Chủ Nhật, 10/07/2022 00:36

Một chiều qua phố Cửa Bắc

Tất nhiên, tên gọi định danh phố mà không trùng khít với mặt hàng buôn bán hoặc địa điểm thì Hà Nội nhiều lắm... (HÀ THÀNH)

. HÀ THÀNH

 

Tên là Cửa Bắc nhưng phố lại không dẫn thẳng đến Bắc Môn của thành Hà Nội xưa mà lại chệch ra một tí (đi thẳng ra Bắc Môn là phố Đặng Dung), ấy cũng là một điều thú vị của tên phố Hà Nội.

Tất nhiên, tên gọi định danh phố mà không trùng khít với mặt hàng buôn bán hoặc địa điểm thì Hà Nội nhiều lắm. Phố Hàng Khoai bây giờ đâu còn bán khoai, Hàng Mắm thời này cũng đâu bán mắm nữa. Nếu có sự chính các giữa tên gọi và mặt hàng đặc trưng của phố thì Hà Nội bây giờ chắc không quá mười phố. Phố Cửa Bắc thực tế thì chệch Bắc Môn chỉ một quãng ngắn, con phố kéo dài từ đường Yên Phụ dẫn tới đường Nguyễn Tri Phương - tên một danh thần thời Nguyễn có ban thờ trên lầu cao của cổng thành duy nhất của thành Hà Nội cùng với Hoàng Diệu.

Phố Cửa Bắc vào lúc 14h giờ 30 ngày 21 tháng 12 năm 2021 có lẽ là một thời khắc không điển hình như từng có của con phố. Ngày hôm qua, Hà Nội ghi nhận 1600 ca nhiễm COVID, một kỉ lục buồn và nó làm sức sống của con phố chùng xuống. Dấu vết của kỉ lục không nên có trên con phố có lịch sử hàng trăm năm này là rất nhiều hàng đóng cửa cùng những tấm biển cho thuê nhà. Nhà số 51A treo biển cho thuê, ngay bên cạnh, số nhà 49 cũng treo biển tương tự, nhà số 47 không có biển hiệu gì nhưng cũng đóng im lìm, không có dấu hiệu của kinh doanh hay văn phòng. Nếu ai chú ý quan sát phố xá Hà Nội vào thời điểm bình thường thì sẽ thấy gần như tất cả những nhà mặt đường lớn đều là nơi buôn bán hoặc làm văn phòng. Nhà mặt phố Hà Nội mà đóng cửa thì lạ lắm, hiếm lắm, nhưng thời bây giờ hiện tượng đó bắt đầu bình thường…

Thế nhưng vào thời nào thì người Hà Nội cũng xoay sở để sống, phố Hà Nội kiểu gì cũng nhúc nhắc để chứng tỏ sự tồn tại của mình ở một đô thị lớn vào loại nhất nhì cả nước. Số nhà 84 là một biệt thự cổ có cổng khoá im ỉm nhưng ngay trên cái vỉa hè rộng rãi ấy có liền hai hàng trà đá sát cạnh nhau, một của cô thiếu nữ, một của phụ nữ trung niên, gần đó là hàng bánh khoai, bánh rán. Những người ở miền Nam ra Hà Nội có thể rất ngạc nhiên khi trời miền Bắc lạnh giá nhưng người Hà Nội vẫn uống trà đá, cà phê đá, nhiệt độ hôm nay của Hà Nội khoảng 17 độ nhưng người ta vẫn gọi một cốc trà đá như thường.

Một ông già kiểu cao bồi phố cổ đang ngồi uống trà ở quán trà người đàn bà trung niên. Vì sao biết đó là cao bồi phố cổ Hà Nội? Ông ta đội cái mũ len cao vành kiểu Nga, đeo kính đen mắt vuông, chân dận giầy tây bóng lộn và tai còn nghe ipod. Như thế có vẻ như vẫn chưa đủ nhỉ! Thì đây, thêm một bộ quần áo màu xanh xám hầm hố nhiều túi hộp, vẻ mặt cao ngạo đầy mãn nguyện. Đích thị là cao bồi phố cổ trong các trang văn của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn hoặc Nguyễn Bảo Sinh, những nhà văn Hà Nội rất sành điệu và chịu chơi.

