Thứ Ba, 04/12/2018 12:34

Nhà văn Vũ Khánh và truyện ngắn "Trăng Tiên Yên"

Bạn bè cũng là cái duyên gặp gỡ. Nếu không có Khang, chắc rằng hồi ức của tôi về những năm tháng sống ngoài đó có lẽ sẽ chỉ toàn có mùi vị lưu đày. Vâng, quả có thế.

Năm 1984, học xong sư phạm, như bao giáo viên thời ấy, tôi phải thực hiện nghĩa vụ miền núi - hải đảo. Tôi được điều ra Đông Bắc, dạy lịch sử tại trường cấp 3 thị trấn Tiên Yên, nguyên là thủ phủ của tỉnh Hải Ninh cũ. Ở đó chỉ có bốn năm thôi nhưng phong vị một xứ sở mãi còn tươi rói trong kí ức. Đông Bắc, nói như nhà văn Hà Nguyên Huyến là “Vùng đất hùng hiểm, phên dậu của đất nước. Một vùng đất giao thoa văn hóa mà mỗi thời binh biến, tao loạn là nơi ẩn thân, giấu mình của anh hùng, hào kiệt kể cả lục lâm, thảo khấu”. Sách địa chí các đời vẫn xem đây là “ô châu ác địa” nơi lưu đày những tội đồ của triều đình. Một vùng đất luôn dữ dội và biến động. Nơi biên viễn, vùng giao thoa của đất, của nước, của gió, của sắc tộc, tập quán văn hóa, của giao thương, chiến tranh tao loạn...

Truyện chủ yếu viết về Khang, đời thực cũng gần như thế. Ngoài tính cách rất điển hình của dân miền Đông, người ngoài ấy vẫn gọi như vậy, thì Khang còn là một “tài hoa lãng tử”, như trong truyện đã viết. Còn một nhân vật nữa: Lê San, có tính cách “giang hồ hảo hán”, nguyên mẫu là Lê Bảy “Lày sắt - Lê Thất”, được mệnh danh “Hùm xám miền Đông”, Chủ tịch tỉnh Hải Ninh đầu tiên. Đối địch với nhau như nước với lửa mà Voòng A Sáng, trùm thổ phỉ người Hoa vẫn hết sức kính nể. Sau làm Trưởng ti Thủy sản, có công khai phá vùng ngập mặn Hà Dong, một “Doanh điền sứ” của tỉnh Hải Ninh cũ mà đến nay người dân vẫn nhớ ơn, vẫn gọi một con đường ở ngoài đó là “đường Lê Bảy”.

Khi viết truyện ngắn này, tôi thấy dường như cũng không phải dụng tâm gì lắm. Bởi hầu như chỉ việc thuật lại những gì mình đã thấm, đã trải, qua các câu chuyện nối với nhau, xoay quanh nhân vật chính là Khang với “tôi” trong đó, với toàn thể những ám ảnh bởi cảnh trí, con người, phong vị riêng của vùng đất “cõi ngoài” đặc biệt ấy.

Vĩnh Yên, 12/10/2018

Nhà văn Vũ Khánh

Những năm ở ngoài Đông Bắc, tôi có người bạn tên là Khang.

Bạn bè cũng là cái duyên gặp gỡ. Nếu không có Khang, chắc rằng hồi ức của tôi về những năm tháng sống ngoài đó có lẽ sẽ chỉ toàn có mùi vị lưu đày. Vâng, quả có thế.

Năm ấy, tôi đi mấy trăm cây số đường bộ, đường biển ra Đông Bắc. Càng ra đến phía ngoài hoa lau trắng càng nhiều thêm. Thị trấn nơi tôi đến có rừng núi, có biển khơi và những dãy phố Hoa kiều. Vào những ngày chủ nhật, người vùng cao váy áo sặc sỡ lại xuống chợ thị trấn bán quế, bán cao khỉ, ăn phở chua và mua cá biển khô đem lên những dãy núi thăm thẳm sương mù.

