Thứ Tư, 08/04/2020 15:01

NHẠC INDIE "quay vào tường mà viết"

Nhạc indie (independent music) là thuật ngữ vốn để chỉ một phương thức sản xuất âm nhạc mà ở đó, người nghệ sĩ hoặc một nhóm nghệ sĩ tự sáng tác, trình bày, thu âm và phát hành ca khúc của mình mà không chịu sự phụ thuộc của bất kì công ti quản lí hay chiến lược truyền thông nào.

.KIỀU CHINH

Nhạc indie (independent music) là thuật ngữ vốn để chỉ một phương thức sản xuất âm nhạc mà ở đó, người nghệ sĩ hoặc một nhóm nghệ sĩ tự sáng tác, trình bày, thu âm và phát hành ca khúc của mình mà không chịu sự phụ thuộc của bất kì công ti quản lí hay chiến lược truyền thông nào. Tuy nhiên, chính công đoạn sản xuất ít nhiều có tính riêng tư này sẽ bộc lộ những điều kiện khả thể khiến cho nội dung của âm nhạc indie mang trong mình tính cá nhân mạnh mẽ. Nhưng nó là những ấn phẩm được xuất bản không chịu kiểm duyệt nên những tự sự trong các ca khúc indie hàm chứa nhiều tự do trong biểu đạt. Nói như vậy, không đồng nghĩa với việc phủ định khả năng kể chuyện của mainstream - dòng âm nhạc thịnh hành, mà chỉ để nhấn mạnh rằng, indie thường xuyên và dễ dàng kể những câu chuyện không dễ nói to, không dễ lắc lư.

Nếu như MV của Bích Phương (Đi đu đưa đi) đang đảm nhiệm vai trò như một thủ lĩnh tinh thần làm người nghe, người xem nhất thời hân hoan, đu đưa như nhận tác dụng của chất kích thích, làm người ta say sưa và quên, thì những ca khúc indie lại có ưu thế trong việc kể những câu chuyện rất cụ thể, rõ ràng của thực tại, nhắc cho người ta phải nhớ. Từ chuyện ăn sáng, chuyện áo quần, chuyện đổ xăng, chuyện bán hàng, chuyện tham gia giao thông,… thế giới của nhạc indie đầy đủ mọi cảnh huống của đời sống. Indie cũng như mainstream, là một thị trường với mọi sản phẩm, tốt có, dở có, sâu sắc có, dễ dãi cũng nhiều. Nhưng cái được của indie, như đã nói, là địa hạt mang dáng dấp của một khu chợ không cần tên, nơi hội tụ những tiểu thương với mặt hàng riêng, những lời rao có bài, có bản của riêng họ. Và người mua, họ mua đồ nhưng cũng là mua những câu chuyện - những mảng hiện thực được gợi ra qua các tín hiệu riêng biệt, đặc thù.

Họ - những người trẻ của indie ngại đu đưa, họ đang thấy gì? Họ - những nghệ sĩ indie đã hoạt động trong một khoảng thời gian đủ lâu để làm nên bộ mặt đại diện cho indie, đang là lứa thanh niên thuộc thế hệ cuối 8x đến nửa đầu 9x, như Đen Vâu, Cam, Mademoiselle, Pink Frog, Lộn xộn, Cá hồi hoang, Ngọt,... Câu chuyện của họ là cách nhìn của một thế hệ trẻ đang già trước những chất liệu hiện thực. Lứa nghệ sĩ này lớn lên trên giao điểm của thời đại cũ và mới. Họ có một phần tuổi thơ, tuổi vị thành niên ở thế kỉ cũ, và chững chạc dần trong thế kỉ mới. Họ đủ những trải nghiệm của đời sống cũ để khi chứng kiến những biến đổi trong đời sống mới, họ nhận ra được tính vấn đề. Họ viết nhạc và nhạy bén trước từng mi-li trên cơ thể xã hội, mà nếu như sinh ra muộn hơn vài năm, họ đã chẳng thế, đã chẳng ngồi xem tivi, xem Những bông hoa nhỏ, Gặp nhau cuối tuần, SV 96, Hãy chọn giá đúng, phim hoạt hình của Liên Xô Hãy đợi đấy,… nhiều tới mức nhận ra rằng cái lát thời đại đó sẽ không còn lặp lại lần nào nữa. Bây giờ, làm gì còn ai đủ thong thả lẫn háo hức chờ đợi một chương trình vô tuyến tới giờ phát sóng. Phải sống ở thời đại mà sở hữu điều khiển của một chiếc tivi màu như thể đang nắm trong tay chìa khóa của cả một kho báu, Ngọt mới viết được Chuyển kênh, mới ngã ngửa rằng phim truyền hình sở dĩ cứ dài lê thê từ trưa này qua trưa khác, rốt cục cũng chỉ là bàn đi bàn lại những drama, những hội thoại phổ quát cho bữa trưa vui vẻ của mọi gia đình. Mà drama, những cãi vã, những đố kị, kì lạ thay, lúc nào cũng hấp dẫn:

