Thứ Hai, 18/02/2019 06:26

Nhà văn Nguyễn Đình Tú cùng những "thợ săn" tiến vào "bãi săn" mới

Trước đây anh soi chiếu mọi thứ bằng hiện thực, thì Bãi săn sẽ kể những câu chuyện mang tính thần diệu. Với cuốn tiểu thuyết này nhà văn thực sự hứng thú với những điều mình tưởng tượng ra. (HOÀI PHƯƠNG)

Chiều 17/2/2019 tại Hà Nội, Công ti Văn hóa truyền thông Sống đã tổ chức buổi tọa đàm: "Văn học Fantasy ở Việt Nam và ra mắt tiểu thuyết Bãi săn của nhà văn Nguyễn Đình Tú". Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhà văn Nguyễn Đình Tú, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, đạo diễn Đào Thanh Hưng, cùng đông đảo các nhà văn, các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến văn học kì ảo.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm

Nhà văn Nguyễn Đình Tú là một trong những nhà văn đương đại được đông đảo bạn đọc biết đến bởi sự lao động nghệ thuật say mê, và những cuốn sách khai thác tận cùng những vấn đề khuất lấp, gai góc nhất. Bãi săn là cuốn tiểu thuyết kì ảo đầu tiên được nhà văn sáng tác, đánh dấu một bước chuyển trong sự nghiệp cầm bút của anh, cũng như là ghi một dấu ấn trong thể loại văn học kì ảo ở Việt Nam.

Chia sẻ về sự thay đổi này, nhà văn Nguyễn Đình Tú cho biết: Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, không lặp lại mình. Vậy nên việc chuyển sang viết thể loại văn học khác với những thể loại trước thì đó là công việc tự thân của nhà văn cũng như là sự tôn trọng độc giả. Nghệ thuật luôn khó định nghĩa và còn rất nhiều điều bí ẩn để chúng ta khám phá. Những tác phẩm trước đây của anh soi chiếu mọi thứ bằng hiện thực, thì Bãi săn kể những câu chuyện mang tính thần diệu. Với cuốn tiểu thuyết này nhà văn thực sự hứng thú với những điều mình tưởng tượng ra.

Trên thế giới, Fantasy luôn là một trong những dòng sách thu hút nhiều độc giả. Thể loại truyện Fantasy mang đến một thế giới đầy mới lạ, người đọc sẽ được đắm chìm trong những câu chuyện bất tận về siêu nhiên, phép thuật cùng những sinh vật kỳ bí. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây lại là thể loại đầy thách thức đối với các nhà văn và chưa tạo được thành dòng sách mang dấu ấn riêng trong nền văn học.

Nói về điều này, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu cho biết: Sự xuất hiện của văn học Fantasy là một tín hiệu tích cực cho nền văn học Việt Nam. Nó sẽ phá vỡ những cấu trúc truyền thống, mang đến những cách tân và kích thích sự sáng tạo, đổi mới. Điều quan trọng là, văn học kì ảo có những chiều kích văn hóa của nó, và văn hóa là sự nảy sinh. Cùng với những yếu tố lịch sử mang tính Việt, văn học Fantasy sẽ được sáng tạo trên nền văn hóa, lịch sử truyền thống và cuốn hút con người vào tưởng tượng. Trên cơ sở đó sẽ làm giàu có thêm cho văn hóa, lịch sử Việt.

Là một nhà văn yêu lịch sử, yêu văn hóa Việt, Nguyễn Đình Tú đã mang đến cho độc giả một câu chuyện kì ảo mang tính thuần Việt. Đây là yếu tố then chốt được nhà văn và giới chuyên môn nhận định và khẳng định. Bãi săn gồm hai phần: Giếng cổPhản đồ, nội dung được xây dựng đan xen giữa không gian mộng và thực, thời gian quá khứ và hiện tại vô cùng tinh tế, khéo léo. Bên cạnh việc xây dựng nội dung, tình tiết tài tình, yếu tố giải trí hấp dẫn, điểm độc đáo tạo nên sự khác biệt của Bãi săn chính ở việc tác giả tạo nên mạch lịch sử dân tộc xuyên suốt. Đó là những câu chuyện về quá trình lịch sử phát triển của đất nước, bắt đầu từ triều đại nhà Lý. Bãi săn chủ yếu khai thác những câu chuyện huyền thoại của thời kì này. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa huyền sử, văn hóa - văn học dân gian của dân tộc trong bối cảnh một thế giới hiện đại, giả tưởng tạo nên sự "đầy" cho cuốn tiểu thuyết.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ: Bãi săn của Nguyễn Đình Tú đem đến cho bạn đọc cơ hội giải phóng trí tưởng tượng và thoát ra khỏi những chật chội của đời sống hôm nay. Nhà văn đã đưa văn học Fantasy đến gần hơn với đại chúng bằng tác phẩm mang đậm màu sắc đại chúng. Sự hòa trộn, đồng hóa Phật giáo, Đạo giáo vào với những huyền ảo dân gian đã làm nên sự thành công ấy.

Nguyễn Đình Tú là một nhà văn có duyên với điện ảnh, nhiều tác phẩm của anh đã được chuyển thể thành phim. Nói về cơ hội để Bãi săn có thể thành một bộ phim điện ảnh, đạo diễn Đào Thanh Hưng cho biết: Đây là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, cuốn hút. Tuy nhiên việc chuyển thể một tác phẩm văn học Fantasy thành phim là vô cùng khó khăn. Do ở Việt Nam thiếu đội ngũ sáng tạo, thiếu kinh phí và rất nhiều yếu tố khác. Bạn đọc hãy cứ đọc và tưởng tượng, bởi việc biến hình dung thành hình dạng nhiều khi lại làm mất đi cái hay của nguyên tác.

Bãi săn của Nguyễn Đình Tú không đơn thuần là sự khai thác những vỉa tầng của văn hóa, lịch sử dân tộc. Nhà văn mong đợi bạn đọc sẽ tự làm sáng tỏ những huyền thoại, truyền thuyết của người Việt. Lịch sử luôn linh hoạt trong trí tưởng con người. Nhà văn nhắn nhủ: “Cuộc đời như những bãi săn, chúng ta hãy đứng cao hơn các phe phái để xóa đi ranh giới thợ săn - con mồi. Chỉ như thế cuộc sống mới tốt đẹp hơn”.

Cũng tại buổi ra mắt sách, nhà văn cho biết, hiện anh đang hoàn thành những chương cuối cùng của phần hai tiểu thuyết Bãi săn, và dự dịnh sẽ ra mắt vào mùa hè tới. Nhà văn hứa hẹn phần hai sẽ đầy bất ngờ, hấp dẫn, li kì hơn.

HOÀI PHƯƠNG