Thứ Ba, 24/05/2022 11:11

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương: Với đàn bà, yêu là coi như 'xong' rồi...

Ngày xưa còn trẻ, đôi khi tôi cứ thầm ước ao là giá như mình đừng là con người có quá nhiều cảm xúc thì chắc cuộc đời sẽ không trở thành thi sĩ và chắc cũng bớt chông chênh…

Đặng Thị Thanh Hương vừa có chuyến trở về từ Mĩ, nơi chị đang sinh sống. Trong thời gian ở Việt Nam chị đã kịp in và ra mắt tập thơ thứ 8 của mình, tập thơ được chị coi như khép lại hành trình 10 năm với nhiều biến động. Từ giọng thơ nữ mới lạ những năm chín mươi mạnh mẽ và quyết liệt, đến hôm nay, thời gian, tuổi tác cùng những trải nghiệm đã đem đến một Đặng Thị Thanh Hương đằm sâu, chiêm nghiệm. Đọc thơ chị vẫn thấy đau đáu một chữ yêu, vẫn mải miết kiếm tìm một bến đỗ dù "cánh buồn xưa đã đắm cuối chân trời", nhưng đã an nhiên hơn trước mỗi vui buồn. Những chia sẻ của chị với VNQĐ.

- Chào chị Đặng Thị Thanh Hương! Có vẻ như chuyến trở về lần này của chị khá nhiều xúc cảm?

+ Đúng thế bạn ạ! Chỉ mới hơn hai tháng mà tôi làm được nhiều việc quá, vừa bán nhà, mua nhà, cho thuê chung cư, vừa lướt qua thị trường bất động sản phía Nam vùng ven Sài Gòn và cũng gặt hái được chút ít thành quả. Nhưng đặc biệt nhất tôi đã hoàn thành một việc lớn là in tập thơ mới sau 10 năm không xuất bản. Tập thơ này gói ghém rất nhiều tâm trạng của những tháng năm rời xa Hà Nội và Việt Nam. Tập thơ được bạn của tôi họa sĩ Trần Thắng vẽ bìa, trình bày và vẽ phụ bản chỉ trong 2 tuần. Cả đọc morat và xin giấy phép cũng chỉ chừng ấy thời gian. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cấp phép tập thơ rất nhanh nên mọi việc mới dễ dàng như thế. Tập thơ tâm huyết này của tôi lại được nhà thơ Nguyễn Quyến đứng ra lo liệu việc in ấn và quả thực là rất đẹp. Bạn có thấy thế không (cười). Sáng 20/5 vừa qua là một ngày khó quên với tôi khi rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp báo chí cũng như văn chương đã đến chung vui với tôi trong buổi lễ ra mắt tập thơ. Lễ ra mắt này cũng được một người em là chủ của hệ thống Bloom Spa Nhật bản lo liệu. Cảm xúc vừa vui và cảm động đã xóa đi hết những tháng ngày tha hương buồn bã. Hạnh phúc có lẽ không thể lớn hơn khi biết rằng mình vẫn còn đó trong lòng bè bạn và độc giả.

- Mà thực ra tôi thấy chị luôn luôn là người ngập tràn xúc cảm. Xúc cảm đã khiến chị làm thơ hay vì làm thơ mà chị nhiều xúc cảm? Nhìn nhận thế nào thì hợp lí hơn nhỉ…

+ Chắc xúc cảm mới làm nên thơ ca và con người của mình. Nếu không có cảm xúc chắc chắn chúng ta chỉ khô khan đi qua mọi thứ đã gặp trong đời để mà câm lặng với tất cả sự thay đổi đó. Cảm xúc khiến chúng ta không thể không xốn xang, bứt rứt và suy tư… Với cuộc đời của tôi, những xúc cảm đã chi phối và lăn tôi trôi dạt trên mọi ngóc ngách của đời sống và tình cảm. Cảm xúc đôi lúc giúp tôi thăng hoa trong văn chương nhưng lại đẩy tôi tới tận cùng nỗi đau thương… Ngày xưa còn trẻ, đôi khi tôi cứ thầm ước ao là giá như mình đừng là con người có quá nhiều cảm xúc thì chắc cuộc đời sẽ không trở thành thi sĩ và chắc cũng bớt chông chênh…

Người có nhiều cảm xúc thì dễ yếu đuối nhất là phụ nữ.

- Nhiều nhà thơ thường có thơ tự họa mình, còn chị thì “tự họa” bằng những câu hỏi: Ta là ai mà lụy phiền đến thế/ Ta là ai mà tim ứa máu tràn/ Ta là ai mà câu thơ buốt lệ/ Ta là ai - vì sao chợt rơi tan? Chị có cho rằng chị hiểu hết bản thân mình không? Có điều gì chị chưa tường tận về mình?

+ Chắc là rất khó để khẳng định rằng tôi thực sự hiểu rõ về bản thân mình trong tình cảm. Giống như tình yêu vậy, làm sao có thể biết rằng ta yêu người đó vì cái gì cụ thể. Vì với ta có thể họ đẹp trai, hào hoa và quyến rũ, còn với người khác họ lại không hề hấp dẫn. Đó chính là sự bí ẩn của tình yêu mà vì sự bí ẩn ấy đã làm cho chúng ta điêu đứng. Những câu thơ mà bạn vừa nhắc không nói về tình yêu, chỉ là những trạng thái tinh thần khi mà có đôi lúc chính ta cũng không hiểu được mình. Thơ mà như bạn nói là những xúc cảm tại một thời điểm. Tôi khá hiểu tôi về tính cách, tâm hồn, lối sống, các hành vi ứng xử trước cuộc sống vì tôi biết chắc rằng với những việc ấy tôi luôn có chuẩn mực cho chính mình. Chỉ có trái tim là khó điều khiển. Trái tim thi sĩ không có quy luật nào cả khi đứng trước một tình yêu bất chợt. Mà với đàn bà, yêu là coi như “xong” rồi… (cười)

Đặng Thị Thanh Hương trong buổi ra mắt tập thơ Cánh cửa bên kia trời hôm 20/5 tại Hà Nội. Ảnh: DTT

- Bên một người và khi người ấy đã thành kỉ niệm, sống ở một vùng đất và khi đã rời xa vùng đất ấy - hiện tại hay quá khứ cho chị nhiều cảm xúc hơn?

+ Tất cả đều sẽ có một ngày mọi thứ trở thành kỉ niệm. Với tình yêu lại càng khó giữ. Có thể nói tôi là người đa tình, yêu khá nhiều và trả giá trong tình ái cũng nhiều. Nhưng một ngày khi những tình yêu này vỗ cánh bay đi. Tôi sẽ đứng lại ở một góc con đường, tự nhặt nhạnh lại những kí ức và tự mình khâu lại những vết thương lòng. Chẳng có người tình nào đến giờ tôi còn oán giận, chẳng có cuộc tình nào còn làm cho tim tôi nhức nhối mỗi lúc nhớ về. Đặc biệt, tôi là người biết quên bởi luôn nghĩ khi những gì không thuộc về ta nữa thì có nhớ cũng chẳng ích gì. Tôi bây giờ đã đi qua thời tuổi trẻ, thời mà người phụ nữ hay lấy tình yêu là lẽ sống. Khi đàn bà tóc đã bạc, kinh nghiệm sống đã dầy, họ ít khi sống bằng kỉ niệm. Tôi cũng vậy, thời gian xa quê hương, nỗi nhớ lớn nhất là chính tôi của những công việc quen thuộc ở trong nước với gia đình và bè bạn.

- Kí ức đẹp đôi khi là cánh diều bay bổng, nhưng kí ức buồn đôi khi lại là mỏ neo nặng vạn cân. Chị sống giữa hai chiều kích ấy thế nào? Đâu là cái phao định vị giữ thăng bằng cho chị?

+ Thật khó nói về quá khứ và những kí ức. Nếu bảo chỉ có những nỗi buồn thì không đúng. Bởi trong mỗi cuộc tình dù kết thúc bao giờ cũng buồn thì ít ra chúng ta đã được sống trong một khoảng thời gian hạnh phúc. Tôi biết ơn những kí ức ấy đã xây cho tôi cả hành trình dài từ trẻ đến hôm nay. Và điều cuối cùng tôi ngộ ra rằng, những kỉ niệm đã neo tâm hồn tôi giữa những chiều không gian và thời gian. Để tôi biết mình giờ đây còn cần gì và cần sống thế nào. Ngày xưa tôi cứ ngỡ đời mà không có tình yêu chắc là tẻ nhạt lắm. Nhưng bao năm nay, tôi chẳng yêu ai, không mong muốn đi tìm thêm một cuộc tình thì tôi lại thấy đời bình yên đến lạ. Vui chẳng quá mà buồn không bi lụy. Chỉ đôi khi xao xác mùa đông đến, cô đơn nhìn trời tôi chợt một chút nao lòng… Chỉ thế rồi thôi..

- Dãi dầu nắng mưa phủ kín cuộc đời/ Chợt ngoảnh lại đã mù xa tuổi trẻ. Có điều gì khiến chị tiếc nuối ở thanh xuân?

+ Ai cũng thế, nhất là phụ nữ khi bắt đầu thấy tóc chuyển màu là cảm giác bất an ùa về. Tôi cũng không ngoại lệ, bởi ngày xưa cũng đã từng xuân sắc. Điều tôi nuối tiếc nhất có lẽ chính là đã quá dại khờ. Dại ngay cả trước cuộc đời và khờ cả trong tình yêu nữa. Nhưng nếu không khờ dại, chắc gì đã có tôi như hôm nay. Tôi hay nói chuyện cùng con gái, đôi khi muốn dạy con một tí cho khôn hơn mình mà cuối cùng con vẫn đi lại chính con đường mà tôi đã đi qua. Chúng tôi đều đi trên nỗi cô đơn của một người đàn bà.

- Những người đàn bà yêu - nhớ - thương - quên cả chính mình/ Họ chỉ biết sống với tình người đàn ông cho họ. Đọc thơ chị cảm thấy phụ nữ “lép vế và thụ động” còn đàn ông “cửa trên và ban phát” quá. Đàn ông cũng vật vã, cũng khổ cũng lụy vì tình nhiều đấy chứ?

+ À vâng, có lẽ thế, nhưng cái vật vã của đàn ông thường bị giấu kín còn đàn bà thì hay phơi ra ngoài. Tôi viết câu thơ ấy vì cảm giác của nỗi mất mát trong một cuộc tình. Mà đúng thật, có câu nói: “Với phụ nữ tình yêu là cả cuộc đời”. Khi người đàn bà yêu, họ hay lụy tình hơn đàn ông. Họ sở hữu người yêu giống như một tài sản thế nên mới: Họ chỉ biết sống với tình người đàn ông cho họ… Không phải họ lép vế hơn mà họ bị động hơn trong tình yêu ấy. Tôi cũng không ngoại lệ, cá tính càng mạnh mẽ thì hành động càng quyết liệt. Chắc thế mà khó có người đàn ông nào chịu nổi (ha ha).

Đặng Thị Thanh Hương kí tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: NVCC

- Thầy Hoàng Ngọc Hiến từng ví sự bùng nổ trong thơ của chị giống như sự bùng nổ của Y Ban trong văn xuôi. Chị nghĩ thế nào về so sánh này?

+ Thực ra tôi chỉ biết lời thầy Hoàng Ngọc Hiến nhận xét khi đọc bài của một nhà báo. Chứ ngày đi học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, thầy là người rất nghiêm khắc, ít khi thầy khen tác phẩm của học viên chúng tôi. Ở những bài thi tác phẩm, thầy cũng rất kiệm lời nhận xét. Có lúc nào thầy vui thì chỉ nói: Tôi thấy bài được cần cố gắng sáng tạo hơn… Những ngày học trong trường Nguyễn Du với chúng tôi là những năm tháng đẹp đẽ và đáng nhớ nhất với cuộc đời sáng tác của mình. Các thầy chỉ như những người anh đi trước chỉ dắt chân tình chứ không phải dạy. Mà thầy Hiến cũng nói: thơ ca có ai dạy được cho ai, chỉ là sự trau dồi kiến thức cùng tài năng mới thành công. Lớp tôi khóa V ngày đó giờ cũng chỉ đôi ba người còn viết. Sự so sánh nào cũng là vô nghĩa. Nhất là văn xuôi và thơ ca. Tôi vốn ít quan tâm tới những điều này kể cả ngày tôi còn rất trẻ thì cũng không se sua ganh tị với người khác. Tôi cứ lặng lẽ đi và lặng lẽ viết… Dù có tỏa hương hay không cũng không phải là điều quan trọng. Tôi chỉ tâm niệm với chính mình: Đã làm gì thì cũng phải làm thật tốt. Mà nghệ thuật nếu làm dở thì thôi bỏ chứ không cố gắng được.

- Chị nói rằng, 10 năm qua với chị là 10 năm dâu biển với những biến động lớn. Việc thay đổi không gian sống từ Hà Nội (nơi chị khẳng định là thân thuộc nhất và sẽ trở về khi cuối đời), đến Sài Gòn và xa xôi hơn, tận nước Mĩ, có phải từ những biến động trong tâm hồn?

