Thứ Năm, 06/06/2019 14:30

Milan Kundera hay một cái tên bất tử

Kundera cho rằng, tiểu thuyết khảo sát những tình huống của con người, vì con người không có cơ hội lặp lại các tình huống đã trải qua, cũng như là các khả năng sống khác.

 Tối 5/6, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tọa đàm “Milan Kundera hay một cái tên bất tử”. Chương trình nói về việc dịch các tác phẩm của Kundera tại Việt Nam nhân dịp cuốn tiểu thuyết Sự bất tử của ông vừa xuất bản.

Một số tác phẩm của Milan Kundera được Nhã Nam xuất bản

Milan Kundera sinh năm 1929 tại Brno, Tiệp Khắc (nay là cộng hòa Séc). Ông lớn lên trong một gia đình có nền tảng về nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc để lại dấu ấn không nhỏ trong cuộc đời cũng như tác phẩm của ông. Từ năm 1948, Kundera bắt đầu theo học văn học và mĩ học tại khoa Nghệ thuật, nhưng sau hai học kì ông nhanh chóng chuyển sang học điện ảnh tại Học viện Nghệ thuật biểu diễn Praha. Ông sang Pháp năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981.

Kundera là nhà văn có lối văn chương độc đáo ngay từ khi viết những tác phẩm đầu tiên. “Lần đầu tiên tôi tìm thấy chính bản thân mình, [...], tôi tìm thấy giọng điệu mình, vẻ xa cách giễu cợt đối với thế giới và với cuộc sống của chính mình, nói ngắn gọn, tìm thấy con đường của một tiểu thuyết gia”.

Nói về Kundera và tác phẩm của ông, nhà văn Nguyên Ngọc, người đầu tiên dịch Kundera ở Việt Nam chia sẻ: Với Kundera, lí luận về tiểu thuyết là rất quan trọng. Ông ấy quan niệm tiểu thuyết không chỉ là một thể loại văn học. Tiểu thuyết ra đời cùng với thời hiện đại của châu Âu và nó thám sát tư duy của con người về thế giới hiện đại. Tiểu thuyết chính là cấp độ của tư duy. Mỗi nhà văn đều có lí luận về tiểu thuyết của riêng mình, điều đó được thể hiện trong tác phẩm.

Kundera cho rằng, tiểu thuyết khảo sát những tình huống của con người, vì con người không có cơ hội lặp lại các tình huống đã trải qua, cũng như là các khả năng sống khác. Nhân vật không phải là điển hình của xã hội mà nhân vật phải là cái tôi sáng tạo, cái tôi thử nghiệm. Nhân vật sống thay tác giả ở những tình huống mà tác giả không trải qua và đi đến tận cùng của tình huống ấy. Đó là tính hiện đại của tiểu thuyết theo quan niệm của Kundera.

Sự phức tạp trong cấu trúc hình thức ngôn ngữ của tác phẩm, dấu ấn của âm nhạc, lối phân tích lạnh lùng và tỉnh táo, tính triết là những điều làm nên phong cách không thể lẫn được của Kundera.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả của tiểu thuyết Sự bất tử cho biết: Kundera là nhà văn hết sức nghiêm cẩn với tác phẩm của mình, ngay cả với các bản dịch. Ông là người trực tiếp duyệt bìa các tác phẩm của mình cũng như yêu cầu khắt khe, các dịch giả phải chuyển ngữ tác phẩm của mình từ tiếng Pháp. Dịch ông là việc khó, từ tính nhịp điệu, văn phong, cấu trúc, ... do vậy dịch giả phải tìm được mạch của văn bản. Từ một vấn đề, Kundera viết như là một biến điệu, phức điệu phát triển lên, mở rộng ra, và suy luận. Đọc ông cần xem xét hành vi, ý đồ, tư tưởng của nhân vật. Kundera viết như là nghiên cứu bản thể hiện sinh của con người.

Kundera luôn suy tư về tiểu thuyết. Trước tiểu thuyết, văn học diễn đạt theo hướng sử thi (thiện - ác, trắng - đen...). Kundera cho rằng, ở tiểu thuyết hiện đại điều đó đã bị phân rã. Tiểu thuyết là hiện minh của sự lưỡng lự làm nên hàng trăm chân lí tương đối. Ông mở ra những khả năng khác cho tiểu thuyết: “Có một nền tiểu thuyết mà Tây Âu không biết đến”.

Một số tác phẩm của Kundera đã được dịch và trở nên nổi tiếng ở Việt Nam như: Đời nhẹ khôn kham, Cuộc sống không ở đây, Vô tri, Lễ hội của vô nghĩa, Nghệ thuật tiểu thuyết, Những di chúc bị phản bội, Một cuộc gặp gỡ...

Kundera được biết đến là người rất coi trọng sự riêng tư. Tiểu sử tác giả in trên các tác phẩm được phát hành của ông cũng chỉ giới hạn ở hai câu: “Milan Kundera sinh tại Tiệp Khắc. Năm 1975, ông chuyển sang sinh sống tại Pháp”. Với ông, tác phẩm sẽ nói và thể hiện thay tiểu sử nhà văn.

HOÀI PHƯƠNG