. HOÀNG THỤY ANH
Làng ta có một anh hùng (Nxb Kim Đồng, 2025) là tiểu thuyết đầu tiên mà nhà văn Nguyễn Quang Lập dành cho lứa tuổi 11 - 15. Ngay từ Lời nói đầu, người đọc đã phần nào cảm nhận được những khó nhọc mà nhà văn phải trải qua trong hành trình ngót 40 năm (từ 1986 đến nay) tìm kiếm tư liệu về cuộc đời Nguyễn Tiến Nhẫn, với hàng chục cuộc gặp gỡ đồng đội và người làng của người anh hùng đã hi sinh từ năm 1948.
Nguyễn Tiến Nhẫn, nhân vật trung tâm của truyện, không xuất hiện trực tiếp mà hiện lên qua hai lớp hồi tưởng, thông qua hai ngôi kể: ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Mỗi chương truyện đều song hành hai lớp kể, đan cài giữa hiện tại và quá khứ, giữa dòng sự kiện lịch sử và hành trình trưởng thành của anh Nhẫn từ một cậu bé hiếu động đến một chiến sĩ tình báo gan dạ, thông minh. Chân dung người anh hùng dần dần được tái hiện qua dòng hồi ức và cảm xúc của người kể, tạo sự tự nhiên và có chiều sâu về mặt cảm xúc. Những suy nghĩ, tình cảm ấy được đan bện với các mốc lịch sử theo trình tự tuyến tính gắn bó mật thiết với ngôi làng Phan Long (nay là phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) thân thương, giúp độc giả nhỏ tuổi dễ dàng theo dõi và ghi nhớ.

Mặc dù không có yếu tố kì bí hay phá án như trong truyện trinh thám, Làng ta có một anh hùng vẫn hấp dẫn bởi nhiều tình tiết hồi hộp, gay cấn và đầy xúc động. Câu chuyện về một tình báo viên được lồng ghép với mối tình thuở thiếu thời “đẹp như nước mắt” càng cuốn hút người đọc.
Ngay từ thuở thiếu niên, sự thông minh, gan dạ và tinh thần cách mạng của Nguyễn Tiến Nhẫn đã bộc lộ. Khi lực lượng tự vệ Ba Đồn giải thể, anh xung phong gia nhập lực lượng công an, xông pha vào con đường đấu tranh gian nguy giữa lòng giặc Pháp. Trong một chuyến công tác ra vùng Roòn, anh chủ động để giặc bắt. Nhờ sự nhanh trí và khả năng nói tiếng Pháp, anh được viên quan hai Pháp D’arrmoville nhận làm con nuôi. Từ đây, anh âm thầm thu thập nhiều tin tức tình báo quan trọng và bí mật chuyển ra căn cứ. Tuy nhiên, những hoạt động của anh cuối cùng cũng bị bại lộ. Dù phải chịu đựng những đòn tra tấn dã man, ý chí người chiến sĩ trẻ vẫn không hề lay chuyển. Sáng ngày 16 tháng 8 năm 1948, tại đình chợ Ba Đồn, Nguyễn Tiến Nhẫn hiên ngang bước ra pháp trường dõng dạc hô vang ba lần: “Hồ Chủ tịch muôn năm!” Anh ngã xuống ở tuổi 19, độ tuổi mà lẽ ra đang viết tiếp những ước mơ khát khao đầu đời.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập lựa chọn cách xây dựng nhân vật chân thật, sinh động, vừa phản ánh trực diện sự bạo tàn nghiệt ngã của chiến tranh, vừa ghi lại những khoảnh khắc rất “người”, rất “đời” của nhân vật. Ngay cả khi đứng trước họng súng kẻ thù, trước khi hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, người anh hùng 19 tuổi vẫn kịp nhìn sâu vào mắt người yêu. Trường đoạn cuối cùng này đã làm người đọc bật khóc.
Người dân làng Phan Long bình dị, chất phác nhưng gan dạ, quả cảm, giàu lòng yêu nước, sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng vì cuộc chiến giành độc lập. Họ không sợ cái chết, mà chỉ sợ đất nước rơi vào tay giặc. Những nhân vật như chú Cúc bị Pháp tra tấn dã man vẫn giữ vững khí tiết, hay chú Đáo liều mình giấu bom tự chế trong gánh củi để đánh vào đồn Minh Lệ… đều là minh chứng về tinh thần bất khuất ấy. Chú Nguyễn Phúc trèo lên ngọn cây cao treo cờ đỏ sao vàng; hành động này không hề nhỏ bé, mà là dũng cảm bật tín hiệu báo cho cả làng biết cách mạng vẫn đang tiếp diễn, và vẫn còn ánh sáng dẫn đường. Những cái chết đầy bi tráng trong truyện làm sống dậy câu chuyện lịch sử, không thuần túy là mốc thời gian lạnh lẽo, cứng nhắc, mà trở thành những dòng cảm xúc xúc động, thấm thía, giúp các thế hệ hôm nay, nhất là thiếu niên, cảm nhận được phần nào sự nghiệt ngã, gian khổ nhưng đầy khí phách của cha ông, để thêm trân trọng giá trị của hòa bình và độc lập hôm nay.
Điểm đặc sắc trong tác phẩm là việc nhà văn sử dụng linh hoạt hai ngôi kể. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất là thím Lệ (Mai Thị Lê, khi ấy đã 91 tuổi), xưng “tui” và trò chuyện trực tiếp với anh Lập - tức chính nhà văn. Ở ngôi thứ hai, vẫn là thím Lệ nhưng quay về quá khứ, xưng “em” để kể lại những hồi ức thuở nhỏ với anh Nhẫn, cụ thể là từ 2 tuổi trở đi. Hai lớp kể, lớp hiện tại và lớp hồi tưởng, đan xen, bổ sung cho nhau, tạo nên một cấu trúc vừa vững chắc vừa truyền cảm. Tình cảm anh em, tình quê hương, sự nhớ nhung, mến thương… quyện thành mạch cảm xúc ấm áp, nhân văn.
Trong Làng ta có một anh hùng, Nguyễn Quang Lập gửi gắm nhiều bài học về lòng hiếu thảo, tình anh em, tình bạn, nghĩa xóm làng, về sự gan dạ, bản lĩnh và niềm tự hào dân tộc… Tái hiện hành trình của một người anh hùng, nhà văn đồng thời dựng lại những nét đẹp văn hóa của làng quê Phan Long thông qua phong tục, tập quán, lối sống, cách cư xử và tinh thần đoàn kết chống giặc. Lật giở trang sách, các em nhỏ được làm quen với chợ Ba Đồn sầm uất, chợ lớn nhất miền Trung một thời; được khám phá những thức quà dân dã mang đậm hương vị quê hương; cảm nhận tình cảm gắn bó giữa các xóm như xóm Cây Bàng, xóm Cau, xóm Gát… Tất cả những chi tiết này cho thấy sự quan sát tỉ mỉ và vốn hiểu biết sâu sắc của Nguyễn Quang Lập về vùng đất nơi ông đã sinh ra và lớn lên.
Đọc Làng ta có một anh hùng, bạn đọc nhỏ tuổi còn được đắm mình trong những câu văn mềm mại, giàu hình ảnh, thấm đẫm chất thơ của Nguyễn Quang Lập. Nhà văn kể chuyện bằng giọng văn dung dị với việc sử dụng một lớp từ ngữ địa phương phong phú như “mệ”, “mạ”, “tui”, “bây”, “răng”, “ri”, “mô”, “rứa”, “chi”, “ni”… Lớp từ này phần nào thể hiện sự mộc mạc, chân phương trong tính cách, lối sống cũng như tâm hồn người miền Trung. Không dừng lại ở đó, nhà văn còn khéo léo đưa những câu ca dao, lời hát vào trong tác phẩm để làm mềm hóa những sự kiện lịch sử khốc liệt, để phản ánh tinh thần lạc quan, yêu đời, sự thông minh và gan dạ của người dân trong kháng Pháp. Thậm chí, có những lúc, lời ca tiếng hát đã trở thành mật mã liên lạc bí mật giữa quần chúng và cách mạng. Nhờ vậy, những trang văn lịch sử của Nguyễn Quang Lập đậm chất trữ tình dễ đi vào lòng bạn đọc nhỏ tuổi.
Theo cách nói hình ảnh của Alexandre Dumas cha, lịch sử như khung xương, còn văn chương là tấm áo choàng lộng lẫy khoác lên. Người viết văn học lịch sử như nghệ nhân điêu khắc vừa phải giữ sự thật nguyên bản của lịch sử, vừa phải tạc vào đó nhịp đập đời sống và tâm hồn con người hôm nay. Nếu sa đà vào chi tiết, sự kiện đã đông cứng trong sử sách, tác phẩm sẽ thiếu sức sống, không có sự hấp dẫn. Nếu buông lơi ngòi bút theo mạch cảm xúc chủ quan, nguy cơ làm sai lệch lịch sử là điều khó tránh. Làm thế nào để những nhân vật lịch sử có da có thịt bước ra khỏi trang sách, cất lên tiếng nói? Làm thế nào để văn học lịch sử chạm đến những ẩn mật trong lòng thời gian? Đây là bài toán hóc búa mà bất cứ nhà văn nào dấn thân vào thể loại này cũng phải đối mặt và phải giải được. Với Làng ta có một anh hùng, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã giải được bài toán này, ông đã trình ra một tiểu thuyết lịch sử độc đáo và đặc sắc.
H.T.A