Thứ Sáu, 30/08/2019 09:26

Ngược nguồn

Khe nhỏ, nước trong. Đã cuối chiều rồi. Mặt trời mùa hạ chát chúa chưa lặn nhưng ánh sáng không thể lọt qua những tán rừng. (TRẦN HOÀI)

.Truyện ngắn dự thi. TRẦN HOÀI

Khe Tiên ngày tháng năm…
Khe nhỏ, nước trong. Đã cuối chiều rồi. Mặt trời mùa hạ chát chúa chưa lặn nhưng ánh sáng không thể lọt qua những tán rừng. Hoàng vác cây gỗ dài năm thước liêu xiêu men dọc khe ra ngã ba sông nơi đám bạn đang chờ. Nhóm của Hoàng năm đứa học trò mười sáu tuổi cùng lớp rủ nhau dong thuyền từ cửa biển lên rừng thượng nguồn đốn củi về bán lấy tiền lo sách vở, áo quần chuẩn bị vào năm học mới. Bốn đứa kia đều là con ngư dân. Hoàng tuy ở biển nhưng gia đình công nhân, đọc sách nhiều và cũng đói nhiều hơn. Hoàng nhìn biển theo một kiểu khác. Hoàng kết luận rằng biển lan tỏa mọi hướng. Từ cửa biển có thể đi đến nhiều nơi. Và nhiều nơi có thể đến cửa biển. Cửa biển quê Hoàng mùa đông củi rều tấp vào bờ cùng chai lọ, dép nhựa và bao nhiêu vật phẩm phế thải dường như từ nền văn minh khác dạt đến. Những cái chai kiểu cách rất lạ và những đồ nhựa đủ màu nứt vỡ, sứt sẹo. Hoàng thường lếch thếch đi dọc bãi rều dài tít tắp tìm nhặt bất cứ cái gì thú vị. Thìa muỗng nhựa, bóng đèn đã cháy. Những cục cao su đặc crepe cắt nhỏ ra ngâm vào xăng thành nhựa vá săm xe đạp rất ăn. Rồi nhặt được băng cassette. Hoàng tháo tung cuộn dây, miết hai ngón tay vào dây băng, hình dung âm thanh của nó phát ra, nhạc vàng nhạc Tây hay là tiếng nói, âm thanh của người nào đó. Thằng Phong nhà có đài cassette chạy ắc-quy mà Hoàng thường đến nghe nhờ nhạc vàng Chế Linh, Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Bảo Yến, Nhã Phương… bảo rằng sao không mang băng về bỏ vào nghe thử, cả năm không có cuộn băng mới nào, chán lắm. Hoàng nói cũng có ý đấy nhưng tự dưng muốn tháo tung hết các cuộn băng ra cho bay theo gió biển, giống tóc nàng tiên cá vậy đó. Vả lại, băng ướt nước mặn rồi chạy hỏng đài ngay. Nàng tiên cá à, mày đúng là thằng lãng đãng. Phơi khô thì chạy được thôi. Phơi thì cần có nắng, mùa đông lấy đâu ra nắng?
Nắng à? Bây giờ đang là giữa hạ. Ngày mai nắng sẽ rất nhiều. Trong hoàng hôn Hoàng đau nhức vai vì chặt, vác củi mấy ngày nay. Không quen mà. Có ai quen nhanh được nỗi cực khổ đâu. Khe cạn nước lấp xấp. Trong bóng chiều và bước chân xiêu vẹo, Hoàng lờ mờ nhận thấy bóng ông già hom hem lúi húi trong lòng khe. Ông già đãi vàng, khuôn mặt cũ nát như từ thế kỉ trước. Thấy Hoàng, ông đứng dậy. “Mỏi thì đổi vai đi”. Hoàng không đổi vai được. Chỉ vác được trên vai phải, hễ đặt cây gỗ lên vai trái là nhức nhối. Hoàng nghĩ mình sẽ suốt đời mang vác mọi thứ trên vai phải thôi.