+ Đúng là gần 10 năm qua, với tôi quá nhiều đổi thay. Việc thay đổi vùng đất sống cũng là do tôi quyết định thôi chứ không phải do biến động của tâm hồn như bạn hỏi. Tôi đang ở Hà Nội, một ngày tôi tự thấy nếu có hai mẹ con mà mỗi người mỗi nơi là không được nên tôi quyết định chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Con gái tôi lúc này mới từ Anh trở về làm việc tại đây nên tôi theo con. Tôi chỉ có một cô con gái mà hai mẹ con bao năm xa cách nhau do cháu đi du học. Thay đổi môi trường sống lúc đầu cũng gặp nhiều trở ngại, nhưng với bản lĩnh của mình tôi vượt qua rất dễ dàng. Chỉ sau một năm tôi đã thân thuộc với Sài Gòn từng con phố. Nhiều người bảo vào Sài Gòn chán nhất là hay lạc đường, thế mà tôi thì chỉ sau một năm là đã quen hết các lối đi về. Bây giờ Sài Gòn với tôi có những ngôi nhà tôi mua được và vẫn để đó không bán đi. Tôi lại theo con gái sang tận Mĩ, cũng chẳng phải vì đã li hôn chồng cũ mà cũng vẫn vì con. Người đàn bà luôn là thế, lúc nào cũng sống cho con, cho chồng vô điều kiện. Đôi khi tôi cũng thấy chạnh lòng vì sự thay đổi khiến mình vất vả quá. Nhưng may mà tôi đã chịu đựng và vượt qua được. Cuộc sống nơi xứ người cũng không còn quá khó khăn vì ba năm rồi mọi thứ cũng lại đã quen hơn với tôi, một người luôn dễ thích nghi trước mọi biến động của cuộc sống.

- Trong thơ chị rất nhiều mưa, và nhiều bài thơ được chị làm trong những ngày mưa gió. Thật tình cờ, những ngày chị trở lại Hà Nội và ra mắt Cánh cửa bên kia trời cũng là những ngày Hà Nội triền miên mưa, dù đã là những ngày tháng 5. Mưa và những gì của Hà Nội đã neo giữ tình cảm của chị?

+ Mấy hôm nay, tôi về Hà Nội mưa nhiều quá. Vào tháng 5 mà chợt gặp gió bấc, cả Hà Nội đường phố như tím biếc màu hoa bằng lăng và rực rỡ màu phượng vĩ. Những khu nhà cao tầng đang xích lại nhiều hơn, và con đường cứ như bé lại. Người xa xứ nhìn thấy cây cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Tuy vắt qua sông Hồng, lại nghĩ cây cầu Long Biên đi vào thế kỉ, cũ kĩ như người Hà Nội thời bao cấp ấy. Nó đầy ắp kí ức một thời gieo neo, một thời thật vất vả thật khó khăn, nhưng sống thật đẹp. Ngày nào cũng mưa, đường ướt át như một mùa đông của nhũng năm nào tôi còn ở Hà Nội. Mà với trời đất thế này sao tránh khỏi ngậm ngùi. Nhất là với tôi một người đã rời xa Hà Nội gần chục năm rồi. Những cơn mưa ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn tôi và những trang viết.

Tôi vốn sinh ra từ Yên Bái, vùng quê tôi được gọi là cái rốn của trời vì những cơn mưa không ngừng không dứt. Thuở nhỏ, mỗi khi trời mưa tôi thường đứng trên ban công sân nhà và mơ ước. Từ những cơn mưa ấy thúc đẩy tôi về một dự định ra đi. Lớn lên tôi quyết thi đỗ đại học để rời xa ngôi nhà mẹ nhiều mưa ấy. Có lẽ vì thế mà tôi sớm đã tượng hình là một kẻ làm thơ. Mà mưa rơi, nhìn ai mà chẳng thấy buồn man mác, nỗi buồn không rõ ràng nhưng ma mị.

Cánh cửa bên kia trời - Tập thơ "gom góp 10 năm dâu biển" của Đặng Thị Thanh Hương. Ảnh: DTT

- Quê hương ngàn trùng đã vời vợi xa/ Khi nhàn hạ lòng quằn lên nỗi nhớ/ Hồn vượt biển tìm vuông trời tuổi nhỏ/ Bến nước, con đò vọng mãi tiếng mẹ ru… Quê hương và tuổi thơ trong chị thế nào?

