Thứ Hai, 27/07/2020 07:08

Người phụ nữ đã đánh cắp trái tim nhà thơ EE Cummings

Mọi người thường biết tới EE Cummings là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của nền thơ ca Mĩ thế kỉ 20, nhưng lại ít ai biết tới những câu chuyện cá nhân của ông, đặc biệt là mối tình của ông với người phụ nữ Pháp có tên Marie Louise Lallemand.

Mọi người thường biết tới EE Cummings là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của nền thơ ca Mĩ thế kỉ 20, nhưng lại ít ai biết tới những câu chuyện cá nhân của ông, đặc biệt là mối tình của ông với người phụ nữ Pháp có tên Marie Louise Lallemand.

EE Cummings (1894-1962) là nhà thơ, họa sĩ, nhà soạn kịch, nhà văn người Mĩ, tác giả của hơn 900 bài thơ, nhiều vở kịch, tác phẩm hội họa và một số tiểu thuyết. Ông được người đời kính nể vì theo đuổi những thử nghiệm văn chương về phong cách và cấu trúc, là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của nền thơ ca Mĩ thế kỉ 20. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

EE Cummings chụp năm 1920 khi ông đang viết The Enormous Room về những trải nghiệm thời chiến của mình.

Tên tuổi Cummings được biết đến nhiều nhất với bài thơ về tình yêu I carry your heart with me ‘i carry it in my heart’ (tạm dịch: Anh mang theo trái tim em theo anh ‘anh đặt nó trong tim mình’) được viết vào năm 1952, bắt đầu với những câu thơ như:

"anh mang trái tim em theo anh (anh đặt nó trong

tim mình) anh chẳng bao giờ rời xa nó (anh đến đâu

chính là em đến đấy, em thân thương,

anh làm gì chính em làm đấy, em yêu dấu)

 

anh không sợ

số phận (vì em là số phận anh, ngọt ngào) anh không muốn

thế giới (vì em chính là thế giới của anh, xinh đẹp và chân thật)

em chính là những gì vầng trăng muốn nói

và tất cả những bài ca của mặt trời đều hát về em…".

Vậy nhưng, từ trước khi sáng tác bài thơ tình này nhiều thập kỉ, nhà thơ EE Cummings đã dành hết tâm trí, niềm say mê để viết lên những bài thơ thổ lộ nỗi lòng và cảm xúc của mình. Đó là vào khoảng chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi ông gặp và đem lòng yêu Marie Louise Lallemand. Hai người thư từ qua lại. Những lá thư thời chiến đó không chỉ chất chứa những cung bậc lãng mạn của tình yêu, mà còn truyền cảm hứng cho những sáng tác sau này của nhà thơ.

Những lá thư tình, một mối tình đẹp, khó quên và nhiều nỗi buồn của nhà thơ Mĩ sẽ được tiết lộ trong cuốn tiểu sử của tác giả Alison Rosenblitt có tựa: The Beauty of Living: EE Cummings in the Great War (tạm dịch: Vẻ đẹp của cuộc sống: EE Cummings trong cuộc chiến vĩ đại). Cuốn sách này sẽ được Nxb WW Norton phát hành vào tháng 8/2020.

Bìa sách tiểu sử về EE Cummings.

Alison Rosenblitt, tác giả của cuốn tiểu sử chia sẻ với tờ Observer: những lá thư giữa Cummings và Lallemand đã kể lại một câu chuyện tình rất dịu dàng và sâu sắc. Cummings đã viết thư cho Lallemand bằng tiếng Pháp, một số tờ giấy nháp đó vẫn còn giữ được.

Khi ấy, EE Cummings đã là một nhà thơ người người biết đến, còn cô gái mà ông yêu say đắm chỉ là một gái bán dâm trên đường phố Paris.

Không có con số năm tháng chính xác về thời gian mà Cummings gặp Lallemand, nhưng ở trong một cuốn sổ tay của ông, có nét chữ của một người phụ nữ ghi địa chỉ của cô, địa điểm và thời gian gặp gỡ: “Thứ bảy, buổi trưa, Place de la République, tại bức tượng”. Có lẽ đó là cuộc hẹn hò đầu tiên của họ. Cummings cũng đã vẽ một vài bản phác thảo về Lallemand trong một cuốn sổ tay của mình và mượn hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria để viết bài thơ có tên cô với tiêu đề ‘Marie Vierge Priez Pour Nous’ (pray for us).