Những ông già phố cổ Hà Nội khác hẳn các ông già vùng nông thôn hoặc ở các đô thị khác. Nếu bạn không phải người thành phố này, khi nhìn thấy một nhân vật rất khác thường và ăn mặc theo phong cách ấn tượng kiểu như tôi vừa tả thì không nhầm đâu, chính là một cao bồi phố cổ đấy. Theo định nghĩa của một nhà văn Hà Nội sành điệu, để được gọi là “giai già phố cổ” thì từ nơi ở đến Hồ Gươm không được vượt quá bán kính 2km! Phố Cửa Bắc theo cái định nghĩa rất mơ hồ kia thì có thể không đủ về mặt khoảng cách nhưng cao bồi thì vẫn có thể đi chơi đây đó và di chuyển chỗ ở chứ!

Tôi tập trung chú ý vào những biển hiệu trên phố Cửa Bắc và thấy chúng rất thời thượng. Ở số 96 là một cửa hàng có tên “Bánh mì ông ngoại”. Cái từ “ông ngoại” này liệu có lấy từ cảm hứng từ một vụ tiêm vaccine chống COVID ầm ĩ “Vắc xin ông ngoại” dạo trước không nhỉ? Mặc dù treo biển “ông ngoại” nhưng trong cửa hàng tôi chỉ thấy một cô gái bán hàng và quán vắng teo.

Cạnh đó, cùng có số 96 là cửa hàng “Cơm văn phòng - bánh mì - bà xã”, vẫn ở số 96 ấy còn có một hiệu “Phá lẩu Sohi”, một hàng “Bún dọc mùng - bánh cuốn nóng”, một tiệm “Bánh crepe” nữa.

Một số nhà mà lại có nhiều cửa hàng thế à? Xin thưa, đó là một kiểu rất… Hà Nội! Ban đầu con số ấy chỉ có một nhà, một dinh thự lớn hoặc khoảnh đất rộng, rồi thì người ta chia nhà hoặc xắt các miếng đất ra, số nhảy thêm thì không được nữa nên đành chèn các chữ cái A, B, C… vào; ví dụ 96A, 96B, 96C cho đến hết thì thôi.

Tôi sẽ tiết lộ một chi tiết dành cho các bạn muốn khám phá và tìm hiểu phố xá Hà Nội. Ví dụ một toà dinh thự cũ thì bây giờ có bao nhiêu gia đình đang ở trong đó. Tất nhiên ta không thể xộc vào nhà người khác để hỏi những câu hỏi tò mò rất đáng ngờ ấy nếu không có một quyền hạn hoặc chức trách nhất định. Và người lạ hỏi thì cư dân họ sẽ không trả lời hoặc có thái độ rất cảnh giác. Tôi thì có cách riêng của mình. Ví dụ ở số nhà 58 Cửa Bắc là một biệt thự cũ có đến 6 cánh cửa vòm màu xanh trên tầng hai. Tôi quan sát và thấy các cánh cửa sổ trong hiện trạng không giống nhau, đặc biệt ba cánh cửa chính ở tầng một làm bằng ba chất liệu và màu sơn khác nhau: gỗ, kính và tôn. Vậy thì có thể suy ra, toà nhà này có ít nhất có ba gia đình đang sống hoặc bị chia làm ba. Lại nữa, ở số nhà 84 có hai cái công tơ điện treo ngoài cổng, vậy là ít nhất có hai hộ gia đình đang sống ở đây...