Hôm đó, cũng vào một ngày chủ nhật, tôi gặp Khang ở nhà anh bạn đồng nghiệp, anh viết văn, từng có truyện ngắn được in. Khang đi lấy củi trên rừng về, tiện đường ghé vào chơi.

- Đây là Khang, kĩ sư lâm nghiệp - Anh bạn giới thiệu.

Khang gật đầu chào tôi. Tôi nói:

- Sao kĩ sư lâm nghiệp lại đi phá rừng?

Khang cười. Rồi anh ngâm tuồng. Một câu gì đó tôi cũng chẳng nhớ nữa. Chỉ biết sau lần gặp ấy, tôi với anh quen biết rồi dần trở nên thân nhau.

*

* *

Khang hơn tôi đúng một giáp. Trong một cuộc gặp thân tình tại nhà anh, Khang bảo:

- Chỗ tôi với thầy là bạn vong niên.

Năm đó anh đã ngoài ba mươi tuổi. Đi lính. Nhiều lần chết hụt. Về học tiếp nghề rừng. Sau đó nhận việc tại quê. Ngày hai buổi đi làm. Thỉnh thoảng xuống xã hay vào trong tỉnh công tác.

Khang, tổ tiên vốn ở mạn Đồ Sơn. Cụ tổ từng là thủ túc của Quận He, trấn miền Hải Khẩu suốt đến Vân Đồn. Sau khi chủ tướng mất phải phiêu dạt ra đây. Quen máu cũ, có lúc đánh lại quan quân triều đình, lúc khác lại đi làm cướp cạn, cướp bể. Hải phỉ, thổ phỉ một dải Đông Bắc kính trọng và sợ hãi.

Khang cũng giỏi võ, dân miền Đông điển hình. Một lần ngay trên phà Bãi Cháy giữa đường dẫu thấy bất bằng… Khang đã nhấc bổng một tay công tử khỏi xe Cub ném xuống biển. Sau vụ này anh còn bị khốn khổ nhiều năm.

Có hôm muộn rồi Khang còn mò lên chỗ tôi chơi. Mở cửa, tôi kêu lên:

- Sao lại sây sát hết cả thế này?

Khang nói:

- Có gì đâu. Lâu ngày thử sức với thằng Toàn xem sao.

Thằng Toàn “sẹo”, đầu gấu nổi tiếng vùng này! Tuy nhiên hắn lại rất quý trọng chúng tôi. Thì ra lâu ngày không luyện tập, Khang bị hắn lừa miếng cày sấp, ngã trái cựa vào đống đá.

Khang nói:

- Cũng nên biết võ. Để vững cái hư tâm.

Tôi chẳng bảo gì.

*

* *

Khang đã có hai con. Một trai một gái. Vợ anh, một nữ y sĩ. Cũng khá xinh. Có người bảo tôi, những năm còn ở ngoài chiến trường, vợ anh lúc bấy giờ đã hết lòng chăm sóc ông cụ bị bệnh nặng. Cảm ân nghĩa ấy, bố anh đã ép hai người nên vợ nên chồng. Tuy thế nhưng trong bao năm chung sống anh cũng chưa bao giờ trót nặng lời với vợ.

Có một lần trên đường phố vắng, Khang với tôi khật khưỡng ra về. Đã khuya lắm. Phố xá im lìm. Chỉ có bầu trời đêm tháng mười đen thẳm như bức sơn mài đang dậy lên những vì sao run rẩy long lanh. Góc phố kia có một đôi trai gái đang bên nhau đắm đuối. Ngoảnh lại nhìn, tôi thấy Khang thở dài. Rồi ngẩng lên trời sao, anh bỗng hát, bằng tiếng Nga, một bài dân ca xứ sở bạch dương về tình yêu đầy những khắc khoải, tiếc nuối, u hoài, hay làm sao! Và tôi biết lúc này trong anh không hề có tôi bên cạnh.

Thi ca, ngôn ngữ, gì gì nữa, cũng chẳng qua chỉ là những biểu đạt. Có nhiều cách để thể hiện ra cái tôi thăm thẳm của con người. Nhưng tôi nghĩ khi hé lộ, tức là không cố ý, thì có khác đấy.

