Thứ Ba, 29/01/2019 00:50

Nhà văn THỤY ANH và truyện ngắn "Cây cải Tashkent"

Tôi viết Cây cải Tashkent khi mới trở về nước, cuối năm 2008. Bấy giờ tin chiến sự ở Nam Ossetia đang rất nóng bỏng.

Tôi viết Cây cải Tashkent khi mới trở về nước, cuối năm 2008. Bấy giờ tin chiến sự ở Nam Ossetia đang rất nóng bỏng. Hàng ngày dịch tin cho báo Tuổi Trẻ, tôi cảm thấy rõ những xúc động hoang mang của thập kỉ 90 thế kỉ trước với những chính biến dồn dập xảy ra với nước Nga. Chúng tôi sang Nga khi Liên Xô đã sụp đổ, nước Nga, dân Nga thật sự đã trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn, nhiễu loạn, thống khổ. Những người Việt đi học đi làm ở Liên bang Nga những ngày ấy chứng kiến sự kiện đảo chính 1993, các vụ đặt bom, khủng bố liên quan đến chiến tranh Chechnya, và biết bao biến động thăng trầm của chính trị xã hội, cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vào năm 1998 và sau là 2008. Cái thời ấy cũng là thời bươn chải và đua tranh khốc liệt của người Việt ở Nga để rồi nổi lên những “tướng” những “soái” sau này trong kinh doanh...

Những xúc động và dự cảm bất an của những ngày nhận tin chiến sự Tsinkhivali khiến tôi cầm bút viết, với mọi kí ức về cuộc sống ở Nga còn đầy tươi mới. Tôi thấy xót xa cho người Việt ở Nga một thì xa xót cho dân lành ở Nga mười. Dù gì, tôi, dẫu mãi mãi là người khách đi bên lề cuộc sống nước Nga, thì vẫn đau chung nỗi đau của họ, vui chung những niềm vui của họ suốt mười bảy năm trời ở bên ấy, tôi biết chắc rằng, còn cả mãi sau này khi đã rời xa miền đất hùng vĩ đầy bất trắc ấy.

Dân lành Việt hay Nga đều không thích chiến tranh, nhưng cũng sống ở hai đất nước đều bất đắc dĩ phải nếm trải những cuộc chiến lớn và khốc liệt. Nông dân Nga hiền lành, chất phác và cởi mở. Chính vì thế, qua các cuộc chiến, tôi thấy hình ảnh họ hiện lên mới bé nhỏ bất lực làm sao, cho dù thật ra, họ gân guốc, to lớn, xốc vác.

Tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với nông dân Nga vì là một trong những người đầu tiên nảy ra ý tưởng trồng rau Việt trên đất Nga. Năm 1994, tôi cùng mấy người bạn đã rong ruổi đi khảo sát ở những nông trang ít việc bỏ hoang, nơi đất đen trải rộng mênh mông ngút tầm nhìn. Càng đi, càng thấy nước Nga đẹp, hùng vĩ quá, nên càng xót xa với những tiêu điều ngày đó. Cây cải Tashkent là câu chuyện của tôi, với những nhớ thương cũ kĩ về một làng quê Nga heo hắt nghèo khổ đầu những năm 90, những người nông dân Nga đã gắn bó với tôi một thời gian. Dẫu khổ, họ vẫn đầy tin cậy và trong trẻo. Đôi khi họ cũng tỏ ra tham lam cò kè tiền nong, thêm bớt sản phẩm, nhưng chỉ sau vài buổi làm việc, khi đã gần gũi tình cảm rồi, họ có thể mang tặng cả gia tài, miễn sao có được tình bạn, có được những buổi ngồi kề cà bên chai vodka với dăm củ khoai tây luộc, cá trích muối, củ cải tươi hăng sè...

Với Cây cải Tashkent, tôi cố gắng không chỉ kể lại chi tiết hình ảnh cuộc sống ở nông thôn Nga mà tôi may mắn được trải qua. Tôi muốn hơn thế. Muốn nói về những xa xót của thời loạn lạc. Nước nhỏ hay nước lớn, dân đều khổ như nhau. Muốn nói về sự kì dị méo mó của cuộc sống những con người - vốn rất bình dị và chỉ mong mỏi hạnh phúc giản dị bình an, thì sau các cuộc chiến, các nhiễu loạn chính trị đôi khi tưởng chừng chỉ là hơi thở lạnh giá thoáng qua, còn lại, của chiến tranh, thân phận họ trở nên bất thường, như một cây cải đột nhiên cao lớn khổng lồ chỉ vì được tưới bón nước... mì tôm và lông xương chim bồ câu, biểu tượng của hoà bình!

Lại nói về mì tôm, những năm 90 là thứ đồ ăn nhanh rẻ mạt và thời đó được làm rất đơn giản để phục vụ cho người nghèo nhưng lại được tiêu thụ số lượng lớn. Các “soái” Việt Nam trên đất Nga, nhiều người khởi nghiệp từ mì tôm. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in gói mì vẹo vọ bé hơn nắm tay, bao bì nhoè nhoẹt, nằm xấu xí trên các kệ hàng, nhưng được mua rất nhiều. Người Nga, kể cả những trí thức như ông giáo bà giáo chúng tôi, vẫn phải mua mì tôm ăn thay súp, đi chợ thì cân nhắc mua thịt bạc nhạc hay xúc xích rẻ tiền... Mỗi lần thấy cảnh các ông bà già nhẩm đếm tiền trong ví rồi thở dài đi sang chỗ hàng thực phẩm rẻ hơn, tôi vẫn thấy nhói lòng. Thế nhưng, khi thấy, cũng những năm ấy, ông bà giáo tôi sẵn sàng bỏ cả số tiền lớn tương đương cả một tháng rưỡi lương (trong hoàn cảnh đang bị nợ lương 6 tháng!) để mua một bó hoa thật đẹp đi xem ca nhạc, tặng nghệ sĩ; khi thấy mỗi bận ra đường họ sửa soạn trang phục lộng lẫy chỉn chu; khi thấy, người nghệ sĩ kéo đàn trong lòng đường ngầm Metro không chỉ kéo đàn để xin tiền mà đắm mình trong giai điệu mộng tưởng của mình, thì tôi hiểu rằng, đất nước này đầy nội lực với nhiều tầng vỉa sâu xa của văn hoá. Số phận của họ sẽ không thể mãi khổ đau...

Mà đúng như vậy. Chỉ chưa đến chục năm sau, nước Nga thực sự chuyển mình. Đương nhiên, đất nước vẫn và sẽ còn phải trải qua rất nhiều thử thách lớn lao, nhưng những điều người Nga làm được để thay đổi bộ mặt của quốc gia, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế thì thật đáng kính phục. Từ năm 2008 cho đến năm 2017 tôi trở lại nước Nga, thấy họ đã đi một bước dài. Tôi không còn nhận ra “nước Nga của tôi” của những năm 90 nữa. Khó khăn thì ở đâu cũng có và vẫn còn chồng chất những vấn đề kinh tế xã hội khác nhau, nhưng thấy rõ, nước Nga đang phát huy mạnh nội lực của mình. Nếu năm 2008, trên các kệ hàng thực phẩm, đồ ngoại nhập nhiều vô kể thì bây giờ, tràn ngập các thương hiệu, nhãn hàng cũ mới của Nga với chất lượng tuyệt vời, giá cả hợp lí. Nhiều thứ thực phẩm rẻ hơn châu Âu và rẻ hơn Việt Nam nữa! À, mà ngay cả... gói mì tôm, phở ăn liền của người Việt ở đất Nga cũng đã khác! Đẹp, sang trọng, ngon, nhiều vị, nhiều lựa chọn, được quảng cáo chuyên nghiệp khắp nơi và có nhà máy hoành tráng, hiện đại. Tôi hiểu rằng, người Việt ở Nga cũng đã tìm cho mình những hướng đi mới, bền vững hơn.

Tôi chạnh nhớ lại thời “cây cải Tashkent”, rưng rưng thấy tuổi trẻ vất vả của tôi đang bị xoá nhoà, mờ dần những dấu vết hữu hình trên đất Nga. Duy kỉ niệm, kí ức vẫn còn rõ đến mức nhức nhối, đến cả mùi mì tôm, mùi hăng sè của củ cải, rau cải... vẫn còn đây, trong truyện ngắn bé nhỏ vụng về này.

Nhà văn THỤY ANH

Trong cả một nghìn mét đất trồng cải thì cây này lớn nhất. Không, nói lớn cũng không phải, mà là khổng lồ. To cao gần bằng đứa trẻ lên bảy lên tám, tay lá xòe như lá chuối, màu xanh đậm. Bẹ thì chắc lẳn, rắn đanh, két đầy đất… Những ngồng cải vươn cao kiêu hãnh, đã ra hoa vàng.

- Chà, giống cải Tashkent! - Tôi thốt lên.

- Có sự lạ, chứ cải Tashkent có to cũng chẳng to được đến thế. - Galia vừa thoăn thoắt nhổ cỏ, vừa thủng thẳng nói. Cô là người làm công cho tôi (còn tôi lại làm công cho ông chủ của tôi, ở trên Mat). Galia khá chăm chỉ, có điều hay vòi thêm tiền lương mỗi tháng. Đôi mắt xanh biếc có cái nhìn của người Tiểu Nga, nhẫn nại và chân thật, nhưng suy nghĩ thì đã không còn hồn nhiên như những ngày đầu mới gặp tôi. Bây giờ, cô biết khi nào nên đòi tăng lương mà tôi không thể từ chối được, khi nào im lặng chấp nhận mức lương cố định không thêm không bớt mà tôi đã đặt ra cho cô, có tính thêm phụ cấp sắc đẹp. Nói thực ra thì, hồi mới sang, tôi thấy gái Tây cô nào cũng xinh. Đến hơn một năm thì tôi đã phân biệt được thế nào là “Tây xinh”, thế nào là bình thường. Galia thuộc vào loại bình thường. Mũi cao như… Tây. Mắt sâu, mặt trắng, răng đều, lông mi rợp. Nhưng chỉ thế thôi, chứ không phải đẹp. Cười không rạng rỡ. Nói không dịu dàng. Dáng đi tất ba tất bật. Hông to và xệ… Nhưng cũng không vì thế mà tôi nỡ cắt đi khoản phụ cấp đã trót đặt ra với cô ngay từ đầu. Tôi thầm đổi tên khoản ấy, gọi là phụ cấp nghề nghiệp, đền bù cho đôi tay xước xát vì hàng ngày phải tước lá nhổ cỏ, chăm bẵm cho những thứ rau kì lạ ở cái đất nước mà tôi đang gắng sống được và vươn lên. Đất tốt, cây dại mọc nhanh và khỏe, lúc nào cũng chực nhấn chìm rau Việt trong thứ cỏ hoa nồng nàn mạnh mẽ của mình.

