Thứ Tư, 05/07/2017 00:17

Người dựng phù điêu sông

Nhà ngoại tôi bên kia sông/ Nơi phù sa cơi cánh cò trắng bãi/ Em chăn bò rắc vàng ngọn cỏ/ Tăm cá lặn xuống chiều biệt tăm/ Những ngày cánh nâu đầu trần/ Ấu thơ bay không qua triền đồi
unnamed

(Đọc tập thơ Gió từ sông thổi lên của Nguyễn Giúp, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

Có sợi nào đâu mà mắt mẹ đầy khói
Có giọt nào đâu mà mắt em đầy sao…


Thơ Nguyễn Giúp cứ tỉ tê như thế, thầm thì những câu chuyện truông, bồn, chàm, chợ, mọi rợ, chuyện đi xa, những chuyến quay về nghe ớt cay xé lưỡi, xạc xào tiếng mo rơi đêm, ngạch cửa mòn thin thít… mà thấm đẫm lòng người, rộn rã như một lời dẫn dụ đến với thế giới của anh, thế giới của bãi bờ điền địa, của gió, trăng, mái đình rêu phong, lau trắng Bên kia đồng dế non ngậm gió/ bờ kêu một thớ trăng vuông (Tôi & sông), thế giới của những con người có ánh nhìn roi quất, cuộn vào thuỷ chung, chập chờn cánh nâu, chập chờn lam lũ, thế giới mà mỗi nhát cuốc lật lên từng phế tích hoàng kim, đền đài, danh tước, nô lệ, máu tươi… Vẫn là quê hương đấy thôi mà anh như kẻ lưu lạc: Nâng li ngửa cổ cay rần rật/ một dòng cố hương/ một ngụm tha phương... (Đêm xa quê gặp người anh họ Quảng Nam). Ấy là cách để anh gặt một trời tha hương mà thêm đầy quê hương trong mình, để viết nên những câu thơ rưng rức: Thuyền xuôi cửa Đợi/ buồm như ngọn roi quất thâm ghềnh đá/ phong rêu nỗi buồn tháp/ nếu hết thảy những đèn lồng Hội An đêm nay đều sáng (Khúc Thu Bồn); Nhuộm Mỹ Sơn dáng Chàm đứng lặng/ ai ngồi khâu hoàng hôn quê nhà (Đêm xa quê gặp người anh họ Quảng Nam); Buổi hoàng hôn thổ mộ/ buổi lâm sàng chân trời mộng tưởng/ ngược tuổi mình tôi từng sợi trắng bay (Nguyên quán)...

Nói được nhiều nhất, có khả năng gây tạo dư ba nhất nơi thơ anh là những câu viết về sông. Một con sông có tên, có tuổi, có dáng hình: Anh nhắc Thu Bồn chảy qua Câu Lâu/ tôi nhắc Vu Gia chảy qua Ái Nghĩa (Đêm xa quê gặp người anh họ Quảng Nam); Đã ba nhánh Thu Bồn hòa một Trường Giang (Hạ du). Một dòng sông gắn bó với tuổi thơ: Nhà ngoại tôi bên kia sông/ nơi phù sa cơi cánh cò trắng bãi (Nhà ngoại tôi trăng lên). Dòng sông ấy có tiết tấu biến nhịp như tâm hồn con người: Thẳm một nguồn thiêng từ trong âm u/ sặc một cái rền rang găm vách dựng/ hân hoan khuôn mặt những mơ màng (Hời ru theo sông). Dòng sông ấy hiện hữu như một nhân sinh quan: Sông đã tạc vào mênh mông tôi kí ức (Ville); Cho tôi trắng cơn khát/ cho tôi đói/ cho tôi quay về không một mảnh/ cho tôi ngấm tôi mà lột cả (Tôi & sông). Để rồi kiến tạo triết lí: Cha mẹ nuôi con cơm trắng cá sông/ cha mẹ dạy con roi dâu với điều nhân nghĩa/… / con phải bơi qua sông con mới được làm người (Gò Nổi), và những câu hỏi xoáy động tâm can: Có ai nghe thấy tiếng trẻ con cười bên khúc sông đang reo/ có ai nghe thấy tiếng thịt da đôi bàn chân đứng ngụ (Vạn đò)...

Nhà thơ Nguyễn Chiến, một đồng nghiệp của Nguyễn Giúp tại Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam đã nhận xét: “Nguyễn Giúp là nhà thơ úp mặt vào sông mà viết. Anh cắm ngọn bút như cắm cây sào xuống đáy, cứ thế mà khoắng hồn mình. Thơ anh là một dòng sâu phăm phăm chảy xiết, ngầu ngầu say; nhiều câu mộng du, lên đồng, ma ám, không biết thuộc cõi nào…”. Quả như vậy, dòng Thu Bồn, Vu Gia chảy qua Câu Lâu, Ái Nghĩa, Đại Lộc ấy đã như bản mệnh của anh, cội nguồn thương mến của anh, viết nên, soi lên từng trang kí ức, từng trang đời của anh. Hay nói cách khác, hợp lưu Thu Bồn, Vu Gia chính là khởi thủy, khai phóng, kiến tạo nên con người nhà thơ của Nguyễn Giúp. Âu cũng là một cách anh trả nợ ân tình ân nghĩa cho mảnh đất nơi anh tượng hình: Một lát cuốc chôn nhau thai vào đất/ kí thác ngày mẹ đẻ ra tôi (Đất & tôi), và cho anh một giọng thơ hào sảng mà chắc nịch, mênh mang mà không thừa thãi, đẫm trĩu tình đất, tình người, vấn vương điệu hò khoan, câu lí xứ lụt lội, gió mùa hanh hao, xứ của các thi nhân: Những tưởng chạm vào em như chạm vào cỏ lau/ mịn nỗi quê nhà mòn ngón tay người vo gạo/ như chín thơm đôi bàn chân em giẫm cỏ/ rồi lại đi/ rồi lại quay về…

Có thể lấy một câu thơ của Nguyễn Giúp để định danh người thơ này: Người dựng phù điêu sông.
 
