. HOÀNG KIM OANH
1. Đặt vấn đề
Trong dòng chảy của văn học hiện đại, hình tượng người lính sau chiến tranh luôn là một đề tài giàu sức hút. Không chỉ phản ánh hiện thực khốc liệt nơi chiến trường, các tác phẩm còn đi sâu khai thác những biến đổi tâm lí, số phận và sự hòa nhập của họ khi trở về với đời sống quê hương. Đối với tiểu thuyết viết về nông thôn đầu thế kỉ XXI, bên cạnh rất nhiều tác phẩm phản ánh kịp thời những biến chuyển trong đời sống hiện thực nông thôn và người nông dân đương đại, một số tác phẩm đã lách vào hình tượng người lính về làng với tư cách là thành viên của làng xã. Họ mang trong mình nhiệt huyết được cống hiến, xây dựng làng quê giàu đẹp hơn. Song có lẽ “cuộc chiến” không có kẻ thù trong cuộc sống đời thường của cơm áo, gạo tiền cũng không dễ dàng như cuộc chiến đối mặt với kẻ thù trước đây. Thậm chí có phần phần khốc liệt hơn, khó khăn hơn. Trở về từ rừng xanh khói lửa một thời “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận), cảm xúc hào hùng của những buổi hành quân “đường ra trận mùa này đẹp lắm” ấy đã được thay thế bằng những chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở và cả những đau đớn, giằng xé của chính những người lính ngày ấy trước cuộc đời hôm nay. Trong bối cảnh nông thôn hậu chiến, nông thôn đang trở mình trong quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, hình ảnh người trai làng trở về từ chiến trận càng mang tính biểu tượng, thể hiện sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị truyền thống và sự biến chuyển của thời đại. Nó ở đâu đây, ngay trong trái tim, hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người lính.
2. Người lính mang trong mình khát vọng đổi thay và bi kịch bị “trật khớp” với thực tại
Từ chiến trường trở về, “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” không chỉ mang theo kí ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ mà còn ấp ủ mong muốn góp phần xây dựng lại cuộc sống mới. Họ không cam chịu trước cảnh nghèo đói, lạc hậu của làng quê mà tìm cách đóng góp cho sự phát triển của quê nhà. Đó là nghị lực, sức sống, bản lĩnh và phẩm chất người lính. Trở về làng sau những năm tháng chiến tranh, Khuê (Dòng sông Mía) quyết tâm khôi phục nghề làm mía gia truyền và vực dậy thanh thế dòng họ Đoàn. Anh ngày đêm hì hụi phục dựng lại “ông bà hàng” để ép mía. Anh hăng hái làm việc và khao khát được nghe lại tiếng bã mía rít lên đều đều ở khu lò sát bên sông của ông nội một thời. Với anh, con cháu họ Đoàn không chỉ phải “biết cách làm giàu” mà còn cần thoát khỏi cái nghèo đói cơ hàn ở làng Mía. Dòng sông Châu Giang đầy ắp phù sa cho những con người nơi đây vị ngọt của mía đường, vậy mà người dân làng Mía vẫn không sống nổi với nghề. Lịch sử chuyển mình nhưng đói nghèo vẫn bám riết vận mệnh người nông dân. Thế nhưng gánh nặng trách nhiệm với người mẹ phát bệnh điên, với việc tìm kiếm người em cùng mẹ khác cha đi bộ đội hi sinh đã dẫn đến xung đột với vợ con khi anh chưa thể làm tròn trách nhiệm của người cha, người chồng. Anh rơi vào một chuỗi bi kịch: nhà cháy, mẹ chết, vợ con coi thường. Cuối cùng, Khuê quyết rời khỏi làng Mía mà anh gắn bó máu thịt, rời khỏi mảnh đất thân yêu nhưng cũng để lại cho anh không ít tổn thương, mất mát từ những ngày thơ ấu đến lúc xế chiều. Cái gia tộc mười đời xưng hùng xưng bá ở làng Thanh Khê ấy cuối cùng đã “vỡ tung tóe”. Những ước mơ, hoài bão và cả những khát vọng đổi thay đều đóng sập trước cánh cửa hiện thực quá nhiều bất an. Sự “trật khớp” với những biến động khôn lường của thực tại khiến nghị lực, sức sống, bản lĩnh kiên cường, mạnh mẽ của người lính dù từng chiến thắng bom đạn, kẻ thù đến đâu cũng không thể chống cự. Mâu thuẫn giữa khát vọng thoát khỏi đói nghèo lạc hậu của làng quê và sự “trật khớp” với thực tại cũng là một trong những di chứng của chiến tranh trở thành nỗi ám ảnh giày vò người trai làng từ chiến trận trở về cả thể xác lẫn tinh thần.
