Chủ Nhật, 26/09/2021 00:01

Nhân vật từ điểm nhìn giới tính trong truyện ngắn nữ đương đại

Người phụ nữ đã trở thành đối tượng phản ánh mang tính chất “truyền thống” của văn học dân tộc. Xét riêng trong lĩnh vực văn xuôi, từ dân gian đến trung đại, hiện đại,... (PHẠM THỊ THANH PHƯỢNG)

. PHẠM THỊ THANH PHƯỢNG
 

1. Từ sau 1975, với tinh thần quan tâm đến “nhân tố con người”, truyện ngắn nói riêng và văn chương Việt nói chung đã dần đạt tới một quan niệm toàn diện, nhiều chiều về con người. Từ quan niệm con người lịch sử, con người cộng đồng chuyển dần sang quan niệm con người cá nhân phức tạp và bí ẩn, truyện ngắn (cũng như văn xuôi, rộng hơn là văn chương) đã tạo nên cái nhìn “mở” về con người. Bài viết này mong muốn góp phần đi tìm “bản sắc nữ” trong cái nhìn về con người (cả nữ lẫn nam) của các nhà văn nữ đương đại, đi tìm ý thức về phái tính trong tư duy nghệ thuật của người nữ.

2. Người phụ nữ đã trở thành đối tượng phản ánh mang tính chất “truyền thống” của văn học dân tộc. Xét riêng trong lĩnh vực văn xuôi, từ dân gian đến trung đại, hiện đại, hình tượng người phụ nữ đa số là biểu tượng cho cái chân - thiện - mĩ, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, phản ánh những tư tưởng chủ đạo của từng thời kì, giai đoạn, trào lưu văn học cụ thể. Từ sau 1975, đặc biệt từ thời kì Đổi mới, người phụ nữ trở thành hình tượng trung tâm của văn xuôi, nhưng được thể hiện dưới một cái nhìn mới, kí thác những quan niệm mới của nhà văn về con người. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học đã nhận định rằng, chưa bao giờ nhân vật người phụ nữ dành được sự quan tâm lớn của đông đảo giới cầm bút như hôm nay, chưa bao giờ lại có nhiều tác phẩm viết về “người đàn bà”, “cô gái”, “thiếu phụ”, “người đẹp” như bây giờ. Có thể nói, nhân vật người phụ nữ đã trở thành “hiện tượng” trong văn xuôi đương đại. Trên những trang văn của các tác giả nữ, hình tượng người phụ nữ nhận được sự “cộng hưởng” đáng kể từ chính chủ thể sáng tạo đồng giới với mình, nên càng trở nên sinh động và chân thực hơn bao giờ hết. Vừa mang những nét đẹp, phẩm chất truyền thống, vừa có những đặc điểm “giải quy phạm”, “giải truyền thống”, hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn nữ Việt đương đại thực sự là những khách thể thẩm mĩ đầy phức tạp và bí ẩn cần được khám phá.

Về mẫu hình phụ nữ truyền thống, họ thường được xây dựng trong tâm thế dâng hiến chờ đợi. Chính ở tâm thế này chúng ta bắt gặp một mô-típ trở đi trở lại trong rất nhiều câu chuyện: người con gái dâng hiến trọn vẹn tình yêu cho một người đàn ông đã có vợ, để rồi sau đó luôn sống trong sự đợi chờ một cách vô vọng khi anh ta trở về với gia đình, nhưng người phụ nữ ấy không hề oán trách người tình mà luôn giữ trọn tình yêu ấy (Con sóng Đồng Tháp Mười - Nguyễn Thị Phước, Trăng đàn bà - Tống Ngọc Hân…) Trong sự dâng hiến và đợi chờ đó có tình thủy chung, đức hi sinh, lòng vị tha và bao dung độ lượng. Và cũng chính trong tâm thế đó mà người phụ nữ bộc lộ những “thiên tính” rất “nữ” của mình: nhẹ dạ, cả tin, đa đoan, đa sự. Không phi thường hóa để xây dựng những “liệt nữ”, nhưng với việc khắc họa những nhân vật người đàn bà dám sống hết mình cho tình yêu, phải chăng các nhà văn nữ muốn tô đậm một thiên chức của phái mình: hóa giải thù hận, đánh thức những tình cảm tốt đẹp trong tâm tính mỗi con người bằng tình yêu và thiên tính nữ bất diệt?

