Thứ Tư, 24/02/2021 11:10

Ngày Thơ Việt Nam: Trao cho thơ những cơ hội - 3

Bắt trúng mạch nguồn, niềm hào hứng, cá tính, sự bung phá của lớp nhà thơ trẻ có phần "nổi loạn" những năm ấy, Sân thơ Trẻ nổi lên như một hiện tượng, thu hút đông đảo công chúng yêu thơ.

Bài 3: Những tiếng nói từ Sân thơ Trẻ

Kể năm 2003, khi lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thì 3 năm sau, tại Văn Miếu xuất hiện hai sân thơ song song trong khuôn khổ Ngày Thơ, sân thơ diễn ra tại sân Thái Học được gọi tên là Sân thơ Trẻ. Bắt trúng mạch nguồn, niềm hào hứng, cá tính, sự bung phá có phần "nổi loạn" của lớp nhà thơ trẻ những năm ấy, Sân thơ Trẻ nổi lên như một hiện tượng, thu hút đông đảo công chúng yêu thơ. Qua 15 năm diễn ra, Sân thơ Trẻ với những sáng tạo riêng đã là nơi tập hợp các gương mặt thơ trẻ tiêu biểu của cả nước. Những người thực hiện sân thơ nòng cốt là các thành viên của Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với một số tác giả trẻ nhiệt tình, có chuyên môn tổ chức, sẵn sàng xả thân vì một sân chơi nổi bật dành cho tác giả thơ trẻ. Họ đã thực sự tạo ra những cơ hội cho thơ, trao cho các tác giả thơ trẻ những cơ hội tốt để đến với công chúng. 

Bài 1: Các nhà phê bình nghĩ gì về Ngày Thơ Việt Nam?

Bài 2: Ngày Thơ trong mắt các nhà thơ

Bài 4: Chúng ta có một nghìn không trăm linh một cách để quảng bá thơ ca

Nhìn lại Ngày Thơ Việt Nam không thể không nhắc đến Sân thơ Trẻ với những dấu ấn của nó như một điểm sáng trong Ngày Thơ gần hai mươi năm qua. Sân thơ Trẻ mỗi năm đã là niềm mong đợi của báo chí, dư luận cũng như sự trông đợi của người yêu thơ khi đến với Ngày Thơ Việt Nam. Đó vừa là niềm vui, niềm tự hào của những người tổ chức, nhưng đồng thời cũng tạo nên những áp lực, làm gì để không lặp lại, làm gì để mới mẻ, độc đáo mà vẫn không mất đi chất thơ chủ đạo?

Sân thơ Trẻ 2009 với chủ đề "Thơ trẻ 360 độ". Ảnh: TL

 

Nhà thơ Phan Huyền Thư:

Ở Sân thơ Trẻ, mọi sự đều khả thể

Ngoài là nhà thơ, Phan Huyền Thư còn là một đạo diễn, bởi vậy, nhiều năm gắn bó với Ban Nhà văn Trẻ các khóa trước, chị là một trong những người đã góp phần làm nên thành công của Sân thơ Trẻ cũng như có những hỗ trợ rất thiết thực cho sân thơ về âm thanh, ánh sáng và đạo cụ. Chị cũng có những đề xuất về việc đổi mới cách làm Sân thơ Trẻ trong thời gian tới.

Nhà thơ Phan Huyền Thư. Ảnh: NVCC

Từng tham gia tổ chức Sân thơ Trẻ nhiều năm, góp phần làm nên thương hiệu của Sân thơ Trẻ trong công chúng yêu thơ Hà Nội và cả nước, chắc hẳn chị có nhiều kỉ niệm với Sân thơ Trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam?

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Trong tôi, Sân thơ Trẻ là một mảng đời sống tinh thần, không đơn thuần chỉ là những kỉ niệm, mỗi khi nghĩ về những năm tháng ấy (mà thực ra là mỗi năm chỉ có 90 phút thăng hoa trước sân nhà Thái Miếu- Quốc Tử Giám) tôi lại như được lật giở cuốn album ảnh cá nhân lưu giữ những rung động đẹp và tràn đầy cung bậc cảm xúc. Tất cả những bạn văn đã từng sát cánh với chúng tôi ở Sân thơ Trẻ đều hiểu rằng, để có được 90 phút thăng hoa, run rẩy thậm chí là vô cùng áp lực ấy, đằng sau đó là cả 90 ngày luôn trăn trở của cả Ban Nhà văn Trẻ. Người thì săn lùng gương mặt, viết thư kêu gọi, mời mọc, gợi ý và sàng lọc, tuyển chọn tác phẩm; người thì vật vã xem đưa đón, lo hậu cần chuẩn bị tinh thần xuất hiện cho các bạn thơ bốn phương thế nào; người thì lo chuyện phông màn, âm thanh, ánh sáng, thiết kế rồi thuê bục bệ, đạo cụ, mời mọc cộng tác viên; người thì cứ bần thần suy tính xem năm nay đi theo dòng chủ đề này thì mình chọn hình thức nào cho phù hợp, cho thật oách, nghĩa là độc và lạ nhưng phải hay. Để giới viết lách tâm phục khẩu phục mình là khó nhất, khen che thì tùy thôi, nhưng quan trọng nhất là chính những người được bước lên sân khấu như một sự khẳng định, một sự vinh danh ngầm…. họ sẽ được tiếp lửa, được thấy tự hào và yêu chính thế giới sáng tạo của mình…

Kỉ niệm vui nhất và cũng thương nhất với tôi là vào năm 2014 (năm mà Hội nhà Văn chính thức tạm dừng “Sân thơ Trẻ” để tập trung cho việc quảng bá Văn học Việt nam ra nước ngoài) chồng và các con trai tôi reo hò tưng bừng: ”May quá! Thế là suốt 10 năm nay, bây giờ nhà mình mới thực sự có Tết!!!”

