. KHÁNH PHƯỢNG
Gã ngồi phịch xuống bờ ruộng dứa, mồ hôi nhễ nhại chảy từ trên đỉnh đầu qua trán xuống mắt, bò ra từ hai bên thái dương, lã chã rơi xuống đám bụi đất trước mặt và khô biến. Công việc của gã bắt đầu từ ba giờ sáng, phần vì đi làm sớm tránh nắng, phần lo bẻ kịp hai tấn dứa cho xe nông trường về nghiệm thu. Đã quá trưa, gã nghĩ thế, vì cái bóng đã ngả lệch sau lưng. Cái nắng từng rót mật ủ vàng ngàn trái dứa thơm lừng và ngọt lịm, giờ như bổ vỡ đầu. Nóng đang nung cả cánh đồng uôm uổm và ngồm ngộp mùi phấn lá. Những bụi phấn bạc li ti vẩn lên trong không trung như hơi bốc lên từ nồi canh sôi sùng sục. Cái nóng bốc trên đỉnh đầu, đói bốc ran trong ruột. Gã hắt xì một hơi dài, rùng mình nghe luồng lạnh chạy dọc sống lưng. Một cơn gió mồ côi vừa thốc vào tấm lưng áo rách bợt đẫm mồ hôi. Lạnh thấm vào da thịt, ớn vào tận xương tuỷ. Gã rùng mình rồi hắt xì làm văng ra một đám nước mũi. Cảm nắng mất rồi... Gã tự nhủ. Đầu óc bắt đầu lơ mơ, chân tay nhủn ra như bù nhìn khi tắt gió. Không được ngã! Gã nghĩ.

Minh hoạ: Đỗ Dũng
Ở cái xóm này, người ta có chút nể gã vì gã từng chiến đấu ở biên giới phía Bắc về. Gần hai năm làm ở nông trường, gã quen dần với những ngày tháng dãi dầu từ đồi chè sang đồi dứa. Vừa hái chè, làm cỏ chè, phun thuốc sâu cho cả hecta, rồi đốn chè nuôi tán mới đến việc tách chồi, trồng dứa, làm cỏ, thu hoạch quả. Chưa ráo mồ hôi trên cánh đồng chè lại vục ngay vào đồi dứa. Giữa những cánh đồng mênh mông những người công nhân trong đó có vợ chồng gã ngược xuôi lội như thoi đưa qua từng hàng dứa dài tăm tắp. Làm từ khi còn tối trời nên phải sờ mà bẻ, cẩn thận không tụt mất hoa ở đầu quả, tung thật nhẹ vào chiếc sọt kéo bên mình. Các gia đình thường bẻ đến đầu lô thì tranh thủ dúi vào bụi rậm một quả làm vốn riêng. Trời sáng rồi là không dám dấm dúi nữa. Đầy sọt thì vác ra đầu bờ tập kết đợi xe thu gom. Phải chạy đua với nắng để kịp tiến độ thu hoạch, kịp mã cân. Có những lúc bị giục, chân tay quýnh lại, mặt bạc phếch màu phấn dứa, mồ hôi kéo xuống cay xè mắt còn không dám lau đi. Cứ miệt mài, cặm cụi như thế, tai chỉ nghe tiếng tạch tạch liên hồi những cuống dứa giòn tan rời khỏi nõn, tiếng soạt soạt của hai ống quần bảo hộ quệt vào nhau, cả tiếng thở của chính mình. Mệt đến nỗi không buồn nói với nhau câu nào.