Trong cuộc sống gia đình, thiên chức của người phụ nữ qua con mắt của người cùng giới hiện lên đầy đủ, vẹn toàn với hình ảnh một người chị tảo tần sớm khuya, hi sinh hết ước mơ tuổi trẻ để thay bố mẹ nuôi nấng các em ăn học (nhân vật Hạnh trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Minh Dậu), hay hình ảnh một người vợ đảm đang, tháo vát, khéo đối nhân xử thế, chu đáo mọi việc trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, sẵn sàng vì hạnh phúc lâu dài của người chồng mà đẩy người chồng đến với một người phụ nữ khác (Duyên phận - Quỳnh Vân)… Có thể nói, trong rất nhiều câu chuyện, các tác giả nữ đã xây dựng nên những mẫu hình hoàn hảo về người phụ nữ với thiên chức cao đẹp của mình trong cuộc sống gia đình. Ở đây tôi đặc biệt chú ý đến những nhân vật người mẹ trong truyện ngắn nữ Việt đương đại. Có thể thấy nhân vật người mẹ (và cả người bà) chiếm một tỉ lệ lớn trong mảng sáng tác của các nhà văn nữ hôm nay. Lí giải điều này, theo quan điểm của các nhà phê bình nữ quyền, viết về người mẹ là “sự suy nghĩ lùi thông qua người mẹ”. Vì người phụ nữ không có bất cứ tài liệu nào lưu trữ những trải nghiệm sống của giới họ, nên để nhận thức thế giới và khám phá bản thể, họ phải suy nghiệm từ đời sống của người mẹ, người phụ nữ trước họ mà họ có thể chứng kiến, tìm hiểu và nhận thức. Dường như là mẫu số chung, hình tượng người mẹ luôn hiện thân cho những gì cao cả, vĩ đại nhất của con người: lòng nhân hậu, bao dung, sự hi sinh thầm lặng mà khốc liệt, tình yêu con mãnh liệt, bền bỉ… Người mẹ hội tụ những phẩm chất làm nên một hình tượng mẫu mực về người phụ nữ Việt Nam truyền thống, nhưng đồng thời là biểu hiện sinh động của những phận người chịu nhiều thua thiệt trong cuộc đời. Trong tác phẩm Hoàng hôn của cha - Vũ Minh Nguyệt, trước sự ra đi của người mẹ, người con gái đã đau đớn nhận ra “cả đời tần tảo vì chồng, vì con, đến lúc chết mẹ vẫn không có một thứ gì đáng giá cho riêng mình”, và chị thức nhận một điều là cha con chị “đều dại khờ và nhỏ bé, vô vị trước vong linh mẹ”. Người mẹ trong cái nhìn ngưỡng vọng của người con gái (và cũng là của nữ nhà văn) như hóa thành thánh mẫu thiêng liêng.

Bên cạnh mẫu hình người phụ nữ truyền thống, các nhà văn nữ còn xây dựng mẫu người phụ nữ “nổi loạn”, “giải truyền thống”. Không còn thụ động trước số phận cũng như trong đời sống tình cảm, nhân vật những cô gái trẻ trong truyện ngắn nữ tỏ ra khá chủ động trong việc tìm kiếm, thể hiện tình yêu của mình. Cô gái hai mươi hai tuổi trong Biển ấm của Nguyễn Thị Thu Huệ sẵn sàng bỏ nhà một mình vượt hàng trăm cây số để đến gặp người mình yêu - một người đàn ông đã “một lần sang sông”, bất chấp sự ngăn cấm, lo lắng của cha mẹ. Cô gái trẻ yêu đến tôn thờ người đàn ông từng trải, đã từng có gia đình, với một niềm tin cậy tuyệt đối, với sự chủ động dâng hiến, dường như trở thành mô-típ xuất hiện trong rất nhiều câu chuyện của các nhà văn nữ. Trong truyện ngắn Nhà trọ (Nguyễn Thị Châu Giang), sự tỏ tình mạnh bạo của cô gái trẻ với người họa sĩ đứng tuổi với suy nghĩ “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng. Mẹ ơi, khi yêu trên đời chẳng còn gì là có lí cả. Mọi giáo huấn của mẹ chui lọt qua tai mất rồi” hoàn toàn xa lạ với mẫu người con gái e ấp, kín đáo, luôn biết giữ mình trong tình yêu theo quan niệm truyền thống. Không chỉ chủ động tìm kiếm, bày tỏ tình yêu, các cô gái hiện đại còn chủ động “sắp xếp” cuộc sống của mình khi tình yêu tan vỡ: “Lần này bình tĩnh hơn, em nằm xuống, vạch ra ngay trong đầu một kế hoạch sống mà không có anh” (Si tình - Phan Thị Vàng Anh). Với sự chủ động trong đời sống tình cảm, các nhân vật nữ đã không còn giấu giếm con người thật của mình. Họ muốn công khai phơi bày những cảm xúc thực, cái tôi cá tính của bản thân. Với họ, được sống và dám sống hết mình cho tình yêu, đấy mới là thước đo giá trị của sự tồn tại.