Sân thơ Trẻ đã từng lựa chọn những hình thức trình diễn khá táo bạo, với những kết hợp cùng các loại hình nghệ thuật đương đại khác, tạo nên sự mới mẻ và thu hút người xem. Nhưng đến một lúc nó cũng trở thành món quen. Chị có nghĩ về sau này, khi tổ chức Ngày Thơ, trong đó có Sân thơ Trẻ, những người tổ chức phải làm gì để đổi mới cách tiếp cận với công chúng?

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tôi chẳng thích nghiêm trọng hóa hay là nâng cao tầm quan trọng của việc trình diễn thơ trẻ trước công chúng lắm đâu. Là một người làm công việc của giới giải trí, truyền thông và nghệ thuật, tôi rất hiểu tâm lí đám đông, tâm lí của công chúng chỉ là một hình thức thoảng qua. Có thể nói, điều đọng lại ở Sân thơ Trẻ hàng năm chính là vĩ thanh sống động của những tác giả trải nghiệm nó, sự cộng hưởng, thăng hoa trong khoảng khắc chóng vánh ở Sân thơ Trẻ vẫn bị nhìn dưới lăng kính cảm quan của hoạt động quần chúng, mang tính phong trào và nặng về minh họa. Cá nhân tôi, nếu được cho phép phát biểu, tôi thiên về việc mở rộng các biên độ trình diễn kết hợp với tạp kĩ nhiều hơn nữa. Còn rất nhiều hình thức trình diễn khiến công chúng và chính các tác giả sẽ thấy thú vị, ngỡ ngàng vì những gì thi ca có thể làm được trong không khí và tính chất quảng trường. Thi ca có thể tương tác thay vì bó buộc trong khuôn khổ ngôn ngữ mang tính hàn lâm, biểu hiện đơn tuyến. Tôi tin thế hệ trẻ sẽ ngày càng biết cách mở rộng biên độ đó.

Những tác giả tham dự Sân thơ Trẻ sau này hầu hết đều đi đường dài với văn chương. Ảnh: Sau buổi trình diễn thơ năm 2013. Hàng trước: Nhà văn Phong Điệp, Nhà thơ Phan Huyền Thư, nhà thơ Miên Di, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ. Hàng sau: Nhà thơ Duy Nguyên, nhà thơ Lữ Mai, nhà thơ Nguyễn Minh Cường, nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII), Khả Lôi Việt Vương, nhà thơ Bình Nguyên Trang, nhà thơ Thụy Anh, nhạc sĩ Lê Tâm, nhà thơ Vũ Thiên Kiều, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: TL

Một niềm vui là hầu hết các tác giả bước ra từ Sân thơ Trẻ đều đi đường dài với văn chương. Chị có nghĩ họ được tiếp lửa từ những hoạt động như thế bên cạnh nội lực của mỗi người?

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Điều lớn lao nhất mà mỗi tác giả đều mơ ước, thậm chí thèm khát chính là độ va đập với đời sống, với thời cuộc và âm vang với chính thế giới nội tâm của mình. Thơ luôn cần người cảm thụ và nhà thơ luôn cần có công chúng. Niềm tự hào nho nhỏ của riêng tôi suốt thời gian tham gia tổ chức Sân thơ Trẻ là nhìn thấy sự trưởng thành, sự tự khẳng định giọng điệu cá nhân của mỗi nhà thơ sau khi họ bước xuống đời từ sân khấu thơ trình diễn quảng trường. Với tôi, có một hình ảnh rất thú vị và rất phù hợp khi nghĩ đến họ: “Một mẩu gỗ nhỏ có thể xẻ được hàng nghìn que diêm, nhưng chỉ một que diêm lóe lên, nó có thể thiêu rụi cả một cách rừng”. Ở Sân thơ Trẻ, mọi sự đều khả thể, tại sao lại không chứ???

 

Nhà văn Phong Điệp - Phó Ban Nhà văn Trẻ nhiệm kì VIII, IX:

Ngày thơ không nên trở thành một hoạt động văn nghệ quần chúng

Để có một Sân thơ Trẻ với đầy đủ ý nghĩa của nó, mới lạ, trẻ trung, độc đáo cho từng năm là sự đóng góp của rất nhiều thành phần. Có những người viết văn xuôi, nhưng vì tham gia trong Ban Nhà văn Trẻ nên vẫn lăn xả làm các khâu tổ chức nhằm đưa các tác giả thơ trẻ lên sân khấu, đến với công chúng. Nhà văn Phong Điệp là một người như thế. Chị đã có hơn mười năm gắn bó với Sân thơ Trẻ.