Năm nay, tôi thử nghiệm một giống cải mới, có vẻ gần gũi hơn với đất Nga mà bà con ta vẫn chấp nhận. Cải Tashkent. Tashkent vẫn là vùng nóng ẩm, nhưng dù sao cũng vẫn là “Tây”, thuộc nước cộng hòa cũ của Liên Xô, ắt hẳn khỏe hơn nhiều cái anh cải xanh cải ngọt của ta. Lí luận của tôi là thế! Hạt giống cải đánh từ Việt Nam sang, cây mọc lên còi cọc, chưa lớn đã trổ hoa vội vàng.

Giờ, mới trồng thử một nhà kính, mà đã được cây cải khổng lồ. Những cây khác cũng to mập, nếu để muối dưa thì tuyệt. Hay quá, vụ này, tôi sẽ xui chủ rau không bán cải mà bán dưa, đảm bảo đẩy bật khỏi thị trường hàng dưa Thái đóng túi bóng, vàng một màu vàng đáng ngờ, chua loét lại lờ lợ mùi đường hóa học.

- Cô không tưới nó bằng cái quái quỷ gì đấy chứ, Galia?

- Cái gì là quái quỷ? - Galia cười, chắc cô ta cười cách dùng từ vụng về của tôi. Con gái con đứa gì mà cười cứ há hoác cả miệng ra, thoải mái, vô tư! Tôi hơi khó chịu, nghĩ bụng, phải cho cô này về Việt Nam học cách ăn trông nồi nói cười trông mặt người đối diện.

Hết cơn cười, Galia nghĩ ngợi một lúc rồi bảo:

- Anh hỏi hai thằng bom-zhờ của anh ấy, biết đâu chúng nó tưới cái gì buổi đêm thật, tôi biết sao được!

Bom-zhờ, tiếng Nga là viết tắt của từ “không nơi thường trú”, chỉ mấy người lang thang vô gia cư, vô nghề ngỗng. Ở trại rau này, tôi nuôi hai “đồng chí” bom-zhờ, còn khá trẻ, mặt non nớt, đầu trọc lốc, một cao nhẳng, vai trái xăm hình con công đang xòe cánh, một tầm thước, mắt lúc nào cũng lơ mơ như đang sắp chìm vào cơn ngủ, người vạm vỡ, gân cơ nổi cuồn cuộn, Lý Đức nhà mình còn phải gọi bằng anh! Tôi tình cờ thửa được hai chú này ở phòng của chủ tịch nông trang, khi các chú đến xin việc, vò đầu bứt tai nói không nổi một câu xin xỏ cho ra hồn. Đến khi hiểu ý định của hai chú thì chủ tịch nông trang xua tay lắc đầu. Nông trang đang thu hẹp diện tích trồng trọt, đàn gia súc cũng giảm đi gần một nửa, lấy đâu ra việc cho mấy chú! Thế là tôi được thể ra tay cứu vớt, cho các chú miếng bánh mì ăn hàng ngày bằng việc trông coi trại rau của tôi gồm 8 nhà kính thuê được của nông trang với giá rẻ mạt và một cánh đồng trồng trăm thứ bà rằn. Tôi cũng chẳng buồn hỏi hộ chiếu hay xuất xứ của họ. Hai gương mặt còn rất non nhưng mang vẻ thờ ơ bình thản đến lạnh lùng. Hơi lạnh của bộ mặt làm tôi rợn, không hiểu sao dám chắc hai bom-zhờ hôi hám này sẽ dọa được bọn “phia nhí” địa phương, thế là đủ. Trộm thì tôi không sợ, có lấy rau về cũng chẳng xài được rau muống rau bí nhà mình. Chỉ sợ bọn phia thôn phia xóm mà tôi không chịu “nuôi”, nhỡ chúng nó ngứa mắt lại phá rau của mình thì gay. Mà xì tiền ra trước thì thể nào chúng cũng được thể lấn lướt, đòi hỏi. Vì thế nên tôi quyết định chơi rắn. Tôi bảo các chú cứ ngủ ngày canh đêm. Đốt một đống lửa đuổi muỗi, pha trà trong mấy chiếc ca nhôm nhỏ, thay nhau ngủ ở chòi gỗ…, hai anh chàng đã khiến lũ vòi tiền dạt ra xa. Được một tháng, tôi phấn khởi biếu các chú một thùng mì ăn liền, loại rẻ tiền thôi, chỉ có gia vị không có thịt thà rau cỏ gì kèm thêm. Thế mà hai đứa có vẻ vui lắm, cảm ơn rối rít. Bình thường cấm có hé răng câu nào. Tối đó tôi ở lại uống rượu đêm với hai chú lính gác. Chòi gỗ. Vách gỗ thưa. Sàn gỗ cũ kĩ, kêu rọt rẹt. Một cái bàn, hai ghế dài, một chiếc giường nhỏ xíu. Bình nước nhôm có vòi, nước chảy nhỏ giọt vào chiếc chậu nhỏ để trên bệ gỗ. Một chút rượu Ggelka, vài miếng bánh mì đen cũ đã bở, một ít củ cải vừa hái dưới ruộng, rửa qua thái miếng, vị hăng hăng ngòn ngọt quện với vị cay của vodka… thế là gan ruột tự dưng cứ trút ra với nhau, cho dù tiếng Nga của tôi chưa phải là “dài”.