Giờ gã thực sự thấm mệt. Vợ đã về lo cơm nước, chỉ còn gã với nhấp nhô đồng dứa xanh phờ phạc, ngùn ngụt nắng. Gã không đủ can đảm để mang chút “vốn riêng” mà vợ gã đã giấu - như những người khác vẫn làm, về nhà như vợ dặn. Gã mà nhắm mắt lại chả phải là xong tất cả sao. Xong cái cơn mệt đứt hơi vì vừa vác cả đồi dứa chất lên xe qua các luống dứa tua tủa lá như những lưỡi cưa dăm cứa ngang ống quyển gã. Xong cả cái gương mặt nhăn nhó khó chịu của vợ khi gã về tay không cứ chập chờn trong đầu. Xong cả những nghĩ ngợi nọ kia…
Gã cảm thấy ong ong trong đầu. Cảm nắng rồi. Gã nghĩ. Gã cố nhíu mi thật sâu vào hai hốc mắt để bắt cái con ngươi về đúng vị trí, đuổi cổ những đốm hoa mòng mòng đang bay ra. Gã chợt thấy rõ mồn một khuôn mặt tái nhợt với hai cái hốc mắt đỏ hoe của vợ: “Anh đứng lên đi, gom ùa mà mang về. Đừng có sĩ. Anh có phải là người dấm dúi đâu. Là tôi đấy chứ! Tôi chỉ nhờ anh mang về hộ cho vợ con anh để cố gắng có thêm đồng rau đồng mắm cho gia đình anh, chứ đợi nông trường trả lương thì chết đói mất.” Sống mũi gã lại cay xè. Lại hắt hơi, lại cơn ớn lạnh dọc sống lưng…
Gã lết đến với tay lấy cái bình tông nước treo lủng lẳng ở gốc cây trẩu già cỗi, ngửa cổ tu một hơi mà đốm xanh đốm vàng trong mắt vẫn nhảy múa loạn xạ, mọi thứ trước mắt gã mờ nhoè…
- Này, đồng chí Uẩn. Dậy, dậy.
Gã bật phắt dậy. Quờ tay lấy khẩu súng bên hông, lao ra như tên bắn.
Đồng đội cũng bật dậy chạy theo gã. Tiếng súng “tạch tạch” lẫn với những tiếng thụp thùm của bom mìn inh tai nhức óc. Một mảnh đạn cối xoẹt qua tai. Gã cảm giác máu chảy xuống man mát…
Gã bừng tỉnh sờ lên vành tai thương tật ngày nào. Thì ra chiếc bình tông nước bị đổ, nước ướt chỗ thái dương. Chẳng có trận mạc nào cả. Nắng vẫn nung vàng những đọt dứa tả tơi. Gã chợt nhớ tới việc vợ giao, con đường lại sắp sửa tấp nập rồi mà gã vẫn ngồi đây… Cơ mà gã chúa ghét cái trò này. Đường đường là một người lính từng vào sinh ra tử coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, mà giờ thì... Gã không muốn mình mất đi sự kiêu bạc, nhân cách bị méo mó đi. Vợ gã cũng hiểu nên chẳng dám nhờ việc gì không phải. Mở mồm ra, kiểu gì cũng bị gã ném cho mấy từ khó nghe: Biển thủ, ăn trộm, tham ô của công… Vợ gã âm thầm thực hiện vài vụ trót lọt. Mụ cũng chỉ dám phân trần mấy câu để gã khỏi càu nhàu: “Mình tranh thủ mấy ngày chờ nghiệm thu, chứ nó bẻ hết rồi lại chưng hửng.” Mụ cũng ngại nên xúi hai thằng nhỏ tiếp tay cho mình vận chuyển chút “vốn riêng” qua mặt bảo vệ. Mỗi ngày bẻ cả tấn dứa nhưng mụ cũng chỉ dám lượm những quả bò liếm, quả bị loại về cho bọn nhỏ ăn, tiện dúi vào mấy quả đèm đẹp mang bán cùng với ít chè lá tuốt trộm mụ nén trong chiếc bao tay, hay trong chóp nón. Gã thì vẫn kiên cường tay không nhúng chàm, giữ mình trong sạch, với một suy nghĩ đầy quả quyết rằng mình không liên can.

Minh hoạ: Đỗ Dũng
Thế mà, một lần thằng út bị thằng cha bảo vệ bắt quả tang xách bốn quả dứa to trong một chiếc làn nguỵ trang đầy cỏ bạc hà cắt về nấu cám lợn. Thằng bé bị lôi xuống nhà kho của sân đội, doạ dẫm, khóc hết nước mắt, vợ gã phải lạy lục, van xin mãi, thằng bé mới được thả thì gã chợt thấy mình hèn quá. Gã không dám ra mặt xin cho thằng bé, chỉ lẳng lặng lau nước mắt cho nó. Gã có bao giờ sợ chết đâu, ngay cả bên kia là họng súng kẻ thù, gã cũng không sợ. Vậy mà… Gã gượng dậy, cố gắng không đánh mắt về phía những quả dứa vợ gã giấu trong đám cây bụi, đống cỏ dứa hoai mục đắp ở đầu bờ. Không! Nhất định không! Gã không thể là thằng ăn cắp! Ý nghĩ quyết liệt ấy, cứ tưởng khiến gã mạnh mẽ lên, nhưng không ngờ lại khiến gã sụp xuống. Cổ và gáy mỏi nhừ ran rát. Chân không muốn lê đi nữa. Chán nản, gã đứng dậy đi ra chỗ bóng mát của chiếc chòi hoang, nơi thằng Tốn đang lấm lét cho dứa vào bao, đặt lên vai chuẩn bị vác về nhà.