+ Ai mà chẳng có nơi chôn rau cắt rốn của mình, như đã nói, tôi sinh ra ở Yên Bái một thành phố phía Bắc. Ngày còn thơ bé cũng như bao đứa trẻ con nhà nghèo tôi cũng biết đi lấy rau bèo nuôi lợn, cũng trèo cây, lên rừng hái củi về nhà đun. Ngôi nhà của cha mẹ tôi nằm trong một thung lũng phía trên là rừng bên ngoài cổng là một cái ao rất rộng. Ngôi nhà đầy hoa và cây ăn quả rất đẹp luôn mang lại cho tôi nhiều trò chơi tinh nghịch của một đứa trẻ. Những trái cọ om ngọt bùi mà tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Trường học của tôi ngay cạnh bờ sông Hồng. Cây đa già, bến đò cũ … ngày đó sao mà êm đềm thế. Bao nhiêu kí ức rất đẹp đã đi theo tôi phiêu bạt khắp địa cầu. ..”Những bước chân giờ đã mỏi/ Con giờ tóc trắng giống cha/ Những bông lau rừng thuở ấy/ Phất phơ kí ức rừng già…”

- Có bạn đọc nói rằng, nếu đọc thơ Đặng Thị Thanh Hương vào những ngày mưa rất dễ… tự tử. Chị nghĩ sao về điều này? Chị có nghĩ đó là thành công khi thơ của mình đã chạm đến trái tim người đọc, bởi nỗi buồn thời nay đôi khi cũng trở thành xa xỉ…

+ Tôi thật sung sướng khi nghe bạn nói thế. Ai đó đọc thơ trong một ngày mưa rơi tầm tã, nhất là khi bạn đang ở cách rất xa nhà, xa người thân và vừa mới chia tay một người tình… quả thật sẽ buồn nát cả lòng. Thơ tôi buồn, vì lúc vui tôi không viết được. Thi sĩ thời nào chả thế. Chỉ khi lòng đau, chỉ khi nằm trong một căn gác trọ lắng nghe mưa rơi ngoài hiên cửa bỗng nhiên kỉ niệm ùa về và thơ lúc đó viết sao mà buồn thế. Ở California, trời rất ít khi mưa. Hiếm hoi lắm một cơn mưa đến là tôi lại nhớ nhà. Nỗi nhớ ấy đằm sâu trong tim người đi xa bạn ạ. Mưa ở Hà Nội chỉ chạnh buồn nhưng “sướng” còn mưa xứ người tê tái vô cùng. Cảm giác này phải trải nghiệm mới hiểu được. Thế nên thơ tôi dù buồn nhưng không xui ai tự tử đâu vì bao giờ câu kết tôi cũng mở ra một con đường mới cho người đọc…

- Chị tìm thấy gì ở những vùng đất mới?

+ Tôi đã tìm thấy ở những vùng đất mới con người mình trong những trải nghiệm có thể nhọc nhằn nhưng vô cùng đáng quý và thú vị. Hành trình càng dài, càng cho chúng ta những kinh nghiệm để sống và cho đi. Tôi đã biết mình cần gì, muốn gì và cho đi như thế nào. Đó chính là vốn sống cho một đời người - nhất là một người cầm bút.

- Khoảng cách giờ đây cũng là một thứ rất tương đối. Ví như dù ở Mĩ nhưng chị và bạn bè vẫn kết nối hàng ngày, vẫn “gặp nhau” thường xuyên trên facebook. Phải chăng những khoảng trống vô hình mới là điều đáng kể

+ Thời đại 4.0 đúng là khiến con người ta xóa bỏ được khoảng cách về địa lí rất nhiều. Chính thế mà chúng ta biết về nhau hàng ngày, cảm giác như chưa hề chia xa đến thế. 3 năm xa quê hương tôi vẫn nhìn thấy mẹ tôi, thấy ngôi nhà của tôi dù cách nửa vòng trái đất. Nhìn thấy để cảm giác được an lòng, được bình yên dù đang trong dịch covid khó lường. Nhưng dù thế nào, trong lòng tôi vẫn khó xóa mờ được một nỗi buồn vô định. Khoảng trống rỗng kinh khủng khi ta ở trên một xứ sở khác. Nơi dù nhà có thật rộng, vườn có thật nhiều hoa ta vẫn chẳng thể gọi đó là nhà mình. Có lẽ tại tôi là một thi sĩ, vì thi sĩ thì luôn mang nỗi cô đơn bẩm sinh trong sâu thẳm lòng mình.

