Thứ Hai, 01/07/2019 10:11

"Mùa tân binh" - Hình ảnh đẹp về người lính thời bình

Hình ảnh người lính hôm nay xuất hiện từ biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đến quần đảo Trường Sa, trong thiên tai bão lốc, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đều luôn hiện hữu... (PHÙNG TRANG)

.PHÙNG TRANG

 

Thời bình, khi người lính dường như không còn chiếm vị trí trung tâm trong đời sống xã hội, thì sự chú ý của các nhà văn, nhà thơ đối với họ chắc chắn không còn như trước đây. Tuy nhiên, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, người lính vẫn là đối tượng sáng tác quan trọng, là mảnh đất phì nhiêu, chất chứa nguồn “chưa ai khơi” của văn học. Hình ảnh người lính hôm nay xuất hiện từ biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đến quần đảo Trường Sa, trong thiên tai bão lốc, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đều luôn hiện hữu. Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn, gian nguy thì nơi ấy có các anh. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, người lính vẫn từng ngày, từng giờ ra sức bảo vệ và dựng xây đất nước.

Các nhà văn phỏng vấn nhân vật

Với tâm thế ấy, viết về người lính thời bình, tập bút ký Mùa tân binh của nhà văn Uông Triều đã mang đến màu sắc mới về những người khoác tấm áo xanh bộ đội. Từng bước, anh đưa bạn đọc đi vào các cung bậc cảm xúc với câu chuyện về người lính. Không màu mè, không lên gân, không kỹ thuật, mà giản dị, giản dị đến thắt lòng. Phải am tường về môi trường quân ngũ, phải trân quý tình đồng chí đồng đội, biết đứng về lẽ phải, lẽ sống lắm, tác giả mới có thể làm người đọc say mê đến như vậy. Đó là câu chuyện về Trung úy Chàng A Xăng, Thượng uý Hàng A Phứ của Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Mai Châu (Hoà Bình) miệt mài bám núi, bám đồi vượt mọi khó khăn sát cánh bên đồng bào Mông nhiều năm liền. Đó là những chàng trai đôi mươi của đất kinh kì, mỗi người một lí tưởng, một hoài bão đã biết gạt nỗi niềm riêng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Từ đó, dần dà, tình đồng đội, môi trường rèn luyện đã xóa nhòa mọi ranh giới, khoảng cách. Mãi còn lại tình đồng chí, đồng đội, những tấm lòng chung khát vọng hướng tới tương lai, chung nhiều “đêm mất ngủ” quặn thắt tâm tư, nỗi niềm, hướng về gia đình, người thân. Câu chuyện về những y bác sĩ quân y Viện 354 ngày ngày “đấu trí” với tử thần để giành lại sự sống cho bệnh nhận, dẫu mệt mỏi nhưng người lính quân y vẫn cố gắng mỗi ngày, từng giờ là rất xúc động.

Bên cạnh đó, nhà văn đã khéo léo đan xen vào tác phẩm những nét văn hoá, ẩm thực đặc trưng từng vùng miền. Đó là món thịt trâu nấu lá lồm “ngọt thơm của thịt trâu, chua chua vị lá lồm, thơm mùi xả, quyện mùi gừng, béo ngậy của nước ninh sánh đặc” của người Mường . Món canh chua cá linh của cư dân Đồng Tháp “nồi nước dùng Nam Bộ chua chua, ngọt ngọt. Cá linh lượn lờ trong màu sáng bạc của nước liu riu, cá linh sáng, bông điên điển vàng, bông so đũa trắng, thân súng tím dịu…”. Món mắm cá linh, cá lóc, cá sặt “mở vung ra đã toả ra một thứ hương thơm ngon ngọt đến tứa nước miếng”. Những điệu hò ngọt ngào của cô em gái Nam Bộ, điệu chào riêng biệt của thợ than Quảng Ninh… Tưởng chừng cuốn sách viết về bộ đội xen kẽ những nét văn hoá như vậy là vô ý, nhưng chính điều đó đã thể hiện rõ được truyền thống “đi dân nhớ, ở dân thương”, sự gắn bó máu thịt với nhân dân, sống giữa lòng dân của người lính cụ Hồ.