- Đứng yên! Thằng ăn trộm! Đi theo tao về đội.
Bất ngờ từ đâu xồng xộc phi ra một hình người sầm sẫm. Thằng Tốn sững lại, cái bao dứa trên vai rơi phịch xuống đất.
Xong rồi! Phản xạ, gã nhào đến đứng chắn trước mặt thằng Tốn. Gã biết, kẻ đứng trước mặt mình là người bảo vệ, nỗi khiếp đảm của đám công nhân liều lĩnh. Nỗi hãi hùng của lũ trẻ con trong xóm. Cái thằng chết tiệt ấy không biết thương xót ai, không biết cảm thông cho ai. Cái thằng chết tiệt ấy đi đến đâu cũng bị réo là “thằng quạ đen”. Gã nghe vợ kể thế, chứ gã cũng có biết mồm ngang mũi dọc nó thế nào đâu. Gã chỉ kịp loáng thấy cái băng đỏ ở cánh tay cái hình người sầm sẫm ấy. Rồi thằng Tốn sẽ bị giải về sân đội, bị lập biên bản, bị nộp phạt, bị đọc tên oang oang trên loa phóng thanh. Nhưng dứa đã nghiệm thu hết rồi, sản phẩm đã nộp vượt chỉ tiêu đăng kí với nông trường đến vài tạ, nó cũng chỉ lấy những quả dứa loại thôi mà…
Gã ném vào mặt người bảo vệ cái nhìn giận dữ, cổ họng phát ra những tiếng gầm gừ:
- Chỉ là dứa loại thôi, dứa cho bò ăn. Tha cho nó.
Người bảo vệ sựng lại khi gặp ánh mắt sâu hoẳm, ngầu ngầu dưới hàng lông mày lưỡi mác xếch ngược của gã.
- Ôi, tiểu đội trưởng!
Gã sững sờ nhìn đôi mắt rân rấn, cái mũi đỏ tấy lên, cái miệng cười như mếu trên khuôn mặt cháy nắng. Người kia vỗ mạnh vào hai vai gã:
- Tiểu đội trưởng không nhận ra em sao? Thằng Vường đây! Cái thằng mà xém chút nữa bị ăn đạn của anh đây.
Ồ, Cái thằng binh nhì lém lỉnh nhất, xông xáo nhất trong tiểu đội đây mà. Kí ức ùa về tràn ứ lên cổ, lên mắt gã:
- Thằng Vường! Đúng rồi! Thằng Vường! Trời ơi!...
Hai người bíu nhau ngồi xuống vệ đường. Dưới cái nắng chang chang, hai cái bóng người toả mát cho nhau.
- Thật không thể tin được. Em đã tìm tiểu đội trưởng suốt bao nhiêu năm…
Gã nhìn Vường rất lâu. Cậu binh nhì trắng trẻo, phong lưu giờ thành con người rắn rỏi, khô sặt như cây trẩu già giữa nắng đồi gió núi. Đôi mắt Vường đỏ hoe nhìn ra cánh đồng mênh mông ngùn ngụt hơi nóng.
- Những kí ức như vừa hôm qua. Mùi hăng nồng của thuốc súng, khói bụi mù mịt. Và tiếng thét: “Chạy ra mau, không tao bắn bỏ!” Nếu hôm đó, anh không lệnh cho em chạy khỏi hầm trú ẩn thì em đã tan xác với bọn chúng rồi. Em biết, ở trong hầm thì chắc chết mười mươi, nhưng bên ngoài đạn vãi như trấu, chúng nó năm bảy thằng. Em đồ rằng mình sẽ chết ở đó, tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện thoát ra cho đến khi nghe tiếng thét ấy. Đạn pháo bay vèo vèo, căn hầm toang hoác mà thủ trưởng vẫn vô sự. Mấy thằng địch tưởng ngon ăn, tiến tới, thế là toi. Đêm đó em sốt cao, bị chuyển về bệnh xá, không được bám trận địa. Cũng từ lúc đó, mất liên lạc với đơn vị.