Trong chiếc ti vi

Tôi thấy một người ngồi xem ti vi

Trong chiếc ti vi

Cô ta thấy hai người tình nói với nhau

 

Anh đã đi đâu?

Tôi đi đâu chẳng phải việc của cô

Cô đã đi đâu?

Tôi đi đâu can hệ gì tới anh?

(Chuyển kênh, Ngọt)

Giống như việc kiếm tìm những hình tượng độc đáo để biểu đạt trong văn chương, người nghệ sĩ âm nhạc cũng phải chọn lấy một cái “tứ” riêng biệt cho sản phẩm của mình. Trong các ca khúc indie, điều làm khán thính giả thích thú nhất nằm ở cảm giác bất ngờ trước cái cách mà tác giả đã chọn để nói lên quan điểm của mình. Đoạn hội thoại trong ca khúc Chuyển kênh trên đây không lạ. Người nghệ sĩ sáng tác là người đặt nó sau ba lớp màn hình, là người chọn được cái tivi làm lăng kính để soi hiện thực. Trong những kịch bản đang được trình diễn trong khuôn khổ của một hình chữ nhật kia, có đầy đủ những tình tiết của hiện thực này. Một ống kính có thể đóng gói và làm hạn hẹp cái toàn cảnh của hiện thực, nhưng một ống kính biết lia đúng chỗ có thể phơi bày những sự thực mà tiêu cự của mắt có khi không tới được. Phải là cái tivi chứ không phải vật thể nào khác. Phải là những người trẻ mà mỗi ngày đời sống của họ bị dính chặt lấy các phương tiện truyền thông, các thiết bị điện tử kết nối được với internet và một mạng xã hội buộc phải tham gia để trở thành một công dân cấp tiến, họ mới thấm thía hơn ai hết những màn hình đang kẹp chặt tầm nhìn của họ. Những phát sóng liên tục chi phối đến tiếp nhận của thị giác, những hình ảnh, văn bản nối đuôi nhau trong những cú trượt của chuột, cái thật giả lẫn lộn của thông tin, sự man trá của ngôn từ và các hiệu ứng, đó là bối cảnh mà những người trẻ vừa là kẻ tham dự, vừa là nạn nhân bất đắc dĩ. Hiện thực từ Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đủ hỉ nộ ái ố như hiện thực này, chỉ khác về những tín hiệu biểu đạt. Qua chiếc tivi (lại là một chiếc tivi) - đang hiện diện đời sống của những màn hình. Từ chuyện cái tivi, rõ ràng, chất liệu để đưa vào âm nhạc đã đa dạng hơn rất nhiều cùng với sự phình to lẫn bề bộn của phạm vi cuộc sống. Cùng với tivi, còn có điện thoại, đồng hồ, ví tiền, trà đá, hóa đơn, và như lời một bài ca của Cá hồi hoang, hiện thực tầm này “làm từ xương và da, café, thuốc lá và 250 lít đồ có cồn”… và còn bao nhiêu thứ nữa để Điền vào ô trống.

Phong cảnh đời sống nào sẽ sản sinh ra những kiểu họa tiết nhân vật, sự vật, sự việc, hiện tượng đó? Phải tới thời buổi mà thị dân bắt đầu có thói quen rảnh đi trà đá, café, tối cuối tuần đi bar pub, thì mới có đủ điều kiện làm xuất hiện một kiểu “nhân vật trữ tình” với một nghề nghiệp mới như Bartender trong ca khúc cùng tên của Ngọt. Người coi quầy rượu, trong văn bản của người nghệ sĩ không xuất hiện như một thành phần lao động, nhân vật này mang dáng dấp của Chúa trong thời đại mới, đứng bên quầy, không bình luận, không can dự, phía bên kia là những con chiên ngoan đạo cuối tuần thay vì tới nhà thờ thì làm một li để thực hành xưng tội. Thời điểm những trang nhạc indie đón chào Bartender, nhiều người đã giật mình nhận ra, quán rượu, chất kích thích mới dễ làm người ta sống chân thật, và một kẻ đủ xa lạ như một Bartender lại mới đủ gây tin tưởng để con người ta lột mặt nạ và thành thực:

What goes around comes around

Người ta gieo gió rồi gặp bão

Để bây giờ lòng đầy sám hối

Đến xưng tội bên tai tôi...

(Bartender, Ngọt)

Một người kể chuyện như Bartender xuất hiện trong âm nhạc chắc chắc làm người ta không khỏi ngạc nhiên và nhột gáy khi thấy một ánh nhìn vừa như dửng dưng, vừa như xoáy sâu đầy phán xét của những kẻ đứng bên lề bàn. Những người chọn nghe nhạc indie, họ tin là họ đang tiến đến một cánh cửa mà khi mở ra, những câu chuyện họ muốn được nghe phải được kể theo cái cách như vậy. Những nhóm nghệ sĩ như Ngọt hay Cá hồi hoang, trước khi được chính thức phát hiện (để được mời lên VTV), họ hoạt động âm thầm trên các trang mạng, các phòng trà,… Họ, có người biết chơi trống, người biết chơi guitar, chơi keyboard, họ sáng tác và phối khí cho các ca khúc của mình. Những người lần đầu tìm đến Ngọt không bắt nguồn từ sự đầu tư của MV, sự chải chuốt của các hòa âm, nhạc cụ, hay gương mặt của ca sĩ. Những nghệ sĩ indie “tự túc” chưa có điều kiện để cầu kì hoặc là họ chủ động chọn hình thức, kĩ thuật giản tiện để tập trung nói chuyện nội dung, họ chạm khán thính giả trước tiên bằng cốt truyện âm nhạc của mình. Ở thế giới ngầm này, công chúng được rỉ tai nhiều hơn những phần chìm của tảng băng đời sống, tiền bạc, hàng quán, áo cơm, cái chết, những ý tưởng tự sát, sự phù phiếm, những mầm ác, sự cô độc, cái trống rỗng và một cái vỏ cũ kĩ, sáo mòn của nhịp sống. Trong ca từ của mình, Cá hồi hoang nhận ra cần phải quên đi cái giống nhau của “250 khuôn mặt” ngang qua cuộc đời, ai cũng nhang nhác, cũng lặp đi lặp lại những biểu cảm, những méo mó (Điền vào ô trống). Đạt Maniac “chỉ ước cái bàn đầy giấy này cháy” trong một văn phòng không tên như bao văn phòng khác, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về (Ngày nào). Bàn giấy có lẽ là phát minh thành công nhất của loài người trong thời đại khi sản sinh ra một thế hệ các nhân viên văn phòng buộc chân mình vào chân bàn, giải quyết mọi công việc qua giấy tờ, sổ sách và laptop cùng những giao tiếp tính lượt lời bằng email và văn bản, những hợp đồng, những con dấu xác nhận luôn chờ được giải quyết. Ngọt than, “đã ba mươi, ba mươi, ba mươi, lên xe đi làm, lại ngồi lên ghế không làm gì” (Không làm gì). Đen Vâu, trước vấn nạn mỗi ngày 8 tiếng bàn giấy, dặn “đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công” (Bài này chill phết). Và không phải ngẫu nhiên cái tên Đen Vâu với xuất phát điểm từ một indie giờ tiến thẳng vào vòng mainstream, bởi, cuối cùng, đến một thời điểm, ai cũng phải thừa nhận rằng, nhiều khi những ngày tháng chờ chạy deadline, những sự cần cù cống hiến, máu lửa xả thân, thậm chí tới chết, suy cho cùng cũng chỉ để đổi lấy những “tờ bạc nhiều màu trong ví” và một cuộc sống gọi là ổn định ở một “thành phố sống chồng lên nhau”. Đen Vâu đã đúng, những người trẻ indie đã đúng khi ngừng đu đưa để đứng lặng lại giữa một dòng người đang cố bơi trong vô định, mù quáng. Không phải ai cũng có cơ hội để rơi vào được một satna quý giá nhận ra cái đời sống tưởng quen thuộc như một lối mòn thật ra tù túng và vô nghĩa. Nghe nhạc indie là một cách để trao cho mình một khả năng nghe được những tiếng kêu rất khẽ đang rung lên trong tận cuống họng:

Thấy trong lòng thấy lạ

Sao mình nôn nao quá

Rồi chờ thoát ra

Thấy không gian quen thuộc

Một nơi thật nhem nhuốc

Không nhúc nhích được

Rồi mình đang ở trên mặt đất

Sự thật là mặt đất

Gò má đang sưng tấy…

(Acid 8, Cá hồi hoang)

Đó là những vết sẹo của những đứa trẻ suy tư, là cái sưng tấy mà tuổi trẻ phải đương đầu sau những lần đu đưa. Người ta có thể đã nghe cả trăm lần trên báo đài và các trang mạng xã hội cùng thuật ngữ “khủng hoảng tuổi hai mươi”, “khủng hoảng tuổi hai ba”, “khủng hoảng tuổi hai nhăm”. Cụm từ “khủng hoảng” trendy tới mức, dần dần, nó biến thành một khái niệm lờ mờ, trừu tượng, gán gì thêm vào cũng có vẻ đúng. Bất cứ một danh từ cũng có thể trở nên trống rỗng và vô nghĩa hoàn toàn nếu như theo sau đó không có những tự sự lẻ và có tính chất mô tả kĩ càng. Tuổi trẻ, nhờ có những ca khúc indie góp sức để biểu đạt, được những nhà phê bình thế hệ cha chú cấp cho một data để được hiểu đúng đắn. Họ không chỉ là những chấm xanh, đỏ, bạch kim li ti đang vẫy vùng trong bar pub. Họ nhiều khi mắc kẹt ở cái tuổi của mình:

Muốn bé lại nhưng không có quyền

Muốn được lớn nhưng không có tiền.

(Be cool, Ngọt)

Trịnh Công Sơn những năm tháng của tuổi hai mươi phải tới Đà Lạt, chứng kiến những cơn mưa bất tận, cái độ ẩm cao thường trực đến nao lòng, mới viết ra được Tuổi đá buồn cho tuổi mình; ám ảnh về cái trôi trượt phũ phàng của thời gian, phải viện tới lá, tới gió, tới mây trời mới phúng dụ được hết phần tâm trạng. Ngọt chỉ cần hai câu đăng đối nhau, hai “nhãn tự” là quyền và tiền siết chặt phần tự do đáng được hưởng của cái tuổi này. Chúng ta kiếm cách bán tất cả những thứ có thể bán như trong phần rap của Đạt Maniac, “hàng bán hàng tháng đến cái quán cũng phải được bán”. Quang cảnh mưu sinh thời nào cũng có nhưng hiếm có thời nào lại nhộn nhịp và sôi động đến như vậy. Âm nhạc vốn gắn nhiều với chủ nghĩa lãng mạn, nhưng khi những du dương không làm người ta tin vào cái thực đang có, âm nhạc phải làm thêm công việc là đem vào phần ca từ những hiện thực cần phải có. “Nếu chán… cho cả chục cái giải một tháng”, Đạt Maniac nhận định. Bao nhiêu người đã ồ lên thích thú khi nghe và cay đắng nhận ra những giải bóng họ háo hức ngồi với nhau xem hàng giờ, rồi đi “bão” cùng nhau, thật ra lại là một chiến lược để cuộc đời ru người ta quên bẵng đi những bộn bề cần giải quyết. Chục cái giải một tháng là được ai đó “cho”, phê chuẩn. Chúng ta không biết chúng ta sẽ xem gì trên tivi, chúng ta không lường được chúng ta sẽ phải đọc gì nếu mở facebook, chúng ta càng không làm chủ được ta cần có cảm xúc gì với từng hiện tượng ập đến não trạng mỗi ngày. Đó là phần rap của chàng trai sinh năm 92 cất lên khi anh nhảy ra từ cánh gà của một sân khấu indie.

Nếu không “quay mặt vào tường” đủ nhiều, người ta không dễ gì nhận ra được những diễn biến chính xác đang xoay quanh mình như “tiền” và “quyền”. Đã bắt đầu có nhiều người biết tới indie. Trong phần bình luận ở dưới phần đăng tải các ca khúc, nhiều người nói, tôi mong họ (họ ở đây là những nghệ sĩ indie) sẽ mãi là một phần bí mật của tôi, tôi không mong họ nổi tiếng. Nổi tiếng có lẽ là đích đến của nhiều nghệ sĩ, họ cần được biết tới, tác phẩm của họ cũng cần được lan tỏa khi đã viết ra. Nhưng như đã nhấn mạnh ở trên, chính sự riêng tư phần nhiều làm nên nội dung chất lượng cho những câu chuyện âm nhạc. Cái hấp dẫn khi tìm một nghệ sĩ indie núp bóng là được nghe những tiếng nói dõng dạc, thẳng thắn và vô tư. Chúng thách thức, quyết liệt để bày tỏ quan điểm. Ngọt tâm sự: “Anh đã chán phải mua bình an/ Mà bán thời gian viết tình ca” (Cho). Được nhiều người biết đến rất dễ là cái lưỡi dao thứ hai gọt đi cái phần gai góc nhất thường có trong các ca khúc indie. Đó nên là một lãnh thổ riêng, mà ở đó, người ta có thể nói lên được Quan điểm:

Tôi không sai

Tôi không nhất trí

Nó bảo tôi rằng

Tôi hay cãi lí,

Giời ơi,

Nói thế thì nói làm gì.

(Quan điểm, Ngọt)

Không ở đâu trong âm nhạc nhiều khẩu ngữ như trong nhạc indie, không ở đâu hội thoại từ thực tế trở thành lyrics mà trơn tru, nuột nà như indie. Có cái gì đó như hơi thở của cuộc sống ngấm rất sâu vào những ca khúc bí mật này. Công chúng của indie chỉ chăm chăm cất giấu từng bài hát như kho báu cho riêng mình, bởi ở đây, họ hả hê với ngôn từ, câu cú, với những mảnh vỡ của hiện thực mà họ được trao quyền để ngắm nhìn nó bằng một chút khách quan. Trong một giây, họ thấy hiểu mình hơn, hiểu người hơn, tỉnh táo hơn, cũng để họ biết giật mình để dành dụm tự tại cho những ngày sống sắp tới. Người ta vẫn hay truyền tai nhau, muốn hiểu về một thành phố, anh không thể cứ đặt một tour lăng tẩm miếu mạo đền đài, anh cần phải xuống xe, đi bộ vào những hang cùng ngõ hẻm, những nơi sâu nhất nằm sâu dưới lớp trầm tích kia nhưng lại là nơi sống động nhất. Để hiểu về người trẻ, về những nghệ sĩ vẫn đang lớn lên, tìm về nhạc indie là một cách. Đó là nơi, người trẻ biết đau lòng như một người già, nhưng cũng là nơi, chính họ, parody (giễu nhại, nhại lại, chế) toàn bộ cuộc sống này. Họ vẫn phải chịu đựng “xót xa ưu phiền” như ông bà bố mẹ khi trông thấy hóa đơn trong ví nhiều hơn tiền. Họ vẫn phải ngồi bàn giấy đủ tám tiếng và chờ từng ngày tới cuối tháng lĩnh lương. Những chuyện không ai tránh được, nhưng bằng âm nhạc, cụ thể là bằng indie, những người trẻ đang dần biết cách để cầm cây đàn lên, không cần “đập vỡ” mà vẫn nhẹ nhõm hóa mọi thứ trong cuộc đời này.

Tới đây, bài viết xin được kết lại bằng một đoạn lyrics, có đủ điệp từ, điệp ngữ, trong một ca khúc có cái tên rất luận đề - Hóa đơn của Kiên. Ở đó, minh họa một không gian sống động đầy đủ các nguồn sống như điện nước rau thóc, các hoạt động sống như ăn uống cười khóc xiên móc, cộng các trạng thái sống như đau sướng; tất cả được xuyên suốt bằng sợi chỉ đỏ có âm tiết là “tiền”. Nhưng, trong vài phút nghe nhạc, chắc chắn người ta sẽ quên mất những gánh rau thóc điện nước đang đè lên vai, người ta chỉ thấy một người trẻ, một nghệ sĩ indie ngoài hai mươi đang kể chuyện tiền mà lại có giai điệu, có tiết tấu có một điệu Blues không hề buồn. Chuyện thường ngày nặng nề chẳng ai muốn bàn, nay có người kì công vẽ lại bằng thanh âm, để vọc vạch ra rằng ai cũng như ai giữa thời buổi tiền tiền tiền tiền bốn lần tám nhịp. Như thế thì sẽ bớt tổn thương:

Hóa đơn tiền điện tiền nước tiền ăn tiền uống tiền đau tiền sướng

Hóa đơn tiền cười tiền khóc tiền rau tiền thóc tiền xiên tiền móc

Hóa đơn chờ một ngày mai bát cơm thêm đầy

Rồi đến mai đây ta già

Ôm gối loanh quanh trong nhà

Chẳng còn bận tâm chi nữa

Lại hát mấy câu ngày xưa

(Hóa đơn - Dập ghim, Kiên)

 

K.C