Thứ Bảy, 12/05/2018 00:54

Mùa vớt củi rều

Làng tôi là Bát Tràng, ngoại thành Hà Nội. Nơi in dấu đậm nét nhất là bờ sông trước cửa đình. Nhắc đến bờ sông cửa đình là nhắc đến mùa vớt củi rều. (Tản văn của LÊ NGỌC LAN)
Tản văn . LÊ NGỌC LAN

Làng tôi là Bát Tràng, ngoại thành Hà Nội. Nơi in dấu đậm nét nhất là bờ sông  trước cửa đình. Nhắc đến bờ sông cửa đình là nhắc đến mùa vớt củi rều. Mà đâu chỉ là vớt củi như mọi người vẫn hiểu. Có nhiều cây to vớt được, xẻ ra đóng được cả tủ, giường, bàn ghế... Cứ đến mùa vớt củi, không chỉ dân làng tôi mà cả làng trên xóm dưới cũng nô nức rầm rộ vì việc tích trữ củi đun cho cả năm là việc hệ trọng.

 Những ngày vớt củi, dọc bờ sông Hồng cơ man là người lớn trẻ nhỏ. Mặc dù các gia đình đã đe nẹt không cho trẻ con ra bởi nước sông dâng cao vậy mà đứa nào cũng tìm cách ra bằng được. Không đi thì bứt rứt lắm. Biết được nỗi ham thích của lũ trẻ, anh Thăng nhận trách nhiệm trông nom đám trẻ. Thêm nữa còn có anh Thản, chị Hà, chị Ngọc ở Hà Nội về nghỉ hè nên người lớn cũng phần nào yên tâm.

Buổi sáng, các anh chị tập trung bọn tôi lại kiểm tra xem đã ăn uống gì chưa. Các cây sào làm nèo chưa chặt các anh chị buộc hộ. Anh Thăng nhắc đi nhắc lại, khi lội dưới nước, chỉ xoải tay vừa phải, không được cố nhoài người ra xa kẻo nước cuốn đi. Nghe dặn dò, xong bọn trẻ ào xuống sông, tìm chỗ đứng cho vững. Lúc này trên bờ, dưới bóng mát của rặng xoan, các cụ phụ lão ngồi phía tay trái cửa đình nhắc nhở đám con cháu. Nhiều cụ thường đứng lên ngóng phía đầu nguồn. Thấy cây củi nào sắp trôi về cửa đình lập tức đồng loạt hô: “Ra đi!” Các anh thanh niên ào ra, xoải tay bơi vun vút ra giữa mặt sông, cùng nhau ôm ghì cây, níu lại, đưa vào bờ.  Những cây các anh đưa vào thường lớn hơn vòng tay, còn nguyên rễ và cành lá. Ngoài những cây to còn nhiều cây nhỏ dễ vớt hơn. Những bác trung niên đứng phía ngoài xa nhất cùng với đám thanh niên, trong cùng là lũ trẻ. Tất cả đều xoải tay đưa sào níu củi vào. Cơ man là củi giăng kín mặt nước. Củi được đưa vào bờ sẽ có người ôm lên đánh đống.

Đang ồn ào thế mà khi có mấy đứa la lớn: “Quả thiều bưu này! Nhiều quá! Vớt đi!” là tất cả đều náo nhiệt. Mấy đứa ôm củi gần bờ chạy xô đến giơ cả hai tay ra đỡ. Mặt mũi đứa nào cũng hớn hở dưới nắng hè chói chang. Chúng ôm trong tay những quả thiều bưu. Anh Thăng đứng đợi sẵn nói: “Đưa tất cả đây cho anh”. Anh đưa nón ra, bọn trẻ ném quả vào trong. Có mấy đứa định nhao ra tiếp thì anh nhắc: “Sắp ăn trưa đấy, các em về ăn xong hẵng ra”. Trên đường về chúng tôi chia cho mỗi xóm một quả thiều bưu to hơn quả bóng bàn, màu xanh ngọc rất đẹp. Quả này dùng để đánh chuyền rất hay, khi tung lên để lấy quân chuyền đỡ rất vừa tay. Lũ nhỏ chúng tôi thường giữ  gìn cẩn thận để chơi được quanh năm. Năm sau vào mùa vớt củi mới có thiều bưu mới.

 
Chuan
Minh họa: Bùi Quang Đức

Từ tờ mờ sáng đến tối mịt, cả làng ồn ào náo nhiệt ở dọc bờ sông. Nhà neo người phải chuẩn bị cơm mang đi. Nhà đông người thì cử người về nấu, áng chừng cơm chín, người đang vớt vội vàng chạy về lùa vội lưng cơm rồi lại chạy nhào ra bến. Chỉ đến khi tối mịt việc vớt củi mới hết. Đường làng, ngõ xóm râm ran chuyện củi và củi. Người lớn thường tiếc rẻ về cây to nào đó không kịp vớt. Trẻ con ước ao vớt được quả gì nữa đẹp như quả thiều bưu thì tuyệt. Cứ thế, ai đến ngõ nhà mình thì rẽ vào, không quên hẹn sáng mai gặp lại ngoài sông.

Không khí rầm rộ cứ thế diễn ra khoảng ba tuần. Ngoài sông lúc này củi trôi đã thưa. Nước lớn hơn. Cây nào cũng lao vun vút giữa sông như bị nam châm hút xuôi ra biển. Chả ai dám mạo hiểm ra vớt nữa. Từ bờ sông nhìn sang phía Hà Nội, thấy sông Hồng rộng mênh mông. Tiếp đến là những ngày phơi củi. Cây to chặt cành, cây gỗ thì cưa khúc theo kích thước đóng đồ. Ai không đóng đồ thì dự trữ làm củi. Cơ man gỗ củi là vậy mà chẳng xảy ra việc lấy lẫn của nhau. Các cây to vớt chung thì được chia ra. Phơi củi ngoài bờ sông gần khô thì mọi người đem về nhà phơi tiếp, lúc ấy mới là hết mùa vớt củi!

Thế rồi cuối năm bốn bẩy, Tây về làng tôi lùng sục tìm bắt cán bộ Việt Minh. Chúng thường về lúc nửa đêm. Có lần còn bắt cả làng ra đình “điểm mục” từ ba giờ sáng đến ba giờ chiều mới cho về. Ai nấy đều mệt lử, riêng người già và trẻ con được một nắm cơm nhạt. Mà đâu chỉ “điểm mục”, bọn Tây còn lục lọi từng nhà, vơ vét đủ thứ. Có đợt chúng bắt đến hàng chục người nghi là Việt Minh. Bắt xong tra tấn dã man. Anh Thăng chết ngay ở cửa đình, chỗ nhìn ra con sông cuộn chảy dữ dằn mỗi mùa vớt củi.

Trước tình hình rối ren như vậy một số gia đình tạm xa làng ra thành phố sinh sống, làm ăn. Gia đình tôi thuê một ngôi nhà ở thị trấn, cách làng hơn chục cây số. Từ đấy tôi chẳng còn dịp vớt củi cùng lũ bạn ở làng nữa. Chỉ thỉnh thoảng về chơi vội vã rồi đi, dòng sông vẫn đấy, âm thầm chảy qua các mùa. Trong đó có mùa ấu thơ của lũ trẻ làng chúng tôi.
Mùa của những tiếng í ơi gọi nhau đi vớt củi rều.       
       
L.N.L