- Anh sang đây chỉ để trồng rau à? - Vlad, anh chàng xăm hình con công múa bắt chuyện với tôi. Tôi chả gật cũng không lắc. Tự dưng lại buột miệng:

- Tao là bộ đội.

- Bộ đội? Chúng tôi cũng thế! - Lần này đến lượt Vlad buột miệng. Cậu ta chợt nhớn nhác nhìn quanh, rồi thở dài, cầm ca rượu lên dốc cạn. Khà một tiếng, thả miếng củ cải vào miệng, nhai rau ráu…

Minh họa: Lê Huy Quang

Tôi cũng vớ một củ, vừa nhai vừa nghẹn. Vị cải hăng buốt lên tận óc, khiến tôi hơi choáng váng. Chiêu một ngụm vodka, tôi gắng nuốt cục ứ ở cổ, không rõ là miếng củ cải mắc lại hay là cái gì. Đôi khi tôi ăn cơm cũng hay nghẹn, nhất là những buổi ăn tối một mình.

Sương mù giăng thành một dải lụa trắng trên cánh đồng. Tôi nhớ cánh đồng làng tôi buổi sớm mờ đất, cũng một lớp sương giăng. Hơi rượu làm tôi dễ thở hơn, bắt đầu nói, tiếng Việt, tiếng Nga lẫn lộn:

- Tao là bộ đội. Trước chỉ có chiến tranh, vào lính thì thành bộ đội. Nay cứ lang thang bất hợp pháp xứ người, không đoàn không hội, thì gọi là bộ đội. Như lính ấy mà, đi làm “nhiệm vụ” cao cả là cứu mình cứu nhà…

Hai cậu thanh niên chắc không hiểu gì, mặt ngơ ngơ ngác ngác, nhưng vẫn gật gật với tôi, ra chiều thông cảm. Cậu chàng người vạm vỡ, tên là Andrei, mỉm cười:

- Chắc anh nhớ nhà?

- Nhớ. Nhớ chung chung thôi. Bố mẹ tao mất cả rồi. Chỉ còn ông anh cả. Thế bọn mày, bố mẹ ở đâu, quê đâu mà lại phiêu bạt đến đây, chẳng có nghề có ngỗng gì cả thế này?

- Chúng tôi mồ côi.

- Từ trại trẻ ra à?

- Vâng, gần như thế.

- Sao lại gần như? Thế nào là thế, chứ gần như là thế quái nào?

Một thoáng ngần ngại, rồi gần như cùng lúc, Vlad và Andrei đồng thanh nói, cùng nói rất nhỏ, nhưng cộng hưởng của hai tiếng nói trẻ trung khiến thông tin mang lại vang lên rất to, như một tiếng chuông gõ trên đỉnh đầu:

- Mồ côi, đi lính, đào ngũ!

Hả? Chết cha! Quân cảnh ở Nga làm việc nghiêm lắm. Họ mà phát hiện ra, kỉ luật nặng, có khi người tòng phạm cũng liên lụy chứ chả chơi. Tôi bối rối hỏi:

- Sao lại đào ngũ? Khổ quá à?

- Không, sợ phải đánh nhau. Mấy năm trước trung đoàn chúng tôi đã đi Chechnya một đợt rồi. Lần này đi Tskhinvali, lành ít dữ nhiều.

Andrei đế thêm:

- Đi Chechnya về, chết đến cả một phần ba trung đoàn.

- Sao lại để chết? Không được huấn luyện tập tành gì sao?

- Có, nhưng ít. Lính lấy từ trại trẻ nhiều lắm, họ tiếc gì chúng tôi, có ai chờ đợi ở nhà đâu!