Khe Tiên nhập vào sông tạo thành một ngã ba không lớn lắm nhưng cũng đủ rộng để quay mũi thuyền, đủ sâu để không mắc cạn. Năm đứa Hoàng bàn luận mãi về cái tên khe Tiên. Chắc là xưa có các nàng tiên đến tắm khỏa thân? Hay là ông tiên xuống đánh cờ? Hay là khe Tiền, khe trước, mà dân ta qua nhiều đời nhiều năm tháng nói trại đi? Ông tiên à, hay là ông già đãi vàng! Hoàng thốt lên nhưng chúng bạn đều phủ nhận làm gì có ông già nào đãi vàng nơi đây. Có mà! Làm gì có! Rừng thiêng nước độc, không một bóng người, chỉ có bọn nhà nghèo miệt biển như chúng ta thôi. Mà Hoàng, mày không biết gì về cây bời lời à, thân nó nhiều nước không làm củi được, vác về làm gì, phí cả một ngày lao động! Sao mày sính dùng từ lao động thế? Chứ sao, lao động để xây dựng quê hương, đất nước. Nhưng bây giờ, Hoàng, mày có lao động được bằng tao, bằng thằng Bảy, thằng Yên, thằng Lương không? Mày, đến cây bời lời cũng không phân biệt được. Mày lao động không thể nào bằng bốn đứa tao được, nghe chưa!
Lao động sáng tạo ra con người! Hoàng đã đọc ở cuốn sách nào như thế và anh nói to lên câu ấy. Hình như lúc ấy Hoàng giận dữ đứng bật dậy giữa lán, rồi anh bỏ chạy ra ngoài nhặt viên đá màu đen, trơn nhẵn ném thia lia dọc sông, ngược vào khe Tiên. Viên đá bay chấp chới, chấp chới trên mặt nước tĩnh lặng như cánh chim, không hề giảm tốc độ và biên độ, dường như nó không hề bị ma sát và trọng lực nên bay mãi không dừng cho đến khi mất hút nơi ngã ba sông.
Ngày hôm sau vào rừng, rút kinh nghiệm, tránh những cây bời lời tròn thẳng, đứng riêng rẽ dễ đốn, Hoàng lủi vào sâu hơn và chặt một cây dẻ. Nhựa cây chảy ra quyện với hương hoa còn trên cây thơm trinh khiết. Cho cây lên vai phải. Gỗ dẻ rất đanh, như sắt, nghiến vào vai đau nhói. Nhưng, lao động! Hai từ ấy vang lên trong óc khiến Hoàng bùng lên ý chí chứng minh cho đám bạn rồi anh sẽ trở thành một tay thổ mộc thực sự. Men theo khe Tiên, đằng xa đã thấy ông già đãi vàng lúi húi. “Mỏi thì đổi vai đi”. Hoàng không đổi mà dừng lại, hạ cây dẻ xuống lòng khe cạn nước lấp xấp. Nước chảy làm cây xê xích, dịch chuyển đôi chút. A ha! Biết rồi biết rồi, sao không dùng sức nước? Hoàng bứt dây rừng bện lại buộc vào cây dẻ, kéo đi. Quả là một phát minh vĩ đại. Giải phóng vai phải! Lao động, sáng tạo mà!
Ngang qua ông già đãi vàng, Hoàng gật đầu chào. Cậu cho tôi hỏi... Lâu rồi tôi không nói chuyện với ai. Dạ, ông hỏi đi ạ. Vua Cảnh Thịnh ra sao rồi? Dạ vua Cảnh Thịnh bị giết lâu rồi ông ạ. Ai tiếp ngôi? Dạ không có ai ông ạ. Không có vua à? Dạ. Sao kì lạ vậy?

