Thứ Hai, 03/03/2025 08:37

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

. VĂN GIÁ
 

Tôi viết truyện ngắn Mưa ở Bình Dương từ tháng 3/2011 và in trong tập truyện Một ngày lưng lửng do Nxb Văn học phát hành 2015.

Lúc đầu nhà văn Hồ Anh Thái cho đăng trên tờ Đại biểu nhân dân có trang văn nghệ do anh chăm sóc. Anh gọi điện bảo: “Cho tôi đổi tên truyện thành Mưa ở miền Đông nhé, cho nó lành. Ngộ nhỡ bị trong ấy họ suy diễn cũng mệt.” Vâng, làm báo thì phải thế, bởi đăng cái gì cũng đều liên quan đến tòa soạn, đến cộng đồng bạn đọc cả...

Sau đó tôi đăng trên trang facebook của tôi. Thật vui, một số báo, tạp chí địa phương xin đăng lại. Đây đó, trong những cuộc trà dư tửu hậu của tôi trên các nẻo đường đất nước, truyện ngắn này được mọi người hay nhắc đến. Gần đây, một nhà văn lớn tuổi sống và viết ở Sài Gòn mà tôi không quen biết đã nhắn qua messenger cho tôi: “Tôi quý mến thầy Văn Giá từ khi được đọc truyện ngắn có nội dung: “Mời thỉnh giảng cho lớp Đại học tại chức ở Bình Dương...”“ Tôi thầm hiểu, thì ra truyện ngắn này được ít nhiều bạn văn, bạn đọc yêu mến, chia sẻ. Điều đó chính là hạnh phúc của người cầm bút.

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp. Tại đây, phần lớn người theo học là cán bộ viên chức thuộc hệ thống công quyền ở địa phương. Cái nhân vật học viên chủ tịch phường kia có chân trong ban cán sự (BCS) lớp, được giao nhiệm vụ đưa đón, “chăm sóc” các thầy.

Một chuyện có thật. Hôm ấy tôi vào Bình Dương để dạy lớp tại chức, một lớp học đúng như đã mô tả ở trên. Cữ ấy miền Nam đang vào mùa mưa. Cứ chiều tối là trời đổ mưa rất to. Do đi một chặng đường dài cũng mệt, tôi nằm trong phòng nghe mưa, lim dim nửa thức nửa ngủ. Bỗng nghe tiếng điện thoại. Đầu dây bên kia một giọng đàn ông sang sảng nói rằng lát nữa ổng và mấy anh chị em trong BCS lớp đến đón thầy đi ăn tối. Vâng, đi ăn tối với BCS lớp cũng là lẽ thường, vì các thầy toàn người ở xa đến, lạ nước lạ cái, biết quán xá chỗ nào mà tìm. Cũng lại nói thêm, trước khi vào Bình Dương tôi bị cái bệnh viêm mộng răng nó hành, chưa kịp mua thuốc điều trị, tiên liệu bệnh chắc cũng nhẹ thôi, chỉ nã kháng sinh vào là xong, định bụng vào trong này xử lí vẫn kịp.

Lát sau, một nhóm ba bốn người cả nam cả nữ ào đến phòng tôi, sau một hồi chào hỏi, giới thiệu, thầy trò chúng tôi lao xe đi trong mưa đến chỗ quán ăn. Lái xe chính là ông học viên chủ tịch phường đó. Tôi mới than phiền về cái răng của tôi. Ông lái xe bảo việc này nhỏ, khỏi phải lo, rồi băng băng đưa tôi đến phòng nha khoa trước khi đi ăn.

Trên đường đi, ông lái xe học viên kia phóng xe với tốc độ cao, nhiều khi té cả vạt nước lên người đang đi bên đường. Đến khi nhìn thấy một quầng nước trùm lên một người đàn bà đang đẩy xe bán hàng rong bên lề đường thì tôi lên tiếng, anh lái xe chậm thôi, tránh người đi đường chút, chứ té nước vào họ thế không đành. Ổng cho xe đi chậm lại một chút, rồi lúc sau vẫn chứng nào tật nấy.

