Thứ Sáu, 12/10/2018 00:02

Một con người thích con người

Naguib Mahfouz sinh năm 1911 trong một gia đình người Hồi giáo Ai Cập trung lưu lớp dưới ở Cairo cũ. Ông là người con thứ bảy và là con út trong gia đình. Bố ông, Abdel-Aziz Ibrahim, người mà Mahfouz miêu tả là “cổ hủ”, là một cán bộ công chức. (HỮU QUỲNH)
. HỮU QUỲNH           
 
mot con nguoi

Giải Nobel văn học năm 1988 trao cho Naguib Mahfouz là giải Nobel văn học đầu tiên được trao cho một người Ai Cập. Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển ca ngợi ông là “người, mà qua những tác phẩm giàu sắc thái - vừa mang tính hiện thực rõ ràng, vừa mang tính mơ hồ một cách khích động - đã hình thành một nghệ thuật kể chuyện Ả Rập cũng là chung cho cả nhân loại” và “là người thu hút sự chú ý của cả thế giới với những miêu tả của ông về cuộc sống ở thành phố Cairo cũ”.

Naguib Mahfouz sinh năm 1911 trong một gia đình người Hồi giáo Ai Cập trung lưu lớp dưới ở Cairo cũ. Ông là người con thứ bảy và là con út trong gia đình. Bố ông, Abdel-Aziz Ibrahim, người mà Mahfouz miêu tả là “cổ hủ”, là một cán bộ công chức. Mẹ Mahfouz, Fatimah, là con gái của một tù trưởng, và mặc dù mù chữ, bà đã đưa cậu bé Mahfouz đi tham quan nhiều lần tại các địa điểm văn hóa như Bảo tàng Ai Cập và các kim tự tháp. Gia đình Mahfouz tôn sùng Hồi giáo và Mahfouz đã lớn lên với một nền giáo dục Hồi giáo nghiêm khắc. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông đã mô tả kĩ lưỡng bầu không khí tôn giáo nghiêm ngặt trong gia đình khi ông còn nhỏ. Ông nói: “Bạn sẽ không bao giờ có thể nghĩ rằng một nghệ sĩ sẽ xuất hiện từ gia đình đó”.

Cuộc Cách mạng Ai Cập năm 1919 có ảnh hưởng lớn tới Mahfouz, mặc dù tại thời điểm đó ông mới lên bảy. Từ cửa sổ ông thường nhìn thấy binh lính Anh bắn vào những đoàn biểu tình, bất kể nam nữ. “Một chuyện làm chấn động tuổi thơ an bình của tôi nhất chính là cách mạng năm 1919”, sau này ông kể. Từ những năm đầu đời, Mahfouz đã đọc rất nhiều và bị ảnh hưởng bởi Hafiz Najib, Taha Hussein và Salama Moussa, nhà trí thức thuộc Hội Fabian (một tổ chức phấn đấu cho mục đích cải cách bằng dân chủ hóa xã hội).

Sau khi tốt nghiệp trung học, Mahfouz được nhận vào Đại học Ai Cập (nay là Đại học Cairo) vào năm 1930, nơi ông học triết học, và tốt nghiệp vào năm 1934. Năm 1936, sau khi dành một năm lấy bằng thạc sĩ triết, ông quyết định sẽ ngừng việc học và trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Mahfouz gia nhập đội ngũ công chức, làm việc ở nhiều vị trí, nhiều bộ ngành cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1971. Trong những năm 1950, ông làm Giám đốc kiểm duyệt tại Cục Nghệ thuật, làm Giám đốc Quỹ hỗ trợ điện ảnh, và cuối cùng làm một cố vấn tại Bộ Văn hóa.

Mahfouz vẫn độc thân cho tới bốn mươi ba tuổi vì ông tin rằng với vô số các giới hạn và hạn chế, hôn nhân sẽ cản trở tương lai văn học của ông. “Tôi sợ hôn nhân… đặc biệt khi tôi thấy các anh chị tôi quá bận rộn với những sự kiện xã hội vì quan hệ gia đình. Người này tới thăm người kia, người kia mời người này. Tôi có cảm giác cuộc sống hôn nhân sẽ chiếm hết thời gian của tôi. Tôi thấy mình bị chết chìm trong những cuộc hẹn gặp và các bữa tiệc. Không có tự do”. Khi nghỉ hưu ông đã tham gia một nhóm các nhà văn nổi tiếng, trong đó có nhà soạn kịch Tawfik al-Hakim, ở tờ báo Al-Ahram nổi tiếng nhất Ai Cập. Từ đó trở đi các tiểu thuyết của ông đều được đăng nhiều kì trên báo trước khi xuất bản thành sách. Buộc phải kiếm sống bằng việc làm công chức, Mahfouz tự xây dựng những kỉ luật cần thiết để sắp xếp thời gian nên ông có thể đọc rộng và viết được nhiều tập truyện.