*
* *


Khe Tiên ngày tháng năm…
Miên đang giặt ở vũng nước giữa khe thì có viên đá màu đen từ đâu bay đến. Nó bay trượt qua ống chân cô rồi tiếp tục mất hút vào khe sâu. Có ai ở đây nữa nhỉ? Miên hoảng hốt ôm tay che ngực trần. Mà ai khỏe thế, ném đá thia lia bay mãi không dừng? Hồi lâu không có tiếng động thêm, Miên bỏ tay ra và tiếp tục giặt. Bầu ngực trắng ngần, hai núm vú hồng in trong làn nước róc rách xao động. Gương mặt Miên nhàu nhĩ nhưng không giấu được nét son phấn kinh thành. Bao nhiêu tháng ngày đã qua Miên không nhớ. Đoàn tùy tùng của quan hành khiển Trần Khắc Chung đưa hoàng hậu Paramecvari Huyền Trân trở về Thăng Long, khi thuyền ghé vào Huế thì cô trốn lại. Một thị nữ như cô dám cả gan đào thoát, dám bỏ rơi hoàng hậu của vương quốc Chăm Pa vĩ đại, là công chúa nước Việt, con gái yêu của Đức Nhân Tông, nếu không vì tình yêu, thì chả còn lí do nào xác đáng. Cô muốn trở lại vùng đất vừa mới bén duyên đã đành lìa xa. Vương quốc mộng mơ, nơi có chàng trai Chăm Pa của Miên da rám tóc bồng bềnh và giọng nói ấm. Rời bỏ đoàn hộ giá, từ cửa Tư Dung, Miên ngược lên phía tây định theo độc đạo lần trở lại đất Chăm. Chắc anh ấy tuyệt vọng lắm rồi. Hôm ấy hộ giá Huyền Trân ra cửa biển Thị Nại tưởng để làm lễ chiêu hồn, thì Miên bị lôi tuột lên thuyền cùng quan quân Đại Việt. Thuyền giong buồm cấp tốc rời đi trong nét mặt thẫn thờ của dân Chăm dưới lễ đài dựng bằng tre gỗ phất phới cờ Đại Việt cùng khói hương nghi ngút. Trong số đó có chàng trai vừa bén duyên cùng Miên. Giờ đây, anh có biết Miên đang tìm đường trở lại hay không mà chờ đợi? Dò dẫm mấy ngày trong vùng đất giờ đã được gọi là Thuận Hóa thì Miên bắt gặp toán quân viễn thám Chăm Pa đi trinh sát địa bàn. Có lẽ là chuẩn bị cho đợt tiến công quân sự của người Chăm chiếm lại hai châu Ô, Lý. Dám lẽ đánh thẳng ra Thăng Long…
Hoàng đọc sách lịch sử thì quả thế: “Sau khi Chế Mân chết, từ năm 1311 đến năm 1353, vua Chăm Pa kế tiếp liên tục gây chiến với nhà Trần đòi trả hai châu Ô và Lý nhưng không thành công. Đến đời vua Chế Bồng Nga nhiều lần đem quân tiến đánh Thăng Long, trận mạc kinh hoàng”. Nhiều đêm khuya khoắt anh ra ngồi bên bờ Bến Hải, chỗ làng Cổ Trai Đông nhớ lại câu chuyện ông ngoại kể cho nghe rằng dòng sông này từng đẫm máu người Chiêm - Việt. Ông ngoại Hoàng có hai ngón chân cái Giao Chỉ, chĩa vào nhau nhìn rất ngộ. Thuở bé anh thường chơi với hai ngón chân ấy. Anh vặn xoắn chúng, lấy que chọc vào chúng trong ước muốn bé thơ trêu ông, làm ông đau. Ông ngoại mất, mộ sát sông. Đêm đêm nghe tiếng đất bờ sông lở, Hoàng, khi này đã không còn là chú bé con, nhưng vẫn nghe ông ngoại hát câu Nam bình, một bài hát của Huyền Trân công chúa:
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô Lý…