Nhà văn Phong Điệp. Ảnh: NVCC

Từng tham gia Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm và trực tiếp tham gia thực hiện Sân thơ Trẻ, chị có nhìn nhận gì về công tác tổ chức Ngày thơ Việt Nam những năm qua?

Nhà văn Phong Điệp: Cảm ơn câu hỏi của bạn đã cho tôi cơ hội được chia sẻ công việc “bếp núc” của người làm Sân thơ Trẻ nhiều năm qua. Chính xác thì từ năm 2008 tôi được mời tham gia Sân thơ Trẻ với vai trò MC. Quả là một công việc liều lĩnh chưa từng có. Năm đó Sân thơ Trẻ có chủ đề “Trình diễn thơ”, tôi dẫn chung với nhà thơ Hữu Việt. Có thể nói từ đó đến năm 2019 (năm 2020 vì dịch bệnh nên ngày thơ hoãn vào phút chót) tôi luôn gắn bó với Sân thơ Trẻ.

Thực tế mà nói, dưới góc độ công tác tổ chức, những người tham gia Sân thơ Trẻ vô cùng vất vả. Cũng cần phải nói thêm thành phần Ban tổ chức của Sân thơ Trẻ gồm các thành viên của Ban Nhà văn Trẻ (vì lí do khách quan nên chủ yếu các thành viên tại Hà Nội) và một số cộng tác viên nhiệt tình là các nhà thơ, nhà văn. Thường phải mãi đến tháng 12 âm lịch chúng tôi mới được lãnh đạo Hội nhà văn triệu tập để phổ biến việc tổ chức Sân thơ Trẻ. Bạn thử hình dung xem, một sự kiện như vậy chỉ có 3 tuần để chúng tôi triển khai, trong khi đòi hỏi cần phải quy tụ các gương mặt thơ trẻ tiêu biểu của các vùng miền, xây dựng kịch bản, tổ chức dàn dựng những tiết mục thơ hấp dẫn để trình diễn, thậm chí lo cả đến sân khấu, pano, hỗ trợ việc đi lại ăn ở của các tác giả... chỉ trong khoản kinh phí hạn hẹp nên có năm chúng tôi phải đi xin nguồn xã hội hóa mới đủ khả năng trang trải. Đó là thời gian mà các thành viên trêu nhau là “ăn thơ, ngủ thơ, ám ảnh bởi thơ”. Mà các thành viên Ban tổ chức Sân thơ Trẻ đều đang công tác tại các cơ quan báo chí, công việc bận rộn và không phải ai cũng giỏi tổ chức sự kiện kiểu như vậy. Nếu như việc triển khai Ngày Thơ có nhiều thời gian hơn, chắc chắn công tác tổ chức sẽ chu đáo, hiệu quả, ấn tượng hơn. Thiết nghĩ năm nào ngày thơ cũng được tổ chức tại sao phải đến tận tháng 12 mới họp để phổ biến, triển khai?

Tuy nhiên với những gì đã làm được trên Sân thơ Trẻ những năm qua có thể tự hào khẳng định rằng Ban nhà văn Trẻ những nhiệm kì vừa qua đã rất nỗ lực và làm tốt trong khả năng có thể. Điều này không phải là đánh giá có tính chủ quan mà được chính các tác giả trẻ ghi nhận để rồi mỗi năm khi Ngày Thơ đến các bạn lại chộn rộn, náo nức nhắn tin hỏi han chúng tôi, bày tỏ mong muốn tiếp tục được tham gia.

Sân Thơ Trẻ từ khi hiện diện trên sân Thái Học đã đem đến một sự háo hức trong các tác giả trẻ và trong công chúng yêu thơ. Nó đã từng được trông đợi nhiều năm. Chị cùng với các thành viên Ban nhà văn Trẻ các khóa VIII, IX có bí quyết gì để thực hiện bữa tiệc thơ ca hấp dẫn này?

Nhà văn Phong Điệp: Bí quyết gì ư? Tôi nghĩ đó là sự đoàn kết, ăn ý giữa các thành viên Ban Nhà văn Trẻ với nhau. Mọi người có thể có những quan điểm khác nhau, nhưng khi cùng họp bàn, thảo luận, chúng tôi luôn đạt được sự nhất trí cao, để rồi ai việc nấy răm rắp vào guồng. Ai có thế mạnh ở mảng nào thì phát huy ở mảng đấy. Và “vũ khí bí mật” của chúng tôi chính là các cộng tác viên. Cần phải khẳng định rằng nếu không có các cộng tác viên thì chỉ với 3-4 thành viên Ban Nhà văn Trẻ không thể tổ chức được Sân thơ Trẻ. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự lăn xả, tâm huyết, nhiệt tình của các cộng tác viên gắn bó với Sân thơ Trẻ các năm qua như: Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Minh Cường, Lữ Mai, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con... Và cũng không thể không nói đến vai trò của chính các nhà thơ, những người đã được “chọn mặt gửi vàng” đại diện cho các tác giả trẻ xuất hiện trên Sân thơ Trẻ. Chính tài năng của các bạn đã giúp Sân thơ Trẻ tỏa sáng và chinh phục được công chúng.

Qua nhiều năm, công chúng đã quen với những màn trình diễn thơ tại Sân thơ Trẻ. Ảnh: Thành Duy

Nhưng cái gì lạ đến mấy, hay đến mấy rồi cũng đến lúc nhàm chán. Chị nghĩ Ngày thơ Việt Nam trong đó có Sân thơ Trẻ cần đổi mới cách làm như thế nào để giữ được phong độ và sức hút?

Nhà văn Phong Điệp: Hơn mười năm gắn bó với Ngày Thơ Việt Nam tôi nghĩ đã đến lúc cần thay đổi cách thức tổ chức sự kiện này. Bởi ở cả góc độ là người tham gia ban tổ chức và tư cách khán giả, tôi thấy Ngày Thơ tại Văn Miếu có phần lặp lại, dễ gây nhàm chán. Ví như sự lặp lại của các gương mặt thơ, cách đọc thơ khá đơn điệu, sự lê thê của các tiết mục văn nghệ, ý nghĩa của việc thả thơ thì hay nhưng hiệu quả thì lại không được như mong muốn, chưa kể sự tổ chức chưa thực bài bản của các CLB thơ xuất hiện trong Ngày Thơ... Ngày Thơ đúng nghĩa là ngày hội dành cho tất cả mọi người yêu thơ, nhưng không nên trở thành một hoạt động mang tính văn nghệ quần chúng. Ngày thơ mỗi năm cần có sự tôn vinh những tác giả tác phẩm tiêu biểu của năm đó, đưa ra những gương mặt thơ mới, phát hiện những giọng điệu thơ mới, cách thức thể hiện mới. Và thiết nghĩ Ngày Thơ không nhất thiết phải tổ chức ở Văn Miếu mà cần lan tỏa tại nhiều địa chỉ văn hóa, lan tỏa đến nhiều đối tượng yêu thơ. Mỗi năm Hội Nhà văn Việt Nam có thể chọn một địa phương để cùng với Hội VHNT tỉnh tổ chức Ngày thơ ở đó như một điểm nhấn, tạo sự mới mẻ. Và tôi cũng đã nghĩ đến việc tổ chức Ngày Thơ trong nhà hát, tại sao không?

 

Nhà thơ Thụy Anh:

Không khí mới mẻ của Sân thơ Trẻ tạo những cú hích cho từng tác giả

Nhà thơ Thuỵ Anh. Ảnh: NVCC
Đối với tôi, trong suốt những năm qua, kể từ khi về nước năm 2009, Sân thơ Trẻ để lại ấn tượng khó quên – vừa êm đềm, vừa đột phá. Với sân thơ Trẻ 360 độ, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một cộng đồng làm thơ và yêu thơ, được cảm nhận đời sống thi ca vừa phong phú vừa hồ hởi của “mọi người” – khác với thế giới thơ tìm tòi, riêng tư của mỗi người viết. Tuy vậy, thiết nghĩ, cái không khí mới mẻ ấy của Sân thơ Trẻ, những thử nghiệm lạ lẫm được trình diễn trên sân khấu cũng tạo được những cú hích nhất định trong tư duy thơ bảo thủ của từng tác giả.

Những chuyển động thơ mỗi năm qua Sân thơ Trẻ, dù rất nhỏ, vẫn được nhận ra khi chúng tôi lắng nghe các nhà thơ giãi bày thế giới của mình ở một góc sân Thái Học. Có những năm, dù sân hội ồn ào, tôi vẫn nhận ra sự xúc động của một vài nhóm bạn trẻ yêu thơ, một vài cụ già tóc bạc trân trọng thơ của người trẻ, đội nắng đội mưa háo hức hoặc trang nghiêm nhìn lên sân khấu, ở lại đến khi tan hội. Những làn sóng rung động nho nhỏ như thế với thơ, tôi cảm thấy, không thể coi thường! Tôi cũng đồng tình với những ý kiến cho rằng, nên tiết chế, giảm bớt các hoạt động ca múa nhạc, văn nghệ cộng đồng không mấy liên quan đến thơ, chiếm không gian của thơ, thậm chí còn gây náo nhiệt om xòm, ảnh hưởng đến việc nghe thơ và đến gần thơ….

Nhà thơ Thụy Anh đọc thơ cùng nữ nhà thơ tham dự Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: TL

Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng Ban Nhà văn Trẻ nhiệm kì X:

Người viết trẻ không còn là thế hệ để các bậc cha chú “xoa đầu”

Đồng hành cùng Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm, tham gia Sân thơ Trẻ với các vai trò khác nhau, ở nhiệm kì X này, nhà thơ Hữu Việt được BCH phân công phụ trách Ban Nhà văn Trẻ.

Anh có nhớ Sân thơ Trẻ xuất hiện tại Văn Miếu từ năm nào?