LÝ HỮU LƯƠNG giới thiệu và chọn
 

Nhà ngoại tôi trăng lên
 
Nhà ngoại tôi bên kia sông
Nơi phù sa cơi cánh cò trắng bãi
Em chăn bò rắc vàng ngọn cỏ
Tăm cá lặn xuống chiều biệt tăm
 
Những ngày cánh nâu đầu trần
Ấu thơ bay không qua triền đồi
Em đứng đợi hoa ngô bật nụ
Tím bầm khúc sông
 
Những đôi mắt xanh đuổi theo chiều thẳm xanh
Âm ba trăng non gội tóc
Gàu khua rụng giếng làng
Sực nức em 
Đinh ninh sông đã rằm
Đinh ninh ríu ran kẻ ngực
Đêm tràn giấc mơ chẻ đôi ao nhà
Tôi mang một nửa em ra đi
 
Quê ơi ngày mẹ tôi xưa đầy đặn
Cha tôi xưa dặm trường
Cớ sao em không đi bên đời tôi cho hết thảy như cha mẹ tôi
                                                                          với nhau
Cớ sao em không ra sông nhìn nước chảy
Cớ sao em không bội thực tình yêu của tôi dành cho em
Cớ sao em qua cầu cho tôi bạt xứ
Và… như đã mùa màng rơm rạ ngủ 
Cứ phù sa vô tội sông lở bồi đâu đâu
Gom hết tuổi mình xòe bàn tay lật gió
Nỗi buồn mộng du
 
Quê nhà chừ mặt sông ngầu ngầu say
Liêu xiêu bóng núi
Chắc đường về còn xa
Bên kia sông đã mấy lần em mười lăm mười sáu
Khuya khoắt một nụ rằm
Nhà ngoại tôi trăng lên.


hinh137 be6b4
Nguyên quán
 
Con đường này đây
Em nói với tôi lời của gió
Mùa màng và dấu chân người trên vồng khoai
Thừa mứa bụi bẩn lúc ta sinh ra từ đất
Gió xước mặt sông
Gió bẻ đau vết thương con chuồn chuồn cũ
Khỏa nước ngậm trăng
Ngày vỏ cám bong ra
Nơi con đường phù thũng
 
Anh đi em đi ngợp nắng
Có giấc trưa say nồm ngồm ngộp
Ta từng vắt cạn mùa thu
Từng phung phí mùa đông những bấc
Khi quay về ngọt ngào và bỏng rát
Nguyên sơ ấy níu ta với trần trụi
Những chồi non phân sinh
Những mầm sâu tật nguyền
Xuân nhú
 
Con đường này đây
Em mời tôi quay về nguyên quán
Buổi con đê xanh cỏ
Buổi mắt sông bình minh
Buổi hoàng hôn thổ mộ
Buổi lâm sàng chân trời mộng tưởng
Ngược tuổi mình tôi từng sợi trắng bay
 
Những tưởng chạm vào em như chạm vào cỏ lau
Mịn nỗi quê nhà mòn ngón tay người vo gạo
Như chín thơm đôi bàn chân em giẫm cỏ
Rồi lại ra đi
Rồi lại quay về
Con đường vẫn con đường ấy
Những cỗ xe chở linh hồn mới
Tần ngần.


images
Vạn đò
 
Cha mẹ ngược dòng
Con sinh ra
Lũ anh em nhung nhúc khoang đầy
Ghìm mái chèo rẽ sóng
Giang hồ là nguyên sinh
Tuổi thơ lợp úp vòm mui hăng mùi dầu rái
Có học hành gì đâu mà mai sau
Ngủ không thẳng chân ngồi không thẳng lưng
Ú ớ đất đâu mà chạm làng
Chuyện kể về quyển sách dày gấp ba lần đời người chưa hề
                                                                                   chạm tay
Nếu lật từng trang sẽ bay ra từng nỗi đau chôn cất
Họ hàng nơi mô mà gốc gác
Mồ mả nơi mô mà quê nhà?
Rồi từng khi trăng mọc tôi đã yêu bến sông
Bẩm sinh thơ bay lên trời thơ đuổi cơn giông thơ chạm bờ em
Bờ em đẹp hơn dòng họ tôi nghĩ
Tôi mê say ao làng thiên nga cất cánh
Đêm nguyệt thực mộng du nằm chết mệt
Đã mảnh buồm tả tơi
Mười năm hai mươi năm em vẫn là người dưng đẹp
Rồi em không trở về con gái
Rồi tôi không trở lại vạn đò
Mái đình vẫn cứ cong lên cong lên đầy rêu
Đôi hàng mi thăm thẳm trục tôi ra ngoài định mệnh
Cắm vào đây tre hóa làng em hóa giậu
Rào chắn đời tôi với khái niệm quê nhà
Có ai nghe thấy tiếng trẻ con cười bên khúc sông đang reo
Có ai nghe thấy tiếng thịt da đôi bàn chân đứng ngụ
Mở một… mở hai… mở ba… nút áo
Tôi tháo đời tôi ra
Vạn đò trôi dạt.