Thứ Tư, 06/03/2019 13:55

Nhà nghiên cứu, giảng viên 8x ra mắt giáo trình “Lí thuyết liên văn bản”

“Bất cứ văn bản nào cũng có tiềm năng trở thành chất liệu của một văn bản khác ra đời sau nó, cũng có quan hệ tương cận, tương giao hoặc tương đồng với văn bản khác.”

“Bất cứ văn bản nào cũng có tiềm năng trở thành chất liệu của một văn bản khác ra đời sau nó, bất cứ văn bản nào cũng được giả thiết là sự trích dẫn, chồng xếp, đồng quy vô số văn bản khác nhau, bất kì văn bản nào cũng có quan hệ tương cận, tương giao hoặc tương đồng với văn bản khác.”

Giáo trình Lí thuyết liên văn bản của tác giả Nguyễn Văn Thuấn 430 trang khổ 14,4 x 20,5 do Nxb Đại học Huế ấn hành quý 1/2019. Đây là giáo trình đầu tiên ở Việt Nam về lí thuyết liên văn bản 

Thuật ngữ tính liên văn bản (tiếng Pháp: intertextualité, tiếng Anh: intertextuality) xuất hiện đầu tiên trong tiểu luận Từ, đối thoại và tiểu thuyết của Julia Kristeva, giữa bối cảnh cấu trúc luận với tư cách là một lí thuyết khách quan về văn bản đang bị đả phá dữ dội tại Pháp vào nửa cuối những năm 1960. Thuật ngữ này được chuyển dịch và sử dụng phổ biến ở Trung Quốc là hỗ văn tính. Tính liên văn bản vì vậy có thể được hiểu là mối quan hệ tương hỗ, tương giao, đan cài vào nhau giữa hai hay nhiều văn bản. Theo từ nguyên Latinh, text có nghĩa gốc là tấm vải dệt, sự bện dệt. Như thế, ở cả phương Đông và phương Tây, văn bản được hình dung như một tấm vải dệt, do những “sợi trích dẫn” đan bện, phối trộn ngang dọc hoà hợp vào nhau mà thành. Tính liên văn bản vì vậy còn được hiểu là đặc tính bản thể luận của mọi văn bản. Về cơ bản, tính liên văn bản là quan hệ cộng sinh giữa các văn bản, được thực hiện trong sự sản xuất văn bản của tác giả và tiêu thụ văn bản của người đọc.

Xuất phát từ những hệ quy chiếu khác nhau, theo thời gian, lí thuyết liên văn bản trở nên phức tạp, đa nguyên, xuyên trường phái, mở và năng sản. Vì linh hoạt như vậy, nó tiếp tục được sử dụng phổ biến trong một số khuynh hướng lí thuyết phê bình văn học đương đại như phê bình nữ quyền luận, chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa tân lịch sử,… và mở rộng sang các lĩnh vực nghệ thuật phi văn học và nghiên cứu văn hóa.

Những năm gần đây, lí thuyết liên văn bản đã bước đầu đi vào đời sống nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam, được đưa vào chương trình đào tạo thạc sĩ ngành ngữ văn ở một số cơ sở đào tạo trong nước. Lí thuyết liên văn bản có tầm quan trọng đặc biệt bởi chính nó đã làm thay đổi hệ hình nghiên cứu văn học, làm nảy sinh những cách tiếp cận văn học mới. Trong cách tiếp cận liên văn bản (intertextual approach), mỗi sự sinh thành của văn bản là một quá trình tương tác, tương sinh, đối thoại giữa các văn bản trong biển cả diễn ngôn xã hội - lịch sử.

Là người từng đi sâu nghiên cứu lí thuyết liên văn bản, từ năm 2015 đến nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuấn chính thức giảng dạy học phần lí thuyết này cho học viên cao học tại khoa Ngữ văn - trường Đại học Sư phạm Huế và khoa Ngữ văn - trường Đại học Khoa học Huế. Giáo trình Lí thuyết liên văn bản ra đời nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, nghiên cứu lí thuyết khá mới mẻ này ở Đại học Huế nói riêng, ở Việt Nam nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuấn sinh năm 1982, hiện là Trưởng khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

Trong khuôn khổ giáo trình, tác giả bước đầu trình bày một số vấn đề lí thuyết và lịch sử của tính liên văn bản trong bối cảnh chủ nghĩa hình thức Nga, chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc, xã hội học văn học của Bakhtin, lí thuyết tiếp nhận và phê bình kí hiệu học của Eco và một số phương diện thi pháp liên văn bản. Phần I của giáo trình tập trung làm rõ một số vấn đề lí thuyết và lịch sử của tính liên văn bản. Phần II tập trung trình bày một số thi pháp liên văn bản gồm: trích dẫn, lắp ghép, giễu nhại, phỏng nhại, viết lại, viết tiếp, ảnh hưởng, đọc nhầm…

Tác giả Nguyễn Văn Thuấn chia sẻ: “Mỗi chương của giáo trình có tính độc lập tương đối, nó được thiết kế để bạn đọc kiên tâm có thể đọc nó theo trật tự tuyến tính đồng thời cũng có thể đọc nó theo cách thức phi tuyến tính, tùy thuộc vào năng lực và mục đích của người đọc. Giáo trình này là một liên văn bản, không chương mục nào mà không vang vọng tiếng nói của những nhà nghiên cứu đi trước và mời gọi những sự lĩnh hội phản hồi đến từ người đọc. Nó chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sơ lược và sai sót thuộc về trình độ và năng lực sàng lọc, tinh chế của người biên chép. Độc giả tiếp cận các chương mục của giáo trình cần để tâm trí rộng mở và tự do, đưa trải nghiệm đọc của mình vào trò chơi phê phán đồng thời sử dụng mạng internet, một thành tựu lớn của văn minh nhân loại để trải nghiệm tính liên văn bản bất tận: bất kì văn bản nào cũng là kết quả của thực tiễn trích dẫn, lắp ghép, thương lượng; nơi mà những gì biệt lập, cô lập, độc sáng đều bất khả và không có tương lai.”

Về cuốn giáo trình Lí thuyết liên văn bản của tác giả Nguyễn Văn Thuấn, tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy phát biểu: “Nội dung giáo trình được cấu trúc một cách logic, các thuật ngữ phức tạp được tác giả giới thuyết rõ ràng, chứng minh thuyết phục, kiến giải sắc sảo bằng vốn kiến văn sâu rộng và văn phong khúc chiết, chặt chẽ. Những hiểu biết nhất định về liên văn bản mà cuốn sách mang lại sẽ giúp chúng ta có những khám phá mới và sâu sắc hơn trong khoa học văn chương.”

TẦM THƯ