám hào hoa

Quyến rũ, hào hoa, hài hước và bất ngờ, tất cả những tinh hoa của thể loại trinh thám hội tụ trong văn chương của Michel Bussi.

Quyến rũ, hào hoa, hài hước và bất ngờ, tất cả những tinh hoa của thể loại trinh thám hội tụ trong văn chương của Michel Bussi. Dường như ông đã gia nhập đội ngũ những nhà văn trinh thám Pháp thành công nhất tại Việt Nam, cùng Jean-Patrick Manchette, Maxime Chattam và Pierre Lemaitre.

Bởi những đặc tính riêng, trinh thám Pháp ngữ không thuộc các nhóm sách trinh thám dễ đọc, nhất là các đối tượng độc giả thanh thiếu niên. Các tác giả Pháp hoặc quá tập trung vào các kiến thức chuyên ngành pháp lí hình sự, hoặc đi sâu vào những đề tài lớn như chiến tranh, nữ quyền, với lối kể chuyện đa tuyến, chậm rãi, chú trọng các mã văn hoá. Gần như thường viết ra các cuốn sách dày cộp, với nhiều tên riêng, sự kiện lịch sử hoặc bản sắc địa phương, các tác giả Pháp luôn là thách thức với mọi đơn vị xuất bản khi định lựa chọn giới thiệu một tác phẩm của họ.

Nhưng Michel Bussi lại là một trường hợp thành công kì lạ. Được giới thiệu ở Việt Nam từ năm 2015 với tác phẩm “Xin đừng buông tay”, đến nay ông đã có 5 cuốn tiểu thuyết được dịch ra Tiếng Việt, gồm: “Xin đừng buông tay”, “Hoa súng đen”, “Mẹ đã sai rồi”, “Vết khắc hằn trên cát” và “Kho báu bị nguyền rủa”… Tất cả các tác phẩm của Bussi đều được đặt những tựa đề rất lãng mạn, lối viết của ông hào hoa, quyến rũ, bi tráng, như một dải lụa trắng mềm vắt ngang qua một di tích hoang tàn hậu chiến. Cho đến nay, Michel Bussi đã có một lượng độc giả trung thành ở Việt Nam.

Nhân dịp ra mắt hai tác phẩm được xem như quan trọng nhất trong sự nghiệp của Michel Bussi - “Vết khắc hằn trên cát” và “Kho báu bị nguyền rủa”, một buổi tọa đàm tại Trung tâm văn hóa Pháp đã được tổ chức với tên gọi “Michel Bussi - ông hoàng của Trinh thám Pháp”. Buổi toạ đàm có sự tham gia của hai diễn giả khách mời là nhà văn Di Li, một tác giả theo đuổi thể loại trinh thám, và anh Đỗ Nam - người sáng lập “CLB Hội thích truyện trinh thám”.

 

Buổi toạ đàm “Michel Bussi - ông hoàng của Trinh thám Pháp” thu hút độc giả thủ đô. Ảnh: La Thu

Lí giải về thành công của Michel Bussi, nhà văn Di Li cho biết: “Michel Bussi tụ hội tất cả những gì mang tính chất Pháp. Văn của ông đẹp đẽ đến mức hào hoa, ảo diệu. Khác với hầu hết các cây viết trinh thám hình sự, Michel Bussi luôn luôn khai thác những đề tài văn hoá lịch sử cụ thể, đặc biệt là chiến tranh và thân phận người phụ nữ. Một vụ án kéo dài đến nửa thế kỉ: không ở đâu có thể tìm thấy những kiểu mẫu câu chuyện như thế ngoài Michel Bussi”.

Michel Bussi sinh năm 1965 ở vùng Normandie phía tây bắc nước Pháp. Ông bắt đầu sự nghiệp từ năm 35 tuổi - độ tuổi được cho là chín chắn để viết được tiểu thuyết trinh thám. Hài hoà giữa tính văn chương và khả năng kết cấu câu chuyện li kì, Michel Bussi đã vươn lên trở thành tác giả thành công nhất nước Pháp đương đại với gần một triệu bản được bán ra chỉ trong biên giới đất nước hình lục lăng.

