Thứ Tư, 01/07/2020 10:15

Nguyễn Du bên ngoài truyện Kiều

Đối với PGS.TS Đỗ Lai Thúy, những tác phẩm này của Nguyễn Du đều là những nhân tố giúp ông đưa ra những lý giải về cuộc đời nhiều thăng trầm và biến động của một đại thi hào... (MINH ANH)

Nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Book Hunter cùng với Sao Phương Đông phối hợp tổ chức sự kiện Giao 2 với chủ đề Nguyễn Du bên ngoài truyện Kiều.

Năm 1820, vua Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi, Nguyễn Du khi ấy 54-55 tuổi, được cử đi sứ nhà Thanh, nhưng do dịch tả hoành hoành, Nguyễn Du được cho là mất vì dịch bệnh tại Kinh thành Huế, vào ngày 16/9/1820.

PGS.TS Đỗ Lai Thúy tại sự kiện

Buổi chia sẻ diễn trong tại không gian phòng trà nhỏ, ấm cúng tại trụ sở Sao Phương Đông. Không có sân khấu hay người dẫn chương trình, PGS.TS Đỗ Lai Thúy trực tiếp ngồi tại một bàn trà, cùng nói và chia sẻ với mọi người về nghiên cứu của ông mang tên “Nguyễn Du – Từ một ai đó đến không ai cả”. Người tham dự có độ tuổi trải đều từ các bạn học sinh đang học về Nguyễn Du cho đến những người lớn tuổi yêu mến và muốn tìm hiểu về Nguyễn Du.

Với sự kiện lần này, Ban tổ chức mong muốn có những sự khai thác, tìm hiểu mới mẻ hơn về Nguyễn Du, về cuộc đời và bản ngã của ông, về những tác phẩm khác ngoài truyện Kiều - nơi Nguyễn Du gửi gắm từng suy nghĩ và góc nhìn thời đại của ông. Đối với PGS.TS Đỗ Lai Thúy, những tác phẩm này của Nguyễn Du đều là những nhân tố giúp ông đưa ra những lý giải về cuộc đời nhiều thăng trầm và biến động của một đại thi hào.

Mồ côi từ thuở ấu thơ

Từ khi sinh ra cho đến 5 tuổi sống trong nhung lụa ở Thăng Long, cho đến khi Nguyễn Nghiễm cáo lão từ quan, Nguyễn Du cùng cha mẹ về quê nội Tiên Điền, bên dòng sông Lam, dưới chân Hồng Lĩnh. Trong kí ức của Nguyễn Du có cuộc đón tiếp huy hoàng ở bến Giang Định. Nhưng chỉ 5 năm sau Nguyễn Du mất bố, 2 năm nữa thì mất mẹ. Đứa trẻ mồ côi phải sống nhờ người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Từ đó, Nguyễn Du cũng nổi chìm cùng anh trai vì sự trả thù của Trịnh Cán. Đến khi Trịnh Tông giành được ngôi Chúa, tưởng cuộc sống được yên, thì Kiêu binh nổi lên phá nhà, giết hụt Nguyễn Khản, khiến ông phải trốn lên Sơn Tây. Rồi nhà Lê-Trịnh sụp đổ, Tây Sơn kéo quân ra Bắc. Những cuộc đổi thay xã hội khiến Nguyễn Du rơi vào cuộc đời gió bụi.

Ông đã viết trong “Quỳnh Hải nguyên tiêu” với giọng văn buồn bã, nhớ về huynh đệ của mình trong khi đang ở tại quê vợ tại Thái Bình vào năm 30 tuổi:
“Đêm rằm tháng giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời.
Vầng trăng vẫn đẹp như xưa, không hề thay đổi.
Chẳng biết nhà ai được hưởng thú vui xuân đêm nay
Ở đất Quỳnh Châu ngoài muôn dặm này?
Còn ta thì ở quê hương Hồng Lĩnh, chẳng còn nhà cửa, anh em cũng đều tan tác cả.
Đầu đã bạc, càng giận cho ngày tháng trôi mau.
Cảm động biết bao, giữa lúc cùng đường, tuổi đã ba mươi,
Đang ở nơi chân trời góc biển, mà trăng vẫn từ xa đến với ta.”

Khi nhà nho thành người theo đạo Phật

Mất người thân, mất điều kiện sống ổn định, mất tính chính đáng và tính vĩnh cửu của vương quyền khiến Nguyễn Du, nhìn từ phân tâm học Freud, rơi vào mặc cảm bị tước đoạt. Điều này tạo ra một trống rỗng lớn trong tâm hồn ông. Cả lý tưởng cái tôi lẫn cái tôi lý tưởng ở Nguyễn Du đều bị tổn thương nặng nề. Có thể nói, đến đây, về mặt tâm thần, Nguyễn Du chẳng những không lấp đầy được trống rỗng mà còn lún sâu vào tình trạng phân rã, hoặc phân liệt, hay khủng hoảng tâm thần. Hẳn đó là thời điểm Nguyễn Du tìm đến với đạo Phật, tu tập trước hết để chữa mình, sau mới tìm đến giác ngộ. Hay, đúng hơn, giác ngộ để chữa mình.

Bài thơ Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài không chỉ cho thấy sự hiểu biết sâu sắc Phật giáo Đại thừa, cụ thể là Thiền tông, cả tư tưởng lẫn lịch sử truyền thừa, mà, quan trọng hơn, quá trình đi đến giác ngộ của Nguyễn Du.
Nơi phân kinh của thái tử Chiêu Minh nhà Lương
“Đài đá còn ghi chữ phân kinh
Nền hoang hoa dại phủ trong mưa
Trăm cỏ chết khô run sợ rét
Chẳng thấy lưu kinh ở nơi nào?”

Theo những chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đỗ Lai Thúy cho biết cuộc đời của Nguyễn Du trải qua nhiều thăng trầm từ một nhà nho tài tử đến việc giác ngộ trở thành một thiền sư cư sĩ, điều này được thể hiện trong nội dung các sáng tác về sau. Dù là một nhà nho nhưng Nguyễn Du có cái nhìn cởi mở, thương người, thương thân phận kỹ nữ bị xã hội phân biệt. Nguyễn Du dường như cũng nhận ra, thân phận kỹ nữ thời đó chính là những người gìn giữ một phần những nét văn hóa, thơ ca nhạc họa của dân tộc. Cái nhìn, tư tưởng đó ảnh hưởng ít nhiều từ những biến cố gia đình, sự ly tán và sự sụp đổ của triều đại mà Nguyễn Du đã nếm trải.

MINH ANH