Chỉ có Miên mới biết rõ đấy chính là câu hát mà hoàng hậu Paramecvari đã hát lên đôi thoảng trong hành trình lênh đênh biển cả từ đất Chăm về lại Thăng Long. Hoàng hậu vừa hát vừa khóc. Còn Miên tuy không khóc nhưng lòng như bị cắt xé thành trăm nghìn mảnh. Hoàng hậu đền nợ Ô Lý, còn Miên thì mắc nợ vùng đất ấy một ân tình! Năm xưa, khi theo Huyền Trân công chúa từ Thăng Long vào đất Chăm Miên mới là cô gái mười sáu tuổi, như Hoàng bấy giờ. Biệt giã kinh thành hoàng hoa tráng lệ, dù không hẹn ngày trở lại mà lòng Miên nhẹ tênh như cơn gió mùa xuân. Nghe người ta nói phương Nam tràn đầy nắng ấm, lòng Miên háo hức vô cùng, hay đó là tín hiệu cho một mối tình chờ đón Miên?
Miên nhìn thấy toán quân Chăm Pa trước, vội lánh sang lùm cây bên đường ẩn nấp, nghe ngóng. Họ nói với nhau bằng tiếng Chăm nhưng Miên hiểu được ngay. Miên định chạy ra nói với họ rằng Miên muốn trở về vương quốc Chăm Pa, nhờ họ trợ giúp. Nhưng Miên rụt ngay ý nghĩ đó. Ai người ta tin Miên, một cô gái Đại Việt, một thị nữ của hoàng hậu Paramecvari đã phản bội? Chờ khi đêm xuống, Miên rẽ lối lánh xa toán quân. Sương mù giăng kín, Miên còn tránh né nhiều toán quân Chăm viễn thám khắp nơi nữa. Các chiến binh Chăm Pa can trường và buồn bã. Rồi sẽ lại một cuộc chiến điêu tàn. Miên biết rõ vậy nhưng không thể làm gì được. Rồi chàng trai của cô có tham dự vào đoàn quân từ phương Nam tiến đánh Thăng Long không? Nghĩ đến thế, Miên như có muối xát vào lòng. Rất nhiều ngày tháng sau đó, Miên kiệt sức và dừng lại bên một con khe xa lạ. Ngoài kia là ngã ba sông, sông gì Miên không biết. Sau một cơn đau mụ người, tỉnh dậy Miên hoàn toàn mất phương hướng, chả biết đường nào vào Chăm, đường nào về nhà. Và con khe nơi ngã ba sông Miên trú lại, nơi cô đang đứng giặt đây, dường như mọi thứ đều nhẹ hơn. Cả thân xác cô cũng thế, như nhún một cái là nhấc bổng la đà lên thôi… Ở lại, ra Bắc, hay vào Chăm? Miên không biết. Cô cảm thấy mùi hoa dẻ vấn vương tinh khôi quá thể...
“Mùa hoa dẻ” là tên cuốn sách mà Hoàng đã đọc. Đấy là lí do khiến Hoàng sau khi chặt nhầm cây bời lời đã chọn đốn cây dẻ. Chính mùi hoa khi anh kéo cây dẻ trong lòng khe đã làm Miên nhận biết…