Chưa hết. Ổng đưa tôi đến mấy phòng mạch nha khoa, nhưng khốn nỗi vì trời mưa to nên các phòng mạch đóng cửa hết. Đi vòng vèo một lúc, cuối cùng thì ổng dừng lại ở một phòng mạch sáng đèn. Ổng bảo, tui hổng thích chỗ này lắm, nhưng thầy cứ vô chữa tạm, mai tui sẽ kiếm chỗ khác. Hỏi tại sao, ổng bảo, tay bác sĩ này vốn trước kia làm việc cho chế độ cũ.

Thì ra là thế. Tôi im lặng không nói gì. Người học viên lái xe đó dẫn tôi vào phòng mạch. Trước khi bước vào bên trong phòng mạch, tôi cởi giày ra, còn ổng cứ điềm nhiên đi giày ướt sũng bước vào. Tôi lấy làm lạ và ngán ngẩm. Ổng nói với vị bác sĩ như ra lệnh, đây là ông thầy tui từ Bắc vô, khám chữa đàng hoàng nghe. Nói xong, ổng ra ngoài xe chờ.

Tôi nằm lên ghế cho bác sĩ khám. Bác sĩ bảo bệnh này không đáng lo, thầy cứ về uống thuốc, giữ vệ sinh tốt, vài hôm sẽ khỏi; nếu thầy thấy có vấn đề gì hãy gọi điện cho tôi nhé... Một giọng miền Bắc gần như nguyên vẹn. Tôi đánh liều hỏi một câu, bác sĩ quê ngoài Bắc ở đâu. Dạ thưa, quê tui Hà Nội, vô trong này năm 1954. Vâng, cảm ơn bác sĩ. Nếu có gì tôi sẽ gọi điện hoặc trở lại nhờ bác sĩ giúp đỡ ạ.

Câu chuyện lẽ ra chỉ có vậy. Nhưng trên đường lái xe đến quán ăn, ông học viên chủ tịch phường của tôi lại bồi một câu: “Mai tui đưa thầy đến chỗ khác khám lại nhé!” Tôi bảo: “Ủa, tôi thấy bác sĩ khám kĩ và kê thuốc tốt lắm. Thôi, không phải đi đâu nữa.” Ổng bảo: “Tay bác sĩ này có con du học bên bển. Khi thằng con trở về, hắn làm tiệc lớn lắm, mời rất đông bọn Sài Gòn lên, toàn bọn thuộc chế độ cũ thôi. Nó không thèm mời bất cứ một ai ở đây.”

Thì ra là thế... Tôi thoáng nghĩ, câu chuyện hòa hợp hòa giải ở ta sau mấy chục năm thống nhất đất nước vẫn còn khó khăn biết mấy.

Thế là dựa trên nguyên mẫu đó, ít tháng sau tôi viết truyện Mưa ở Bình Dương. Một cái viết buồn nhưng không thể không viết.

Trong truyện, tôi có chủ ý đầu tư hai chỗ: một, miêu tả hình ảnh cơn mưa để tạo không khí truyện, cho nó xuất hiện lúc đầu truyện, lặp lại ở một số chỗ và nhất là trở lại phần cuối truyện, lúc mấy học viên trong đó có nhân vật lái xe tiễn ông giáo ra sân bay; và hai, nhân vật học viên chủ tịch phường thông báo về việc ổng đã cho bắt người bác sĩ kia vì cái tội vừa khám bệnh vừa bán thuốc. Một cái kết buồn, gây được ám ảnh cho người đọc.

Cơn mưa thì có thật y như những ngày tôi dạy học ở đó. Nhưng cái ứng xử không đàng hoàng của nhân vật học viên ở phần cuối truyện thì tôi bịa hoàn toàn.

Còn nhân vật “tôi” ông giáo trong truyện, thú thật cũng có một phần của/từ chính tôi, do tôi cấu từ con người thường nhật của tôi để đắp vào.

Như vậy, phần lớn truyện là tôi “bịa”, nói theo ngôn ngữ nhà nghề là hư cấu nghệ thuật. Văn chương chẳng phải là công việc “bịa mà như thật” của người nghệ sĩ đó sao!

Nguyên mẫu của tôi nếu có một cuộc đời công chức suôn sẻ thì nay chắc cũng đã nghỉ hưu... Cho dù thế, đến tận bây giờ công cuộc hòa giải hòa hợp ở cấp quốc gia và cả cấp độ cá nhân vẫn đang còn nhiều điều nan giải.

V.G