Nhà thơ Hữu Việt: Nếu tôi nhớ không lầm thì quãng năm 2005 (tức là đến Ngày Thơ Việt Nam lần thứ III) thì Sân thơ Trẻ mới được phép xuất hiện trong Sân Thái Học song song với Sân thơ truyền thống ở ngoài sân Thái Miếu. Nhưng phải đến năm 2006 (Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IV), thì Sân thơ Trẻ mới thu hút đông đảo công chúng nhờ cách làm mới mẻ trong thiết kế sân khấu, đặc biệt, lần đầu tiên dựng các poster chân dung tác giả, tác phẩm của nhà thơ trẻ. Họ là những gương mặt nổi bật đến từ nhiều thành phố, vùng miền cả nước, xuất hiện trang trọng, bình đẳng cùng các nhà thơ tên tuổi ở ngay chính “miếu văn”, giữa thủ đô Hà Nội. Họ tự dựng những “lều thơ”, đọc, trình diễn thơ (ngày ấy hình thức này còn khá mới mẻ), giao lưu với công chúng…, bây giờ thì thấy bình thường thôi, nhưng cách đây gần 20 năm thì đó là một cảm hứng tuyệt vời. Dường như từ lúc này, những người viết trẻ không còn là thế hệ để các bậc cha chú “xoa đầu” nữa mà họ có tiếng nói, vị thế riêng của mình trong văn đàn. Cứ thế, mỗi năm một sáng kiến, một cách thức độc đáo, nhiều năm Sân thơ Trẻ trở thành sân chơi được người làm nghề và công chúng chờ đợi nhất trong Ngày Thơ Việt Nam. Không chỉ có người trẻ, mà một số nhà thơ lớn tuổi, đã thành danh xin tham gia đọc thơ, trình diễn thơ trên sân thơ này để được… trẻ. Đời sống ấy, không khí ấy, dĩ nhiên tác động đến phong trào sáng tác, truyền cảm hứng cho những người viết trẻ như một lẽ đương nhiên. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy vui, rạo rực.

Nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: NVCC

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Sân thơ Trẻ là một trong những cái nôi của người viết trẻ. Anh nghĩ sao về điều này?

Nhà thơ Hữu Việt: Ban Nhà văn Trẻ đã đã từng phát hiện ra khá nhiều cây bút trẻ có tài, bằng cớ là nhiều người trong số họ bây giờ đã là các nhà thơ có vị trí vững vàng trên văn đàn. Tuy nhiên đây không phải hoặc chưa phải là “cái nôi” cho người viết trẻ đâu. Nó chỉ là một sân chơi rất đẹp để những người trẻ công bố tác phẩm, đến với nhau, kết bạn, trao đổi, học hỏi và truyền cảm hứng cho nhau. Mà những điều này vô cùng quan trọng với người viết. Sau những ồn ào đó, mỗi người sẽ trở về đối diện với chính mình, trước trang giấy hoặc màn hình máy tính bằng trái tim rạo rực, khi đó mới có cơ may cho tác phẩm ra đời. Còn nếu coi nó chỉ là cuộc chơi thôi thì năm sau lại đến… chơi, và chưa chắc đã có gì mang theo.

Sân thơ Trẻ đã qua 15 năm lần diễn ra với những màu sắc khác nhau. Rồi sẽ đến lúc dịch bệnh qua đi, khi Ngày Thơ Việt Nam trở lại, Sân thơ Trẻ trở lại cùng các hoạt động văn chương. Với cương vị Trưởng Ban Nhà văn Trẻ khóa X của Hội Nhà văn Việt Nam, anh có thể cho một vài phác thảo về hoạt động của Ban trong nhiệm kì này?

Nhà thơ Hữu Việt: Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã họp phiên thứ hai và xác định việc phát hiện, hỗ trợ, cổ vũ, tạo mọi điều kiện cho những người viết trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu của khóa với mong muốn tập hợp, bồi dưỡng, xây dựng họ sớm trở thành rường cột của văn học nước nhà trong tương lai. Điều này không chỉ là hô hào đâu mà chúng tôi đã có một số dự định cụ thể: Thứ nhất, sẽ tổ chức trao giải thưởng Nhà văn trẻ - giải thưởng này song song với giải thưởng Hội Nhà văn hằng năm; Thứ hai, xúc tiến thành lập các CLB văn chương của các cây bút trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ, tổ chức, dẫn dắt; Thứ ba, phối hợp với các nhà xuất bản, các tờ báo để giúp các nhà văn trẻ công bố tác phẩm; Thứ tư, hỗ trợ, kết nối để các cây bút trẻ được đào tạo, tham gia các trại sáng tác, diễn đàn, các festival văn chương trong nước và thế giới… Và tất nhiên, trong đó có cả việc duy trì và tổ chức tốt Sân thơ Trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam nữa.

Những công việc này lẽ ra đã khởi động rồi, nhưng vì vướng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 nên đang tạm phải dừng lại. Nó sẽ bắt đầu ngay sau khi chúng ta kiểm soát được đợt lây lan này.

Sân thơ Trẻ 2018 với chủ đề "Cánh buồm thơ". Ảnh: Thành Duy

Ban Nhà văn Trẻ khóa X sẽ làm gì để đổi mới và giữ vững thương hiệu "Sân thơ Trẻ" đã tạo dựng trong Ngày Thơ Việt Nam những năm qua thưa anh?