Trong một lá thư được viết từ tiền tuyến ở Pháp, Cummings đã nói với Lallemand: “Marie Louise, em thân yêu, em là người đối với anh hơn cả những cây anh túc đỏ tươi, hơn cả những buổi tối vàng mà chúng ta thấy, hơn cả sự im lặng của những vì sao, hơn sự im lặng trắng bao phủ màn đêm, chỉ chờ bình minh, - hãy đón lấy nụ hôn mà anh gửi tới em, nụ hôn đó, không giá trị, bởi vì nó xuất phát từ một tâm hồn yêu em”.

Marie Louise Lallemand, qua phác thảo của EE Cummings.

Những lá thư của Lallemand đã chiếu tỏ tình yêu và niềm say mê mà ông dành cho người phụ nữ ấy: “Anh yêu em, anh yêu em”. Nhưng Lallemand sợ rằng nhà thơ sẽ quên mình, giống như những người đàn ông khác mà cô đã gặp: “Em đã phải chịu đựng nhiều điều trong cuộc đời mình. Những điều đó luôn tới từ những người đàn ông. Hãy đừng bận tâm, điều đó không có gì khác biệt”.

Cũng chính từ các tư liệu và nghiên cứu trước đây về Cummings và cuộc sống của ông, Rosenblitt nghĩ rằng trở ngại của chuyện tình yêu này là những định kiến vốn có của xã hội và thời đại về người bán dâm.

Suốt những lá thư gửi cho Marie Louise, nhà thơ Cummings đã nhắc đi nhắc lại sự tử tế, tốt bụng của cô gái và sự tàn nhẫn của chính mình. Ông sợ hãi không biết làm thế nào để trở thành người yêu của cô. Nhưng sâu xa hơn, chính nỗi sợ dai dẳng mà tàn nhẫn đó đã trở thành trở ngại để hai người có thể đến với nhau.

Cummings viết trong một lá thư: “Em nói rằng em chịu nhiều đau buồn, còn anh thì chưa phải chịu đau khổ khi yêu. Nhưng thực ra anh cũng có buồn đau đôi chút. Em nói đúng: Anh không xứng đáng để nói rằng mình đã cảm thấy nỗi đau đó. Em đã nói: không điều gì so sánh được với nỗi đau khổ em trải qua. Ôi người phụ nữ vui vẻ trẻ trung!”

Bởi những biến cố bất hạnh đến với Lallemand, những cô gái bán dâm như Lallemand luôn bị ở rìa của xã hội, dẫn đến những cảm xúc, phản ứng tiêu cực của cô. Điều đó đã khiến Cummings không thể tin rằng cô có thể nghiêm túc trong tình cảm dành cho ông. Nhưng ông không rút lui.

Khi Mĩ chuẩn bị tham chiến, Cummings đã được chuyển đến Pháp làm công việc tình nguyện lái xe cứu thương. Ông bị giam cầm nhiều tháng trong một nhà tù Pháp, bị nghi ngờ là phản quốc bởi họ lục soát được những lá thư của một người bạn, người đã truyền cảm hứng cho cuốn sách tự truyện The Enormous Room (tạm dịch: Căn phòng lớn, 1922) của ông.

Lallemand yêu thơ, cô giới thiệu Cummings cho nhà thơ lãng mạn người Pháp thế kỉ 19 Alfred de Musset. Và do biến cố xã hội, họ xa nhau. Khi nhà thơ quay trở lại Paris, Cummings đã tìm kiếm Lallemand trong vô vọng. Cô đã biến mất không dấu vết, có lẽ trước cả khi nhận được một bức thư tình ông viết có câu: “Nếu em nghĩ, Marie Louise, rằng anh đã quên những ngày và đêm mà chúng ta đã dành cho nhau, thì em đã nhầm”.

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian