Thứ Năm, 02/02/2023 00:14

Một số bài thơ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những bài thơ viếng luôn có một âm hưởng, sức thu hút đặc biệt đối với người đọc. Những bài thơ này thường bao gồm hai nội dung chính... (MINH NGUYỆT)

. MINH NGUYỆT
 

Thơ viếng người đã khuất là một trong những dòng chảy âm thầm của thi ca nước nhà từ trước đến nay. Những bài thơ viếng luôn có một âm hưởng, sức thu hút đặc biệt đối với người đọc. Những bài thơ này thường bao gồm hai nội dung chính. Một mặt bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương vô hạn của người viết đối với người nằm lại, một mặt tái hiện tài năng, công đức, sự nghiệp “oanh liệt thiên thu” của người được viếng. Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi nhận nhiều bài thơ viếng nổi tiếng như Vãn thượng tướng quốc công Hưng Đạo đại vương của Phạm Ngũ Lão, các bài thơ điếu Phan Tòng, điếu Trương Định của cụ Đồ Chiểu… Sang thế kỉ XXI, tiếp nối dòng chảy truyền thống, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về trời năm 2013, đã có hàng nghìn bài thơ viếng, bày tỏ lòng yêu mến, kính trọng và tiếc thương vô vàn. Bài viết nhỏ này giới thiệu một số bài thơ viếng Đại tướng độc đáo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại thăm Điện Biên Phủ tháng 4.1994 - Ảnh: Catherine Karnow

Nguyễn Duy Xuân trong bài Tên người Võ Nguyên Giáp đã sử dụng biện pháp chơi chữ quen thuộc. Các chữ đầu trong bài lục bát của anh ghép lại thành dòng ngợi ca cô đọng về con người và sự nghiệp của Đại tướng: Võ Nguyên Giáp anh hùng ngàn năm sáng: - văn tinh kết nơi Ngài/ Nguyên nhung dân tộc hiền tài quốc gia/ Giáp công chiến trận xông pha/ Anh hùng cái thế dân ta tự hào/ Hùng tâm. Tráng chí. Tài cao/ Ngàn năm non nước tạc vào sử xanh/ Năm châu bốn biển lừng danh/ Sáng ngời đạo lí tinh thần Việt Nam. Cũng sử dụng biện pháp chơi chữ ở những từ đầu tiên của bài thơ như Nguyễn Duy Xuân, song Bài thơ viếng Người của Nguyễn Công Minh lại có phương thức biến hóa riêng: Bác người Anh Cả của toàn quân/ lược cao minh khốc quỷ thần/ Nguyên tài sở học do minh trí/ Giáp trận kiên cường nức hùng anh/ Đã ra chiến tuyến quân thù bại/ Đi vào huyền thoại sử vinh danh/ Xa mãi năm châu còn vang tiếng/ Nước xưa đế quốc xóa thực dân/ Việt Nam mãi mãi ghi ơn Bác/ Tiếc bậc hùng tài khóc anh Văn/ Thương người đức độ xưa nay hiếm/ Đẫm sầu đưa tiễn đáng tài danh/ Lệ Thủy quê Người nghe sét đánh/ Nhòa lệ thương con đất nghĩa tình/ Tài trí hơn người ra giúp nước/ Cao cả một đời tấm trung trinh/ Chí lớn mưu cao lòng kiên định/ Cả thế giới khen tướng tài tình/ Di thời đổi thế trên chiến sự/ Thiên hạ lừng danh tướng hiền minh/ Mệnh nước nguy nan không quản ngại/ Mong sao đất nước sớm hòa bình/ Bác với quân dân giành thắng lợi/ Yên cõi trời Nam, hết đao binh/ Lòng vui Bến Hải liền Nam - Bắc/đây sống lại nét tươi xinh/ Chốn của Bồng Lai chờ Bác đến/ Xa rồi Bác để lại uy linh.