Nhà thơ Hữu Việt: Chúng tôi đang nghĩ đến hai điều. Thứ nhất, những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đã nói với chúng ta rằng, thế giới đang trở nên mong manh và dễ tổn thương hơn bao giờ hết, nên chúng ta cần phải có những cách tiếp cận linh hoạt và phù hợp hơn, tạo nên sự “bình thường mới” bằng những lợi thế công nghệ số mà chính con người đã sáng tạo ra. Trên những nền tảng số, chúng ta có thể tổ chức Ngày Thơ, trong đó có Sân thơ Trẻ online với nhiều cách thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là khả năng kết nối tuyệt vời, không giới hạn để thu hút sự tham gia của nhiều nhà thơ từ nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí vươn ra phạm vi toàn cầu. Ngày Thơ Việt Nam năm nay hoãn do đại dịch Covid-19 bùng phát, nên vào 9 giờ sáng ngày rằm tháng Giêng, chúng tôi sẽ cùng một nhóm các nhà thơ trẻ tổ chức đọc thơ online và livestream trên một fanpage mà chúng tôi mới tạo ra, như một cách thử nghiệm. Tất nhiên là phải bảo đảm quy định 5K về phòng chống lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ hai, xa hơn một chút, khi chúng ta đã kiểm soát được đại dịch và có thể tổ chức Ngày Thơ Việt Nam như trước đây, Sân thơ Trẻ cũng cần có những sáng kiến, cải tiến để thú vị và cuốn hút hơn. Ví dụ về địa điểm không nhất thiết chỉ trong sân Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà có thể là những nơi rộng, thoáng, thuận tiện như công viên, khu đô thị sinh thái… để việc đọc thơ và giao lưu sinh động hơn. Về thời gian, không nhất thiết chỉ trong một buổi sáng, mà có thể kéo dài từ ngày tới tối khuya trong một không gian mở phù hợp. Về hình thức, sẽ đồng thời tổ chức online như đã nói ở trên, và offline bao gồm đọc thơ, kịch thơ, trình diễn thơ, thơ hình thể… Về tổ chức, những Câu lạc bộ văn bút trẻ của Hội Nhà văn sẽ là lực lượng nòng cốt, vì chúng tôi luôn tin rằng, tuổi trẻ luôn có những năng lượng sáng tạo và sáng kiến độc đáo, bất ngờ để làm nên sự thành công của các sự kiện.

Rất nhiều dự định mà chúng tôi mong được các bạn viết trẻ chia sẻ, ủng hộ, đóng góp nhiệt tình. Bởi các bạn mới là nhân vật chính, yếu tố quyết định thành công của Sân thơ Trẻ.
Có những người viết trẻ bày tỏ họ muốn tiếp cận/tham gia Sân thơ Trẻ. Vậy cơ hội dành cho họ như thế nào?

Nhà thơ Hữu Việt: Sân thơ Trẻ chào đón tất cả các cây bút, càng trẻ, càng mới, càng độc đáo, khác lạ càng quý, vì đây là sân chơi của chính các bạn. Tôi tin rằng tất cả đều được hoan nghênh và chào đón. Tuy nhiên, nghệ thuật thì vẫn cần những chuẩn mực nhất định, vì vậy sẽ có một hội đồng nghệ thuật để lựa chọn những người tham gia phù hợp nhất theo tiêu chí của Sân thơ Trẻ.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng - Phó Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam khóa X:

Rất quý một không khí trẻ trung và sáng tạo

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: NVCC

Trừ Ngày Thơ năm ngoái và năm nay không tổ chức do dịch bệnh, thì trong bốn năm trước, và nhìn lại cả chục năm qua tôi đã được tham gia vào các việc hoặc đọc thơ, hoặc cùng tổ chức, dẫn chương trình. Tôi rất đề cao tâm huyết, sự vô tư, cởi mở và tác phong nhanh nhẹn, linh hoạt của các nhà văn, nhà thơ Ban Nhà văn trẻ khóa trước cũng như khóa vừa qua. Mỗi năm khi được Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam giao cho, Ban Nhà văn Trẻ đều cố gắng thực hiện một sân thơ với chương trình, tiết mục, gương mặt khác đi qua từng năm.

Các nhà văn, nhà thơ nòng cốt của ban hoặc cộng tác viên như Võ Thị Xuân Hà, Hữu Việt, Phan Huyền Thư, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Thụy Anh, Nguyễn Anh Vũ, Lữ Mai, Nguyễn Minh Cường, Trần Nhật Minh, các thành viên CLB “Đọc sách cùng con”… và nhiều người khác đều rất nhiệt thành, hăng hái khi tổ chức sân thơ. Có những khó khăn nhất định trong công tác tổ chức. Và việc thực hiện các chương trình, tiết mục đọc thơ hầu như không theo kiểu quen thuộc mà có tính trình diễn, sắp đặt, có sự cộng hưởng của các yếu tố dàn dựng, âm nhạc… cũng luôn là sự thách thức với người làm và nhận được các phản hồi trên báo chí - có khen ngợi, có góp ý…, nhưng nhìn chung, Sân thơ Trẻ đã mời gọi được nhiều gương mặt trẻ, mới, trong cách thể hiện mang được yếu tố lạ, phong phú, tạo nên sức cuốn hút cho người xem, nghe thơ.