Ngoài kia là biển. Lòng biển thẳm thường có những con trai ngậm ngọc. Chẳng hiểu sao lúc nghe Khang hát tôi lại nghĩ đến những hạt sạn nằm tít trong lòng những viên ngọc trai kia. Chao ôi là những bí ẩn của lòng người. Bạn cũng như tôi, ta biết gì về những người bên cạnh chúng ta?

Song mà nếu biết thì cũng để làm gì nhỉ?

*

* *

Ngoài này tiếp khách, lấy rượu làm đầu. Khang cũng thế. Mỗi lần tôi đến chơi, anh thường tự tay đi mua rượu. Có bàn ghế nhưng với tôi anh thường trải chiếu xuống đất. Và anh làm việc này rất kĩ. Vừa chạy đi chạy lại kéo bốn góc chiếu cho thật phẳng, thật vuông vắn, anh vừa bảo:

- Chiếu trải không ngay không ngồi mà thầy!

Anh bày đủ thứ trên đó: chai rượu, cái điếu cày bằng một đoạn hóp rừng thẳng đuột, mỏng tang nhưng rất chắc, cây đàn guitar, bàn cờ tướng.

Uống rượu với Khang, nhớ nhất là những hôm có ngán hấp. Con ngán ở biển Đông Bắc tựa như con sò trong ta, nhưng to, có con bằng cả cái chén tống. Khi hấp phải lấy lạt tre rừng dẻo quánh buộc chặt lại. Con ngán phải ngậm miệng mà chín toàn tính bên trong. Khi dùng, bày ra xung quanh vành mâm, cởi lạt từng con hứng vào bát. Toàn bộ phần mềm con ngán tuột xuống nóng hôi hổi. Dầm ra, đổ ngập rượu thành một thứ men đùng đục hơi xanh, vị mằn mặn. Lần đầu tôi uống không quen. Ngang lắm. Nhưng về sau thì thấy ngon, lạ miệng. Khang lại bảo là rất bổ nữa. Khéo có thế thật.

Rượu vào, Khang hay ngâm:

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi.

La đà. Bên ngọn đèn dầu chập chờn đầy muội khói, ngoài trời mưa sa tí tách, nghe giọng ngâm lối cổ của Khang, những câu thơ ấy, nghĩ đến thân phận mình, tôi thấy lòng như cũng đang dậy lên nỗi hờn xưa của những khách chinh phu…

*

* *

Tập quán ngoài này ít nhiều pha trộn lối người Hoa. Khang thường giải thích cho tôi nhiều chuyện. Ví như về ngói âm dương, cách chế biến món khau nhục, vụng “Sát nhằn vàng” (vụng giết người) của hải phỉ thuở trước…

Một lần về ăn Tết trong quê ra, Khang bảo:

- Vẫn để dành thầy bánh tài lồng ệt đấy!

Anh lấy ra một miếng bánh, như bánh mật trong xuôi. Nhưng nếu là cả cái thì to, bằng cái khay để ấm chén uống nước. Và cũng tròn như thế. Đây chỉ là một góc. Cắt nhỏ nữa thành nhiều miếng, anh bắc chảo đem lên rán rồi mời tôi nếm thử. Trời ơi, bánh mật mà lại đem rán. Ăn ngang phè!

Không muốn làm mất lòng ông bạn vong niên, tôi cố ăn vẻ ngon lành, vừa ăn vừa khen lấy khen để. Thế đấy, có khi để làm đẹp lòng nhau mà người ta buộc phải trở nên giả dối.

Nhưng thấy Khang cười cười, tôi biết là anh biết cả. Khang là người thấu hiểu tôi lắm.

*

* *

Ảnh: Nguyễn Đăng Phú

Một đêm, tôi cùng Khang bước dạo mãi ra ngoài thị trấn. Trời đêm tịnh không một bóng mây, không chút sương biển. Không gian vắng lặng. Chỉ đôi lúc bất chợt có tiếng chim nước ùng ục đâu đó phía ngoài sông Tiên Yên. Phía trên rừng núi trải ra đen sẫm trập trùng, bầu trời bao la chỉ duy nhất một vành trăng sáng quắc.

