Thứ Bảy, 28/03/2020 00:32

Nhại âm, lái âm – Một phương thức nghệ thuật đặc sắc trong văn xuôi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Một phương thức được Người vận dụng thành công là sử dụng nghệ thuật nhại, vừa tiếp thu chất hài hước của người Pháp vừa kế thừa cái ngộ nghĩnh của văn hoá truyền thống Việt. Bài viết xin chứng minh một phần nhỏ về điều ấy. (NGUYỄN THANH TÚ)

. NGUYỄN THANH TÚ

Chúng ta đều thống nhất Bác Hồ là một nhà văn lớn ngay từ khi Người còn hoạt động trên đất Pháp (thời điểm Người viết văn, viết báo ở Pháp từ 1920-1923). Một phương thức được Người vận dụng thành công là sử dụng nghệ thuật nhại, vừa tiếp thu chất hài hước của người Pháp vừa kế thừa cái ngộ nghĩnh của văn hoá truyền thống Việt. Bài viết xin chứng minh một phần nhỏ về điều ấy. Dẫn chứng trong bài chúng tôi trích dẫn từ bộ Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập) của Nxb Chính trị Quốc gia (1996-2000).

Truyện Viện Hàn lâm thuộc địa in trên báo Le Paria, số 12 tháng 2/1923 và số 14 tháng 5/1923 được viết theo lối hư­ cấu, có nhân vật chính là Xôra. Xôra được giới thiệu là một người "Tuy đã ở thuộc địa lâu năm, bạn Xôra của tôi là một người dễ thương. Anh lại rất là hóm hỉnh, điều rất hiếm thấy trong giới anh. Anh có thói quen kỳ quặc là khi nói, gặp vần nào bắt đầu bằng âm cờ là cứ lặp đi lặp lại hai lần liền, khiến cách nói của anh sẽ trở nên ngọt ngào và thú vị khác thường". Thế cho nên khi anh ta phát âm Académie des Sciences Coloniales (Viện Hàn lâm khoa học thuộc địa), vào âm cờ là bị nói lắp, trong tiếng Pháp vần ca, co bị phát âm thành ca-ca, cơ-cơ thì gợi ra những gì thô tục gây cười caca có nghĩa là phân, coco có nghĩa là kẻ nghịch ngợm.

Xôra lại là kẻ "ba hoa": "Hôm nọ anh đến thăm tôi. Chỉ nhìn đôi mắt anh nấp sau đôi mục kỉnh to tướng, tôi đoán ngay anh sắp tuôn ra một điều ba hoa gì đó mà anh thường nói. Quả không sai.

- Này ông cụ mình, này! Anh bắt tay tôi, nói. Một viện hàn… hàn lâm khoa học thuộc... thuộc địa đã được thành lập, cậu biết chứ?

- Biết! ừ, thì sao?

- ở đấy có một ban địa lý, một ban mỹ nghệ, một ban giáo dục, tức là có bao nhiêu người cần gán vào thì có bấy nhiêu ban. Nhưng ngược lại, thế vẫn còn thiếu một ban, ban quan trọng nhất để cho một viện loại có tầm cỡ nổi bật lên.

- Là ban gì vậy?

- Tớ đã nói đấy: là ban đạo lý... thuộc... thuộc địa.

- Để mexừ Xôra làm trưởng ban chứ gì?

- Không! Đít tớ đâu có cái thớ hàn... hàn lâm, như­ng tớ có một danh sách những người lương thiện, liêm khiết, yêu nước, xứng đáng được đề nghị đ­ưa vào hàng bất triệt (hay bất tử như­ người ta gọi theo cách thông tục). Đây là họ, tên, nghề nghiệp của những vị ứng... ứng cử viên của tớ!

Các ông:

Ăngđrê Béctôlô, thượng nghị sĩ quận Xen, Giám đốc tuyến đường sắt từ Cônggô thượng đến vùng Hồ Lớn châu Phi.

Sanhô Lêông, thượng nghị sĩ quận Crơdơ, Giám đốc Công ty vận tải Marốc.

Saxtơnê Ghiôm, thượng nghị sĩ quận Girôngđơ, Giám đốc Hội hợp nhất Liegiơ đê Hamăngđa - Tiểu Kabili...".