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh. Ảnh: VOV

Điểm độc đáo của bài thơ này nằm ở chỗ khi ghép những từ đầu tiên lại với nhau sẽ tạo ra một bài thơ mới. Một bài thất ngôn tứ tuyệt mang âm hưởng Đường thi nói lên tình cảm của đất nước dân tộc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bác Võ Nguyên Giáp đã đi xa/ Nước Việt tiếc thương đẫm lệ nhòa/ Tài cao chí cả di thiên mệnh/ Mong Bác yên lòng ở chốn xa. Đây là hiện tượng thơ trong thơ, thơ lồng thơ chơi chữ rất thú vị. Cũng theo thể Đường luật cổ điển, nhưng bài Vãn Võ Nguyên Giáp Đại tướng (Viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp) lại được Phan Anh Dũng viết theo thể thất ngôn bát cú. Tác giả dùng chữ Hán để tạo không khí cổ kính, uy nghiêm khi làm thơ viếng Đại tướng: Bất quý kì danh Võ Nguyên Giáp/ Kinh văn lược võ võ huân công/ Điện Biên động địa oanh lôi lệnh/ Hà Nội kinh thiên hỏa tiễn hồng/ Nhất thống vạn toàn công dĩ cái/ Hoán báo giải giáp thế như không/ Hoàn cầu lỗi lạc danh lưu sử/ Thọ bách dư niên nhật nguyệt hồng (dịch nghĩa: Chẳng hổ tên kì Võ Nguyên Giáp. Am hiểu tinh thông cả văn và võ, võ lập công trạng lớn. Điện Biên rung đất mìn vang lệnh. Hà Nội rực trời tên lửa hồng. Thống nhất vẹn toàn công lớn lao vô cùng. Thay bào cởi giáp nhẹ như không. Hoàn cầu lỗi lạc tên ghi sử. Thọ quá trăm năm sánh cùng với nhật nguyệt). Ở bài thơ này, Phan Anh Dũng đã tái hiện một cách trọn vẹn cuộc đời, chiến công và sự bất tử của Đại tướng. Bài thơ nhắc đến hai chiến công lẫy lừng làm nên tên tuổi của Đại tướng nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung là trận Điện Biên Phủ năm 1954 và “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Đây là hai trận chiến mang tính chiến lược, tạo nên những bước ngoặt quan trọng trên chiến trường và trên bàn đàm phán giữa ta và địch, tạo thời và thế cho nước nhà đi đến hòa bình, thống nhất sau này. Bài thơ cũng ngợi ca sự anh minh, không màng danh lợi của Đại tướng. Khi việc lớn đã thành, Đại tướng buông bỏ tất cả, trở về với nhân dân. Cùng với những cống hiến lớn lao cho đất nước, chính điều này đã làm Đại tướng sống mãi trong lòng dân tộc.

Ở nước Mĩ xa xôi, John Balaban, một con người rất yêu và hiểu văn hóa, văn học Việt Nam, cũng có chung suy nghĩ ấy khi làm thơ viếng Đại tướng. Trong bài thơ In memory of General (Tưởng nhớ Tướng Giáp), vị giáo sư, Chủ tịch Hội bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mĩ, người có công giới thiệu ca dao Việt, thơ Hồ Xuân Hương đến với xứ cờ hoa, đã viết: In the old legends, the general finishes his work, then puts down his sword/ A boat is waiting for him, and he steps into it disappearing in the river mists/ The Lô waterfalls are clear and hight/ He shakes off the jacket of the dust of lite (dịch nghĩa: Huyền thoại bao đời nay là vậy. Tướng tài khi sứ mệnh đã xong. Gươm kia bỏ lại trong bao. Bước lên thuyền nhỏ trong sương khuất dần. Sông Lô một dải trong ngần). Bài thơ có tứ khá hay. Hình ảnh gươm bỏ trong bao vừa gợi nhớ đến sự tích trả gươm của vua Lê vừa tái hiện cuộc đời của Đại tướng sau ngày đất nước thống nhất. Hình ảnh Đại tướng bước lên con thuyền trong màn sương mờ ảo giữa dòng sông Lô mang tính ẩn dụ gợi nhiều liên tưởng thi vị. Có thể nói, việc một người nước ngoài làm thơ bằng tiếng Anh để viếng đã phản ánh tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa lớn lao của Đại tướng. Không chỉ toàn thể nhân dân Việt Nam mà ngay cả những người nước ngoài cũng cảm nhận được sự vĩ đại, văn tài võ đức của Đại tướng.

Thơ viếng có một vị trí rất riêng trong thơ ca Việt. Qua những bài thơ viếng, người đọc không chỉ thấy được chân dung, sự nghiệp một con người mà còn như thấy được cả thời đại, khí thế, phẩm chất của một đất nước, một dân tộc. Và những bài thơ viếng ở trên, chúng ta thấy trong đó hình ảnh bậc “khai quốc nguyên huân”, hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

M.N