Võ Quang Hiền (Cọng rêu dưới đáy ao) có lẽ là nhân vật phản chiếu đầy đủ nhất cho hình tượng người lính mang trong mình khát vọng thay đổi chính mình và thay đổi làng quê của tiểu thuyết viết về người lính đương đại. Anh là biểu tượng của thế hệ trẻ thời bấy giờ sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc. Hiền đã hăm hở hiến cả tuổi thanh xuân tham gia cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Kháng chiến thành công, rời quân ngũ, về làng, Hiền chỉ nuôi một ước mơ bình thường: “vui thú điền viên”, góp sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng gia đình và xóm làng được no ấm, yên vui. Anh tin rằng với kinh nghiệm và lí tưởng của mình, anh có thể mang lại những đổi thay tích cực cho quê hương. Tuy nhiên, sau khi trở về Hiền nhận ra rằng thực tế hoàn toàn khác xa mong đợi. Những người từng không tham gia kháng chiến giờ lại có địa vị cao trong chính quyền địa phương luôn tìm cách soi mói, bắt bẻ, truy bức. Các chính sách sai lầm, quan liêu khiến người dân tiếp tục rơi vào cảnh nghèo đói. Bản thân Hiền bị gò vào việc buộc anh phải nhận là “ý thức trách nhiệm kém”, bị quy là “phần tử bất mãn”, “chống đối”, những đề xuất, ý kiến của anh không được quan tâm. Những chính sách sai lầm, suy nghĩ ấu trĩ và sự ganh ghét ở làng quê khiến đã cản trở anh thực hiện ước mơ. Cuộc đời anh trở thành bi kịch khi phải chứng kiến những giá trị mình từng đấu tranh bị đảo lộn. Hiền bị o ép, quăng quật tứ phía nhưng ý chí, nghị lực phi thường của một người lính vẫn nóng ấm chảy trong huyết quản anh. Bị triệt đường sống này anh lại nảy ra con đường khác. Anh như cọng rêu nhỏ bé oằn mình dưới lớp bùn đất của đáy ao nhưng vẫn không ngừng vươn lên khỏi mặt nước duy trì sự sống cho mình. Anh làm đủ nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Cuộc sống “về làng” của anh là những chuỗi tháng ngày “thua keo này bày keo khác”. Mở lớp dạy học bị thất bại, anh lại nghĩ cách mở hiệu thuốc bắc. Hiệu thuốc khai trương chưa đầy hai tháng thì sập tiệm vì “không tham gia nghiêm chỉnh hợp tác xã”, không cam chịu để cha mẹ và vợ con chịu cảnh quanh năm chỉ có hạt lúa, củ khoai anh quyết định chuyển sang nghề may. Khi nghề may cũng bị chặn lại, anh chuyển sang nghề cắt tóc, rồi nghề nung dao, sửa nhà, cho thuê âm-li... nhưng nghề nào anh cũng bị người ta tìm cách triệt đường sống. Hiền cố gắng đấu tranh với thực tế bằng cách đưa ra những đề xuất cải thiện đời sống người dân, nhưng anh bị xem là kẻ cứng đầu, là “phần tử bất mãn” không biết thời thế. Anh bắt đầu nhận ra rằng cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu còn gian nan hơn cả cuộc chiến giành độc lập. Mặc dù vậy, khát vọng, bản lĩnh của một người lính vẫn không khiến Hiền chùn bước. Anh vẫn chờ đợi một sự đổi thay, dù sự chờ đợi ấy rất mơ hồ, nhưng ít ra anh vẫn còn hi vọng. Chút hi vọng le lói đó níu anh vào cuộc sống - dẫu là cuộc sống bằng phẳng và buồn tẻ. Nhưng éo le thay, Hiền nào có được sống phẳng lặng và buồn tẻ mà ngày càng dữ dội hơn, nghiệt ngã hơn. Dù có lòng nhiệt huyết, nhưng một mình đối mặt với những chính sách sai lầm và sự đố kỵ trong xã hội Hiền như bơi giữa dòng nước xoáy. Anh gồng hết sức mình để nhoi lên. Mỗi lần nhoi lên lại bị sóng dìm xuống sâu hơn. Anh lại cố nhoi lên và lại bị sóng dìm dìm xuống sâu hơn nữa. Cứ như thế cho đến lúc toàn thân anh bã bời như một tấm giẻ rách. Hiền rơi vào trạng thái cô đơn, mất dần niềm tin vào những giá trị mà anh từng theo đuổi. Anh như một kẻ lạc lõng trong chính ngôi làng mình khiến cuộc sống trở nên bế tắc. Cuối cùng anh qua đời trong nghèo khó và bệnh tật.
