Thứ Sáu, 29/03/2019 00:19

Một diễn ngôn lịch sử

Lịch sử không chỉ là những đại tự sự mà nhiều khi nguồn cơn sâu xa dẫn đến cái gọi là lịch sử lại bắt nguồn từ những tiểu tự sự. (HOÀI PHƯƠNG)

Chiều 28/3/2019 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử của tác giả Trần Trọng Dương. Tham dự tọa đàm có tác giả cuốn sách - tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), tiến sĩ Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), thạc sĩ Vũ Đức Liêm (Đại học Sư phạm Hà Nội).

Từ trái qua: thạc sĩ Vũ Đức Liêm, tiến sĩ Nguyễn Tô Lan, tiến sĩ Trần Trọng Dương

Thế kỉ X là giai đoạn bản lề, khép lại thời kì Bắc thuộc và mở ra thời kì độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Đó là một thế kỉ nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ người Việt trong công cuộc chấm dứt ách đô hộ của phương Bắc, xây dựng nền độc lập dân tộc, tiến tới thiết lập những mô hình nhà nước. Một thế kỉ quan trọng như vậy, trước nay đã có một số công trình nghiên cứu và đã đạt nhiều thành tựu. Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử không tham vọng đem đến cho công chúng những phát hiện mới mẻ hay như một cuốn tư liệu hoàn hảo về lịch sử thế kỉ X, mà mang đến một cách tiếp nhận lịch sử dựa trên những gì đã biết, đã có của tác giả.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương chia sẻ tại buổi tọa đàm: Cuốn sách là quá trình tự nhận thức của cá nhân về lịch sử, không phải là lịch sử tuyệt đối. Từ những sử liệu tác giả đã tái lập những giả thuyết và kiến tạo nên một diễn ngôn lịch sử. Tái nhận thức lịch sử là điều cần thiết, và người đọc chính là trung tâm của nhận thức lịch sử. 

Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử là công trình bao gồm những “mảnh vỡ lịch sử” gắn với các nhân vật, sự kiện, địa danh... của Việt Nam thế kỉ X. Cuốn sách cũng giải mã lịch sử Việt Nam thế kỉ X từ quá trình xây dựng biểu tượng của các sử gia, trong đó hai biểu tượng trung tâm là Đinh Tiên Hoàng và Dương Thái hậu. Không đánh giá hay phán xét lịch sử, tác giả đưa ra những kiến giải dựa trên hệ tư tưởng của thời đại. Thời gian như một sự tham chiếu khách quan. Những nhận thức lịch sử của tác giả không bị bó buộc bởi tính hữu dụng của lịch sử, nhờ đó có thể nhìn lịch sử như một yếu tố khả biến trong hoạt động tri nhận của cá nhân. Những phân tích, lập luận, kết luận mở, mới, tinh tế là yếu tố hấp dẫn của cuốn sách, để người đọc có thể bước qua sự khô cứng của tư liệu mà kích hoạt cảm xúc khi tiếp nhận lịch sử.

Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan cho rằng: Cuốn sách được tạo thành bởi hai khuynh hướng, hàn lâm và đại chúng. Tác giả đã làm tốt và làm mới cách tiếp cận lịch sử, đưa ra những suy nghĩ, cảm nhận về những mảnh vụn của lịch sử, gợi mở và trình bày suy nghĩ của mình về lịch sử, trình bày một cách đọc sử liệu.

Trần Trọng Dương đã cho chúng ta thấy, nghiên cứu lịch sử là bắt đầu từ những chi tiết nhỏ, câu chuyện nhỏ. Lịch sử không chỉ là những đại tự sự mà nhiều khi nguồn cơn sâu xa dẫn đến cái gọi là lịch sử lại bắt nguồn từ những tiểu tự sự.

Những vấn đề mà thế kỉ X đặt ra, cho đến nay chúng ta vẫn còn đi tìm câu trả lời, hay ít ra là tìm một cách hiểu, thì cuốn sách có thể phần nào thỏa mãn như: vai trò của thế kỉ X trong diễn trình lịch sử Việt Nam, quyền lực nhà nước và những biểu tượng của quyền lực nhà nước thời kì đó, tính chất tôn giáo và thực hành tôn giáo, tiếng nói vô thanh của người phụ nữ trong thời đại mà đàn ông tự xác lập quyền lực cho mình...

Thạc sĩ Vũ Đức Liêm nhận định: Trần Trọng Dương đã lấp đầy một khoảng trống trong tư duy quá khứ lịch sử của người Việt. Chúng ta chưa có sự đa dạng cạnh tranh về những diễn ngôn lịch sử, những cách nhìn khác nhau, kiến giải khác nhau về quá khứ. Nhận thức là một quá trình và lịch sử cũng cần những tư duy phản biện.

HOÀI PHƯƠNG