*
* *


Khe Tiên ngày tháng năm…
Sông Bến Hải. Vĩ tuyến 17 đây rồi. Chỗ này thượng nguồn, lòng sông hẹp, chỉ cần lội ào là qua. Bên kia là miền Bắc, đi thêm vài trăm cây số là nhà mình. Việt sẽ về nhà. Cuộc chiến mà Việt tham dự còn lâu dài lắm. Xác suất chết dành cho anh là rất cao. Việt còn mẹ, còn em, còn khoa Vật lí trường Đại học Tổng hợp...
Nhưng còn quê hương, bản quán... Bốn năm chiến trận đã cho Việt hiểu thế nào là danh dự gia đình, dòng họ. Những kẻ đào ngũ luôn bị làng nước coi khinh, dân tình phỉ nhổ. Nếu Việt vượt sông trở về thì người trong nhà Việt chỉ có nước đeo mo vào mặt, mẹ Việt sẽ sống làm sao?
Từ sau Tổng tiến công 1968, người chết nhiều quá. Từ Huế đơn vị của Việt rút lên vùng Asho - A Lưới. Máy bay rải chất khai quang. Lính Mĩ đổ bộ khắp nơi tìm diệt. Những trận bom tơi tả. Truyền đơn rải trắng xóa những cánh rừng. Thiếu ăn, thiếu thuốc men. Sốt rét. Qua một đêm quân số đơn vị có khi vơi mất một phần ba. Cả đại đội chỉ còn mươi tay súng. Cho đến cái đêm dính bom B52. Kinh nghiệm sinh tồn là hãy nhảy xuống một hố bom vừa đánh còn nồng nặc mùi chất nổ. Thực tế cho thấy ít khi nào hai trái bom trong cùng một trận rơi trùng nhau. Việt đã làm đúng như thế. Ngớt trận bom, anh ngoi ngóp trèo lên, lành lặn. Rũ bụi đất một lúc, lại tinh tươm. Sau khi thoát chết, Việt hốt hoảng đi tìm đơn vị. Nhưng đơn vị đâu không thấy. Cho đến một ngày Việt tới đây.
Ngã ba sông giữa cuộc chiến mà thanh bình quá. Anh lần ngược vào con khe. Mùi hoa dẻ váng vất, đắm say. Một viên đá màu đen bay thia lia thẳng về phía anh. Việt né tránh rồi lập tức lăn tròn vào bụi rậm, đúng động tác lính bộ binh thuần thục. Ai đã ném đá thia lia? Viên đá không hề giảm tốc độ và biên độ bởi ma sát và trọng lực. Việt nhìn theo và rất băn khoăn, không thể lí giải. Có lẽ mình chưa được học những quy luật vật lí phức tạp. Rồi, mình sẽ trở lại trường đại học, sẽ học tiếp, dĩ nhiên khi cuộc chiến này đã kết thúc...
Những ngày sống bình yên nơi ngã ba sông này Việt thấy thời gian ngưng đọng, đông đặc. Việt nhớ đồng đội, người đã chết và người còn sống. Anh cầu mong những người còn sống sẽ được sống tiếp, như anh. Nhưng nếu họ còn sống, chỉ cần một người thôi mà hòa bình gặp lại mình thì sao? Thì một mũi lê AK sẽ xuyên vào ngực. Đồ hèn nhát, đồ đào ngũ! Đó là kết cuộc của đời mình. Việt khóc… Những ý nghĩ giày vò khiến Việt bỗng chốc già đi vài chục tuổi. Phải quay lại! Dù có chết cũng phải quay lại! Việt lần ngược chiều rừng đã đi. Nhưng khắp rừng là biệt kích Mĩ, đi lối nào cũng vấp. Một thân một mình. Khẩu AK hết đạn. Việt tìm đường vòng tránh. Loanh quanh mãi lại thấy về chỗ cũ. Việt kiệt sức, gục xuống...
Một buổi sớm nào đấy Việt không còn nhớ nổi, sau cơn sốt rét tỉnh dậy, khát nước ghê hồn, anh loạng choạng chui ra khỏi hang đá, bò ra vục mặt xuống hõm nước trong lòng khe mà uống. Nước rất trong soi cho Việt thấy tóc mình bạc trắng. Anh đau đớn chực khóc. Và rồi anh nhận thấy trong mặt nước phản chiếu lấp loáng một bầu ngực trắng ngần, hai núm vú hồng tươi như mận… Anh dụi mắt, và cho rằng đó chỉ là ảo giác. Anh, chàng trai tinh khôi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn ngực đàn bà ngoài bầu ngực mẹ, dĩ nhiên là khi anh còn thơ bé… “Mẹ ơi, chờ hòa bình con về!”. Việt gào lên như thế, vang vọng cả ngã ba sông...
Hoàng nghe tiếng gọi “mẹ ơi” của ai đó, rất thoảng. Giọng rất trẻ, của một người đàn ông, mà lại là giọng Bắc, không phải của mấy đứa bạn Hoàng. Chắc chắn cũng không phải là của ông lão đãi vàng. Mà mấy hôm nay không thấy ông lão đâu nữa. Ngày hôm nay Hoàng lại tiếp tục đốn một cây dẻ. Lại bện dây rừng kéo về đến ngã ba sông nhẹ tênh tênh. Vĩnh viễn Hoàng không biết được điều kì lạ nơi lòng khe Tiên này đã giúp anh giải phóng sự đau vai. Cũng thế, anh không thể nào biết được viên đá màu đen trơn nhẵn anh ném đi trong lúc giận dữ đã bay thia lia bằng quán tính thời gian. Ngày nào Hoàng cũng là người cuối cùng trở lại lán. Trong khi mấy đứa Phong, Bảy, Yên, Lương giở bộ bài tú lơ khơ ra đánh quẹt nhọ nồi lên mặt, chờ cơm chín, thì anh ra ngã ba sông tắm táp. Không phải ngư dân nhưng Hoàng bơi rất giỏi, đấy là nhờ Hoàng đã trằn ra với biển từ khi mới ba bốn tuổi… Mùa hạ đang trôi chảy trên cánh rừng Trường Sơn tây Vĩnh Linh này, dù sao đi nữa cũng rất êm đềm. Và chả mấy lúc lại đến mùa đông. Củi rều, đồ nhựa từ các nền văn minh khác tấp vào bờ biển. Chính vì thế Hoàng thích nhất mùa đông. Lúc đó Hoàng sẵn sàng đơn độc đi dọc bãi rều tìm nhặt những thứ mình thích. Nếu lại nhặt được băng cassette, lần này sẽ sấy khô rồi bỏ vào đài nhà thằng Phong chạy nghe thử, xem trong đó có âm thanh gì. Đấy là tín hiệu của thế giới bên ngoài vùng cửa biển nơi Hoàng sống. Hoàng biết, nó sẽ mời gọi anh đi đến tận cùng như một hấp lực ma mị.