Tác giả khắc họa rõ nét diễn biến tâm lí của nhân vật Hiền, từ sự nhiệt huyết ban đầu đến nỗi thất vọng và chán chường qua từng biến cố. Từ một chàng trai say mê lẽ yêu đời giai đoạn lí tưởng và nhiệt huyết dấn thân vào con đường cách mạng; đến giai đoạn thất vọng và vỡ mộng khi trở về làng sau chiến tranh; giai đoạn bị cô lập mất phương hướng cuối cùng trở thành kẻ tuyệt vọng và chết trong nghèo đói, bệnh tật. Hình ảnh “cọng rêu dưới đáy ao” tượng trưng cho số phận của nhân vật Hiền, mong muốn một cuộc sống yên bình nhưng lại bị cuốn vào những biến động xã hội, dẫn đến những bi kịch cá nhân. Từ thất vọng, tuyệt vọng đến buông xuôi và cuối cùng cái chết như một sự giải thoát khỏi nỗi đau tinh thần lẫn thể xác đối với Hiền. Bi kịch “bị trật khớp” với thực tại trở thành một nỗi đau âm ỉ, kéo dài và khó có thể hàn gắn. Cái chết của Hiền là một kết cục tất yếu của một người từng mang trong mình hoài bão lớn nhưng lại bị thực tế tàn nhẫn vùi dập.
Khai thác khía cạnh bi kịch số phận cá nhân bị vênh lệch với đời sống cộng đồng, với thực tại không phải là chủ đề mới khi viết về người lính trở về trong tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI. Tuy nhiên, nếu trước đây bi kịch của Nguyễn Vạn (Bến không chồng), Giang Minh Sài (Thời xa vắng) phần nào có nguyên nhân sâu xa từ những nhận thức ấu trĩ của bản thân. Nói khác đi bi kịch của Vạn và Sài một phần do hoàn cảnh nhưng phần lớn do chính họ gây ra. Xét đến cùng, bi kịch của họ là do sự lầm lạc: lầm lạc về lối sống, lầm lạc về quan niệm và hành động, do đó, họ phải trả giá. Còn đối với Khuê (Dòng sông Mía), Hiền (Cọng rêu dưới đáy ao) là hình tượng mang bi kịch sâu sắc, phản ánh những xung đột giữa số phận cá nhân và những định kiến xã hội, bi kịch của sự cam chịu và khát vọng bị dập tắt. Trong tiểu thuyết nông thôn đương đại, bi kịch của người trai làng trở về từ chiến trận không chỉ là sự xung đột giữa lí tưởng và hiện thực, mà còn là bi kịch của những con người bị đẩy ra ngoài lề xã hội mà họ từng chiến đấu để bảo vệ.
3. Người lính với hành trình tìm kiếm giá trị và bi kịch bị tha hóa đến tự tha hóa
Trong các tiểu thuyết nông thôn đầu thế kỉ XXI, hình tượng người lính trở về làng không chỉ đối diện với sự mất mát và lạc lõng giữa thời bình mà còn bước vào một hành trình đầy gian truân để tìm kiếm giá trị mới trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được lối đi đúng đắn. Nhiều người rơi vào bi kịch tha hóa và thậm chí là tự tha hóa, đánh mất chính mình trong vòng xoáy của thời cuộc. Là những cựu binh trở về từ chiến trường với lòng trung thành, chính trực, nhưng Thao, Lôi, Thỏa (Thần thánh và bươm bướm) phải đối diện với một xã hội ngày càng thực dụng khiến họ rơi vào hết bi kịch này đến bi kịch khác. Mà căn nguyên của những bi kịch là nghèo đói và lạc hậu. Cuộc đời của nhân vật Thao như một cuộc hành trình tìm kiếm giá trị về những chuẩn mực đạo đức, tình làng nghĩa xóm, quan hệ gia đình và xã hội. Trở về làng sau thời gian tham gia chiến đấu, mang trong mình kí ức và phẩm chất của người lính như lòng dũng cảm và tinh thần đồng đội, Thao luôn rơi vào mâu thuẫn nội tâm trong hành trình tìm kiếm giá trị giữa truyền thống với hiện đại và nỗ lực khẳng định giá trị bản thân. Thao luôn đẩy mình vào sự giằng xé giữa việc giữ gìn giá trị truyền thống và thích nghi với những thay đổi của xã hội hiện đại. Anh vừa muốn bảo vệ những giá trị cũ, vừa khao khát đổi mới để cải thiện cuộc sống. Khi tham gia vào nghi lễ chữa bệnh