Trên cơ sở đó nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng mảng văn học ngày càng tốt hơn. Báo Quân đội nhân dân xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết của cộng tác viên.

PGS, TS, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú (Tạp chí Văn nghệ Quân đội):

Đưa thực tế đời sống người lính vào những trang văn

Từ trải nghiệm của một người lính từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cá nhân tôi cho rằng việc bồi đắp, làm giàu đẹp đời sống tinh thần cho người lính quan trọng không kém việc chăm lo đời sống vật chất. Trong đó, những tác phẩm văn học in sách, đăng báo, tạp chí là “món ăn tinh thần” chất lượng cao, góp phần làm đẹp nhân cách, tâm hồn, tình cảm người chiến sĩ.

Mong muốn chất lượng mảng văn học ngày càng tốt hơn
PGS, TS, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú.

Là một bạn đọc, đồng thời cũng là cộng tác viên lâu năm của trang chuyên đề Văn học thứ sáu (Báo Quân đội nhân dân), tôi thấy các tác phẩm đề cập đến mảng đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng còn ít. Đúng là để có những tác phẩm về người lính hay, có dung lượng phù hợp khuôn khổ một trang báo không phải là điều dễ dàng. Thiết nghĩ không cần sa vào lối viết phức tạp của những trường phái văn học tân kỳ, quan trọng là đưa thực tế đời sống người lính vào những trang văn. Đó là chuyện những tân binh vượt qua hoàn cảnh nhập ngũ hoặc là chuyện vợ con những người lính biên phòng, hải quân thường xuyên xa nhà… Những tác phẩm văn học không chỉ phản ánh đời sống người lính đang tại ngũ mà cả khi những cựu chiến binh về với đời thường đã làm gì để giữ gìn, làm đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Viết về người lính muốn chân thực thì phải có những cây bút hiểu về người lính, có thời gian gắn bó với quân ngũ. Cho nên, về lâu về dài, Báo Quân đội nhân dân cần chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên viết về người lính; đặc biệt chú ý đến những cây bút trẻ ở đơn vị sẽ đem lại màu sắc tươi mới cho những trang văn.

MỘC LAN (ghi)

Nhà thơ Song Ninh (Trưởng phòng Marketing, Công ty CP Bất động sản MLAND Việt Nam):

Mong muốn được thử bút lực về đề tài người lính

Với một cây bút trẻ, có tác phẩm thường xuyên xuất hiện trên những tờ báo lớn, có vị thế như Báo Quân đội nhân dân là niềm vinh dự, tự hào. Cho nên, trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện cho những cây bút trẻ như tôi được thể hiện năng khiếu văn chương.

Mong muốn chất lượng mảng văn học ngày càng tốt hơn
Nhà thơ Song Ninh.

Thực tâm, tôi rất muốn viết về đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng, tuy nhiên đôi khi lực bất tòng tâm. Một phần là hiểu biết về quân đội của tôi còn hạn hẹp; tiếp nữa là điều kiện và thời gian để tiếp xúc với môi trường, con người trong quân ngũ cũng khó khăn. Cho nên, Báo Quân đội nhân dân bên cạnh tổ chức những lớp tập huấn về báo chí nên chăng tạo điều kiện tổ chức cho một số cây bút văn chương đi thực tế một số đơn vị để sáng tác một số thể loại văn chương có thể in ấn tức thời như bút ký, ghi chép, thơ…

Qua nhiều năm là bạn đọc, cộng tác viên của Báo Quân đội nhân dân, tôi chưa thấy báo tổ chức một cuộc thi nào dành cho những cây bút văn chương tham gia. Cho nên, cá nhân tôi và tin chắc nhiều cây bút đều rất mong muốn Báo Quân đội nhân dân tổ chức cuộc thi văn học để nhiều cây bút trong và ngoài quân đội tham gia. Đó có thể là cuộc thi về bút ký, truyện ngắn về người lính có dung lượng 2.000-2.500 từ… đều có thể dễ dàng đăng tải.

HÀM ĐAN (ghi)

Nhà thơ Hồng Thanh Quang (Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết):

Vẫn giữ vững định hướng chính trị, tăng cường thêm chất đời tư thế sự

Khác với các tờ báo, tạp chí chuyên sâu về văn nghệ, văn học, Báo Quân đội nhân dân là tờ báo chính trị hàng đầu; cho nên tờ báo cần kịp thời thể hiện rõ quan điểm của Đảng, của quân đội về vấn đề văn học. Vấn đề muôn thủa đặt ra cho những người làm mảng văn học Báo Quân đội nhân dân là một mặt phải đúng quan điểm, đường lối chính trị, bản sắc quân đội cách mạng nhưng đồng thời phải có những tác phẩm hay, hấp dẫn, sinh động về người lính nói riêng và đời sống nói chung.

Mong muốn chất lượng mảng văn học ngày càng tốt hơn
Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Cá nhân tôi mong muốn trong thời gian tới mảng văn học cần tăng cường chất đời tư thế sự để làm giàu thêm, đẹp hơn, lạ hơn hình tượng người lính hôm nay. Đẹp hơn, lạ hơn nhưng không làm mất bản sắc đặc trưng cao đẹp được hun đúc gần 75 năm qua của những người lính Cụ Hồ là việc khó. Song nếu làm được mảng văn học trên Báo Quân đội nhân dân, tờ báo chắc chắn sẽ thu hút được bạn đọc, trở thành “người bạn” đồng hành không thể thiếu của người lính hôm nay.

VÂN HÀ (ghi)

Nhà thơ, Tiến sĩ Tạ Anh Thư (giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương):

Mở ra những hướng nghiên cứu mảng văn học về người lính

Lắng nghe những trao đổi của các đại biểu, bản thân tôi rút ra nhiều điều bổ ích. Trước hết, gợi mở những hướng nghiên cứu mới về văn học người lính; từ đó ứng dụng trong giảng dạy nghiên cứu cho các sinh viên, học viên cao học. Những năm gần đây, các luận văn thực hiện nghiên cứu về văn học người lính ít dần đi. Một phần những tác phẩm về đề tài người lính có tiếng vang đã ra đời từ lâu, đã được nghiên cứu nhiều. Trong khi đó, những tác phẩm về người lính những năm qua lại chưa được quảng bá sâu rộng, chưa được những chuyên gia văn học mạnh dạn nghiên cứu.

Mong muốn chất lượng mảng văn học ngày càng tốt hơn
Nhà thơ, Tiến sĩ Tạ Anh Thư.

Việc nghiên cứu thành tựu văn học đương đại về người lính sẽ minh chứng cho sự phát triển liền mạch, không bị đứt đoạn của mảng đề tài quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời, thấy rõ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và quân đội trong việc chăm lo, vun đắp đội ngũ văn nghệ sĩ, để ngày càng có thêm những tác phẩm hay, xứng tầm với những chiến công, thành tích và cả những hy sinh, vất vả của người lính thời bình.

HOÀNG ANH (ghi)