Năm 1954, ông cưới một phụ nữ người Copt ở Alexandria, Atiyyatallah Ibrahim. Họ có hai con gái. Cặp đôi ban đầu sống trên một nhà thuyền ở khu Agouza, Cairo, trên bờ tây sông Nile, sau đó chuyển tới một căn hộ dọc bờ sông ở cùng khu vực. Mahfouz tránh những tiếp xúc công chúng, đặc biệt tránh những câu hỏi về cuộc sống riêng của ông, mà đã trở thành, như ông nói “một chủ đề ngốc nghếch cho báo và chương trình radio”. Đến những năm 1980, Mahfouz tăng thu nhập bằng cách viết kịch bản phim, nhưng dù đã viết chuyển thể cho hơn ba mươi tiểu thuyết, ông từ chối cho chuyển thể các tiểu thuyết của mình.

Ông viết hơn ba mươi tiểu thuyết. Ba cuốn tiểu thuyết đầu có bối cảnh thời Pharaoh, cuốn đầu tiên có tên Lời nguyền của thần Mặt Trời (1939). Sau đó đến tiểu thuyết Hẻm Midaq (1947) mô tả sống động thú vị về tuổi trẻ của ông. Năm 1956, Giữa hai cung điện - cuốn đầu trong bộ ba tiểu thuyết về Cairo ra mắt, và một năm sau đó là hai tập còn lại, Cung Khát khao và Phố Đường. Với dung lượng đồ sộ khoảng 1500 trang, bộ ba tiểu thuyết kể về ba thế hệ gia đình Abd al-Jawad trong khoảng thời gian từ 1917 đến trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trong khoảng thời gian này, Ai Cập vật lộn để giành độc lập từ tay đế quốc Anh. Bộ ba tiểu thuyết miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết cuộc sống hàng ngày của một gia đình trung lưu Ai Cập, một lối sống đã biến mất dưới ảnh hưởng phương Tây và áp lực của cuộc sống hiện đại. Chính trị tại thời điểm đó xen vào cuộc sống của nhiều nhân vật. Những thành viên trong gia đình nhân vật chính đại diện cho những xu hướng của cuộc sống chính trị của đất nước. Thành công trong việc tái hiện đời sống Ả Rập phong phú, đa dạng, bộ ba tiểu thuyết nhanh chóng trở thành một cuốn best-seller trong thế giới Ả Rập, được dựng thành phim và được đón nhận ở nước ngoài. Ở Mĩ, bộ ba tiểu thuyết đã bán được hơn 250.000 bản. 

 Sau cuộc cách mạng của Gamal Abdul Nasser năm 1952, Mahfouz tỉnh ngộ bởi cuộc cách mạng và kỉ nguyên đàn áp của nó. Không thể chỉ trích nó, ông giữ im lặng. Và năm 1957 ông bắt đầu viết Những đứa con của Gebelawi. Đây là một truyện có tính ngụ ngôn mà Chúa xuất hiện dưới hình ảnh nhân vật Gebelawi; Adam là “Adham”; nhiều nhân vật khác đại diện cho chúa Jesus và nhà tiên tri Muhammad. Cuốn tiểu thuyết này đã gây tranh cãi giữa tác giả và những người cầm quyền tôn giáo của Ai Cập. Sau khi được đăng dài kì trên báo, cuốn tiểu thuyết bị từ chối xuất bản thành sách. Sau đó nó ra mắt ở Beirut và cho đến ngày nay ở Ai Cập nó vẫn thuộc loại “quý hiếm và bí mật”. Nhiều năm sau, ở Ai Cập một lần nữa lại dấy lên tranh cãi xung quanh cuốn tiểu thuyết này và xuất hiện nhiều lời đe dọa giết Mahfouz. Mahfouz nhận được sự bảo vệ của cảnh sát, nhưng vào năm 1994 một thành phần Hồi giáo cực đoan đã tấn công nhà văn tám mươi hai tuổi, đâm vào cổ ông ngay ngoài căn nhà của ông ở Cairo. Ông sống sót, nhưng vĩnh viễn bị ảnh hưởng bởi chấn thương thần kinh ở cánh tay phải. Sau sự cố đó Mahfouz không có khả năng viết nhiều hơn vài phút mỗi ngày và hậu quả là ông cho ra đời ngày càng ít tác phẩm. Sau đó, ông sống với sự bảo vệ của cận vệ. Vào đầu năm 2006, cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản ở Ai Cập. Sau những đe dọa, Mahfouz sống ở Cairo với luật sư của ông cho đến khi ông qua đời.

