Thứ Ba, 17/03/2020 11:11

Nghệ thuật kể chuyện đương đại: Từ rêu phong tường cũ

Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ, một không gian mới được tạo ra, men theo bức tường bảo vệ hành lang bờ vở (bờ bên lở) sông Hồng, để vén lên quá khứ chìm khuất suốt bao nhiêu năm qua...

Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ, một không gian mới được tạo ra, men theo bức tường bảo vệ hành lang bờ vở (bờ bên lở) sông Hồng, để vén lên quá khứ chìm khuất suốt bao nhiêu năm qua, tái hiện một phần văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từng là cửa ngõ giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền.

Hoài vọng quá khứ

Con đường ven sông Hồng, đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương, thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ mấy tháng nay trở nên sống động lạ thường. 16 tác phẩm của nhóm 16 nghệ sĩ như đánh thức không gian tưởng chừng đã ngủ quên của cửa ngõ Hà Nội một thời. Nhìn sâu hơn, đó không chỉ chuyện làm đẹp nơi công cộng, mà còn mở ra chiều kích khác, về nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ và cộng đồng...

Từ cầu Long Biên nhìn xuống, khu vực bãi bồi ven sông Hồng bây giờ nổi bật với những sắc màu nghệ thuật. Đó là 16 tác phẩm nghệ thuật ngang theo bức tường nằm trong ngõ cụt Phúc Tân, đã được xây dựng cách đây hơn hai chục năm, ngăn giữa khu vực nhà dân và hành lang ven sông, thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dưới bàn tay của các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài, bức tường rêu mốc như khoác lên mình lớp áo mới với những tác phẩm đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa. Cảm hứng nghệ thuật ấy đến từ địa thế đặc trưng nơi đây, cửa ngõ giao thương của mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ, gắn với ký ức mỗi mùa nước lên của biết bao thế hệ người dân kinh kỳ.

Một hành trình ngược dòng văn hóa đã mở ra. “Gánh hàng rong” của Nguyễn Thế Sơn là hình ảnh những phụ nữ mặc áo yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang quẩy gánh hàng, mang bóng dáng cư dân buôn bán trên bến dưới sông 100 năm về trước. Cùng với đó là hai phù điêu thu nhỏ phục dựng bức “Ngư nghiệp” và “Nông nghiệp” nổi tiếng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), tái hiện cảnh đời lam lũ, bình dị của người dân một thời. Tác phẩm “Lịch sử vỡ” của Vương Văn Thạo sắp đặt 36 đĩa gốm đường kính 30cm, tương tác với câu chuyện về ngôi làng làm gốm ven sông - Bát Tràng. Bằng việc vẽ những ngôi đình làng trong phố cổ Hà Nội trên các mảnh gốm vỡ, sau đó ghép lại bằng vàng, từng chiếc đĩa như một suy tư về giá trị văn hóa đã mất qua chiều dài lịch sử.


Nghệ sĩ và công chúng chụp ảnh dưới tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” của họa sĩ Ưu Đàm

Ở một khoảng tường khác, “Nhà nổi” của Lê Đăng Ninh phục dựng cuộc sống dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng, bằng cách khắc họa hình ảnh nhà nổi trên 20 chiếc thùng phuy - vật liệu vốn không thể thiếu của những ngôi nhà nổi. Thùng phuy cũng là trung tâm của tác phẩm “Thành phố ven sông” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm. Trong từng “căn nhà”, anh lắp đặt nhiều bóng đèn màu sắc khác nhau, sáng rực mỗi tối, tạo nên ảo ảnh về đời sống hiện đại. Tác phẩm “Xẩm tàu điện” của Phạm Khắc Quang lại gợi nhớ loại hình nghệ thuật đã thành di sản của Hà Nội. Những mẩu thép vụn và thép tấm xếp lại thành điểm ảnh, tạo nên hình ảnh hai toa tàu điện, trên đó xen lẫn hình bóng người hát xẩm trên phố phường Hà Nội xưa, phảng phất hình ảnh cố nghệ nhân Hà Thị Cầu…