Khang ngẩng lên:

-Thầy bảo trăng kia giống cái gì?

Đang mải nghĩ vẩn vơ về chuyện sao cái giống thủy cầm ngoài này lại cứ hay hót về đêm, nghe Khang hỏi thế, tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Khang hỏi lại lần nữa. Nhìn trăng, tự dưng tôi buột miệng:

- Như lưỡi gươm Damascus.

Khang nói:

- Những tri thức thiên văn ám ảnh tôi. Trăng kia tôi lại nhìn rõ phần tối của nó hơn. Với tôi, nó chỉ là một khối vật chất lạnh lẽo. Hình dung nó lơ lửng giữa vũ trụ thăm thẳm, tôi thấy sợ…

Rồi Khang thì thào:

- Này, bao giờ chúng ta chết đi, nó vẫn thế...

Những lời anh nói, rất lạ, đã truyền cảm giác của anh sang tôi. Bất chợt, tôi cũng run lên. Tiếng chim nước từ đâu bỗng rộ lên nghe rõ mồn một. Như ngay bên tai tôi vậy.

*

* *

Đang đi trên ngầm, Khang chợt kéo tay tôi:

- Kìa, nom có giống tranh thủy mặc không?

002 new

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Thị trấn vốn là phố cổ, hứng lấy tất cả các đường bộ, đường thủy Đông Bắc trước khi rót trả xuống dưới mạn Hòn Gai - Hải Phòng. Là vị trí xung yếu nhất của vùng nên trong chiến tranh khó có bên nào trụ được ở đây lâu. Khi xưa, thổ phỉ và Việt Minh phải giành giật nhau mãi. Đây cũng từng là trạm thu vét ngọc trai duy nhất của Trương Phụ thời nhà Minh. Nghe nói vùng biển xứ này giống trai ngọc Lẩu phủ nhản (Mắt lão hổ) còn nhiều lắm.

Sông Tiên Yên chảy kề bên thị trấn. Sang bên kia đi Hà Cối, Móng Cái phải qua ngầm. Một bên ngầm, lòng sông thấp hẳn xuống, trải rộng ra ăn theo nhịp thủy triều. Một vùng nước xanh thẳm như một vịnh biếc.

Giữa ngầm, nơi tôi với Khang đứng quay lưng phía thượng nguồn, trông ra: phía trên cao, dưới bầu thanh thiên điểm lửng lơ mấy đám mây trắng là những gờ đá xám lượn chồng lên nhau. Uốn vòng cung theo bờ vịnh là nhà cửa, phố xá xúm xít, lẩn khuất những tùng bách, đổ bóng rợp xuống xanh đen một vùng nước.

Phải, như bức thanh thiên cổ họa vậy.

*

* *

Tôi ốm. Căn bệnh thời khí ngoài này. Chẳng biết tây y gọi là gì nhưng ở đây ai cũng bảo là tôi bị píu xề. Ngày đêm tôi mê man chỉ gọi mẹ. Tiếng gọi thất thanh, hốt hoảng. Có lúc cũng gọi cả tên người có liên quan đến mùa thu đã qua. Mọi người sau kể lại với tôi thế.

Uống nhiều thuốc không đỡ. Cuối cùng bác Lộc Sếnh bên kia ngầm phải vào chữa cho tôi. Đầu tiên bác đốt ngải ở huyệt rồi cho tôi uống một thứ thuốc sắc mùi vị rất khó chịu. Nửa ngày trời trùm kín chăn, mở ra, khắp người tôi mọc đầy một thứ gì y hệt lông tơ con gà luộc chín khắp các lỗ chân lông. Lấy nắm cơm nếp, lăn đến đâu hết đến đó. Chỉ một ngày tôi đỡ hẳn.

