Thứ Bảy, 27/10/2018 10:18

Ngọc Lê Ninh - đường đi của một cá tính thơ sáng tạo

Nhà Xuất Bản Thanh Niên và Khoa Viết Văn Báo chí – Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội vừa tổ chức ra mắt 3 tập thơ của nhà thơ Ngọc Lê Ninh: Hạt mưa thầm (NXB Thanh Niên, năm 2018); Chưa thể đặt tên (NXB Hội Nhà Văn, 2017); Vỡ cùng hi vọng (NXB Hội Nhà văn, năm 2016).
logochuan - Nhà Xuất Bản Thanh Niên và Khoa Viết Văn Báo chí – Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội vừa tổ chức ra mắt 3 tập thơ của nhà thơ Ngọc Lê Ninh: HẠT MƯA THẦM (Nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2018); CHƯA THỂ ĐẶT TÊN (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017); VỠ CÙNG HY VỌNG (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2016). Các nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB văn học đã đến dự và trao đổi, phản biện rất sâu sắc như: Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý, Nguyễn Thành Phong, Mai Nam Thắng, Sương Nguyệt Minh, Vũ Xuân Hoát, Nguyễn Hoàng Đức, Hoàng Liên Sơn, Huỳnh Thu Hậu, Lữ Thị Mai, Bế Kim Loan...vv. Hầu như các ý kiến đều đánh giá 3 tập thơ là một thành tựu rất đáng ghi nhận trong chặng đầu hành trình sáng tạo thi ca của Ngọc Lê Ninh.
 
Bìa tập thơ Hạt mưa thầm

Ngọc Lê Ninh là nhà thơ trẻ không xa lạ gì với sinh viên những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước. Anh thường được theo các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến đi các trường đại học Mỏ địa chất, Sư phạm, Bách Khoa, Tổng hợp... đọc thơ. Anh đã đứt đoạn hơn 20 năm bởi phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Lần này, ra mắt 3 tập thơ, đánh dấu chặng đường thơ đầu tiên, và cũng là ghi nhận sự trở lại với Thơ của Ngọc Lê Ninh rất chững chạc, ấn tượng. Người ta biết Ngọc Lê Ninh với tên tuổi là một tiến sĩ khoa học với các công trình khoa học xử lý vệ sinh môi trường. Nhưng chính nghề nghiệp và công việc cũng là một hiện thực sinh động trong thơ anh vừa trí tuệ, hàm xúc, vừa lãng mạn trữ tình.
 
Ngọc Lê Ninh và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tại buổi ra mắt sách
 
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh có 2 mảng thơ chính: Thơ thế sự và Thơ tình yêu.

Thơ Thế sự đánh dấu sự tài hoa với cảm xúc, nội lực nhập cuộc thành trường liên tưởng, nghĩ ngợi sâu, cộng hưởng thành lối nói giản dị. Ngọc Lê Ninh có những nghĩ ngợi về kiếp người, về thời đại, về đất nước. (Thơ thời mở cửa, Chưa thể đặt tên, Hồn Thiên tạo...vv).

Thơ tình yêu mang chất trẻ, phiêu bồng, lãng mạn. Không phải thứ tình yêu học trò. Yêu và nhữngkhoảnh khắc âu lo. Lại có những triết lý nhân sinh, và mênh mông một cái tình... (Hồn anh – Ngọn gió; Khi tình yêu gặp hạn, Nợ, ...vv).
 
Một số ý kiến của các nhà thơ, nhà LLPB đánh giá Thơ Ngọc Lê Ninh rất đáng chú ý như:
* Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “những bài thơ lãng mạn trữ tình của Ngọc Lê Ninh dường như tìm thấy “đất diễn” của thơ mình, nơi cảm xúc thơ được gieo trồng một cách tự nhiên với những hình ảnh thơ giầu chất thơ sinh viên, thơ tuổi học trò cứ tuôn trào như một sự hối thúc của vần điệu. Cái dí dỏm, nghịch ngợm đáng yêu ấy của tuổi trẻ có khi lại đậm chất đồng dao”.

* Nhà LLPB Bùi Việt Thắng: “Đó là sức bật của thơ Ngọc Lê Ninh, kiến tạo nên chất trẻ khỏe của thơ, rất khác với một số cây bút thường hay rên rỉ, rầu rĩ, yếu mềm, điệu đàng trong thơ. Tác giả trưởng thành trong thời Đổi mới, mở cửa và hội nhập của đất nước nên thơ anh dĩ nhiên cũng không thể quay lưng với thời cuộc”.

* Nhà thơ Bế Kim Loan: “cá tính là lạ, hay hay của người thơ... Cái gọi của tâm trạng, của tình cảm một thời yêu đương không đầu không cuối, lặng thầm yêu và lặng thầm chờ đợi, không thiếu si mê, không thiếu giận hờn. Kẻ nhút nhát là anh...”.

* Nhà LLPB Văn học Nguyễn Hoàng Đức: “Thơ Ninh  bao gồm cả trí tuệ lớn, một tình cảm mênh mông, một trải nghiệm sâu lắng, một tình yêu si mê, một tâm trạng ẩn khuất, một sự kiên nhẫn bình thản theo đuổi nghiệp làm thơ cùng một tâm cảm thiên nhiên bao gồm vũ trụ, rồi tột đỉnh là tình yêu con người. Và tâm cảm đó “dâng lên” thành tình yêu đất nước và thời đại…”.

 
Nhà văn Sương Nguyệt Minh tham luận về Thơ Ngọc Lê Ninh
Nhà văn Sương Nguyệt Minh phát biểu tại buổi ra mắt sách
 
* Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Trong lao động nghệ thuật, nhà thơ Ngọc Lê Ninh rất có ý thức lạ hóa ngôn ngữ. Đó là bản chất của người sáng tạo luôn đi tìm cái mới, cái lạ, cái không thông thường. Những khái niệm, hình ảnh, những cụm từ rất thơ và cũng rất đời, song không giống ai, đó cũng là một trong các yếu tố làm nên gương mặt thơ riêng, đặc sắc Ngọc Lê Ninh.

Một tập thơ, một con người thơ xuất hiện là điều đáng mừng trong thời buổi kim tiền “gạo châu củi quế” hiện nay. Thi ca vẫn sống cùng những người yêu văn chương. Lao động sáng tạo thơ của Ngọc Lê Ninh là một điều rất đáng ghi nhận, và chia sẻ.

P.V