Thứ Bảy, 03/08/2019 09:20

Nhân vật Sùng Chứ Đa - từ truyền thuyết đến tiểu thuyết

Từ hàng trăm năm nay, ở thung lũng Sủng Pả (thuộc xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang ngày nay) lưu truyền một truyền thuyết về tên bạo chúa Sùng Chứ Đa

.NGUYỄN TRẦN BÉ

Từ hàng trăm năm nay, ở thung lũng Sủng Pả (thuộc xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang ngày nay) lưu truyền một truyền thuyết về tên bạo chúa Sùng Chứ Đa (Sùng Chúa Đà, Chứ Đà) và cái cột đá treo người (“cột đá tử thần”, “cột đá máu”) do hắn dựng lên để hành hình những người mà hắn cho là phạm tội. Đã có nhiều tác phẩm văn học viết về tên bạo chúa này gắn với cái cột đá khủng khiếp ấy dưới nhiều góc độ khác nhau, gần đây nhất là tiểu thuyết Chúa đất của nhà văn Đỗ Bích Thúy (Nxb Phụ nữ, 2015) và tiểu thuyết Thạch trụ huyết của tôi (Nxb Văn học, 2016).
“Thạch trụ huyết” (cột đá máu) là biểu tượng cái ác của một thời mông muội trên cao nguyên đá Đồng Văn, được tôi lấy làm tên cuốn tiểu thuyết của mình. Đằng sau cái sự vô tri, vô giác của cột đá là một câu chuyện dài, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến đời sống hiện nay mà cộng đồng xã hội đang quan tâm.
Tiểu thuyết Thạch trụ huyết (1) có khá nhiều nhân vật, mà nhân vật trung tâm là Sùng Chứ Đa. Tất cả các nhân vật khác, như cha mẹ Chứ Đa, các bạn cùng trang lứa trong bản, gã Pủ Sá (người đưa Chứ Đa sang Mã Lỳ học chữ nho và nghề buôn thuốc phiện), thằng A Pẩu (bạn của Chứ Đa hồi ở Mã Lỳ), vợ chồng Sè Páo… đều chỉ là những vệ tinh quay quanh nhân vật chính. Sùng Chứ Đa là nhân vật được sáng tạo trên cái nền của một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, là sản phẩm từ trí tưởng tượng của nhà văn. Mọi tình tiết trong cuốn tiểu thuyết đều xoay quanh nhân vật bí hiểm Sùng Chứ Đa, cùng những đặc điểm riêng có ở cao nguyên đá Hà Giang thời ấy, được tái hiện bằng sản phẩm của hư cấu nghệ thuật.
Để viết cuốn tiểu thuyết này, đặc biệt là để sáng tạo nên nhân vật Sùng Chứ Đa, tôi đã phải mất khá nhiều thời gian đi tìm gặp người già bản địa ở xã Đường Thượng - nơi chôn nhau cắt rốn của Sùng Chứ Đa - để được nghe kể chuyện về nhân vật này. Có đêm tôi thức trắng nghe ông già người Mông tên là Ma Khái Sò kể về cái “cột đá tử thần” của tên bạo chúa. Câu chuyện của ông đậm chất truyền thuyết, mang màu sắc dân gian rất rõ nét. Vì là truyền miệng nên rất khó để thẩm định độ chân xác của câu chuyện. Vậy nên, khi viết tiểu thuyết, tôi đã phải dùng trí tưởng tượng của mình để khắc họa nhân vật nhằm làm toát lên nét đặc biệt khác thường ở con người này, phục vụ cho vấn đề căn cốt mà tiểu thuyết muốn chuyển tải đến bạn đọc: Phải luôn cảnh giác đối với sự chuyển hóa nhân cách của con người trước ma lực của đồng tiền, trước sự cuồng mê quyền lực và tham vọng không có giới hạn - những thứ rất dễ biến con người ta từ thiện thành ác, từ nhân tính thành thú tính.
Tôi sáng tạo ra nhân vật Sùng Chứ Đa bằng chính những đặc điểm đặc biệt khác thường ngay từ khi nhân vật này mới lọt lòng. Mẹ Chứ Đa sinh ra hắn trong một đêm đông có sấm chớp (điều này là trái với quy luật tự nhiên). Vừa mới sinh ra trong miệng Chứ Đa đã có mấy cái răng (trong thực tế hầu như không có trẻ sơ sinh nào như vậy). Lúc còn là trẻ chăn bò, Chứ Đa đã nhảy qua được một vực đá rộng (điều mà người lớn cũng không làm được)… Đó chính là các chi tiết cho thấy sự khác biệt của hắn sau này so với những bạn bè cùng trang lứa, nhằm lí giải cho sự chuyển hóa nhân cách của hắn, từ một người tử tế trở thành một bạo chúa, một tên sát nhân khát máu.
Khi xây dựng hình hài, tính cách, hành động của nhân vật “hai trong một” đầy sự đối lập này, tôi đã dành khá nhiều thời gian đến các bản người Mông tìm gặp, trò chuyện với những trai bản trẻ tuổi có vóc dáng, tính cách giống với sự tưởng tượng của tôi, để hình dung ra cái nét thông minh, khôi ngô, khỏe mạnh, có tư chất thủ lĩnh… của Sùng Chứ Đa hồi trẻ. Tiếp đó tôi tìm gặp những người đàn ông Mông từng trải, gân guốc, thậm chí là bặm trợn, uống rượu giỏi, cưỡi ngựa giỏi, giọng nói có uy lực, có khả năng thu hút, sai khiến những người xung quanh… để tìm ra nét bạo liệt của Chứ Đa khi hắn trở thành kẻ sát nhân, thành tên bạo chúa.