Các tác phẩm của Mahfouz được đọc rộng rãi ở phương Tây. Ông đặc biệt ngưỡng mộ Flaubert, Stendhal và Proust. Có thể thấy cách ông mượn các kĩ thuật viết từ phương Tây trong tiểu thuyết Miramar (1967). Ở tác phẩm này, ông liên kết câu chuyện về một số nhân vật sống cùng phòng ở thành phố giáp biển Alexandria, kể lại cùng những biến cố từ góc nhìn của bốn nhân vật khác nhau.

Xuất bản năm 1979 và sau đó có bản tiếng Anh vào 1995, Ngày và đêm Ả Rập là một tiểu thuyết dạng chương hồi mà Mahfouz ưa thích. Trong đó ông chọn những câu chuyện cổ điển của Nghìn lẻ một đêm và biến tấu chúng thành những câu chuyện với những chủ đề luôn làm ông suy nghĩ: cái tốt và cái xấu, trách nhiệm xã hội của con người, và, tăng dần theo thời gian, cái chết. Cuốn tiểu thuyết được đặt trong không khí những đêm Ả Rập, nhưng nhiều sự kiện liên quan tới những vấn đề hiện tại của Ai Cập: sự thối nát của chính quyền, công bằng xã hội và sự nổi lên của phong trào chủ nghĩa chính thống tôn giáo.

Cuốn Miramar xuất hiện khó nhọc khi Israel chiến thắng cuộc “chiến tranh Sáu ngày”, năm 1967, một thất bại ngoài dự đoán làm chao đảo thế giới Ả Rập. Mahfouz đã phản ứng bằng việc bỏ viết tiểu thuyết trong năm năm. Trong giai đoạn này Mahfouz viết và xuất bản thêm mười bốn truyện ngắn, thường là những mẩu truyện đen tối hợp với tâm trạng của ông. Một trong số các tập truyện ngắn của ông có bản tiếng Anh là tuyển tập Thời đại và cung điện (1992). Tác phẩm được xuất bản cuối cùng là tập truyện ngắn Thiên đường thứ bảy (2005) nói về thế giới sau khi chết. Ông muốn, ông quan sát, để tin rằng sẽ có điều gì đó tốt đẹp xảy ra với ông sau khi chết.

Mahfouz cũng đã góp công lớn trong việc chỉnh sửa văn học Ả Rập bằng cách phát triển qua nhiều năm một dạng ngôn ngữ, trong đó nhiều cổ ngữ và những câu sáo một thời từng bị loại bỏ, tạo thành một ngôn ngữ có thể phục vụ như một công cụ thích hợp cho tiểu thuyết.

Kể từ giải Nobel, ông vẫn tiếp tục sống trong căn hộ khiêm tốn của mình ở quận trung lưu của Agouza với vợ và hai con gái và không thay đổi gì trong thói quen hàng ngày của mình. Ông sống như vậy cho tới ngày mất, một ông già yếu đuối không thể nhìn và nghe, một người khiêm tốn với nụ cười luôn trên môi và khiếu hài hước nổi tiếng của Ai Cập.

John Ezard viết: “Năm 1990, khi mà cơ thể ông đã kiệt quệ, nửa mù nhưng vẫn vui vẻ ở tuổi bảy chín, tôi phỏng vấn Naguib Mahfouz trong quán café Ali Baba nhìn ra quảng trường Tahrir trung tâm Cairo, nơi mà ông đã ăn sáng trong bốn mươi năm và đã chứng kiến sự thay đổi của nơi đây từ vùng đất bên sông Nile dành riêng cho người giàu có thành một mớ hỗn loạn ma quái. “Quảng trường này đã trải qua nhiều thứ”, ông nói. “Nó đã từng yên tĩnh hơn. Giờ nhìn nó thật lộn xộn nhưng tiến bộ hơn, tốt hơn cho người thường - và vì vậy cũng tốt hơn cho tôi, một người thích con người”.
 
Naguib Mahfouz mất vào ngày 30/8/2006.

H.Q