Nhiều người đến thăm tôi, đem quà bánh cùng lời thăm hỏi của người khỏe mạnh. Chỉ có Khang là không. Thăm tôi đúng một lần, anh lại bảo:

- Sinh lão bệnh tử, gì mà phải băn khoăn!

Lúc ấy, tự dưng tôi thấy giận anh lắm. Cái thái độ dửng dưng, vô cầu của anh làm tôi thật khó chịu. Nhưng mà về sau, tôi biết, tâm trạng tôi lúc ấy cũng là thường tình. Con người Khang như thế, giận làm sao được.

Nhưng chính Khang lại là người bảo bác Lộc Sếnh vào chữa thuốc cho tôi đấy.

*

* *

Chơi với Khang lâu, hai chúng tôi cũng có những tương đắc. Một lần say, tôi giở giọng lè nhè:

- Xứ này như bác, liệu được mấy người?

Khang, tay đang cầm chén rượu chỉ luôn vào tôi, làm rượu sánh ra rớt cả xuống chiếu:

- Thầy chỉ biết một, không biết hai. Như tôi có là gì, lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong. Ầy dà! Ra đến đất này mà còn chưa biết “Lão Phủ” là ai lố?

A, thì ra Khang nói đến Lê San “Hùm xám miền Đông”, vốn trước thổ phỉ, sau theo Việt Minh, có công đánh Pháp, đánh Nhật, dẹp loạn phỉ người Hoa, giải phóng xứ này, nhân vật của toàn vùng Hải Ninh cũ. Trước, tôi mới chỉ nghe nói đến, chưa có dịp tìm hiểu kĩ.

Khi nhận lời giúp huyện viết sử địa phương, trong quá trình điền dã thu thập tư liệu, hỏi han nhân chứng, tôi thấy người có cái biệt danh ghê gớm kia đúng là hết sức đặc biệt. Thú vị. Nhiều giai thoại. Song nhân vật lịch sử phức tạp, đưa vào sách cũng không dễ.

Lê San, hành tung bí ẩn, lắm sự dị thường. Mắt như mắt hổ ít ai dám nhìn thẳng. Thế nên mới có biệt danh “Lão hổ”, người ta gọi chệch đi là “Lão Phủ”. Vũ khí ngoài khẩu pạc-hoọc giắt bụng được biếu lại từ mấy tay đạo chích chôm của lính Pháp ngoài trại Khe Tù còn có cây côn song hổ vĩ, bằng gỗ lim mật, đỏ sậm như màu tiết đọng, vuốt đồng lá vàng chóe.

Nghe đồn, “Lão Phủ” được đặc cách: ”Giao chú toàn quyền xứ ấy” kèm theo tín chỉ có chữ kí của lãnh tụ Việt Minh tối cao, tùy ý “tiền trảm hậu tấu” vì cách mạng. “Đêm qua, lão Phủ về đấy, tóm được thằng Voòng A Sáng, chắc lôi ra vụng “Sát nhằn vàng rồi”“. Vài hôm sau nữa: “Thằng ấy… đích Việt gian. Đáng đời. Chẳng lão Phủ thì còn ai?”.

Khang đưa tôi đến tìm cụ Lê San, mấy lần đều không gặp. Ghé mắt nhìn vào trong, tôi chú ý hai thứ: sân một dãy trồng toàn đào núi, nếu đúng mùa chắc nở đẹp lắm. Gian giữa nhà, trên có lá quốc kì, đã bạc phếch, có chỗ rách lỗ chỗ như thể vết đạn bắn. Cờ vẫn nền đỏ sao vàng nhưng cánh sao béo, mập, kiểu cờ Việt Minh thời trước. Rồi đến ảnh lãnh tụ trước micro. Ảnh đen trắng lồng khung kính.

Khang nói với tôi:

- Cụ Lê lấy lại được thị trấn chỉ nhờ… đấu rượu với Chiếng Ửng Khìu thôi đấy!