Anh Đỗ Nam thì cho rằng, công việc làm một giảng viên môn địa lí học đã mang lại cho Michel Bussi những lợi thế nhất định: “Có tư chất của một nhà địa lí nên Bussi đi nhiều nơi và ông luôn quan sát rất kĩ, luôn để tâm đến những cảnh đẹp của quê hương và chú trọng miêu tả chúng bằng nhãn quan của riêng ông trong mọi tác phẩm. Văn của Bussi hấp dẫn nhờ việc luôn có một nước Pháp với những đồng bằng, những vùng hải ngạn, và các miền quê hiện lên vô cùng sinh động”.

Nhà văn Di Li chia sẻ đầy cảm xúc về trải nghiệm đọc Michel Bussi của cô. Ảnh: La Thu

Trong buổi toạ đàm, các độc giả trẻ cũng thảo luận sôi nổi về tác giả nói riêng và văn học trinh thám nói chung. Có độc giả thắc mắc, Michel Bussi không dễ đọc như Dan Brown, đòi hỏi suy ngẫm rất nhiều và đôi khi sẽ cảm thấy hơi rườm rà. Nhà văn Di Li nhận xét: “Tôi nghĩ rằng Michel Bussi là một tác giả văn chương đáng để thưởng thức. Ngay cả khi bỏ đi các vụ án, đó vẫn là những cuốn tiểu thuyết cao cấp. Các vụ án chỉ giống như những chuỗi dây chuyền kim cương lấp lánh trên cổ một người phụ nữ sẵn đẹp”.

Tác phẩm “Vết khắc hằn trên cát” là tác phẩm đầu tay của Michel Bussi, được viết vào những năm đầu thập niên 1990. Ban đầu tác phẩm bị rất nhiều đơn vị xuất bản ở Pháp từ chối, nhưng sau đó đã được sửa lại và đưa Michel Bussi trở thành tên tuổi đáng chú ý nhất trong nền văn chương Pháp. “Vết khắc hằn trên cát” kể về cuộc hành trình của Alice đi tìm hiểu bí mật năm xưa của người chồng - một lính biệt kích đã hi sinh trên bờ biển Normandy trong thế chiến. Điều đặc biệt là anh đã để lại cho Alice một món quà khổng lồ sau khi chiến thắng một vụ giao kèo chỉ xảy ra vài giờ trước cuộc đổ bộ năm 1944.

Hai tác phẩm mới xuất bản của Michel Bussi. - Ảnh: Hạnh Nguyên

Văn học trinh thám hiện đại nước ngoài là một trong những dòng sách chủ lực trên thị trường xuất bản Việt Nam. Từ những năm 2000, cú hích đầu tiên Dan Brown xuất hiện và gây kinh ngạc, kể từ Mật mã Da Vinci (NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005). Bắt đầu từ đó các công ti truyền thông sách như Nhã Nam, Bách Việt, Đinh Tị và đặc biệt là Cổ Nguyệt và Phúc Minh bắt đầu giới thiệu liên tục các sách trinh thám của các tác giả đương thời như Higashino Keigo, Minato Kanae (Nhật Bản), Pierre Lemaitre, Maxime Chattam (Pháp) hay Robert Dugoni, Lisa Gardner (Mĩ)…

Sách trinh thám đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để thành công với một tác giả, các nhà sách dường như phải chọn lọc và truyền thông mạnh tay, cũng như chấp nhận một số rủi ro. Thực tế có không ít tác giả trinh thám tên tuổi, đạt nhiều giải thưởng danh giá ở quốc tế nhưng bị độc giả Việt Nam ngó lơ do khác biệt về mã văn hoá, hoặc truyền thông chưa chạm được tới độc giả.

HẠNH NGUYÊN