Lại tiếp tục câu chuyện những biển hiệu trên phố, trước cửa số nhà 88 có một biển hiệu “ốc chị Huệ” nhưng nhân viên phục vụ toàn là nam giới. Giờ này đầu chiều quán đã có vài khách ăn. Ốc là món ưa thích của người Hà Nội. Nếu ai để ý đến món bún ở thành phố này thì sẽ thấy ốc là thứ nguyên liệu hợp thành món phổ biến nhất, cùng với thịt bò. Thì đây, cách xa hơn một chút, ở số 16 là quán “Bún bò Huế o Uông”. Lần này tôi quan sát thì người bán hàng đúng là một o trung tuổi thật. Các món Huế luôn được ưa thích ở Hà Nội và nếu vào quán ăn nghe thấy cái giọng Huế dễ thương, ngòn ngọt vang lên thì người ta đã thấy dễ chịu rồi. Quán “Bún bò Huế o Uông” giờ này vắng khách lắm, tôi cũng muốn thử nhưng chưa đói, ăn sợ khó thấy ngon nên đành tạt qua quán “aha coffee” ở số 30 vậy.

Hà Nội mấy năm gần đây có nhiều quán cà phê chuỗi rất quen thuộc, ngoài những thương hiệu như Trung Nguyên, Highlands thì những cái tên mới như Cộng, aha, Kafa cũng rất được chú ý. Những kiểu quán như aha hay Kafa thường được những bạn trẻ ưa thích vì phong cách trẻ, mở và bình dân. Cách thưởng thức cà phê cũng rất điển hình là ngồi ngay sát vỉa vẻ với những chiếc ghế gỗ nhỏ, vừa uống cà phê vừa lắng nghe tiếng phố ầm ào. Quán cà phê giờ này vắng khách vì bầu không khí lo âu đang bao trùm. Theo gợi ý của một cậu nhân viên trẻ trong quán, tôi chọn một ly latte nóng thay vì cà phê đen truyền thống và tôi biết người Hà Nội cũng bắt đầu ưa những kiểu uống cà phê quốc tế rồi, nhất là những người trẻ.

Cạnh aha coffee là một ngôi nhà rất đặc biệt, đó là nhà số 28 với tấm biển “Chuong Tailor” - Chương thợ may. Toà nhà ấy rất đặc biệt vì nó xây rất giống kiểu lâu đài châu Âu, sang trọng và giàu có. Cả dãy phố bên số chẵn ở Cửa Bắc đa số đều thấp tầng hoặc cũ xưa thì bỗng vụt một ngôi nhà hiện đại rất cao, rất mới, những cột trụ, kính sáng loáng sơn tường màu cam gây sự chú ý. Tôi nhìn qua cửa kính thì thấy những bộ veston sang trọng treo trên giá, giờ mà nhìn thấy một hiệu may truyền thống giữa phố Hà Nội chẳng phải điều đáng ngạc nhiên sao. Như chính tôi từ khoảng hơn hơn mười năm rồi không hề bước chân vào bất kì một hiệu may nào cả bởi tôi đã quen với đồ may sẵn giống như nhiều người. Hiệu may này chắc hẳn có tiếng và dành cho những người còn thích sự cầu kì hay cần đặt những bộ đại lễ thật vừa vặn.

Phố Cửa Bắc ở khúc giữa có hai con ngõ đối diện nhau có cái tên rất đẹp: ngõ Châu Long và ngõ Yên Thành. Ngõ ở Hà Nội, để tiện dụng và dễ tìm người ta thường đánh số thay cho tên, chỉ những con ngõ lớn hoặc rất đặc biệt người ta mới đặt tên riêng biệt, tên ngõ thường là trùng với tên phố. Ngõ Châu Long thì có phố Châu Long nhưng ngõ Yên Thành thì không có phố nào khác. Yên Thành vốn là một cái làng cổ ở khu vực này nhưng bây giờ chỉ còn tên một con ngõ nhỏ lưu làm dấu vết. Lịch sử thăng trầm, có khi biến đổi từng giờ, từng phút, như chính tôi muốn lưu lại dấu tích của phố ở một thời điểm nhất định trong ngày vì biết đâu chỉ hôm sau phố đã khác, người đã đổi.

Phố xá cũng như cuộc đời, có những thời khắc và thời điểm riêng biệt của mình bởi nó đang sống và vận động bất kể thời tiết và bệnh dịch ra sao.

H.T