Đoạn văn gây cười ngoài tật nói lắp của nhân vật ở hình thức vỏ ngữ âm còn là nội dung: Viện hàn lâm thuộc địa đã đủ cả ban bệ nhưng còn thiếu một ban quan trọng nhất là ban đạo lý, nghĩa là cái gọi là viện kia thiếu… đạo lý. Chúng tôi cho rằng cái thâm thuý của truyện còn là ở chỗ lái âm, tên Xôra được lái từ âm Xarô, tức Anbe Xarô (1872 - 1962) Toàn quyền Pháp tại Đông Dương những năm 1911- 1914 và 1917- 1919. Trong những năm 20 là Bộ trưởng Thuộc địa. Một cách mỉa mai thâm thuý, kín đáo, trí tuệ.

Hình thức lái âm sau này được Bác Hồ sử dụng rộng rãi hơn trong khi phiên âm tên các nhân vật bị mỉa sang âm tiếng Việt:

"Nghe vậy, cựu Tổng thống Mỹ tên là Táp nói: "Nên dùng lính ngoại quốc đi đánh, dù tốn kém một chút cũng còn rẻ hơn dùng lính Mỹ, và người Mỹ đỡ phải chết" (20-5-51).

Tư­ớng Mặt ác-tệ nói: "một viên đạn may ra chỉ giết một người Trung Quốc, một băng súng máy giết được 10 người, một quả bom giết 100 người, một bom nguyên tử giết vài ngàn người thôi. Nếu phá hoại cơ quan lương thực, thì có thể làm cho 50 triệu người chết đói trong một lúc". Vì vậy, hắn đề nghị bao vây kinh tế Trung Quốc.

Tên Kinhxlây (Kingsley) nhận rằng: từ ngày Mỹ đổ bộ đến nay, hơn 3 triệu người Triều Tiên tan nhà nát cửa, và hơn 1 triệu người chết vì bom đạn" (Tập 6, tr.225). Đoạn trích này trong bài viết Đạo đức của Mỹ in báo Nhân dân số 12 ngày 14-6-1951, tác giả ký tên C.B. ở thời điểm này, Tổng thống Mỹ là Harry S.Truman, Tổng thống thứ 33 của nước Mỹ. Trong bài viết Bác gọi "cựu Tổng thống Mỹ là Táp" thì có lẽ là Franklin D. Roose velt. Táp, âm thuần Việt gợi nên cái gì thô tục (ba táp). Mặt ác-tệ tức Mác áctơ là cách gọi nhái âm gợi về cái mặt ác, khó gần. Còn Kinhxlây thì bản thân vỏ ngữ âm đã gợi nên sự kinh sợ.

"Khi "Hắcín" sang làm tư lệnh ở Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã tâng bốc y vừa là một viên tướng "bách chiến bách thắng", vừa là một tay ngoại giao "lỗi lạc tài hoa".

Khi "Cábỏlọt" sang làm "đại sứ" ở Sài Gòn cũng được tâng bốc là một trong những chính khách lớn nhất của Mỹ…" (Tập 11, tr.287).

Hắcín tức Hakin, mà hắcín thì luôn gợi ra cái gì đó đen đúa, bẩn, nhớp nháp. Cábỏlọt tức Cabốt Lốt, cábỏlọt thì thông tục, buồn cười, không còn gì là tư cách "đại sứ".

"Vì Mỹ yếu cho nên phải đ­ưa thêm lính Mỹ và phải nhờ lính của bọn Pakxuixi (Tập 11, tr.409).

Pakxuixi tức Pắc Chung Hi. Pắkxuixi thì vừa khó nghe vừa gợi ở người đọc liên tưởng về những sự xui xẻo (xui), sự thông tục, tầm thường (xi đái).

"Để hòng cứu vãn tình hình tuyệt vọng đó, hôm 21-2-1964 tổng Giôn đe doạ "Bắc tiến". Hồi tháng 3, Mặt - nạ (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) sang Sài Gòn hứa "tổng viện trợ" cho bọn Khánh - Hoàn. Bọn này thì hứa với Mỹ "tổng động viên" để đẩy mạnh chiến tranh, đồng thời chúng đi cầu cứu với bọn Phumi ở Lào và bọn Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan! Đến tháng 4, Định-rút (Bộ trưởng Ngoại giao)". (Tập 11, tr.262).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bị Bác giễu chỉ là một thứ mặt nạ (Mắc Namara). Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bị nhại thành Định - rút (Đin Raxcơ), từ tên nhân vật nhưng bị lái âm nên gợi liên tưởng đến một hành vi định rút tức có ý định rút lui. Tiếng cười bật ra: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ có ý định rút lui, có tâm lý rút lui.