Gã tưởng như mình vừa đi ra từ cuộc chiến. Trước mặt gã là chiến trường ngùn ngụt khói. Chân tay mệt rã rời nhưng lòng đầy phấn chấn. Những câu chuyện hàn huyên lúc ào ào như lá cuộn đầu giông, lúc lại lặng thinh như xác đá ven đường. Gã trầm ngâm:
- Sau trận 84 mình về. Vợ con nheo nhóc, khổ sở quá. Không đành lòng bỏ đó mà đi học sĩ quan được. Thế còn cậu? Trai Hải Dương sao phiêu dạt đến nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này?
- Giải ngũ, em làm cho công ty cầu đường, làm dự án ở đây rồi đóng chốt luôn. Rồi lại bỏ nghề vì cơ cực quá. Nghe nông trường tăng cường bảo vệ, em xin một chân. Làm cái nghề lâu nó thành tật chứng, nhìn đâu cũng thấy quân ăn trộm. Lúc nào cũng như có lửa trong đầu. Chẳng ai dám gần. Thành ra giờ vẫn độc thân. Một mình mười mấy gian tập thể, chỗ sân kho đó - Vường cười chua chát.
- Thế chuyện cậu với Giang thì sao? - Gã chợt nhớ câu chuyện tình yêu lãng mạn của Vường với cô nữ quân y cùng quê với gã, xinh đẹp, dịu dàng.
Im lặng một lúc lâu, Vường hắng giọng, cổ họng vương vướng:
- Tan giấc mộng đẹp tiểu đội trưởng ạ - Vường vẫn dùng cách xưng hô như hồi ở đơn vị. Cũng từ hôm chuyển xuống bệnh xá, em ngóng mãi tin tức của Giang. May quá, đêm cuối ở bệnh xá em có gặp lại cô ấy. Chóng vánh lắm. Đơn vị cô ấy bàn giao thương binh xong lại gấp rút lên đường, chỉ kịp dúi vào tay em một tập thư viết từ bao giờ và một bức ảnh chân dung nho nhỏ. Ai ngờ, đó là lần cuối cùng gặp nhau. Trên đường xuống dốc Quản Bạ bị đạn cối nó câu trúng cả tiểu đội. Cô ấy nằm lại Cổng Trời…
Vường bỗng khóc rưng rức, đôi vai rung lên bần bật. Gã bối rối nắm chặt hai vai Vường. Con người mà xóm làng gọi là thằng “quạ đen”, thằng “máu lạnh” đây ư? Gã thấy khó thở, nỗi đau từ mảnh đạn còn găm ở xương sườn thúc lên ngực, chèn ép trái tim gã làm mồ hôi lại túa ra ớn lạnh.
“Em chỉ có một ước nguyện tìm được Giang, lúc nào có cơ hội là em đi tìm cô ấy”. Làm công việc này thời gian eo hẹp quá, không lách ra mà đi được. Tính làm việc khác mà chưa có hướng đi. Nghề nào cũng thấy bế tắc quá!
Gã nhìn ra xa nơi cánh đồng vẫn ngùn ngụt hơi nóng mà nghĩ đến bước chân mình. Khói đạn chiến trường đã tôi luyện những người trai tráng hào hoa như gã và Vường thành gang thành thép. Gang thép thành rồi luyện lại cũng toát mồ hôi. Gã mới chỉ là công nhân nửa mùa, không đứng tên nhận khoán đất nhưng thấm thía cái cực nhục lắm lắm. Thủa làm thuê cho người ta thì còn có lúc ráo mồ hôi. Khoán 10 về, được giao đất, giao vật tư cho mà canh tác thì khổ nhục gấp bao nhiêu lần. Làm tượt mặt từ tờ mờ sáng đến nhọ mặt người, thâm canh gối vụ, luân canh, xen canh đủ các kiểu nhưng đói vẫn hoàn đói. Công nghệ chuyển giao không áp dụng được, đất đai khô cằn, cây cối không phát triển. Vật tư giá cao, sản phẩm thu mua giá thấp. Ngột ngạt, bế tắc. Năm ngoái gã chứng kiến cả đống dứa vàng ươm bị đắp đống làm phân. Công nhân bảo nhau quyết không chịu bán giá mặt đất cho nông trường, đấu tranh đòi tăng giá sản phẩm. Rồi lại đói hơn. Năm nay nông trường trả cao hơn chút nhưng ăn thua gì. Thế là họ trở thành kẻ trộm trên chính đồng ruộng của mình. Từ quả dứa, lá chè, đến cả phân lân giao cho dân, họ cũng bớt xén để bán.
