Thứ Hai, 30/12/2019 11:54

Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại

Ngày 28/12/2019, tại Hà Nội, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại”.

Ngày 28/12/2019, tại Hà Nội, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại”.

Tham dự Hội thảo có GS.TS Đỗ Việt Hùng - Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS.NGND Trần Đình Sử, PGS.TS La Khắc Hoà, GS.TS Lã Nhâm Thìn, GS.TS Trần Đăng Suyền, GS.TS Bùi Văn Ba (Phương Lựu); PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS Trần Văn Toàn, PGS.TS Đào Duy Hiệp, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo đến từ các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy trên cả nước.

Nghiên cứu ngữ văn ở các trường sư phạm đang đứng trước những yêu cầu đổi mới, về cách tiếp cận, cách đánh giá các vấn đề, các hiện tượng văn học, ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu của Việt Nam với thế giới, mở ra triển vọng đối thoại học thuật bình đẳng, về sự nắm bắt, tiếp biến, vận dụng những lí thuyết mới vào thực tiễn văn học, ngôn ngữ… Yêu cầu cơ bản nhất của việc đổi mới nghiên cứu là gắn kết nội dung nghiên cứu, chương trình đào tạo ngành ngữ văn với định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đáp ứng những đòi hỏi của một xã hội đang có nhiều biến đổi.

Bối cảnh mới của một thời đại bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa và đa văn hóa cùng với việc đổi mới các phương thức đào tạo đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc dạy học ngữ văn trong nhà trường. Bên cạnh mục tiêu cung cấp tri thức về văn học, ngôn ngữ và văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh, dạy học ngữ văn còn phải hướng đến phát triển các năng lực của người học. Để thực hiện được mục tiêu mới này cần có một chủ thể dạy học mới. Chính vì thế, việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới dạy học ngữ văn.

Thời gian gần đây đã có nhiều nghiên cứu về thực trạng và giải pháp dạy học ngữ văn trong nhà trường. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một chiến lược tổng thể và giải pháp đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá... trong đào tạo giáo viên ngữ văn.

Hệ thống giáo trình, phương pháp dạy học và đánh giá hiện hành tại các trường sư phạm thường dồn trọng tâm vào trang bị kiến thức mà chưa chú ý đúng mức đến mục tiêu phát triển năng lực dạy học ngữ văn cho người giáo viên tương lai. Vì thế, để có thể đổi mới toàn diện môn học ngữ văn, cần có một giải pháp tổng thể trong đào tạo giáo viên, từ chương trình, giáo trình đến phương pháp dạy học và đánh giá cũng như cách thức triển khai.

Hội thảo “Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại” hướng tới mục tiêu nhận diện những xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn trên thế giới, thực trạng dạy học ở các trường sư phạm Việt Nam, từ đó đặt ra những giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội:

- Định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học sư phạm chuyên sâu vào vấn đề loại thể văn bản - một vấn đề then chốt trong môn ngữ văn ở đại học và phổ thông.

- Định hướng nghiên cứu ứng dụng các vấn đề tác phẩm - loại thể - văn bản từ cách tiếp cận liên ngành.

- Định hướng nghiên cứu và dạy học loại thể văn bản theo hướng giáo dục phát triển năng lực cho người học.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung thảo luận những chủ đề chính như: loại thể văn bản trong nghiên cứu văn học - lí thuyết và thực tiễn; loại thể văn bản trong dạy học ngữ văn hiện nay - những giải pháp và triển vọng thực tế; thực trạng, giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn ở các trường sư phạm (đổi mới mục tiêu và chương trình đào tạo giáo viên ngữ văn, nhìn từ góc độ thể loại văn bản, nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển các năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, gia tăng tính đối thoại, tính can dự, tính nhân văn, tính giáo dục của chương trình; đổi mới phương pháp dạy học các loại thể văn bản theo hướng tích cực hóa vai trò của người học, gia tăng thời lượng, phương thức thực hành; dạy học tác phẩm theo loại thể và công tác nghiệp vụ sư phạm - đổi mới nội dung và hình thức thực hành, thực tập sư phạm theo hướng trang bị cho sinh viên các kĩ năng mềm, gia tăng sự liên kết giữa trường sư phạm và các trường phổ thông… trong trao đổi chuyên môn và chuyển giao kết quả nghiên cứu; thiết kế hệ thống chuyên đề - đổi mới dạy học tác phẩm theo loại thể, phục vụ công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên ngữ văn cho các trường phổ thông; các nội dung có tính liên ngành khác...).

PGS.TS La Khắc Hoà cho rằng nếu hiểu nghiên cứu giảng dạy theo thể loại là lấy khung thể loại cố định để tìm hiểu tác phẩm thì không có gì mới, nhưng nếu đọc tác phẩm để tìm ra thể loại của tác phẩm đó thì lại rất mới. Theo GS.TS.NGND Trần Đình Sử, muốn đọc thơ thì phải sử dụng thao tác hoàn nguyên, chẳng hạn bài Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến không phải nhằm bài xích tiến sĩ rởm như lâu nay người ta vẫn tưởng, mà là muốn nói câu chuyện tiến sĩ “xịn” nhưng không được sử dụng nên thành “đồ chơi”. PGS.TS Phạm Xuân Thạch đặt ra vấn đề, dạy học theo lối đọc chép là một kiểu áp đặt, nhưng thiết kế một hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh đến cái đích mà giáo viên đã định sẵn thì liệu có phải cũng là một kiểu áp đặt khác hay không. PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh, về nghiên cứu cơ bản ngành ngữ văn thì các nhà khoa học đã làm rất thành công, kết quả nghiên cứu đã kết tinh thành kho tài nguyên vô giá, nhưng chuyển giao thành quả đó đến cho người học sinh vấn đề vô cùng phức tạp, cần được nhiều người chung tay, đặc biệt là các chuyên gia về phương pháp dạy học ngữ văn.

VIỆT NGUYỄN