Minh họa: Tào Linh

Rất nhiều năm sau, Hoàng khi này đã trưởng thành, đã có chút sự nghiệp, một hôm phải bơi vượt qua con sông Hoài, đào thoát khỏi một cuộc tình. Anh len lỏi lách qua từng đám rong rêu củi mục trôi nổi trên sông mùa lũ, thì nhận thấy viên đá màu đen trơn nhẵn bay thia lia tới, suýt nữa lao thẳng vào mặt, may Hoàng nghiêng đầu tránh được. Đấy là viên đá của chính anh? Phải không? Điều đó không quan trọng nữa bởi anh đã quên bẵng câu chuyện ngày năm chú học trò mười sáu tuổi lên rừng Trường Sơn đốn củi. Quên sạch không chút dấu tích cứ như hàng thiên niên kỉ đã trôi qua và Hoàng đã sống một cuộc đời khác chứ không như là cuộc đời của anh chàng mười sáu tuổi lúc này đang tắm ở một ngã ba sông Bến Hải, vừa tắm vừa băn khoăn về câu chuyện với ông lão đãi vàng hỏi mãi về vua Cảnh Thịnh. Ông lão hiện hữu rõ ràng như thế mà sao đám bạn của Hoàng không thấy nhỉ? Và đúng thế, viên đá màu đen bay thia lia trên con sông Hoài là chính nó, viên đá của Hoàng.

*
* *


Khe Tiên ngày tháng năm…
Khi quan quân Tây Sơn dò dẫm đến bờ sông Bến Hải thì trời đã tối. Ngã ba sông trong bóng đêm sáng lên ánh lân tinh. Cho là điềm lành, vua Cảnh Thịnh hạ lệnh vượt sông hạ trại, nghỉ ngơi mấy ngày rồi đi tiếp ra Nghệ An. Dòng sông sẽ là chướng ngại vật ngăn cản quân Nguyễn Ánh truy đuổi. Vua ngoái đầu về Nam rơi lệ. Sự nghiệp phút chốc đã tan hoang kể từ khi vua cha Quang Trung băng hà. Chính sự rối ren, lòng người phân tán, quan tướng nghi ngờ, phản bội. Vua lại còn quá trẻ, mọi sự cắt đặt, quyết sách đại sự quốc gia đều do họ ngoại làm cả.
Thị nhân Nguyễn Văn Khởi được vua tin giao cho trông nom số vàng bạc châu báu còn giữ được sau nhiều biến cuộc ở thành Phú Xuân. Hạ trại xong thì đã canh ba. Khởi mang theo các hòm vàng bạc lội vào khe sâu, cất giấu thật kĩ trong một hang đá. Chưa biết còn ở đây bao lâu, cẩn tắc vô ưu, Khởi một mình mò mẫm trong đêm, may nhờ ánh lân tinh mà việc vận chuyển trót thuận. Mà sao đến đây sức lực như khỏe lại, mấy cái rương nặng thế mà Khởi vác đi phăng phăng, cảm thấy như chúng không trọng lượng?
Ấy vậy nhưng người tính không bằng trời tính. Đến gần sáng thì trời ập mưa xối xả. Nơi giấu vàng đất đá đổ xuống lấp kín, không thể tìm ra vết tích. Khởi run sợ quỳ trước mặt đức vua xin chịu tội. Cảnh Thịnh nhìn thấy cảnh ấy, chép miệng than rằng “Không thuận ý trời đất rồi. Ngươi ở lại đây tìm cho bằng hết. Rồi tìm đường mà ra Phượng Hoàng - Trung Đô, đến núi Kì Lân gặp ta ở đó. Ta tha mạng cho ngươi”.
Khởi cúi đầu vâng lệnh. Và Khởi biết, sẽ vĩnh viễn chôn đời mình ở nơi này. Từ đấy là biệt mù tin tức. Triều chính ra sao, số phận nhà Tây Sơn và vua Cảnh Thịnh thế nào, Khởi không hề biết. Đào bới, sàng sảy, thâu nhặt cũng gom được một số, nhưng quá ít để mang đến núi Kì Lân. Có đôi lần cúi mặt đãi vàng trong lòng khe, Khởi nhìn thấy ánh phản chiếu khuôn ngực rất đẹp của một cô gái. Rồi có khi nghe giọng nữ hát thoang thoảng, điệu Nam bình não nề thê lương:
Vàng lộn theo chì
Khúc li ca sao còn mường tượng nghe gì
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ
Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện đà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần!