"Tr­ước ngày tuyển cử, Giônxơn thề thốt rằng "quyết không mở rộng chiến tranh ở Việt Nam". Như­ng từ ngày được bầu làm Tổng thống, vì sao tổng Giôn lại "nói lời, rồi lại ăn lời được ngay" và mở rộng chiến tranh? Đó là vì: …". (Tập 11, tr.533).

"Tướng Vétmòlên cũng phải nhận rằng trong trận này "lính Mỹ chết và bị thương nhiều hơn bất kỳ trận nào trước đây". Như­ng y lại "cười một cách hồ hởi khi kiểm điểm lại trận đánh và cho rằng đó là một thắng lợi chưa từng có" (Báo Mặt trời Bantimo, 21-11-1965) (Tập 12, tr.7).

"Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mặtnạmara là trạng nói láo. Mùa đông năm 1963, y nói: Cuối năm 1965, miền Nam sẽ "bình định" xong và lính Mỹ sẽ được về nước. Song cuối năm 1965, chẳng những lính Mỹ cũ không được về nước mẹ, mà số lính mới chở đến miền Nam đã tăng gấp m­ười mấy lần.

Hơn nữa, Mặtnạmara đã buộc phải thốt ra rằng: "Nhờ tăng thêm quân, Mỹ sẽ không thua nữa". Thế là y đã thú nhận Mỹ đã thua, ta đã thắng (Tập 12, tr.9).

"Cái tấn tuồng hoà bình giả dối của tổng Zoon đã thất bại ê chề.

Cái trò hề hội nghị Ônôlubù cũng bị hoàn toàn phá sản.

Kế hoạch tiến công ồ ạt mùa khô của quân đội xâm lược Mỹ ở Nam Việt Nam đã bị đập tan.

Lực lượng giải phóng miền Nam ngày càng thắng lợi" (Tập 12, tr.87).

"Mỹ đang leo thang chiến tranh phá hoại bằng máy bay đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mặtnạmara thú nhận mỗi tháng ném hơn năm vạn tấn bom xuống miền Nam và miền Bắc, tức là ném gấp ba số bom so với ngày chiến tranh xâm lược Triều Tiên!" (Tập 12, tr.88).

"Trả lời các nhà báo, tướng giặc Vétmỡlợn phải ấp úng thừa nhận rằng: "Thật là đáng tiếc, trung tuần qua, số máy bay bị mất đã lên cao một cách khác thường" (Tập 12, tr.133).

Tổng thống Mỹ Giônxơn bị gọi tắt là tổng Giôn, bị nhại âm thành tổng Zoon, tiếng Việt đọc là run, run sợ. Tướng, Oétmolen từng nổi danh: Tham mưu trưởng Học viện Quân sự Mỹ, Tư lệnh sư đoàn bay 187,… Tư­ lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tổng tham m­ưu trưởng quân đội Mỹ mà bị hạ bệ thảm hại thành kẻ bất tài chỉ quen với những việc thông tục nhất: Vétmòlên (gợi về những công việc bình thường, tầm thường như­ đánh giậm, mò cua bắt ốc), Vétmỡlợn (hành vi dân dã). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắcnamara bị nhại thành Mặtnạmara tạo ở người đọc liên tưởng về chiếc mặt-nạ và con ma. Mỉa mai cái trò hề hoà bình giả dối, tính chất không nghiêm túc, thiếu đứng đắn của hội nghị Hônôlulu, Bác Hồ đã gọi nó là hội nghị Ônôlubù. Nhóm âm tiết này gần với thành ngữ tiếng Việt bù lu bù loa chỉ hiện tượng do một hoặc nhiều người tạo ra âm thanh om sòm, hỗn độn mất trật tự để gây chú ý.

"Vợ Tổng thống Philíppin là Macô phu nhân đã hứa với tổng Zoon, bà ta sẵn sàng cho cậu con trai bảy tuổi của bà sang để giúp thêm lực lượng cho quân đội xâm lư­ợc Mỹ ở Việt Nam. Đó là tin thứ ba..." (Tập 12, tr.54). Macô trong tiếng Việt chỉ kẻ xấu thường làm những chuyện ma đư­a lối quỷ dẫn đường. Tác giả lái âm thật tài tình về mặt hình thức vỏ ngữ âm vừa nêu được bản chất xấu: nịnh bợ (tổng Zoon), nhẫn tâm (đư­a con trai mới bảy tuổi vào chỗ chết) của Macô phu nhân.

Những ví dụ này cho ta thấy để viết văn hay còn phải là sự kỳ công học tập không chỉ văn hoá nước nhà mà còn cả văn hoá nhân loại.

NTT