- Buồn, tiểu đội trưởng ạ. Đâu lại có cái nghề càng cố gắng làm nghiêm túc thì càng bị căm ghét. Không làm thì treo niêu. Kẻ thì dè chừng, khép nép, người thì hằn học, thách thức. Rồi có lúc đang đêm cũng bị ném hòn đá to tướng lên mái tôn kêu lộp bộp, chỉ muốn đạp toang cửa ra hét một tiếng cho tan cái sầu.
Hai tai và mặt gã nóng rần lên, mãi mới cất được câu nói:
- Thế bao dứa của thằng bé kia…
- Thôi, bảo nó mang về nhanh đi, kẻo sắp đến giờ thay ca, em khó nói.
Gã không dám nhìn vào mắt Vường mà chỉ đặt cái xiết thật chặt lên vai. Thằng Tốn cũng đã nghe được câu chuyện, vội vàng cúi đầu xốc bao tải dứa lên vai. Gã thấy xấu hổ với cái hèn hạ của kiếp nghèo, thấy mình đang đồng lõa với cái xấu. Gã cố gắng bước thật nhanh xuống con dốc để tránh ánh mắt nhìn từ phía sau. Gánh nặng cơm áo tẹp nhẹp nó đè lên vai, đè lên cả bao nhiêu niềm kiêu hãnh của một tiểu đội trưởng thét ra lửa như gã.
*
* *
Xong bữa cơm tối thì chiếc tivi nhà bên cũng báo nhạc chương trình thời sự. Gã vác ghế ra sân ngồi hóng gió. Nóng bức, ngột ngạt khiến con người ta dễ nổi nóng. Gã quát hai đứa nhỏ đang nô nghịch, cười ngặt nghẽo với cái bóng của chúng đổ dài theo bóng chiếc đèn hoa kì giữa sân. Vẫn còn tiếng eng éc chói tai của đàn lợn đang lồng lộn đòi ăn. Mùi chua chua thum thủm nồng nặc của những hục ủ vỏ dứa thải của nhà máy làm phân xanh, mùi khăn khẳn của những đống phân chuồng bốc lên theo hơi nóng ngoài đồng thốc thẳng vào mũi gã. Muỗi dĩn đốt dậm chân gã.
Vợ gã khệ nệ bê chậu cám lợn đổ vào máng. Âm thanh dịu dần, chỉ còn tiếng tồng tộc vã cám của những con lợn háu ăn. Chăm là thế mà con nào con nấy đóng cọc vào đít, không chịu lớn để xuất chuồng. Thị cũng đã hết giận gã vụ về tay không khi trưa.
- Hồi chiều, em có tuốt được ít chè lá mai mang lên tỉnh bán. Tranh thủ tuốt kẻo mấy hôm nữa họ đốn hết rồi, tiếc lắm. Chiều nay, bảo vệ bắt quả tang thằng Tốn lôi về nhốt dưới kho. Chúng nó không chịu lẩn vào cây bụi mà đi… Bắt rồi thì lại thả thôi, chúng nó có sợ như mình đâu.
Gã định kể chuyện lúc trưa gã đã xin cho thằng Tốn mà không hiểu sao chiều nay nó vẫn tiếp tục. Nhưng nghĩ sao gã lại thở dài. Cảm giác xót xa khi nhìn dáng vợ gầy gò xơ xác càng khiến gã khó chịu:
- Mai thong thả mấy chị em đi, đừng đi sớm quá kẻo loạng choạng.
- Vâng, mai có mình em với chị Tị đi thôi.
