Thứ Hai, 20/01/2020 10:19

“Mùa xuân vĩnh viễn”

Công chúng yêu nghệ thuật và giới mỹ thuật Việt Nam một lần nữa được xem lại bộ sưu tập “Mùa xuân vĩnh viễn” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam biên tập, tuyển chọn và sắp xếp lại với các tác phẩm ca ngợi Đảng và mùa xuân của đất nước.

Được biểu đạt đa dạng và phong phú, các tác phẩm trong bộ sưu tập “Mùa xuân vĩnh viễn” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thể hiện tình cảm sâu sắc mà các họa sĩ dành cho mùa Xuân, cho Đảng, cho đất nước; là cái nhìn lạc quan trước những đổi thay, phát triển của đất nước, của con người trong không khí mùa xuân tươi vui, trọn vẹn, vĩnh cửu...

Công chúng yêu nghệ thuật và giới mỹ thuật Việt Nam một lần nữa được xem lại bộ sưu tập “Mùa xuân vĩnh viễn” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam biên tập, tuyển chọn và sắp xếp lại với các tác phẩm ca ngợi Đảng và mùa xuân của đất nước. Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, đây là triển lãm hay và ý nghĩa, đúng dịp chuẩn bị bước sang Xuân Canh Tý 2020, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều tác phẩm chất lượng cao, là dấu ấn của tác giả hay gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Các đại biểu tham quan triển lãm trong lễ khai mạc Ảnh: HS

Trong đó có thể kể đến “Kết nạp Đảng trong tù” (Sơn mài, 1960, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2011) của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng (1914 - 1993). Theo đuổi đề tài cách mạng, kháng chiến, họa sĩ Nguyễn Đức Nùng thể hiện tác phẩm của mình theo phong cách hiện thực với nhiều tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo, mang tính khái quát và có giá trị nghệ thuật cao. Họa sĩ Vi Kiến Thành nhận xét, cái đẹp của tác phẩm là ở chỗ đã phản ánh chuẩn xác, hùng hồn sức mạnh diệu kỳ của người phụ nữ trong ngục tù những năm đánh Mỹ.

“Về mặt nghệ thuật, tác phẩm “Kết nạp Đảng trong tù” có sự sáng tạo, chuyển đổi phong cách so với những người cùng thời, với bố cục lạ, đẹp. Hình ảnh người phụ nữ được họa sĩ khai thác chắt lọc và thể hiện thành hình tượng đẹp cả về hình thể lẫn tâm hồn. Đặc biệt, tác giả chọn cảnh kết nạp Đảng trong hoàn cảnh bí mật, ở trong tù, để khắc họa hình ảnh nữ chiến sĩ mặc dù bị đế quốc kìm kẹp nhưng vẫn sẵn sàng chiến đấu, vào Đảng là để tiếp tục phục vụ nhân dân, đất nước…”, họa sĩ Vi Kiến Thành nhận xét.

Thể hiện tấm lòng của nhân dân thời kỳ kháng chiến, nhiều tác phẩm tại triển lãm đã cho thấy phần nào niềm tin, sự thủy chung, son sắt đối với Đảng, như “Cuộc đời có Đảng” (Lê Sơn Hải), “Ơn Đảng ơn Bác người Mèo có chữ” (Quách Hùng)… và đặc biệt là tác phẩm điêu khắc gỗ “Cộng sản trong bụng tôi” của tác giả người dân tộc Vân Kiều Hồ Uông. Mộc mạc, chân chất, không màu mè, tác phẩm thể hiện tấm lòng son sắt của các đảng viên trung kiên, các chiến sĩ ưu tú qua tư thế hiên ngang của Lý Tự Trọng trước tòa án thực dân Pháp, Nguyễn Văn Trỗi gan dạ trước nòng súng của kẻ thù... “Cộng sản trong bụng tôi” vì thế được đánh giá có ý tưởng độc đáo, phản ánh đúng tình cảm, suy nghĩ của tác giả nói riêng và người dân tộc Vân Kiều với niềm tin tuyệt đối, lòng mong muốn giữ gìn, bảo vệ chính kiến, lý tưởng trước Đảng, trước cách mạng.

Nhiều nhà chuyên môn khi xem lại tác phẩm “Mừng miền Nam giải phóng”, sơn dầu của Phạm Việt Hải cũng vẫn trầm trồ thán phục. Ngạc nhiên là bởi, lúc bấy giờ, các nghệ sĩ của chúng ta vẫn đang vẽ theo lối hiện thực Xô Viết, trong khi bức tranh gây được ấn tượng mạnh về tư duy hội họa, tính biểu cảm và ngôn ngữ biểu hiện. Ra đời vào thời điểm mùa xuân năm 1976, tác phẩm có sự bứt phá toàn diện, vinh dự được đưa ra triển lãm toàn quốc đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Hay như tác phẩm tranh cổ động “Kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam” của Đặng Công Ngoãn, đồ họa hóa chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta.

Các tác phẩm tại triển lãm còn thể hiện tình cảm của các nghệ sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, đất nước và con người Việt Nam, không khí tưng bừng của mùa xuân, niềm vui và sự phấn chấn. Những thành tựu quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc như dấu mốc năm 1954 được thể hiện trong các tác phẩm “Tập kết” (Nguyễn Hiêm), “Mùa xuân vĩnh viễn” (Lê Đức Lai)… Những địa danh lịch sử quan trọng cũng được ghi lại bằng tác phẩm nghệ thuật như “Thanh Chương, Núi Các Mác” (Trần Đình Thọ), “Xô Viết Nghệ Tĩnh” (Đường Ngọc Cảnh), “Một vùng Pác Bó” (Mai Văn Hiến), “Cây đa Tân Trào” (Văn Giáo)… Qua các tác phẩm, người xem như cảm nhận được sức sống thời đại, sự đổi thay tích cực hay giai điệu mùa xuân rộn ràng khắp mọi miền đất nước.

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, triển lãm “Mùa Xuân vĩnh viễn” như lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp Xuân mới. Đó cũng là tình cảm sâu sắc mà các họa sĩ dành cho Đảng, cho đất nước. Bằng ngôn ngữ tạo hình riêng biệt, các nghệ sĩ đã ghi lại những dấu ấn lịch sử, thể hiện cái nhìn gần gũi, lạc quan trước những đổi thay, phát triển của đất nước, con người trong không khí mùa xuân tươi vui, trọn vẹn, vĩnh cửu trong sự vận động không ngừng để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)