Thứ Tư, 26/06/2019 11:14

Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Biển như cuộc đời”

Giờ tôi có một suy nghĩ, nếu chịu khó lao động, tìm tòi thì đến lúc nào đó sẽ được độc giả nhận ra, có những hình thức an ủi mình, động viên, cổ vũ mình.

Không khỏi ngạc nhiên khi tác phẩm “Trước biển” của mình được trích đưa vào đề thi Ngữ văn, Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, nhưng với nhà thơ Vũ Quần Phương, đấy cũng là cái cớ để sau gần 50 năm bài thơ ra đời, ông ngẫm về hạnh phúc của lao động nghệ thuật, về khát khao, ước vọng của con người mà cây bút nhà thơ đã vô tình hay hữu ý ghi lại được.

- Cảm xúc của ông như thế nào khi tác phẩm “Trước biển” được trích đoạn vào đề thi Ngữ Văn, Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay?

- Tôi có hơi ngạc nhiên. Thú thực là tác giả nhưng tôi cũng ít khi nói tới bài thơ này, vì nó dài quá, tới hơn 100 câu. Hôm ra tập thơ “Việt Nam 1945 - 1985” tuyển in bài này, một anh đứng lên đọc thuộc cả bài, rất ngữ điệu. Lần ngạc nhiên trước nữa là hồi đầu Đổi mới, tôi nói chuyện thơ ở một huyện trên Phú Thọ, lúc gần tan thì có chị tầm 30 - 40 tuổi tới hỏi sao bác không nói đến bài “Trước biển”. Tôi bất ngờ khi thấy chị dắt xe đạp đằng sau có hai sọt lớn, trông rất nông dân, hóa ra chị đọc từ hồi là sinh viên Đại học Sư phạm, bây giờ là cô giáo ở huyện, nhân chuyến đi nghe chuyện thơ thì tranh thủ lúc về mua rau cho lợn. Hay nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng kể, khi còn là học sinh, anh đọc bài thơ này trên báo và lấy giấy chép vào.

Đến hôm nay, tôi càng nhận thấy như vậy bài thơ này có cách tồn tại của nó. Giờ tôi có một suy nghĩ, nếu chịu khó lao động, tìm tòi thì đến lúc nào đó sẽ được độc giả nhận ra, có những hình thức an ủi mình, động viên, cổ vũ mình. Nhiều người cứ giận rằng viết chưa được công nhận, chưa được tiếp nhận một cách hào hứng, tôi chỉ an ủi rằng cứ viết, cứ tin rằng lao động nghệ thuật sẽ được đền đáp.

- “Trước biển” được viết vào đầu năm 1970, lúc ấy không khí chung là viết về lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà… Còn bài thơ của ông lại nói về tình yêu?

- Hồi đó, thơ tình yêu các báo rất ngại đăng. Tôi làm bài thơ đó không có com măng (đặt hàng - BTV) của báo nào mà cứ thế viết ra. Hồi đó tôi là bác sĩ, ra Hồng Gai (Quảng Ninh) họp về vấn đề y tế cho ngành than. Họp trong nhà công đoàn, cửa nhìn ra biển, tôi cứ một tai nghe họp, một tai nghĩ đến bài thơ và làm trong mấy ngày họp. Viết rồi cũng để đấy chứ không đăng luôn. Về sau dịp báo Văn nghệ làm một số về sông biển, có tác giả đăng bài về sông, tôi đăng bài về biển. Rồi phải đến chục năm sau mới đăng vào sách. Năm nay bài thơ được lấy ra làm đề thi, tôi ngạc nhiên nhưng cũng cho rằng ban tu thư ra đề có con mắt xanh, và độ lượng.

Điều kỳ diệu ở Trường Sa Ảnh: Mỹ Trà

- Là tác giả của bài thơ, ông có thể giải đáp về một số câu hỏi trong đề thi, chẳng hạn, nên hiểu như thế nào về câu thơ: “Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm”?

- Phần trước, tôi trực giác trông thấy biển, nói biển là kiên nhẫn, nhìn sóng vỗ nói biển là hào hiệp, bản lĩnh, là gian lao không tự lùi... Con người cũng học được tính chất ấy của biển. Những người đi vào biển, có người thành công tìm thấy bờ bến mới, đến được nơi mình định đến, khai thác được những thứ định khai thác. Nhưng lót đường đến đích thì bao nhiêu người ra biển và thất bại, thậm chí chìm đắm, vô tăm tích. Gọi biển như cuộc đời, có người ra biển, vầng trán mặn mà không đủ nuôi đời mình, song không phải vì thế mà thiếu người chinh phục biển. Vẫn nhiều người tiếp tục bơi trong biển, lao mình xuống để tìm kiếm cái gì. Nói biển là cuộc đời cũng được, là tình yêu cũng được, mà nói là khát vọng khoa học kỹ thuật cũng được… Ở đây biển mang sức hấp dẫn kỳ lạ, trở thành biểu tượng, vừa rộng lớn, nguy hiểm, bí ẩn, luôn thu hút khát vọng mọi người tìm đến.

- Theo ông, hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện thông qua hình tượng biển như thế nào?

- Chúng ta thấy biển như cuộc đời, có người may, người rủi, có người hạnh phúc, có người cay đắng, nhưng không vì thế mà người ta chán đời. Người hạnh phúc hay người không hạnh phúc vẫn cứ yêu đời, vẫn sống. Cái gì là tột cùng hạnh phúc cũng là cao nhất của gian truân, là thử thách của người ta, thì ví với biển. Cho nên nó dễ thành hình tượng để nói đến cái cực của con người, cái cực để con người đạt hạnh phúc, cái cực để chấp nhận cay đắng. Bởi vì luôn chứa bí ẩn, qua được gian truân ấy là hy vọng, không bao giờ nguôi nếu người ta nghĩ đến biển.

- Ông có tò mò học sinh sẽ nghĩ gì, cảm gì về bài thơ của mình không?

- Tôi nghĩ rằng bài thơ sẽ đụng vào những em nào cả nghĩ một chút, hay nghĩ ngợi một chút chứ không hồn nhiên lắm! Có điều, tôi chắc rằng bài thơ đi từ cảm xúc của người viết sẽ gợi cảm xúc cho người đọc, để như cùng trong một cơn mê, có khi vì nó mà quên đi mọi thứ, mà sống trong hình tượng của bài thơ như một ám ảnh. Được như vậy thì đó là hạnh cho tác giả, cũng là hạnh phúc cho người đọc, người phân tích bài thơ đó. Tôi rất thích cách dạy văn, ra đề văn như vậy, chứ theo dạng bài có một La mã, một nhỏ, a nhỏ thì chỉ hợp với người tỉnh táo. Mà văn thơ thì phải vừa mê vừa tỉnh mới hay. Bản thân người sáng tác vừa mê vừa tỉnh, người phân tích cũng cùng trong cơn nhập đồng ấy, hạnh phúc nhất có lẽ là được như thế.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Lê Thư)

Xem thêm:

Đề thi môn văn THPT quốc gia 2019.

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Biết nói gì trước biển em ơi
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Chân trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi

(Trước biển - Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Anh/ Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong những dòng sông đẹp ở các nư­ớc mà tôi thư­ờng nghe nói đến, hình như­ chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trư­ớc khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản tr­ường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như­ cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trư­ờng Sơn, sông Hư­ơng đã sống một nửa cuộc đời của mình như­ một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Như­ng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải đ­ược về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở ng­ười con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hư­ơng nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành ng­ười mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông H­ương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vư­ợt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như­ không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá d­ưới chân núi Kim Phụng.

(Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198)

Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường./.