Tôi mong rằng những tâm sức đó tiếp tục được tiếp nối, phát huy ở nhiệm kì mới với nhiều gương mặt mới, trẻ trung, năng động, không chỉ cho Sân thơ Trẻ.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Ủy viên BCH Hội Nhà văn khóa IX đồng thời là Trưởng Ban Nhà văn Trẻ cùng những người tổ chức thực hiện và các tác giả tham dự Sân thơ Trẻ 2019 với chủ đề "Mở đường bay phía trước". Ảnh: Thành Duy

 

Nhà thơ Lữ Mai:

Nhớ về những kỉ niệm nhỏ trong một sự kiện lớn

Nhà thơ Lữ Mai. Ảnh: NVCC

Tham dự Ngày Thơ Việt Nam trong đó có Sân thơ Trẻ từ khi còn là sinh viên đại học, tôi cảm nhận được không khí của một ngày hội mà ở đó người sáng tác, bạn đọc có thêm nhiều cơ hội được hội ngộ, giao lưu với nhau. Tất nhiên, không có sự kiện này thì có thể những người viết, người đọc sẽ vẫn có sự giao lưu khác, nhưng một cuộc hội ngộ đầu xuân với cái cớ là câu chuyện về thi ca, về cái đẹp thì vẫn nhen nhóm những khấp khởi, mong chờ. Kỉ niệm tôi nhớ nhất là lần đầu tiên tham gia Ngày Thơ Việt Nam trong tư cách một tác giả đọc thơ tại Sân thơ Trẻ. Bấy giờ, tôi được gặp gỡ rất nhiều nhà văn, nhà thơ đi trước mà tôi vốn chỉ biết tới qua tác phẩm, nay họ trở lại trong vai trò phụ trách sân thơ. Người viết trẻ chúng tôi có những lần tập đọc thơ cùng nhau ở căn hộ tập thể của nhà thơ Phan Thị Vàng Anh (Trưởng Ban Nhà văn Trẻ khi ấy - PV). Ngày đó, nhà thơ Thụy Anh mới từ Nga về, nhà thơ Huyền Minh từ Hà Giang xuống, Mai Anh Tuấn gây ấn tượng bởi giọng nói Quảng Bình khi đọc thơ nghe rất hay, và còn những gương mặt khác trở thành những người anh chị, người bạn của tôi tới bây giờ như nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Anh Vũ… Còn một kỉ niệm vui vui nữa, là ở góc trưng bày của ngày thơ năm ấy, nhà thơ Lê Anh Hoài có trưng bày chiếc xe máy sơn trắng muốt, lắp thêm đôi cánh thiên thần, ai cũng vây quanh chụp ảnh. Nhưng ngay khi sự kiện kết thúc thì chẳng ai thấy chiếc xe đâu, hỏi ra thì nhà thơ Lê Anh Hoài đã gỡ đôi cánh ra, cho những người bạn thơ phía Nam là Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên mượn để đi chu du khám phá miền núi phía Bắc. Điều tôi mừng nhất, sau ngày hội, đó là, có những tình cảm, sự sẻ chia trong cuộc sống, đặc biệt là công việc sáng tạo vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng một cách trong sáng, trách nhiệm.

Tôi nhớ, nhà thơ Hữu Việt, trong một lần viết lời giới thiệu ngắn cho chùm thơ của tôi đăng trên báo Nhân Dân, anh có viết rằng: Lữ Mai được “phát hiện” trong Ngày Thơ Việt Nam… Mỗi khi nghĩ lại, tôi cảm thấy vui trong lòng. Tôi nghĩ rằng, ngay cả là một ngày hội, một sân chơi, thì mỗi người đều mang những tâm thế, tâm trạng khác nhau. Có chờ đợi, có hồi hộp, có hài lòng và cũng có thể có cả thất vọng. Không ai giống ai, không năm nào giống năm nào, dù vẫn là không gian ấy, sự kiện ấy. Bản thân tôi luôn mong chờ và hi vọng. Thực tế, mỗi dịp tham dự Ngày Thơ Việt Nam, tôi đều có những thu hoạch cho riêng mình. Đó là cảm hứng sáng tạo, cơ hội cộng tác, những tình bạn trong nghề, sự hướng dẫn từ thế hệ đi trước. Nhiều khi, tôi xúc động khi được một nhà thơ đi trước gợi ý cho tôi cách đọc một câu thơ do tôi sáng tác, và giữa sân khấu đang có những nhóm nhỏ tập luyện cho ngày mai khai mạc, những câu thơ đã vang lên với nhiều cung bậc, cảm xúc. Đôi khi những kỉ niệm nhỏ trong một sự kiện lớn đủ khiến con người gần nhau hơn.

 

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn:

Từ Sân thơ Trẻ tôi tin thơ có nhiều cách để đến với công chúng

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn tham gia trình diễn tại Sân thơ Trẻ 2019. Ảnh: TL

Lần đầu tiên tôi tham dự Sân thơ Trẻ là vào năm 2011, khi đó Sân thơ trẻ được đổi tên là Sân thơ hiện đại với chủ đề Blog xuân, bởi thời điểm đó trào lưu viết blog đã sinh ra những blogger rất hot, và có rất nhiều những cây viết, nhà văn, nhà thơ, đồng thời là blogger đã sáng tác các tác phẩm và quảng bá trên những trang blog như thế. Tôi cũng có một blog và thỉnh thoảng tôi cũng post một vài bài thơ mà mình mới sáng tác, nhưng không có nhiều người đọc. Tôi còn nhớ khi đó Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam có đăng một thông cáo báo chí về việc tuyển chọn các tác giả trẻ sẽ tham gia đọc và trình diễn thơ tại Sân thơ hiện đại, bằng cách mời các tác giả gửi một chùm thơ qua hộp thư điện tử để ban tổ chức tuyển chọn. Cảm xúc rất vui khi tôi nhận được điện thoại của nhà văn Phong Điệp mời tôi đọc thơ trên Sân thơ hiện đại. Tôi đã phải đi một chặng đường dài xuyên đêm mới tới được sân thơ vì khi đó đường miền núi rất khó khăn, chưa có đường cao tốc và xe giường nằm như bây giờ. Ngoài niềm vui tôi đem theo chút hồi hộp vì lần đầu tiên tôi “lên sàn” cùng nhiều thơ nổi tiếng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như nhà thơ Lò Cao Nhum, Nguyễn Thúy Quỳnh, Vi Thùy Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phạm Vân Anh... và các tác giả trẻ đã được “chỉ mặt đặt tên” trên thi đàn như Lương Đình Khoa, Phùng Hương Ly, Du Nguyên...

Thơ cũng như món ăn vậy, một cách chế biến mới sẽ đem đến cho độc giả thực khách nhiều hơn sự lựa chọn để tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt. Một tác phẩm thơ được trình diễn tương tác, được ngâm, được hát lên bằng các loại hình nghệ thuật khác như chèo, chầu văn, ca trù, quan họ, xẩm… bằng các nhạc cụ khác như đàn, sáo, nhị, hồ... thì sẽ thêm phần thú vị. Khi tôi tương tác trình diễn trên thơ trên sân khấu, tôi thêm yêu mến hơn thơ của những tác giả khác. Tôi đã từng quên chính thơ của mình trên sân khấu nhưng lại thuộc lòng thơ của bạn diễn, nhớ rất lâu là khác. Tôi tin, thơ có nhiều cách để đến với công chúng từ Sân thơ Trẻ này.

 

Nhà thơ Ngô Gia Thiên An:

Tôi đã khóc trong lần đầu biểu diễn ở Sân thơ Trẻ

Tham gia Sân thơ Trẻ, tôi đã gọi hầu hết các anh chị cùng tham dự là anh, chị. So với tôi, các anh chị đều rất trẻ, luôn cố gắng luyện tập và khích lệ tôi. Tôi đã rất vui khi biểu diễn thơ, dù bản thân không hoàn toàn thoải mái trên sân khấu, và thật sự cảm động trước sự nhiệt tình với thơ ca của mọi người. Những Sân thơ Trẻ mà tôi đã được tham gia hoàn toàn xứng với cái tên “Trẻ” của nó.

Tôi đã là sinh viên. Nhưng dù học ở tiểu học hay đại học, bạn bè đều thấy kì lạ khi biết được tôi làm thơ. Nhiều khi, điều này khiến những người mới nhìn vào lầm tưởng, rằng tôi là một người lập dị. Theo cách ấy, việc tôi làm thơ trở thành một cản trở nho nhỏ khi tiếp xúc với một số người, trong một số hoàn cảnh. Đây là lí do vì sao tôi đã vô cùng ngạc nhiên và khóc khi khán giả hưởng ứng lần biểu diễn đầu tiên của tôi ở Sân thơ Trẻ. Tôi muốn nói, và bạn muốn nghe. Thơ cần những không gian như vậy.

Ngô Gia Thiên An trình diễn thơ tại Sân thơ Trẻ 2019. Ảnh: Thành Duy

Ngày Thơ và Sân thơ Trẻ là dịp để tập hợp những khán giả vốn yêu thơ và vốn muốn lắng nghe. Nhưng là những sự kiện lớn, chúng cũng đã thành công trong việc mang lại sự chú ý cho thơ, và đó là ngưỡng cửa để những thế hệ yêu thơ tiếp theo bước vào.

Sân thơ Trẻ, qua quan sát của tôi, đã luôn có sự giúp đỡ rất lớn từ cá nhân các nhà thơ, những người mà đôi khi cung cấp không gian tập luyện, tổ chức tập luyện, lên ý tưởng cho những màn trình diễn v.v... Nếu không có sự nhiệt tình của những nhà thơ và những bạn bè yêu thơ, sẽ không có Sân thơ Trẻ. Vì vậy, trong khâu tổ chức của Sân thơ thì những nhà thơ không chỉ là những nhà biểu diễn, mà tham gia vào từng quá trình. Với tôi, đó là điều vô cùng đáng quý.

BẢO AN - TÙNG PHƯƠNG thực hiện