- Sao không ai chờ? - Tôi ra một câu hỏi ngu. Mà thực ra cũng chẳng ngu. Chỉ là một câu hỏi, có thể đặt ra cho bất cứ ai trên đời, kể cả tôi. Tôi cũng vậy, có ai chờ tôi không, ở quê nhà? Tôi chợt thấy bóng Thoa, cô bạn gái từ hồi phổ thông, đang đứng hoang mang nhìn tôi, từ phía bên kia dải lụa sương trắng đục. Cô lắc đầu. Phải rồi, tôi đi xa thế, và chẳng hẹn rõ được ngày về. Làm sao người ta đợi được tôi! Giá thời chiến thì chắc cô đã một lòng hẹn ước, đợi tôi cho đến cả khi tôi đã chết đi rồi. Cô sẽ đi tìm hài cốt của tôi. Thậm chí, kể cả lúc cô đã lấy chồng, sinh con, rồi già đi, cô vẫn tìm và vẫn đợi tôi.

Nhưng đây là thời bình. Những sự đợi chờ, hò hẹn của người đời đã trút đến kiệt cùng vào những cuộc chiến.

*

* *

Sau cái đêm sương ấy, tôi chăm sóc hai anh lính của tôi hơn. Và cũng nhắc nhở hai cậu kín đáo hơn, cố gắng chỉ loanh quanh ở trại rau, tránh ra mặt. Tôi nhắn lên Mat nhờ người khuân về cho họ gần chục thùng mì. Rẻ bèo ấy mà, so với những thức tôi vẫn ăn hàng ngày. Làm công ăn lương, quanh năm ở lì dưới vùng ngoại ô này, chỉ việc trông coi rau cỏ, chỉ đạo thu hoạch thôi nhưng cuộc sống của tôi cũng đã đầy đủ lắm. Sáng có bánh mì bơ mua ở cửa hàng thực phẩm đầu thôn, sữa dê mua của bà lão Nata chăn dê, chẳng qua xử lí nhào nặn gì, cứ thế là uống, nghe bảo bổ lắm. Trưa chiều ăn tối trong căng-tin của nông trang. Hứng chí lên, vẫn có thể cho phép mình mua chục cân thịt cừu tươi, ướp hạt mùi thơm nức rồi rủ rê cánh đàn ông đàn bà khu nhà khách cùng đi nướng shashlyk. Chỉ có điều, niềm vui thú hứng khởi sao mà nhanh hết! Nuốt miếng thịt béo thơm lừng qua cổ, là đã thấy lại ngay cái buồn thắt ruột thắt gan mà chỉ có vodka mới đẩy nó xuống tận đáy cùng của con người mình được.

Vlad và Andrei thì trường kì mì tôm.

Còn Galia, người cô thường thơm phức mùi bột mì rán. Món tủ của cô là món bánh nhân hành tây. Ngon, phải nói là rất ngon. Nhưng mãi cho đến sau này tôi vẫn còn ngửi thấy cái mùi thơm ngậy ấy mỗi buổi tối đi xuống bếp, đậm và rõ nét đến nỗi tôi phải rùng mình buồn nôn. “Cô không có món gì hơn à? Thịt đâu?”. “Có chứ! Nhưng lần nào anh xuống cũng đúng lúc tôi rán bánh hành. Món này là món gia truyền của nhà tôi, ngày nào không ăn tôi không chịu được!” - Galia nói, mắt ánh nét xanh lóa lên, như mắt một con mèo trong đêm. Tôi thấy hơi sợ cô. Có lẽ một phần vì cách sống khắc khổ của một cô gái mới hơn hai mươi tuổi, có hơi thở thơm mùi bánh nhân hành và bộ ngực mềm mại đầy sức sống. Nhưng đôi bàn tay thì chai sạn gân guốc. Chân cũng thế, gân xanh nổi chằng chịt. Cô làm việc rất hăng. Nhận làm cho nông trang, nhận làm cho tôi. Việc ngoài giờ ai nhờ lau dọn toa-let hay đan len đan áo (có thù lao) là cô nhận tuốt. “Kiếm tiền lấy chồng à?” - Tôi chọc. Galia lại cười to, ha hả, cái kiểu cười thật không nữ tính chút nào!

Một đêm, trăng sáng quá, tôi không ngủ được. Thường không mấy khi tôi để ý tìm trăng ở bầu trời này. Tôi nhìn xuống, nhìn ngang nhiều hơn là ngửa cổ lên trời. Thế nhưng đêm ấy thì tôi thấy được trăng, vì qua cửa sổ tôi quên kéo rèm, ánh trăng chiếu thẳng vào mặt tôi. Tôi cảm thấy mặt mình nằng nặng, ươn ướt. Thứ ánh sáng kì diệu mà tôi đã quên từ lâu đang tràn trề trên mặt, chảy vào miệng tôi những dòng ngọt ngào. Tôi bật dậy, mặc quần áo ra đường. Từ hồi nhận “cắm rễ” ở vùng này một mình, tôi ít ra đường ban đêm. Hoặc là ngủ lại ở nhà kính, hoặc là về phòng ở nhà khách nông trang, đóng chặt cửa ngủ hoặc không ngủ, cho đến sáng. Dăm ba bận có mấy lão say về muộn, đi ngang phòng tôi đập cửa rầm rầm. Mặc kệ, tôi cứ trùm chăn kín đầu. Giữ mình sống an toàn qua một ngày nữa, để mà kiếm tiền. Mục đích của tôi khi đến xứ này chỉ có thế! Mà kiếm tiền để làm gì, thì khi nào có tiền rồi tôi mới nghĩ đến sau!