Ngày nay, người lính rất đời và cũng rất lính - giá trị văn hóa của người lính bộc lộ rất rõ qua thiên tai, bão lũ, hạn hán kéo dài, các sự cố trong lao động, cứu nạn trên biển, đất liền, hải đảo... Mặt trận của người lính bây giờ là ở trong cuộc sống của nhân dân. Các anh dầm mình trong lũ, đi trên sóng, băng mình trong đêm đen, trong gió cấp 11, cấp 12 để cứu dân, ôm, cõng từng cụ già, em nhỏ ra khỏi cơn lũ xiết, nơi gió giật sập nhà. Người lính nhường khẩu phần ăn của mình để cứu dân còn kẹt lại trên nóc nhà, trong vùng bị cô lập. Các anh sớm có mặt dựng lại nhà, dọn lại trường, làm đường, khơi thông dòng chảy, kịp thời ổn định cuộc sống người dân, kịp cho vụ sản xuất, kịp cho học sinh đến lớp, lập lại bình yên. Một vụ cướp, một tai nạn đâu đó, các anh đều có mặt. Sự có mặt của các anh bên cạnh nhân dân, dân cảm thấy ấm lòng. Nhịp đập trái tim ngưòi lính là nhịp đập cùng nhân dân, đời sống người lính cũng là đời sống nhân dân, tình quân dân cá nước ngày càng khăng khít.

Bìa cuốn sách

Văn nào thì người như thế. Văn của Uông Triều súc tích, giản dị nhưng sâu sắc, lắng đọng. Ngoài đời anh sống hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng bên trong là một tâm hồn trĩu nặng tình đời, tình người. Tôi may mắn từng được đi cùng anh trong chuyến công tác tại Quảng Trị năm 2017. Trong suốt thời gian của chuyến công tác, trên tay anh luôn thường trực cuốn sổ nhỏ và cây bút. Anh ghi liên tục, cứ sợ như chỉ cần dừng lại đôi chút thì những gì diễn ra xung quanh cũng tạm ngưng. “Trước khi viết văn, tôi từng là một thầy giáo. Có lẽ vì thế mà tôi hay soi, rồi tò mò tìm được câu trả lời đúng nhất, chi tiết nhất về mọi vấn đề. Vì thế, lúc nào tôi cũng ghi chép lại mọi thứ để không bỏ sót bất cứ điều gì…”. Hình ảnh nhà văn trẻ với vóc dáng bé nhỏ, tỉ mỉ ghi chép, chụp lại xung quanh đã gây ấn tượng rất lớn cho tôi như thế.

Nghệ thuật không phải và không thể là thứ ánh trăng lừa dối (Nam Cao). Uông Triều đã không ngại khi nói ra, miêu tả một cách khách quan những tàn dư của chiến tranh tại mảnh đất Quảng Trị nắng gió với thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm chìm trong khói lửa, với Nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ của hơn một vạn liệt sĩ từ các chiến trường Campuchia, Lào và bộ đội Trường Sơn… Hình ảnh hai người lính già cùng nhau đến sông Thạch Hãn thắp hương cho các đồng đội của mình. Một người ngồi trên chiếc xe lăn, một người với đôi tay không lành lặn, trầm ngâm nhìn ra mặt sông với ánh mắt thẳm buồn. Cái tình dành cho người đồng đội đã mãi nằm yên trong lòng đất mẹ. Phải chăng, cái tâm, cái tình của người viết, trong nhiều trường hợp, đã quyết định cái tài?

Làm sao người đọc có thể không “nghèn nghẹn” cho được khi đọc lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi về cho gia đình và người vợ mới cưới của mình là chị Đặng Thị Xơ. Khi linh cảm bản thân không qua được cuộc chiến, anh đã tự làm bia mộ cho mình và viết thư gửi cho người thân: “Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được ra thoải mái ra đi”. “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hoà bình, hãy nhớ tới anh”. Giản dị, chân thực, gần gũi, xúc động, đoạn bút ký này của Uông Triều đã chạm đến sâu thẳm tâm tư của tất cả mọi người.

Văn học về người lính hôm nay không chỉ trở thành món ăn tinh thần lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ chúng ta, mà còn để dành cho những người yêu màu áo xanh bộ đội một gợi mở lấp lánh. Không rập khuôn, không gân guốc, người lính cụ Hồ hôm nay dưới con mắt của nhà văn Uông Triều trở nên giản dị, thân thuộc đến nao lòng. Tập bút ký Mùa tân binh đã nhận được Bằng khen của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về những thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018. Đây cũng là sự ghi nhận ấm áp và nhân văn với nhà văn chiến sĩ trong thời bình.

P.T

Nguồn: QĐND