Thứ Tư, 28/09/2022 18:21

Một kỉ nguyên phức tạp cho quyền tự do ngôn luận

Những người nổi tiếng trong giới văn học mới đây đã gặp nhau ở Manhattan để kỉ niệm 100 năm thành lập tổ chức văn bút nước Mĩ – PEN AMERICA...

Những người nổi tiếng trong giới văn học mới đây đã gặp nhau ở Manhattan để kỉ niệm 100 năm thành lập tổ chức văn bút nước Mĩ – PEN AMERICA, cũng như nói về thời điểm mà nhiều người nhận thấy sự ủng hộ cho quyền tự do ngôn luận đang bị xói mòn trên toàn bộ nền chính trị đương đại.

NỖI SỢ LAN RỘNG TỪ SALMAN RUSHDIE

Trước buổi luận đàm, tác giả của Chuyện người tùy nữ - Margaret Atwood, đi giày thể thao ánh kim và áo sơ mi hồng, đã có một cuộc trò chuyện vô cùng thân mật với tiểu thuyết gia Dave Eggers. Trong khi đó, vào giờ giải lao, Tom Stoppard và Neil Gaiman thì được phát hiện nói chuyện cùng nhau, trong khi Robert Caro và Paul Auster thì đi qua gần đó.

Nhưng trong sự kiện kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ tại Hiệp hội Lịch sử New York, thì cuộc trò chuyện liên tục xoay quanh một người đàn ông vắng mặt. Ngay sau khi lên sân khấu, tiểu thuyết gia người Nigeria, tác giả chiến thắng giải Women’s Prize for Fiction với Nửa mặt trời vàng, Chimamanda Ngozi Adichie đã thêm lần nữa nhắc lại cuộc tấn công tàn bạo vào Salman Rushdie, người đã bị đâm trên sân khấu vào tháng trước tại một sự kiện văn học ở ngoại ô New York.

“Sau cuộc tấn công vào Salman Rushdie, tôi không ngừng nghĩ về sự thân mật có vẻ tàn bạo cũng như man rợ, khi người đứng cách bạn chỉ vài inch thôi và rồi dùng dao đâm mạnh vào da thịt bạn, đơn giản chỉ bởi bạn đã dám viết."

Tiểu thuyết gia kiêm nhà biên kịch Ayad Akhtar, chủ tịch đương nhiệm của PEN America, người được cho là đã phỏng vấn Rushdie khi Những vầng thơ của quỷ Satan được cho mắt, nhớ lại “Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với sức mạnh tuyệt đối của văn học, và tôi cũng dần ý thức về những rắc rối mà vì nó tôi có thể gặp phải”.

Kỉ niệm 100 năm thành lập của tổ chức này đang rơi vào một thời điểm phức tạp, khi quyền tự do ngôn luận ngày càng yếu thế. Vượt khỏi danh tiếng cũng như trọng tâm truyền thống, các tác giả văn chương đang cố giải quyết nhiều mối đe dọa. Không chỉ các quyền tự do ngôn luận, họ còn bàn luận xoay quanh quấy rối trực tuyến, đưa tin sai lệch cũng như giám sát kĩ thuật số.

Suzanne Nossel, giám đốc điều hành của PEN America kể từ năm 2013, đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đang ở một vách núi nguy hiểm. Những người trẻ đã xa lánh ý tưởng về tự do ngôn luận, và xem nó như ‘cái cớ’ cho sự thù hận một cách cực đoan. Đồng thời, có những người có thể tự gọi mình là những người mang tiêu chuẩn cho quyền tự do ngôn luận, nhưng nếu nhìn vào những gì họ làm, thực tế họ đang cấm sách, loại bỏ hết quyền tự do ra khỏi trường học ở mọi lứa tuổi."

Cô nói, cuộc tấn công vào Rushdie là "một lời nhắc nhở kinh ngạc về lí do tại sao chúng ta miệt mài đấu tranh, và mức độ lan rộng của các mối đe dọa có thể lớn đến như thế nào”.

Việc cố gắng ám sát công khai một tiểu thuyết gia ở Mĩ có thể là việc không tưởng khi tổ chức Văn bút Hoa Kì được thành lập vào năm 1922. Ngay từ ban đầu, Hiệp hội Văn bút nước Mĩ đã có một cách tiếp cận quốc tế, phù hợp với tinh thần của Tổ chức Văn bút Quốc tế - PEN International, nhóm mẹ thành lập năm 1921.

Năm 1939, PEN America tổ chức một đại hội khẩn cấp ở New York để đối phó với chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy ở châu Âu. Trong chiến tranh, họ đã gây quỹ để giúp đỡ các nhà văn nghèo trong cơn bĩ cực của Đệ nhị thế chiến.

TIÊN PHONG NHƯNG VẪN CHƯA ĐỦ

PEN ngày nay cũng đã hoạt động để đa dạng hóa, đồng thời ngày càng nhấn mạnh rằng tự do ngôn luận không chỉ là vấn đề bảo vệ quyền phát biểu, mà còn phá bỏ những rào cản để những người bị gạt ra khỏi ngoài lề cũng được lắng nghe.

Cuộc thảo luận trên sân khấu cũng đã phản ánh những căng thẳng từ trong quá khứ, khi Hiệp hội chưa có động thái đúng đắn đứng về các bên thứ yếu, là cộng đồng LGBT, những bệnh nhân AIDS hay cả những người “ngoài cuộc”…. Tiểu thuyết gia Adichie nói rằng, là một người đến từ lục địa thường xuyên bị xuyên tạc, cô phần lớn đồng tình với nhận định trên.

Nhưng Nossel cũng đã đưa ra một hướng nhìn khác, về cách mà một số đông nhóm người cũng có thể bị “xuyên tạc” bởi các mục đích nhân danh cộng đồng yếu thế. Cô gợi nhắc lại về cuộc tranh cãi xoay quanh cuốn sách Bụi đường di dân của nhà Jeanine Cummins về những người Mexico di cư. Trong khi nó được các nhà văn người Mĩ gốc Mexico và Mexico tán dương nhiệt tình, thì cũng có những người khác coi nó như đang “nói quá về những tội ác” của người da trắng.

Akhtar cũng đã cho thấy về sự gia tăng của cái gọi là “độc giả nhạy cảm”, những người mà các nhà xuất bản giờ đây “trân trọng” về các khả năng có thể xúc phạm đến họ, liên quan đến chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo và các chủ đề khác. “Nếu từng có những độc giả quá nhạy cảm trong sự nghiệp của tôi, thì tôi hẳn đã không có sự nghiệp này”. Ông cũng nói thêm “Tôi không thể nhớ biết bao nhiêu lần mọi người ở New York đã nói với tôi, 'Đừng đến quá gần Salman, vì anh sẽ mất uy tín đấy'”.

Neil Gaiman khi đứng trò chuyện với họa sĩ hoạt hình Art Spiegelman, cũng đã nói rằng. “Nghệ thuật giờ đây chỉ dửng dưng nói, 'Điều đó không tệ như tôi nghĩ đâu!'". Atwood trong khi tạo dáng chụp ảnh với người hâm mộ cũng đã bày tỏ ý kiến của mình “Khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp thì 'Tự do ngôn luận’ tưởng như thật là nhàm chán. Nhưng trong thời đại kiểm duyệt và bị ngược đãi, thì nó lại rất quan trọng”.

LINH TRANG dịch theo The New York Times