Ra là thế này, thổ phỉ người Hoa của Trương Ngọ Kiều (Chiếng Ửng Khìu) ngày ấy tác quái dân thị trấn lắm. Sau khi quân đệ tứ chiến khu rút đi, từ Đầm Hà, Hà Cối hắn lại mò về, đẩy bật Việt Minh ra khỏi thị trấn. Giao thừa năm ấy, hắn cho lính lấy chổi nhúng vào thùng phân người pha loãng, viết dòng chữ Hán: “Nhất thiên kim đắc bình an” vào cửa nhà người ta. Nghĩa là, phải nộp một ngàn đồng mới được yên. Sáng ra mồng một tết, các nhà trên phố vừa phải nộp đủ tiền, vừa phải xối rửa nhà thật kĩ.

Lão Phủ cho người sang sông điều đình. Trương Ngọ Kiều ra điều kiện: không đấu súng nữa mà đấu rượu, ai thắng sẽ làm chủ thị trấn. Bàn rượu bày ra trên bãi sông Tiên Yên, chỉ có độc một con ngán làm mồi nhắm đã bỏ vỏ đặt trên đĩa. Lê San xé áo sường xám, rút một sợi vải thít vào con ngán. Mỗi hớp rượu to lại bỏ con ngán vào miệng nuốt chửng. Một lát lại kéo con ngán từ trong cuống họng ra đặt lại vào đĩa. Cứ vậy hết cả thẩu rượu đã úp sẵn, sắc mặt vẫn như không. Trố mắt bái phục, Trương Ngọ Kiều y lời rút quân khỏi thị trấn. Khắp phố xá, cờ đỏ sao vàng lại kéo lên rực rỡ một vùng.

Khang nói đúng, một xứ hải tần này, ngàn đời vẫn phơi mặt ra trước gió Đông Bắc, mạch núi Pạc Sủi đổ ra biển ngụp xuống lại trồi lên, sông khi trong khi đục, khi mặn khi lại ngọt tại vùng giao thủy, thì tôi, một khách trọ đến rồi lại đi, thực là còn nhiều cái không biết lắm.

*

* *

Tôi phiêu bạt ra đây thế cũng đã được mấy năm. Khi sắp mãn hạn nghĩa vụ miền núi - hải đảo, chỉ có Khang nói thẳng:

- Ngoài này “ô châu ác địa”, lại thân cô thế cô, thầy về là phải.

Tôi về quê. Công tác gần nhà. Lấy vợ rồi có con. Cuộc sống ổn định nhưng ràng buộc từng ngày khiến tôi hả nhạt dần ý định trở lại ngoài đó như ý nghĩ lúc mới bắt đầu về. Đời sống rộng quá chiếc xe mà ta thì bị mắc vào cái ách của nó kéo hết dốc này đến dốc khác. Để tồn tại, ta buộc phải ở trong cái ách ấy, có mấy khi được thoát ra mà thỏa mãn những mong ước trong sáng nhưng ích kỉ của ta?

Nhớ lần gặp cuối cùng trong cuộc rượu đượm mùi tống biệt, Khang có nói:

- Mời thầy cạn thêm chén này nữa. Việc đời xô dạt, chắc gì tôi với thầy còn được uống với nhau?

Cái vẻ mặt “Tây xuất Dương Quan” của Khang hôm ấy quả là có thật. Nghiêm trọng lắm. Thế nên tôi cũng chẳng còn biết nói sao.

Nhưng ngay lúc ấy, tôi cũng đã biết rằng, có thể không có dịp nào trở lại đây nữa, thì những cảnh trí, con người, phong vị riêng một xứ này sẽ còn ám ảnh tôi mãi. Lòng tôi vẫn mong có ngày trở lại, ít ra là để đọc lại những trang sách đầu đời mà Khang, người bạn vong niên cùng bao con người đặc sắc và thú vị ở đây nữa đã cùng tôi viết nên nó.

Đường về, lau trắng thưa dần như vọng lời tiễn khách để rồi lại tiếp tục cuộc giao tranh không ngừng với gió mậu dịch dữ dội một vùng biên tái. Hoa lau trắng Đông Bắc, sao cứ như hồn thiên thu của những ai đó vậy?