Trong khi miêu tả về nhân vật chính Chứ Đa, có khá nhiều chi tiết thú vị đột hiện, ngoài chủ ý của tôi. Chẳng hạn như chi tiết hồi nhỏ mỗi khi có điều gì bực tức, giữa trán Chứ Đa thường nổi lên một nốt tròn màu trắng, to cỡ đồng xu, và nó chỉ lặn đi khi Chứ Đa nguôi cơn giận. Đó chính là đặc điểm có thật của đứa cháu tôi, mỗi khi tức giận giữa trán nó thường nổi lên cái nốt màu trắng ấy; đến tận bây giờ tôi cũng không thể lí giải nổi vì sao nó lại như vậy. Hoặc chi tiết Chứ Đa tìm ra hang nước, là tôi được một cậu bé người Mông ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc kể cho nghe khá lâu trước đó, và nó đã ngấm vào tôi từ lúc nào chẳng rõ.
Tôi thường nghĩ, con người ta ai cũng có hai mặt tốt - xấu. Nếu ai mà phần tốt chiếm ưu thế và chế ngự được phần xấu thì họ là người tốt, ngược lại nếu ai mà phần xấu luôn nổi trội thì họ là người xấu. Xuất phát từ nguyên lí ấy, tôi đã khắc họa hai mặt tốt - xấu trong nhân vật Chứ Đa khá rõ nét, theo sự xen cài giữa cái xấu và cái tốt, rồi phần xấu cứ lấn sang phần tốt theo cấp độ tăng dần cho đến khi phần tốt bị triệt tiêu. Lúc theo gã Pủ Sá sang Mã Lỳ học chữ nho, học nghề buôn thuốc phiện, Chứ Đa là một cậu bé ngoan, ham học hỏi, thích khám phá. Và rồi, một lần vô tình vào xem cái hang đá - địa điểm bí mật chế thuốc phiện “thượng hảo hạng” - Chứ Đa manh nha ý đồ ăn cắp bí quyết này của Pủ Sá. Từ chỗ bị động do bất ngờ gặp người vào hang, Chứ Đa đã ra tay sát hại tên hầu cận, rồi lấy cắp cả bọc to thuốc phiện. Tiếp đến hắn tìm cách trở về thung lũng Sủng Pả, dùng số thuốc phiện ấy để tạo vốn làm ăn. Khi có của ăn của để thì tham vọng về tiền bạc, thuốc phiện, uy quyền… của Chứ Đa ngày càng tăng lên. Hắn nghĩ đến việc lập đội quân sĩ để đi cướp bóc, chiếm đoạt của cải, đất đai, thuốc phiện ở các vùng lân cận. Việc cướp bóc tất yếu dẫn đến chém giết, đốt phá. Cứ thế, cái ác ngày càng chồng chất. Phần xấu, phần ác đã dần lấn lướt hoàn toàn phần tốt, phần lương thiện trong con người Chứ Đa, biến hắn thành một kẻ ngông cuồng, tham lam, ác độc và cuối cùng thành một tên bạo chúa. Đỉnh điểm của cái ác là Chứ Đa dựng lên cây cột đá để treo những người mà hắn cho là có tội, nhất là những người có ý chống lại hắn.
Nguyên nhân cái ác của Chứ Đa bắt nguồn từ tiền bạc, thuốc phiện, rượu chè, gái, quyền lực và danh vọng. Chính những cái đó đã xui khiến hắn đi vào con đường tội lỗi, bất nhân. Điều đáng nói là, chúng đến một cách từ từ, theo cấp độ tăng dần, khiến con người ta mất cảnh giác, đến khi nhận ra thì đã quá muộn.
Như vậy, “cột đá máu” của tên bạo chúa Sùng Chứ Đa chỉ là cái cớ để tôi viết cuốn tiểu thuyết Thạch trụ huyết, nhằm phát đi thông điệp: Cái ác luôn tồn tại trong mỗi con người, ở bất kì đâu và bất cứ thời đại nào. Vì vậy con người nên luôn biết cảnh giác với cái ác; đấu tranh chống lại cái ác khi nó mới manh nha; bao dung, độ lượng với những ai đã từng làm điều ác, để qua đó cảm hoá, cải tạo cái ác; lấy cái thiện để chế ngự, hóa giải cái ác chứ đừng lấy cái ác để chống lại cái ác, vì như vậy cái ác sẽ ngày càng chồng chất, khốc liệt thêm.
Phần kết của tiểu thuyết tôi để mở, bằng cách cho nhân vật Chứ Đa mất tích sau khi dinh thự của hắn bị cháy trụi. “Người thì bảo Chứ Đa bị chết cháy trong trận hỏa hoạn; người khác lại bảo Chứ Đa sang Mã Lỳ, thành chủ tướng của vùng đất xa lạ, bí ẩn ấy; có người lại khẳng định Sùng Chứ Đa đã nhảy xuống giếng Đá ở khu vực Miệng Hổ; người khác lại bảo Chứ Đa vào hang sống như một người rừng…”. Cái kết mở ấy chính là sự gợi dẫn cho mỗi độc giả tự chọn theo tình cảm và lí trí của riêng mình
N.T.B

---------
1. Giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011 - 2015) của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải A năm 2016 của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.