Đặng Thị Thanh Hương ở Mĩ, ngoài thời gian đi làm vẫn trông cháu và chăm chó như những niềm vui đời thường. Ảnh: NVCC

- Cuộc sống bây giờ bao nỗi hiểm nguy/ Loài người đáng thương và con người đáng sợ/ Những con vi rút tràn từ khung cửa nhỏ/ Mà tan hoang triệu triệu giấc mơ đời… Mỗi giai đoạn người ta sẽ nhìn cuộc đời theo một cách khác nhau, với chị, bên cạnh những biến động cá nhân thì còn là sự chứng kiến những biến động lớn của thế giới, của thời cuộc, đặc biệt là những trải nghiệm về đại dịch Covid-19 ở Mĩ và Việt Nam. Tất cả những điều đó đã tác động thế nào đến chị?

+ Hơn hai năm qua, tôi chứng kiến đại dịch covid trên khắp thế giới, nhất là ở Mĩ. Tôi làm báo nên luôn biết thông tin. Những con số người chết hàng ngày từ nước Mĩ tới Việt Nam khiến mọi người đều rất sợ hãi. Có những lúc căng thẳng nhất, gia đình chúng tôi không ai dám đi ra ngoài. Đồ ăn dự trữ và nỗi lo sợ mơ hồ làm cho tôi căng thẳng tới mức sụt gần 10kg. Rồi dịch ở Mĩ qua dần, người chết thì cứ chết người sống vẫn phải sống nên mọi người đã trở lại cuộc sống bình thường. Lúc Việt Nam căng thẳng nhất, tôi tham gia vào các group Giúp nhau mùa dịch và gửi khá nhiều tiền về giúp đỡ những người bị covid ở trong nước. Những ngày ấy đã làm tôi nhận thức ra rất nhiều điều. Tôi thấy sự sống và cái chết không có ranh giới nào. Mọi thứ thật mong manh và khó níu giữ. Những ngày này tôi đã viết: Cánh cửa bên kia trời, như thế.

- Vừa cúi mặt, thì thời gian thiên biến/ Ngẩng lên trời, phía trước đã mây bay… Những câu thúc về thời gian hiện diện nhiều ở những bài thơ cuối cùng trong tập thơ mới của chị và cũng thấy hé mở về một nơi không có khái niệm thời gian, không gian, không còn ranh giới ở “cánh cửa phía bên kia”. Chị có thể cho bạn đọc một hình dung về Đặng Thị Thanh Hương ở thời điểm đang chạm vào tay nắm cánh cửa ấy?

+ Vâng tôi đã cảm thấy, sờ thấy trong tâm thức mình một cánh cửa mở sang phía bên kia. Đó là nơi chúng ta sẽ phải đi vào và không ai biết sẽ có gì chờ đợi sau cánh cửa ấy. Bởi vì chúng ta sẽ như nhau: Bát canh Mạnh Bà bỏ lại trần gian vời vợi/ Xác thân rã tan, linh hồn đi vào đêm tối/ Phía bên kia trời trắng xóa mộng kiếp sau…

- Cám ơn chị đã chia sẻ!

Đặng Thị Thanh Hương sinh năm 1966 tại Yên Bái. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chị về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái một thời gian sau đó tiếp tục thi và học Khóa V Trường Viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Làm thơ từ khá sớm, thơ Đặng Thị Thanh Hương đã được ghi nhận và có bạn đọc cho riêng mình với những bài thơ về tình yêu mạnh mẽ và quyết liệt.

Các tác phẩm đã xuất bản: Cổ tích tình yêu (Thơ, Nxb Thanh niên, 1992); Phiên bản (Thơ, Nxb Văn học 1993); Những chiều mưa đi qua (Tập truyện ngắn, Nxb Công an nhân dân, 1994); Vọng đêm (Thơ, Nxb Lao động, 1997); Những con ốc chờn ren (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2002); Trà nguội (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2010); Người đàn bà chơi dao sắc (Thơ, Nxb Văn học, 2012); Con đã đến trong cuộc đời này (Tập truyện ngắn, Nxb Lao động, 2012).

Chị từng đoạt Giải Nhất thơ tỉnh Hoàng Liên Sơn năm 1991; Giải Ba thơ Tác phẩm Tuổi xanh năm 1992; Giải Ba thơ của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1994; Giải Nhất thơ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010.

DƯƠNG TỬ THÀNH thực hiện