*

* *

Tuy rằng thế, nhưng về sau tôi với Khang vẫn còn gặp lại nhau nữa. Dịp ấy, dễ có đến hơn mười năm.

Tiện chuyến công tác, tôi đi thêm gần trăm cây số nữa ra miền Đông, đến thị trấn nơi tôi từng ở. Hành trình cũ nhưng nay đã khác. Đảo đá vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mỗi lúc lại thưa hơn, lộ dần ra biển cả khoáng đạt.

Khang, giờ đã là quan chức hàng huyện. Mừng cho anh. Nhưng tôi cũng lại hơi thấy gợn: người như anh liệu có hợp với trường sĩ hoạn?

Đang bồi hồi ngắm lại phong cảnh cũ từ trên cao trụ sở huyện lị, vốn là đồn kiểm lâm kiểm soát toàn vùng Hải Ninh thuộc Đạo quan binh thứ nhất thời Pháp trước, thì Khang về. Từ xe con bước ra, Khang vồn vã tiến đến tôi. Có chút béo ra, phương phi, hồng nhuận. Cười rất tươi. Bắt tay rất chặt. Từng ấy năm mới gặp lại, cứ nghĩ Khang sẽ ôm chầm lấy tôi như tôi cũng đang định làm thế với anh kia đấy.

Tiệc nhà hàng. Đông người. Đủ các ban bệ. Tôi cười thầm, như thể Khang đem cả cái “tiểu trào đình” ra tiếp khách phương xa là tôi vậy. Song cũng không hẳn thế: có cả mấy tay doanh nghiệp làm dự án đầu tư trồng rừng, vốn là ấp ủ của Khang, kĩ sư lâm nghiệp, vừa kinh tế lâu dài, vừa môi trường cảnh quan bền vững. Bữa ăn dùng rượu tây. Là của doanh nghiệp đem đến. Thực đơn có cả hải sâm, trước chỉ để tiến vua. Cũng có ngán nhưng đem dùng nấu canh thang rau ngót, lơ thơ chỉ độ đôi ba con. Mà cũng không được to. Vị ngồi bên cạnh bảo tôi:

- Ngán giờ hiếm. Thương lái Đông Hưng chờ chực thu vét ngay tại bến đem sang bên kia. Giá đội lên gấp cả chục lần chỉ cách đây vài năm thôi anh.

Tan tiệc, xe đưa Khang về nhà. Tôi thì anh đã cho bố trí ở phòng khách VIP. Ngày trước, có hôm chén rượu cuộc cờ gần hết đêm, Khang mời tôi nghỉ lại sáng mới về. Nay thì khác. Tôi cũng biết thế.

Lúc chia tay, Khang níu lấy tôi líu ríu:

- Thầy trở lại nhiều cảm xúc hả? Mười mấy năm rồi còn gì... À này, “Hùm xám miền Đông” đã chán đời về núi, giờ vẫn có người từ đâu đến viếng. Bác Lộc Sếnh vừa mặc áo hồng điều, thượng thọ bát tuần. Toàn “sẹo” lại mới có lệnh truy nã. Tôi biết nó với mấy thằng vẫn lẩn quất chỗ vụng “Sát nhằn vàng” phía ngoài Quan Lạn. Chỗ ấy thì chịu chết! Tôi, thời thế, thế thời… Thầy biết mà. Cần phải nói chi cho lắm. “Vạn lí phong vân ... ư… cử mục tần”.

Biết Khang say, tôi cũng chẳng nói gì thêm.

*

* *

Năm ngoái, tôi lại có dịp ra Đông Bắc nữa, nhưng là chạy thẳng từ trong này ra Móng Cái, đi qua nơi tôi ở cũ. Biển Trà Cổ địa đầu mây nước bao la, dã tràng vẫn nhọc nhằn se cát và xa xa vẫn những mảng dân chài vật vã giữa muôn trùng sóng. Im lìm dưới trăng biên tái, vẫn còn đó ngôi cổ đình của nhóm quân tàn Nguyễn Hữu Cầu hơn hai trăm năm trước, lưu lại cái quẫy đuôi bi tráng của con cá he kiêu hùng miền Hải Đông xưa.