bằng tình dục cùng con trai, Thao bị cuốn vào dục vọng. Từ đây, anh lại rơi vào trạng thái giằng xé giữa bản năng và đạo đức. Thao luôn phải oằn mình đấu tranh giữa dục vọng, bản năng với lí trí, thiện lương và niềm kiêu hãnh của một cựu binh. Những hi vọng hão huyền, sự tủi hổ, uất hận pha trộn với niềm kiêu hãnh về nhân cách và lẽ sống kia trong Thao vốn được thấm sâu trong máu thịt người nông dân Việt nghèo đói và tủi nhục kinh niên. Nó trở thành một vùng nhạy cảm của tâm hồn người nông dân Việt Nam, là khát vọng về danh dự, về diện mạo trước cộng đồng. Cứ thế, Thao luẩn quẩn với hào quang súng đạn của một thời quá khứ xa xôi không thể thoát ra được để tìm một cách sống khác vui vẻ, nhẹ nhàng ở hiện tại. “Vô nghĩa, trống trải và ngao ngán” là những cảm giác thường trực cứ âm ỉ trong tâm hồn Thao khi bị cả người ngoài lẫn con cái khinh thường. Trống rỗng và bế tắc, Thao thèm khát cái khí phách của những ngày xưa và đã hai lần “nổi loạn” (chữa bệnh cho Liên và ăn cắp tiền của thằng Chấn). Nhưng cả hai lần Thao đều chuốc lấy sự ê chề khiến Thao phải hét lên: “Tiên sư cuộc đời! Mẹ kiếp, chính cái lương tâm chó chết là thủ phạm làm mình nhục nhằn, khổ sở thế này đây” (Thần thánh và bươm bướm, tr. 144). Loay hoay trong niềm kiêu hãnh về nhân cách và lẽ sống của quá khứ một cách “trật khớp” với hiện tại, Thao đã mắc nhiều sai lầm mà đỉnh điểm là vô tình trở thành kẻ giết người. Sự “lệch pha” giữa cá nhân với cộng đồng đẩy con người vào trạng thái hoang mang khiến họ luôn thấy cô đơn, lạc lõng trước đám đông và rơi vào bi kịch của chính mình.
Viết về bi kịch hậu chiến của người lính - nông dân, tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn đã có những bước chuyển sâu hơn trong cảm quan về thực tại và thân phận người lính về làng. Người lính trở về làng được thể hiện trong những tác phẩm viết về nông thôn những thập niên sau 1980 đến sau 1990 như Sài (Thời xa vắng), Vạn (Bến không chồng)... rơi vào bi kịch của những người hùng không thể thích nghi được với đời thường dẫn đến tha hóa. Còn người lính trở về làng trong Thần thánh và bươm bướm, bi kịch đó đã ở một tầm mức khác. Nó không đơn giản là bi kịch bị tha hóa mà còn là bi kịch tự tha hóa. Thao là một điển hình khi anh phải đối diện và lựa chọn giữa cái “thiện lương” của người lính, của tình đồng đội với những ham muốn dục vọng, lợi ích cá nhân. Thao luôn bị giằng xé giữa tư cách một người cựu binh với người chồng, người cha, người con của dòng họ và một công dân làng. Đó là sự giằng xé để hình thành những tính cách mới, những biểu hiện của con người thế tục chứ không phải một anh hùng. Bi kịch của Thao là ở đấy. Thiếu kĩ năng tồn tại trong môi trường thế tục cũng nghiệt ngã và khốc liệt không kém chiến tranh nên Thao đã vướng vào muôn vàn cái xấu xa, ti tiện vốn không phù hợp với một chiến binh. Thao nhìn trộm đứa con chữa bệnh trong buồng kín, lôi vợ ra làm tình ngoài bờ đê giữa đêm mưa, làm tình với vợ cả trong miếu thờ của đứa con trai, nhen nhóm dục tình với con gái đồng đội, mâu thuẫn với con cái, với anh em dòng họ, đốt cháy cả chuồng vịt của Đồng để trả đũa... Nhưng may thay, Thao đã vượt qua những ham muốn với Liên bởi tình đồng đội trỗi dậy ở ranh giới cuối cùng. Thao mua súng hòng níu giữ phẩm chất người lính còn lại trong mình hòng “thể hiện” sức mạnh một quân nhân trước thằng “con rể” tương lai người Mỹ. Thao muốn giúp đỡ vợ chồng Lôi, giúp đỡ Quỳ nhưng không lường được những phức tạp của đời sống nên rơi vào bi