Và còn điều gì như hoài vọng, nhớ thương, day dứt, khát khao được chia sẻ, được gợi lại ký ức, tình yêu và suy tư đối với Hà Nội, để rồi mở rộng ra với những lắng đọng tinh hoa dân tộc. “Vòng quay” của Trịnh Minh Tiến đầy ẩn dụ về cuộc biến thiên văn hóa. “Thuyền” của Vũ Xuân Đông với 4 chiếc thuyền buồm từng tấp nập dưới bến sông Hồng. Rồi “Lịch sử vỡ” của Vương Văn Thạo, “Phản chiếu song hành” của Cấn Văn Ân, “Phúc Tân giang” của Nguyễn Xuân Lam, “Phù sa” của Nguyễn Đức Phương, “Kẹp tóc” của Trần Tuấn, cả con rồng uốn lượn trong “The Red River’s Dragon” của Diego Cortiza... đều như cùng trong cuộc đối thoại về lịch sử, văn hóa, về thời gian, không gian.

Nghệ thuật nương vào không gian

Đó là cách giám tuyển, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói về các tác phẩm. Bằng cách thức như vậy, các nghệ sĩ đã tạo ra một không gian nghệ thuật giàu tính tương tác với môi trường bên bờ vở sông Hồng. Chẳng hạn, họa sĩ Cấn Văn Ân thực hiện tác phẩm bằng cách dựng lại con thuyền chống lũ của người dân, dài 7m, rộng 1m rưỡi, trên đó gắn 5.000 mảnh gương. Ánh sáng lấp lánh phản chiếu trên những tấm gương nhỏ, tạo thành lớp cuộn sóng của sông Hồng, thấp thoáng hình ảnh cây cầu Long Biên. Hay kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Diego Cortiza đã thu nhặt bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên, tạo nên những lồng đèn sơn nhiều màu sắc, chiếu sáng vào con rồng uốn lượn trên tường, kết hợp ghép các mảnh gương vỡ thành hình cầu Long Biên.

Còn nghệ sĩ xứ Huế Trần Tuấn, khi quan sát bức tường cũ kỹ, anh thấy “cánh cửa” tự phát do dân đục tường để đi qua cho thuận tiện, bèn biến nó thành tác phẩm điêu khắc mềm mại. Giờ đây, mảng tường nham nhở lỗ khoét nhìn không khác gì bức rèm được vén lên, yểu điệu như cô gái “kẹp tóc”. Hay họa sĩ Nguyễn Đức Phương tận dụng ngay mặt lưng căn bếp một hộ dân làm không gian cho tác phẩm “Phù sa” của mình. Mái lợp fiblo xi măng của căn bếp trở thành phần đua phía trên, còn bức tường được đắp bằng các mảnh sành thu lượm dưới đáy sông, quét nhẹ lớp đất phù sa sông Hồng để tái hiện nền móng của một ngôi chùa thế kỷ XVI đã bị biến mất…

Nhiều điều đã biến mất để rồi cùng được gợi lại thông qua nghệ thuật, mà nghệ thuật ấy lại đặt trong không gian đặc biệt. Đặc biệt bởi dải đất này nhiều năm qua vốn trong tình trạng ngập rác, ô nhiễm. Vì đó là mặt sau khu dân cư, từ trước đến giờ vẫn bị coi như “mặt sau” của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác và đủ thứ phế thải. Ấy thế, đến với “bãi tập kết rác” tự phát này, có người chọn mảng tường vỡ, người khác lại chọn góc vốn chứa nhiều rác nhất để thực hành nghệ thuật. Bởi lẽ, theo lời của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, đằng sau việc tận dụng không gian, sử dụng vật liệu phế thải làm tác phẩm, còn có một “ý đồ”, một câu chuyện sâu xa…

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hải Đường)