Đường về, tôi ghé vào thăm ông bạn vong niên. Khang, giờ đã an trí nhưng là đổi cái án kỉ luật bằng việc về hưu trước tuổi. Chuyện là từ cái dự án rất nhân văn trước của Khang, chủ đầu tư, muốn gây lại ngàn xanh sau những tàn phá trơ trụi và làm mới dải ngập mặn sinh thái quê anh. Xưa, có chuyện ngầm luộc chín thóc giống cho vay mà làm người ta vong quốc. Những hạt giống lim xanh, táu mật, dẻ hương, vẹt, sú của Khang kia cũng thế. Sau đấy, hoa lau vẫn phất phơ trên những sống núi trọc. Mùa hoa sú, đàn ong lại tíu tít đi về trên bãi triều Đồng Rui, Hà Dong, không biết đến nỗi ngậm ngùi của ông quan tể không may quan trường bị họa.

Nhưng nhà ông ta, như người xưa bảo vẫn luôn có kiểu người “dù ở đâu cũng không quê lậu”. Đúng thế, sân mấy khóm trúc xanh, cái bể sen cạn hoa đã tàn và một dãy mãn đình hồng mùa này vẫn tươi tốt lắm. Trong nhà có bức thư họa. Chữ cũng được, viết lối hành, hơi đá thảo, chứng tỏ chủ nhân là người đang muốn phóng tâm nhàn dật. Khang kiếm đâu ra bức tranh Hà diệp cái thanh thanh dòng gốm Vạn Ninh. Tranh Đông Hồ treo ngoài vùng biên viễn, nhìn ưa mắt lắm.

Nghe tôi đến, Khang xỏ lệch dép chạy xuống đón khách:

- Ầy dà… Ôi, cố nhân lai, cố nhân lai! “Lạc hoa thời tiết hựu phùng quân”. Này, cái ông Đỗ Thập di duy nhất cười là ở câu này, còn thì toàn là sùi với sụt, than với thở. Thầy có thấy thế không?

Sau hồi hàn huyên, Khang đưa tôi ra mãi ngoài Đồng Rui, nơi có nhà hàng lối thủy đình trên bãi triều ngập mặn, bên dưới lúp súp những sú vẹt hoang dã. Ngồi hiên chòi uống rượu trông ra biển Đông Bắc, kể cũng thú.

Hôm ấy Khang đãi tôi chỉ riêng món sò huyết với rượu men lá chân thác của người Sán Chỉ. Khang nói:

- Hồi “Lão Phủ” Lê San còn sống, tôi có đưa cụ ra Trà Cổ hội ẩm cùng các lão trượng ngoài ấy. Say, các cụ bảo “Lão Phủ” điểm mấy đường côn song hổ vĩ. Múa đẹp lắm, tứ phương bát diện, biến ảo khôn lường, các lão trượng xem cứ tấm tắc mãi.

Cạn thêm chén rượu, Khang lại tiếp:

- Uống rượu sò huyết ngoài Trà Cổ phải là những đêm có trăng thế này mới thú. Thầy tưởng tượng nhé, mỗi người một hỏa lò than hoa, một quả bầu rượu. Sò huyết nướng trên vỏ ngao, gia giảm ngũ vị, rau thơm, tợp ngụm rượu rồi hút lấy nguyên con. Lò tàn, trăng xế thì về.

Trăng quá thượng huyền, trong trẻo và bao la trên biển Đông Bắc. La đà. Bỗng dưng Khang lại hỏi tôi:

- Thầy bảo trăng kia giống cái gì?

Nhìn trăng, sao tôi lại thấy giống mắt hổ quá, “Lẩu phủ nhản”, mắt lão hổ. Có lẽ là do tôi đã say. Nhưng tôi cũng chẳng buồn trả lời Khang nữa. Cụ Lê San ngày xưa có hỏi thế không?

Vĩnh Yên, 25/2/2016

V.K