kịch sâu sắc hơn Sài (Thời xa vắng), Vạn (Bến không chồng) là vô tình phạm tội giết người và trả giá bằng bảy năm tù. Những đồng đội khác của Thao cũng phải chịu những rủi ro của thân phận người lính hậu chiến. Đứa con của Lôi là một quái thai bởi hậu quả của những năm Lôi ở chiến trường. Vinh giả sư để cướp tàu, làm bảo kê cho bọn đào mộ cổ. Thỏa vì nghèo đói mà theo cả làng bắt bươm bướm với hi vọng đổi đời. Những lời nói và hành động giẫm bẹp lồng bươm bướm của Thỏa khi chứng kiến thằng con ông Thích tỏ thái độ xấc láo với bà con là dồn nén tận cùng sự uất ức của bi kịch thân phận người lính hậu chiến: “mày hãy nhìn những vết thương đầy người tao đây! Khi tao xông vào đạn Mĩ đánh nhau thì bố mày chơi tổ tôm ở nhà, mày còn chưa đẻ. Thế mà bây giờ chúng tao nghèo đói quá, chúng tao chạy theo bố mày để mong bớt nghèo đói, mày lếu láo không coi ai ra gì...” (Thần thánh và bươm bướm, tr. 329). Đứng trước kẻ thù người lính chỉ có một lựa chọn, nhưng đứng trước đời thường, họ phải đấu tranh trước nhiều lựa chọn không dễ dàng, trong đó có sự đấu tranh với chính mình. Những nhân vật như Thao, Thỏa, Vinh… đã mang lại cái nhìn đa chiều hơn về người lính trong bối cảnh hậu chiến - khi những người trai làng trở về. Đó là những người lính được tác giả xây dựng với quan niệm nhân vật là những tạo tác lịch sử ở những thời điểm nhất định.
4. Kết luận
Dù kế thừa những chủ đề quen thuộc của tiểu thuyết về người lính trở về giai đoạn trước đó như nghèo đói và di chứng của chiến tranh, nhưng tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI đã không tập trung mô tả gia cảnh nhếch nhác, cũng không đi sâu phân tích những vết thương thể xác và tinh thần. Các nhà văn giai viết về người lính trở về làng đoạn này đã đặt họ vào nhiều tình huống cá biệt, buộc họ phải đấu tranh lựa chọn giữa sinh kế tồn tại và trách nhiệm với gia đình, dòng tộc, với chính bản thân mình. Điều này thể hiện cái nhìn nhân văn với ý thức cảnh tỉnh mạnh mẽ và thái độ đồng cảm sâu sắc về những chấn thương thể xác và bất an về tinh thần của người lính nông dân. Chiến tranh đã đi qua, nhưng làng quê vẫn còn đó nhiều điều nhức nhối. Sự nghèo đói, bất công, những tư tưởng lỗi thời về cách thức làm ăn, về ứng xử giữa con người với con người, hệ lụy của chiến tranh… vẫn còn đó kìm hãm sự phát triển nông thôn.
Sự xuất hiện của nhân vật người lính trở về trong tiểu thuyết nông thôn đầu thế kỉ XXI không chỉ mang ý nghĩa phản ánh hiện thực mà còn đặt ra những câu hỏi về giá trị truyền thống và hiện đại. Mặc dù chỉ một vài tác phẩm “nhìn lại” đề tài người lính nhưng những điều mà các nhà văn khai thác giúp người đọc nhận ra rằng, dù thời gian có trôi qua, đề tài người lính trở về từ chiến trận vẫn luôn tiềm ẩn những vấn đề rất đáng khai thác. Tác phẩm văn học viết về đề tài này không chỉ phản ánh số phận của một lớp người, mà còn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của xã hội đối với những người đã hi sinh vì đất nước. Làm thế nào để họ không bị lãng quên, không bị đẩy ra bên lề? Làm thế nào để họ tìm lại được giá trị và giữ vững phẩm chất của mình, có thể dung hòa giữa quá khứ và hiện tại? Đây không chỉ là câu chuyện của riêng người lính, mà còn là vấn đề của cả một dân tộc trong quá trình phát triển. Và những câu chuyện về người lính trở về không chỉ để kể về chiến tranh, mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ về những giá trị mà cha ông đã gìn giữ cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
H.K.O