Thứ Tư, 13/07/2022 01:53

một ví dụ xoàng, một cõi đời xoàng

Một cách cao vợi, nó ẩn đằng sau ý tứ của nghệ thuật viết siêu hình. Nó nằm trong cách khai thác thơ ca cũng như sử dụng tính chất trung dung của thể loại biên bản.

Viết sau Kể xong rồi đi một khoảng thời gian tính bằng 4 năm, thế nhưng một ví dụ xoàng cho ta cảm giác nó là đầu đề, là tiền truyện cho cuốn sách kia. Vì sao mỗi một nút thắt của Kể xong rồi đi đều là cái chết? Bởi nhẽ ngoài cái chết ra thì không thứ gì có thể gột rửa được mùi thối tha ở trần đời này, mà một ví dụ xoàng sẽ kể ra đây.

Được viết từ một sự việc có thực ở quê nhà tác giả, Nguyễn Bình Phương qua những trang viết của mình vẫn đau đáu hướng về Thái Nguyên, và dù là không có núi Hột, sông Cái; thế nhưng bằng một cách thần kì nào đó, ai ai cũng đều thấy được yếu tố địa phương ở trong văn chương ông. Nếu Thoạt kỳ thủy là cái thô ráp, lạnh lùng của những mỏ đá, của nghề giết lợn; thì với Kể xong rồi đi, đó là không khí của buổi chiều tà nóng nực, với các siêu hình tâm trí được kéo dãn ra rồi thu gọn lại.

Tiểu thuyết một ví dụ xoàng do Nxb Hội Nhà văn và Tao Đàn liên kết ấn hành.

Các nhân vật của một ví dụ xoàng cũng… “xoàng” như chính tiêu đề của nó. Nguyễn Bình Phương còn thách thức hơn, khi không viết hoa chính cả cụm này. Sang, Uyên, ông Chính, Quân… dường như bước ra từ trong đời thực. Thực không phải bởi vì dữ kiện có thật, mà bởi đó là những mẫu hình chung của một đời sống tha hóa, của sự dửng dưng, mà bất cứ đâu và bất kì lúc nào ta đều có thể nhặt ra được một nhân vật trong đời sống này.

Nguyễn Bình Phương phân chia rất rõ hai tuyến nhân vật, họ hoặc hiền hòa đến độ khờ khạo, hèn nhát; hoặc dữ tợn, khôn lỏi đến vô cùng tận. Đó là Sang sĩ diện, nguyên tắc nhưng không khôn khéo, là Uyên bị lừa rồi phải chịu cảnh vợ chung cả cha lẫn con. Những con người từ vùng Linh Sơn ấy ra đời với sự thuần nguyên, nhưng rồi oằn mình chịu đựng một cõi nhân gia nhầy nhụa, tha hóa với những lọc lừa, bán rẻ lương tâm.

Liệu việc hưởng những nền giáo dục có phần tiên tiến về từ Liên Xô khiến Sang khó lòng hòa nhập, hay bởi anh đã quá hiểu thấu đời sống của mình? Khó mà biết được. Nhưng với hành động tìm đến Quân Chu để buôn chè lậu, anh đã cho thấy được sự nhận thức muộn màng bởi những ràng buộc ở trong khuôn khổ, của việc đã không khôn khéo đi theo quyền lực. Thế nhưng chính quyết định ấy đã cuốn anh vào trong vòng lao lí chỉ vì hai cân chè, thêm, của khẩu súng cũ và động cơ nổ súng; mà sau cuối chỉ muốn kiếm miếng ăn cho con cái mình.

Cõi nhân gian ấy vơ đầy nanh vuốt được mài sắt nhọn, khiến con người ta bị che phủ dần bởi những màn rêu phông hóa. Nhưng liệu có thứ gì đó kiểm soát nó chăng, ngoài những dấu chấm vẫn đang nối đuôi nhau đến vô cùng một cách bất lực, như của ông trưởng phòng tổ chức, mà y e ngại đến độ phải tắt ghi âm mới thốt ra được?

Và đó là khi không gian siêu hình của Nguyễn Bình Phương kịp thời xuất hiện. Nhiều người đánh giá siêu hình là điểm độc đáo của văn chương ông; nhưng một ví dụ xoàng mang đến người đọc một cảm nghĩ khác. Dường như nó là phương án duy nhất kềm giữ nhân tính, bởi không một biên giới nào, một khuôn khảo nào có thể giữ trọn tính người trong cõi nhân gian. Siêu hình trong những tưởng tượng quy kết hiện tượng tâm linh không còn là một nghệ thuật đặc sắc (với những người đã quen với Nguyễn Bình Phương), mà về mặt ý nghĩa, nó còn là tiếng thở dài, là bút lực buông xuôi của biện pháp sau cuối nhằm vạch trần sự thật dường như không thể của một nhà văn. Là tất cả những gì mà người viết ấy có thể làm được.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Hồn ma ám suốt về việc cướp vàng giờ đây truyền mộng sang người con trai nằm yên bất hoạt như lời nhận diện, như lời cảnh báo để y tin rằng đó là nhân quả, đó là sự thật, mà nhiều quyền uy triệt tiêu đi nó. May thay nó có tác dụng, để phút cuối đời người đàn ông ấy thường trực chỉ một câu nói “Nhân quả đấy”, ít nhiều cho thấy ít ra còn có một khoảng để mà len vào trong sự kiềm tỏa, của những thói trần ai được bao bọc và bao biện kĩ.

một ví dụ xoàng theo đó cũng là một sự kết hợp có phần thú vị giữa các thể loại, mà văn xuôi mang đến vai trò như phần dẫn dắt của đoạn mào đầu; để sau đó biên bản lần lượt tiến sâu vào trong thực chất như đoạn thân bài; và cuối cùng thơ ca vỡ ra như lời ai oán, như khúc đoạn tuyệt, như lời tâm tình của loài gọi hồn của con quỷ dữ trấn giữ địa ngục kịp thời thoát ra. Cái sắc và lạnh của Nguyễn Bình Phương một lần nữa được thể hiện ra, nhưng không đi bằng hình tượng (như Thoạt kỳ thủy) hay những siêu hình (như Kể xong rồi đi); mà đó là sự dửng dưng, là những lời lẽ thô ráp không được chỉnh sửa thốt ra từ trên môi người. Đó là thời khắc ngắn ngủi khi sự thật tiếm quyền, khi não ngủ đông còn người ta thì trở lại làm người.

Thơ ca là biện pháp cuối, là lời nhân văn, là sự an ủi; nên nó đẹp, thơ và ấm áp nhất trong cuốn sách này. Nào là: “Trên cành ổi người cũ ngồi vắt vẻo/ giọng tự nhiên trong vắt đến lạ lùng:/ Đứa nào lên trên ấy/ nhớ gửi về cho bọn ở dưới này/ một ít nước ngân hà/ và đôi cánh con vịt giời lạc mẹ”, “Dân Linh Sơn thuở ấy/ giờ chỉ còn hai đứa bọn mình/ hãy thận trọng sống mà nhớ lấy/ không được ngừng thương mến lẫn nhau”, “Hồn ơi hồn ơi xin đừng lạnh/ đừng buồn vì đơn côi/ đi mãi rồi cũng chạm đến trời”,“Nẻo này quá xa xăm/ tình ấy còn trong ấy/ nào bỏ lại oán hờn/ hồn ơi đi nhẹ nhé/ đi một mình xa nữa/ xa hơn tất cả mọi cơn mưa/ hồn ơi vĩnh quyết đừng quay lại/ đừng nhìn lấm láp đoạn trần ai”…

một ví dụ xoàng có thể nói là sự tách lọc, tổng hợp theo chiều tăng tiến của Nguyễn Bình Phương. Nếu trong Kể xong rồi đi ông không chừa lại một khoảng trống nào cho những từ ngữ dư thừa; thì một ví dụ xoàng thậm chí không còn cần đến ngôn từ. Một cách cao vợi, nó ẩn đằng sau ý tứ của nghệ thuật viết siêu hình. Nó nằm trong cách khai thác thơ ca cũng như sử dụng tính chất trung dung của thể loại biên bản.

Cõi nhân gian trong một ví dụ xoàng hỗn loạn như chính tên gọi của nó. Và Sang, và Uyên và vụ án này cũng chỉ là ví dụ thôi, không những là “một”, mà nó còn “xoàng”; bởi nhẽ như một câu trích “nhà nào cũng có một cái hố xí, người nào rồi cũng có một bãi cứt trong lòng, lọ mọ bới ra làm gì cho nó bốc mùi hả con?”

Vào lúc 9 giờ, ngày 18/7/2022, tại Viện Văn học sẽ diễn ra hội thảo "Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại". Hội thảo do Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

NGÔ THUẬN PHÁT