Tiếng của vợ gã chập chờn câu được câu chăng trong tiếng nô đùa của lũ trẻ. Hình như có cả tiếng xôn xao của ai đó. Không, là tiếng gào thét của ai đó. Ồn ào xáo động cả xóm làng.
- Ối làng nước ơi cháy rồi! Cháy nhà rồi bà con ơi!
Thứ âm thanh hỗn loạn làm gã dựng tóc gáy, tự nhiên gã thấy bao nhiêu là người chạy tán loạn. Dân làng đang túa ra từ các nhà, lố nhố những cái đầu, đây đó chập chờn tia sáng của những ngọn đèn.
Gã bật dậy chạy theo đám người đang đổ xuống khu nhà kho của nông trường. Lửa đã bốc cao liếm một góc cây phượng già đầu sân kho. Lửa cháy từ dãy tập thể nông trường. Tiếng xô chậu loảng xoảng, cả những chiếc thùng phi đựng nước cũng được người dân vần ra. Giếng tập thể chưa khi nào đông đúc như thế. Dân làng xớn xác gọi nhau hỗ trợ dập lửa. Người ta kháo nhau, thằng Tốn đốt nhà trả thù thằng quạ đen. Lửa bén nhanh quá! Nhà có mình ông ta. Mà chưa thấy ông ý thoát ra…
Gã chột dạ hét lớn:
- Vường! Vường ơi!
Nhanh như một mũi tên, gã quào một chậu nước người ta đang bưng đến dội ào lên người và lao vào. Trong đám khói mù mịt, Vường luýnh quýnh tìm kiếm thứ gì. Gã gào lên: “Chạy nhanh không tao bắn bỏ”. Vường giật mình xé lửa ào ra. Gã không biết gã đã cứu Vường hay chính Vường đã lôi gã khỏi đám cháy. Hai con người đổ ụp xuống nền sân đất đã nhão vì đẫm nước. Người ta xúm lại kéo hai người ra xa cây phượng già đang ném xuống những vỏ quả khô oằn vỡ ra nổ lép bép, những hạt đen bắn tung toé như vãi đạn. Khói lửa bừng bừng, tiếng hò hét, tiếng bước chân rầm rập trước mặt gã, cả trong đầu gã… Vường thảng thốt:
- Thằng Tốn có sao không?
- Nó không sao, chỉ bị bỏng nhẹ. Mẹ nó lôi về rồi.
- Nó đổ dầu đốt đống củi xếp xung quanh gần gốc cây phượng trước nhà. Thấy khói lửa bốc lên, tôi lao ra thì thấy nó không hiểu sao lại mắc kẹt trên cây. Chắc nó đứng bên trong tưới dầu rồi đốt, lửa bén nhanh không kịp thoát ra nên leo lên cây. Định vào nhà lấy thang, lửa bén nhanh quá. Cháy hết cả…
Lửa tắt dần, màn đen dần đặc lại quyện sánh cùng khói toả khét lẹt. Những bóng người lớn nhỏ vây quanh Vường và gã. Họ xì xào nho nhỏ chuyện sẽ dọn gian bếp này hay sửa lại góc kho kia cho Vường. Họ cứ nấn ná, dè dặt mãi chưa nói được với Vường… Gã thấy dường như Vường đang chẳng để tâm đến điều đó.
Trong ngọn lửa chợt loé lên, gã thấy Vường lấy trong ngực áo tấm ảnh chân dung một người con gái, đôi mắt Vường bình thản lạ lùng. Gã định hỏi điều gì đó nhưng lại thôi, gã quàng tay bấu chặt vai Vường, tự nhiên, gã cũng thấy lòng nhẹ nhõm.
Gã vẫn ngồi im lặng bên Vường nhìn theo đám khói bàng bạc bay lên cùng những tàn tro lấp lánh. Vài ngôi sao dần rõ hơn. Cơn gió nhè nhẹ len vào chiếc áo chưa ráo nước khiến gã rùng mình.
- Dậy thôi đồng chí, trận cuối rồi!
Gã xốc Vường đứng lên. Vường cẩn thật cất chiếc ảnh nhỏ vào ngực áo, vòng tay qua vai gã bước về phía đám người làng đang đứng đợi. Gã bỗng rưng rưng nhớ chiến trường đêm ấy ở Cổng trời Quản Bạ.
K.P