Đang thẫn thờ ngồi ở chiếc ghế gỗ đầu thôn đặt dưới tán cây sồi cổ thụ, ngắm ánh trăng chảy qua kẽ lá sồi, tôi bỗng nhận ra một dáng dấp tất bật quen thuộc, cái hông to và xệ, đang thoăt thoắt đi về phía nhà kính trồng cải. Nhà ấy xập xệ nhất trong số các nhà kính của tôi. Nhiều nơi kính nứt vỡ toang hoác. Nhưng cải chịu được lạnh, kể cả sương muối đêm lạnh buốt của mùa hè ẩm ướt nước Nga, nên tôi không gia cố lại làm gì.

Tôi thấy Galia tay cầm túi paket màu đen, lách vào đám cải, đến nơi cây cải Tashkent vươn ngồng cao nghểu. Cô hì hụi bới đất thành hố nhỏ sâu, rồi trút mớ bùng nhùng trong túi vào đó.

- Ngồi yên! - Tôi quát khẽ. Galia giật thót, đứng phắt dậy, tay buông túi ôm lấy ngực, mặt nhăn nhó đau đớn.

- Cô làm cái quỷ quái gì ở đây thế này?

Im lặng.

Tôi cũng chẳng hỏi thêm, tiến đến soi đèn pin vào hố đất mới đào. Một túm lông xám nâu rũ rợi lọt trong đó. Thoáng chút máu tươi. Bồ câu? Galia gật đầu, òa khóc. Lần đầu tiên tôi thấy Galia khóc, bình thường chỉ thấy cô cười, cười rất vô duyên. Galia khóc cũng chẳng có duyên hơn, nhưng vì thế mà tôi thấy cô trở nên nhỏ bé đáng thương hơn bất kì một người đàn bà nào đang khóc mà tôi từng chứng kiến. Cô nức nức nở nở, liên tục đưa tay vò mớ tóc hung hung xoăn tít của mình.

- Thôi đừng giật tóc nữa, - tôi lên tiếng an ủi. - Tôi cũng từng ăn bồ câu. Người Việt vẫn ăn bồ câu.

- Tôi biết, - Galia hức lên. - Nhưng đấy là tập quán của các anh. Chúng tôi thì không… không có… Nhưng tôi…

- Cô đói, phải không?

Im lặng gật đầu. Tôi không hiểu:

- Thế tiền công làm việc cô để đâu? Cô có khi còn giàu hơn tôi ấy chứ!

Trên gương mặt Galia thoáng một nét tươi:

- Gửi về U hết rồi. Tôi còn mẹ già và một con bé con 4 tuổi.

- Trời, cô trẻ thế mà đã có con 4 tuổi?

- Chứ sao! Tôi đã 23 rồi.

- Tự hào gớm nhỉ! Kém tôi gần chục tuổi. Mà tôi thì vợ chưa, con chưa…

- Con gái Nga gái U thường lấy chồng sớm lắm, rồi cũng sớm một mình nuôi con…

Chúng tôi không biết nói gì tiếp, im lặng. Ánh trăng dừng trên nóc nhà kính, chỉ có bóng loang loáng trên ấy, như cuống quýt đang tìm đường vào. Vẩn vơ nhìn cây cải Tashkent, rồi cái hố, tôi chợt hiểu ra:

- Hiểu rồi. Đây chính là cái quái quỷ cô bón cho cây, làm nó đột biến dị thường thế này đây!

- Chưa chắc. Trước tôi vẫn chôn lông cánh dưới giàn mướp, mà có thấy gì đâu!

Tôi cười to. Galia cúi mặt, lấy bay lấp hố chôn lông và xương chim, lầm bầm nói:

- Anh cười gì? Từ hôm thấy cái cây nó mọc to, tôi cũng thích nó mọc to nữa to nữa xem thế nào. Anh có nghĩ nó sẽ vượt cả cái trần nhà kính, vươn lên trời kia không?

- Có thể lắm! Tại sao lại không nhỉ? - Tôi chợt nhớ câu chuyện về cây đậu, mọc xuyên lên trời, thành những bậc thang để người con gái trèo lên mà tìm gặp người yêu đi lạc. Tôi bảo Galia:

- Nếu cây cải Tashkent này mọc chọc trời, cô có dám trèo lên đến cùng không?

Galia trầm ngâm, hơi mơ màng, đáp:

- Dám…

- Nếu nó mọc lên đến thế thật, chắc nhiều người phải cảm ơn cô đấy. Mấy hôm nữa, cô nhớ lấy hạt của cây này làm giống nhé. Biết đâu cứ kiên trì, sẽ có lúc trồng được cả một nhà cải chọc trời thì sao!

- Thế thì anh lỗ vốn. Vì có ai mua cải này mà ăn đâu! Anh cứ ước vớ ước vẩn thế, có ngày bị đuổi việc!