Bài hát của Huyền Trân công chúa. Khởi liền quỳ xuống giữa lòng khe quay mặt về phương Nam, phía thành Phú Xuân khấn nguyện liệt tổ liệt tông, rằng con có tội lớn xin hãy tha cho để con dành chút sức còm cố gom nhặt của cải mang phụng sự đức vua Cảnh Thịnh… Khấn xong thì tiếng hát tắt liền. Ngày nọ có anh chàng trẻ tuổi nét mặt trắng trẻo thư sinh rõ không phải là dân thổ mộc đến đây đốn củi. Ban đầu cứ tưởng là quân Nguyễn Ánh nhưng phục sức thì không giống, lại không mang binh khí mà chỉ có một con dao cong cán dài. Áo kiểu gì có nhiều hạt cúc nhỏ đều tăm tắp màu cứt ngựa, tà áo chít lại hai đường may song song gọn gàng. Quần ống màu xanh thẫm như màu đáy chén lam cung. Vậy thời này không có vua sao hả cậu? Có thật thế không? Dạ, đúng vậy thưa ông! Sao ông hỏi thế ạ? Thời này chế độ dân chủ lâu rồi, không còn vua quan nào cả, ông không biết ư? Ta ở đây lâu quá rồi, chả nhớ ngày nhớ tháng, chả biết gì thời cuộc. Ông đãi được nhiều vàng chưa? Ta à… không có chút gì, mất tất cả rồi… Khởi nói dối Hoàng như thế, để giữ bí mật công việc của mình, chứ thực ra vẫn gom góp được dăm cân rồi đấy. Đó vẫn là một công việc thiêng liêng cho nghiệp đế nhà Tây Sơn, không có số vàng này, đức vua lấy gì mua sắm binh khí, thâu phục kẻ sĩ hai xứ Thanh, Nghệ, và cả kinh thành Thăng Long? Núi Kì Lân cách xa hàng trăm dặm, Khởi ngước mắt lên trời… Anh chàng trẻ tuổi vụng về vác gỗ chỉ mỗi trên vai phải. “Mỏi thì đổi vai đi”, Khởi nhắc. Anh chàng không đổi, mà hạ xuống lòng khe, lấy dây rừng bện lại kéo đi nhẹ nhõm, miệng huýt sáo một bài ca vui tươi, nhịp nhanh nhanh Khởi chưa nghe bao giờ.
Buổi chiều cuối cùng ở rừng. Hoàng đốn thêm một cây dẻ nữa và cố về sớm. Theo kế hoạch tối nay cả bọn sẽ dong thuyền về xuôi cho được con nước. Củi đầy rồi, chắc chắn đã có tiền mua sách vở vào năm học mới rồi. Hoàng mong gặp lại ông già đãi vàng để tạm biệt nhưng không thấy đâu...
Hoa dẻ vẫn thơm như vậy và lại có thêm mùi mồ hôi của một chàng trai trẻ. Mùi đàn ông. Miên ngẩng mặt lên, bất ngờ thấy Hoàng. Hai người nhìn nhau trong một khoảnh khắc nhỏ nhoi. Chỉ trong thoáng chốc nhưng Hoàng đã khắc ghi như in gương mặt cô gái dù tàn tạ vẫn thoảng nét đài các kiêu sa. Hoàng nhiều năm sau đó, khi đã lưu lạc vào vùng đất Chăm Pa xưa cũ, thì gặp một cô gái có gương mặt thoảng như vậy. Hoàng cảm thấy thân thương gần gũi và tức khắc rơi ngay vào một cuộc tình bi thiết. Rồi kết cục, Hoàng đã phải phóng vượt ra, bơi qua con sông Hoài mùa lũ, để đào thoát, chỉ vì nàng đã có chồng. Khi đó anh đã quên sạch kí ức kì lạ nơi ngã ba sông này.
Chiều ấy, khi Hoàng vác cây dẻ thơm nức về đến lán trại thì bốn bề vắng lặng. Mấy đứa bạn Hoàng đã dong thuyền về xuôi. Hoàng đã bị bỏ rơi.
Bóng tối lan rất nhanh, Hoàng lần ngược vào khe Tiên. Có viên đá màu đen từ sau lưng anh bay vượt lên, thia lia vào trong khe. Hoàng ngờ ngợ đó là viên đá anh đã ném đi hôm nào. Và rồi anh nhìn thấy một người đàn ông mặc quân phục rách nát né tránh viên đá, lăn vào lùm cây bên suối. Hoàng đến gần, gọi chú ơi, chú đi đào vàng à? Không, tôi là bộ đội. Tôi bị lạc! Thế à. Thế thì chú theo cháu về cửa biển, ở đó có trại điều dưỡng thương binh. Không! Tôi không thể vào trại điều dưỡng. Tôi phải trở về đơn vị. Mà cậu, lính đơn vị nào, mới nhập ngũ hả, quân phục cậu kì lạ vậy? Cháu không phải lính, cháu đang đi học, cấp ba. Cấp ba, sao mặc áo lính? Dạ đây là áo sĩ quan của ba cháu cho… Ba cậu là sĩ quan à, đơn vị nào? Ba cháu hi sinh rồi, ở cầu Khánh Khê, đánh nhau với Trung Quốc. Hả, sao đánh nhau với Trung Quốc? Người lính trước mặt Hoàng há miệng tròn mắt kinh ngạc đến nghẹn thở…

