Thứ Sáu, 06/12/2019 08:23

Nâng cao chất lượng phê bình văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới

Đánh giá về thực trạng phê bình hiện nay, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ trong lời khai mạc hội thảo đã chỉ ra những thế mạnh, yêu cầu và thách thức đối với hoạt động phê bình...

Triển khai chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2019, Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNT TƯ) tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học nghệ thuật hiện nay và Kì họp thứ Bảy của Hội đồng vào ngày 5/12 tại thành phố Vĩnh yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Để chuẩn bị cho Hội thảo, giấy mời viết tham luận và các nội dung chủ yếu, trọng tâm của chương trình Hội thảo đã được gửi đến các nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong cả nước từ rất sớm. Trước hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 70 tham luận của các tác giả, xoay quanh các vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống phê bình văn học nghệ thuật hiện nay.

Hội thảo lần này hướng đến các nội dung chính sau đây:

  1. Nhận diện, đánh giá và lí giải thực trạng phê bình nói chung và ở từng loại hình văn học, nghệ thuật cụ thể, trên các phương diện cơ bản: tình hình đội ngũ, chất lượng chuyên môn, các khuynh hướng và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, tập trung đánh giá vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay trong hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo.
  2. Tập trung làm rõ các yếu tố tác động đến phê bình hiện nay, chỉ ra những nguyên nhân cơ bản, cả khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng phê bình văn học nghệ thuật nói chung, vấn đề vai trò định hướng đối với hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo.
  3. Đề xuất những kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới

Về dự và chỉ đạo hội thảo, có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban ngành trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; các đơn vị - hội văn học nghệ thuật trong cả nước. Chương trình hội thảo diễn ra nghiêm túc, với nhiều ý kiến thiết thực, liên quan đến các vấn đề về thực tiễn phê bình văn học nghệ thuật ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Đánh giá về thực trạng phê bình hiện nay, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ (Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch LLPBVHNT TƯ, Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam), trong lời khai mạc hội thảo đã chỉ ra những thế mạnh, yêu cầu và thách thức đối với hoạt động phê bình, từ đó nêu lên lí do cần thiết của việc tiến hành hội thảo với các mục tiêu nhận diện, đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển phê bình văn học đi vào thực chất.

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực LLPBVHNT TƯ đã thẳng thắn nêu lên các vấn đề về thực trạng phê bình văn học nghệ thuật hiện nay như: có phải lí luận phê bình văn học nghệ thuật đang thực sự thiếu và yếu? Phải chăng, phê bình đang mất đi vai trò định hướng, thẩm định các giá trị văn học? Phê bình văn học nghệ thuật đang vắng bóng, im tiếng, bỏ trận địa? Phê bình hiện nay đang thiếu chuẩn, loạn chuẩn? Sự nở rộ các lí thuyết, sự vẫy gọi và thách thức của các hiện tượng văn học… đang đặt các nhà quản lí văn hóa văn nghệ, những người trực tiếp tham gia viết phê bình văn học nghệ thuật vào những thách thức không nhỏ.

Bước vào buổi thảo luận, Đại biểu Nguyễn Trần Bé (Hà Giang) phản ánh tình trạng thiếu vắng, đến mức không có người làm lí luận phê bình văn học nghệ thuật ở Hà Giang. Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, đại biểu Nguyễn Trần Bé nêu lên: do phê bình khó viết, mất thời gian đọc và suy nghĩ; người làm phê bình ở Hà Giang còn thiếu kiến thức chuyên môn một cách bài bản; chưa có hệ giá trị chuẩn nên nhiều hoạt động phê bình còn cảm tính; thiếu cơ chế đãi ngộ, khuyến khích một cách xứng đáng. Từ thực tiễn địa phương Hà Giang, đại biểu đưa ra giải pháp: tăng cường tập huấn, tăng cường gặp gỡ giao lưu với nhà văn và các nhà phê bình chuyên nghiệp, khích lệ người viết bằng chế độ nhuận bút cao hơn, chú ý đến công tác giải thưởng, tặng thưởng…

PGS.TS. Trần Trí Trắc, đại diện cho những người làm nghệ thuật sân khấu đã đưa ra nhận định: phê bình sân khấu còn yếu, thiếu, nếu không nói là không có người làm ở lĩnh vực này.

Tại hội thảo nhiều ý kiến quan trọng đã được nêu lên và trao đổi, trong đó, nhà phê bình Văn Chinh nhận xét: không thể nhìn vào diện mạo phê bình để đánh giá diện mạo nền văn học nghệ thuật bởi diện mạo phê bình chưa thực sự theo kịp, phản ánh một cách đầy đủ nền văn học nghệ thuật. Các nhà phê bình còn né tránh nhiều hiện tượng, trong đó, lối phê bình “cánh hẩu”, khen ngợi một cách dễ dãi, hời hợt. Ông cũng lo lắng về vấn đề sự du nhập một cách ồ ạt các lí thuyết có phần xa lạ với thực tiễn văn học Việt Nam.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã có những đối thoại thẳng thắn với các nhà phê bình trẻ. Đặc biệt, ông đặt ra chất vấn về hệ giá trị mà thế hệ phê bình F (Các nhà phê bình trẻ) mang lại cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông cho rằng, có một số nhà phê bình trẻ chạy theo lí thuyết mới một cách xa lạ, khiến giới sáng tác tỏ ra hoài nghi và mất niềm tin. Từ thực tiễn phê bình, nhất là sự thiếu vắng những hoạt động phê bình chuyên nghiệp, thực chất, Bùi Việt Thắng đặt ra vấn đề cần phải khắc phục tình trạng phê bình cực đoan, hời hợt. Truyền lửa và tiếp sức đam mê cho các nhà phê bình trẻ cũng là vấn đề mà nhà phê bình lão thành nêu lên tại hội thảo.

Đại diện cho các nhà phê bình loại hình nghệ thuật điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan nêu lên thực trạng thiếu, đến mức không có nhà phê bình điện ảnh thực sự. Đa phần, các bài viết về điện ảnh trên báo chí chỉ là những bài điểm phim, quảng bá hay tìm hiểu đời tư diễn viên. Bà cho rằng, phê bình điện ảnh hiện nay là thiếu và yếu nhất trong hệ thống phê bình văn học nghệ thuật.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng nêu lên thực trạng phê bình hiện nay còn thiếu và yếu. Để phát triển đội ngũ phê bình cần phải có chiến lược đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và có quy hoạch.

Sau thời gian làm việc tích cực, với nhiều ý kiến trao đổi giữa các nhà khoa học, các nhà quản lí văn hóa văn nghệ. Báo cáo tổng kết của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ đã đánh giá lại những kết quả đạt được từ hội thảo. Từ thực trạng phê bình, những thuận lợi, khó khăn và thách thức, các nguyên nhân phân tích lí giải đồng thời với các giải pháp được đưa ra là cơ sở để Hội đồng Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tư vấn, tham mưu cho Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các vấn đề quan trọng này, góp phần phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới.

Chủ tịch LLPBVHNT TƯ cũng nêu rõ, kết quả của Hội thảo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu, phê bình và các văn nghệ sĩ; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan đến văn học nghệ thuật tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư vấn của Hội đồng Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Cùng ngày, Hội đồng LLPBVHNT TƯ cũng tiến hành Kỳ họp thứ Bảy, nhằm tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2019, thảo luận, cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2020.

LÊ PHONG