- Tôi sợ chắc! Nói cho cô hay, tôi sống không chỉ để kiếm tiền…

Nói xong, tôi quả cũng có đôi chút ngượng ngùng. Nhưng rồi, cái câu ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi, ong ong vang lên suốt cả khúc đêm còn lại. Hình như cũng chính nó đã khiến tôi thiếp được đi trong một giấc ngủ không mộng mị vào cuối đêm gần sáng, không thấy cảnh nhốn nháo chia tay ở sân bay Nội Bài hay cảnh những cánh đồng làng tôi phủ đầy khói của các lò gạch mà tôi vẫn thường mơ thấy. Bữa ấy, tôi có giấc ngủ yên lành nhất kể từ khi sang Nga.

*

* *

Nhưng cây cải Tashkent to đột biến như thế không chỉ nhờ đám lông xương bồ câu của Galia. Còn một nguyên nhân khác nữa mà mãi sau này tôi mới biết.

Cuối vụ rau mùa hè, các nhà rau thu hoạch gần xong rồi, tôi đã cho dỡ đi để chuẩn bị ủ phân bò cho đất. Việc trông coi rau cỏ không còn là bức thiết nữa. Vlad và Andrei bắt đầu đi lại vật vờ trong làng, hỏi xin thêm việc làm. Người thì gọi họ cào cỏ chất thành đống rồi đốt. Những đụn khói đầu thu bắt đầu bốc lên ở khắp nơi, làm thành lớp sương mù quấn quện với mặt đất vào ban ngày chứ không cần đợi đến đêm. Người thì nhờ họ bổ củi. Những đống củi chất đầy góc vườn nằm đợi mùa đông. Có những ngày không ai kêu làm gì. Hai người ngồi đọc sách trong chòi gỗ. Sách cũ xin được của người trong làng. Bạ cái gì cũng đọc, cả sách nuôi dạy trẻ “Con của bạn từ 0 tháng đến 3 tuổi”! Thấy họ thiếu việc, tôi gạ hai anh chàng dạy cho tôi ít võ. Nghe bảo lính Nga học võ kinh lắm. Vlad cười cười không nói gì. Andrei cởi phăng áo, khoe cơ bắp vạm vỡ rắn đanh, tay này đấm thùm thụp vào bắp tay kia, bảo: “Võ gì? Có mà võ thịt! Cứ vào lính, bị ma cũ tẩn cho vài trận là có võ ngay ý mà!”. “Thật à? Sao nghe bảo người ta phải thuê thày thợ dạy cho bọn mày kĩ lắm? Có ông thày võ người Việt bọn tao cao cường lắm nhé, cũng từng dạy lính Nga!” - Tôi huênh hoang. “Tôi không biết. Lính đặc nhiệm thì học hành kĩ lưỡng là đúng rồi. Bọn tôi là lính mồ côi ấy mà, nhiều lắm, thời bình thì hiến sức cho người ta, chỉ huy bảo làm gì cũng phải làm…”. “Hiểu rồi, nước sông công lính” - Cái câu này tôi không nói được tiếng Nga, chơi luôn tiếng Việt. Bọn Vlad, Andrei cũng chẳng hỏi lại nghĩa là gì. Nhưng hình như họ hiểu. “Có chiến sự thì bắn súng, đạn còn bay quanh bia cũng phải đi, ra trận luyện bia người” - Vlad tiếp, vừa nói vừa lấy cái lò xo tàu ngầm thả vào ca nhôm đun nước. Tôi khịt khịt mũi nhìn quanh. Quái, cái chòi này lúc nào cũng có mùi… Mùi gì quen thế! “Mùi mì ăn liền của các anh chứ mùi gì”. Ừ nhỉ, thế mà không nghĩ ra. Có những mùi hương quen thuộc đến ăn vào máu thịt rồi, mà đôi khi mình cũng lãng quên, không gọi được tên. Tôi ái ngại nhìn hai thanh niên đang tuổi lớn. Họ thận trọng lấy nĩa vớt những sợi mì dài mỏng manh, bớt lại nước, chăm chú ăn, dường như đây là việc họ quan tâm nhất lúc này. “Sao thế? Nước không ngon à?”. “Ngon, nhưng cay quá!”… Gói gia vị chỉ có chút tiêu, rất ít ớt mà họ cũng không chịu được. Người Nga vốn ưa ngọt ghét chua cay! Nhưng bảo bỏ gia vị đi thì cũng không muốn, vì “như thế mất hết mùi thơm!”.

Một chiều chớm thu, mưa xậm xị, tôi lại đang ngồi với Vlad và Andrei bên mấy ca mì tôm thì có tiếng gõ cửa, và ba người đàn ông mặc quân phục xộc vào. Họ đưa hai anh chàng bom-zhờ của tôi đi. Từ nay họ lại là lính, hết là bom-zhờ, có doanh trại, có giường, có nhà để ở, đến giờ được ăn, không còn phải ăn mì gói nữa. Tôi hốt hoảng nhìn mấy cái ca còn õng nước mì váng mỡ, cuống cuồng lấy những gói mì còn lại trong ngăn kéo cho vào paket, dúi vào tay họ. Hai người ngoan ngoãn cầm túi mì, rồi đi theo mấy sĩ quan kia. Ra đến ngoài cửa rồi, Vlad chợt quay lại, nói với tôi:

- Cảm ơn anh, anh Tân ạ. Anh có biết cái cây cải Tashkent to như thế là được tưới bằng cái gì không? Bằng nước mì tôm đấy. Thật mà. Có một lần bọn tôi ngồi đó ăn mì, rồi chẳng biết đổ nước vào đâu, mới đổ trộm vào gốc cải. Sau thấy nó mọc to quá, tôi chắc chắn là do nước mì tôm… Tôi và thằng Andrei ngày nào cũng làm thế. Chỉ với cây ấy thôi. Anh cứ thử xem, vụ sau… Nhé?

Không hề có sự đùa cợt ở đây. Mắt Vlad nhìn tôi, trong veo. Thật không tin được con người có vẻ bề ngoài khô khẳng khắc nghiệt ấy lại có cái nhìn trong veo đến thế.

*

* *

Câu chuyện cây cải Tashkent của tôi chỉ dừng ở đó. Tôi không bao giờ có được cây cải khổng lồ thứ hai. Sau khi Vlad và Andrei bị bắt, Galia cũng trả phòng ở nhà khách để trở về Ukraine của cô để chăm mẹ ốm nặng thì tôi không còn tâm trạng nào ở lại vùng đất này nữa. Khi đến đây tôi chỉ có một mục đích: làm việc làm việc và làm việc, để kiếm tiền rồi nhanh chóng trở về nước. Xin việc, rồi lấy vợ. Lấy Thoa, nếu cô còn đợi tôi… Nhưng mấy ngày sau khi những người bạn tình cờ thân thiết kia rời xa tôi, tôi bỗng cảm thấy một nỗi cô đơn rã rời xâm chiếm toàn thân. Tôi xin thôi việc, lên Mat. Chẳng biết điều gì đang đợi tôi ở đó, nhưng tôi thấy mình kiên quyết phải đi. Trước khi đi, tôi ngồi tần ngần bên cây cải Tashkent, cây cải duy nhất còn lại trong nhà kính. Tôi không lấy hạt của nó làm giống, vì tôi gần như chắc chắn rằng, ở nơi khác, với sự chăm bẵm bình thường, tôi sẽ không có được cây cải khổng lồ như thế này. Nó sẽ ở lại đây, to lớn, cô độc, kiêu hãnh mang trong mình bí mật của những con người. Cho đến lúc bị dế ăn và vàng lụi.

Ở Matxcơva, tôi may mắn xin được chân lái xe thuê cho một bà giao hàng khô ở chợ Vòm. Tôi được làm giấy tờ tử tế để đi lại hợp pháp. Hiếm hoi có những chiều rảnh rỗi, tôi lang bang dọc con đường gần nhà, mặc dù đã bị cảnh báo là không được đi lại nhiều một mình, nguy hiểm. Không hiểu sao, nghe nhiều chuyện trấn cướp ghê gớm rồi, nhưng tôi không hề thấy sợ. Có vẻ như cái cây cải Tashkent dạo nào đã tặng tôi hình ảnh vững chãi của nó, để tôi có được một sự bình tâm kì lạ trong những ngày tiếp theo sống ở nước người.

Chiều mùa Đông có nắng. Tuyết rơi lấp lánh khắp nơi. Tôi đánh xe về sau buổi giao hàng, đi chậm chậm dọc con đường quen thuộc, thì thốt thấy một cánh tay lính mặc áo rằn ri thò ra từ fortochka bé xíu ngay tầng 1 của dãy nhà xam xám với những ô cửa sổ đầy song sắt thô rỉ. Trại lính! Thế mà mọi ngày tôi không để ý. “Ây, này…”. Chủ nhân của cánh tay lính gọi tôi. Tôi ra khỏi xe, đến gần ô cửa. Cậu lính còn rất trẻ, gần như còn là một chú bé, đầu húi cua ngắn, mặt non choẹt, gầy guộc, dí mũi vào cửa sổ, đang mỉm cười với tôi qua tấm kính mờ hơi nước. Cậu ta nháy mắt ranh mãnh:

- Cho xin mấy đồng đi!

Không đợi tôi phản ứng, cu cậu ròng xuống một ống bơ sữa bò được khoét hai lỗ cân đối, nối dây gai nâu. Tôi máy móc lục túi lấy tiền lẻ đặt vào. “Cảm ơn” - cậu bé reo lên. Khi cậu kéo chiếc ống bơ vào rồi, tôi mới sực tỉnh:

- Gượm, đợi đã! Thả tiếp xuống đi!

Tôi chạy vào xe lấy ra một chục gói mì ăn liền, hì hục buộc từng gói vào chiếc ống bơ. Ở phía trong, cậu lính cũng khéo léo lấy lên được bằng hết.

Tôi lên xe phóng đi, không kịp nghe cậu bé cảm ơn lần nữa, mũi cay sè như vừa ăn mù tạt. À mà người ta bảo, cải Tashkent làm mù tạt là xịn nhất đấy!

T.A