*
* *


Cửa biển, ngày tháng năm…
Hoàng cúi xuống bãi rều nhặt lên một viên đá màu đen trơn nhẵn. Anh ném xiết ra mặt biển đã chợt yên lặng. Viên đá bay đi thật nhanh, thia lia trên lưng sóng mà không hề giảm tốc độ hay biên độ. Anh không thể biết nó sẽ bay mãi, bay mãi đến tận cùng thế giới. Đúng là viên đá đó, hôm đó nó đã bay trở lại khi anh và người lính lạc đơn vị đang trò chuyện trong lòng suối. Ông ấy hỏi Hoàng cứ như căn vặn, về mọi thứ, các sự kiện lịch sử, về gia đình Hoàng, về mơ ước của Hoàng. Khi Hoàng nói họ tên người cha đã hi sinh ở biên giới phía Bắc, ông ấy ôm đầu và ngồi thụp xuống giữa lòng suối khóc tu tu. Ông ấy nói rằng ba của Hoàng chính là đại đội trưởng của ông ấy... Sáng hôm sau thức dậy trong lán, Hoàng không thấy người lính đâu nữa. Câu chuyện quá khó hiểu, Hoàng không thể lí giải được. Không biết ông ấy còn nhớ đường về đơn vị hay không?
Hoàng đi dọc bãi rều càng lúc càng được sóng và gió mùa đông bắc đẩy dạt vào bờ dày lên từng tấc. Anh thẫn thờ như từ một thế giới khác đến vậy. Những thứ vật phẩm văn minh giờ không còn hấp lực với anh nữa. Lũ bạn anh, Phong, Bảy, Yên, Lương đều kinh ngạc khi anh nói rằng tại sao chúng mày bỏ tao lại giữa rừng. Làm gì có chuyện đó, Hoàng. Suốt mùa hè qua bọn tao ở nhà, đi câu cá. Không có chuyện đi đốn củi đâu. Mày bị làm sao đấy?
Hoàng trả sách cho chị thủ thư thư viện trại điều dưỡng thương binh đóng nơi cửa biển. Ngày mai anh cùng bốn đứa bạn ngư dân Phong, Bảy, Yên, Lương dong thuyền lên rừng Trường Sơn đốn củi về bán lấy tiền lo sách vở để chuẩn bị bước vào năm học cuối cùng cấp ba. Hoàng chả biết điều gì sẽ đợi Hoàng phía trước. Khe Tiên và những thứ ở đấy trong nếp gấp khác nhau của kí ức như là nút thắt của thời gian lộng lẫy và bi tráng, chỉ đợi mình Hoàng và viên đá đen màu nhiệm.
Nhưng tại sao lại là Hoàng? Rồi anh đã thoát khỏi khe Tiên bằng cách nào?
23/1/2019
T.H