Biết “sống cho bản thân mình” và “chiều chuộng cảm xúc của mình hơn”, người phụ nữ hiện đại biết lắng nghe những đòi hỏi bản năng của cơ thể, tâm hồn mình. Nhiều khi vì mục đích thỏa mãn những khát khao bản năng mà họ đã hành xử “vượt rào”, rơi vào những cuộc “phiêu lưu” tình ái bấp bênh, vô định. Trong truyện ngắn nữ Việt đương đại, ta bắt gặp thường xuyên mô-típ người phụ nữ ngoại tình (Một nửa cuộc đời - Nguyễn Thị Thu Huệ, Cánh cửa thứ chín - Trần Thùy Mai, Cơn mưa cuối mùa - Lê Minh Khuê…) Nguyên nhân của hiện tượng đó được lí giải khá giống nhau trong các câu chuyện: sự nhàm chán trong cuộc sống vợ chồng, sự quẩn quanh đơn điệu buồn tẻ khi thực hiện chức phận với gia đình của người phụ nữ. Những kêu than của họ kiểu “Em sợ cuộc sống buồn tẻ. Nó giết chết tuổi trẻ và những ham muốn. Cuộc sống tuyệt vời thế này vậy mà hằng ngày em cứ lọ mọ như một mụ già xẩm sờ xó bếp. Cơm nước, con cái và ngu si dần đi” (Một nửa cuộc đời) giống như một sự quẫy đạp muốn chối bỏ thiên chức của người phụ nữ truyền thống. Mạnh mẽ, gai góc hơn nữa, nhiều nhân vật nữ dường như còn phớt lờ, khiêu chiến với những chuẩn mực về công dung ngôn hạnh, kiên quyết đấu tranh với định kiến xã hội để được sống thật là chính mình, với “rất ít đức hạnh, rất nhiều bản năng” như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình. Đề cao những nhu cầu bản năng, khát khao trần thế, nhiều khi “phá cũi” để đạt được tự do cá nhân, các nhân vật nữ đã phơi bày một cái tôi tự nhiên, cái tôi với tầng sâu bản thể. Như một cách phản ứng với những khuôn khổ đạo đức nặng nề đã áp vào người phụ nữ hàng nghìn năm nay, cách sống phóng khoáng của các nhân vật nữ đó đòi hỏi một cái nhìn bao dung, chia sẻ hơn - một cái nhìn nhân bản xuất phát từ việc đề cao tất cả những gì thuộc về Con Người.

Trong việc kiến tạo hình tượng người phụ nữ hiện đại, có lẽ thái độ và cách ứng xử với vấn đề tình dục của các nhân vật nữ là yếu tố “cách tân” nhất tạo nên sự “giải quy phạm”, “giải truyền thống” đối với người phụ nữ Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã chung nhận định rằng, người phụ nữ trong truyện ngắn nữ thời kì Đổi mới (cũng là trong văn học thời kì này nói chung) đã tự cởi trói về tình dục. Họ sẵn sàng chủ động và bày tỏ sự ham muốn, thậm chí kiếm tìm tình dục. Cô gái trong Vu quy (Đỗ Hoàng Diệu) liên tục trải qua những mối tình với những cuộc truy tìm tình yêu, hạnh phúc. Với cô, một tình yêu trọn vẹn phải gắn với một cuộc sống tình dục khiến cô thỏa mãn và được chủ động. Không chỉ bộc lộ những khao khát được yêu thương và được thụ hưởng khoái cảm thân xác, các nhân vật nữ trong truyện ngắn nữ đương đại còn như “tuyên ngôn” rằng tình dục là một phần tất yếu của cuộc sống, một nhu cầu tự nhiên và chính đáng của con người.

Kiến tạo nên những nhân vật phụ nữ hiện đại với sự thức tỉnh ý thức, khát vọng cá nhân ở tầng sâu bản thể và khẳng định giá trị sống của mình là một cách để các nhà văn nữ đối thoại lại với những quan niệm cũ về mẫu hình nữ giới xưa vốn bị đóng khung, mặc định.

3. Bên cạnh các nhân vật nữ, một nửa còn lại của thế giới - những người đàn ông - cũng hiển diện trong trang viết của các nhà văn nữ đương đại. Qua nhãn quan của nữ giới, hình tượng người đàn ông hiện lên khá đa diện: là chỗ dựa đầy tin yêu của phái nữ, nhưng cũng là những nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ, bất hạnh cho họ; vừa mạnh mẽ, tài giỏi, lại chất chứa những nỗi đau của sự cô đơn, bi kịch. Mang nhiều khuôn mặt nhưng tựu trung nhân vật người đàn ông thời hiện đại đã có sự khác biệt so với những mẫu hình người đàn ông truyền thống trong văn học trước đây.

Người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu thì trong mắt họ người đàn ông vẫn luôn là “phái mạnh”, là chỗ dựa vững chãi trong cuộc đời. Không ít sáng tác của phái đẹp đã xây dựng nên hình ảnh người đàn ông quả cảm, khẳng khái, giàu nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống hiện đại. Đó là chàng trai tên Phong có đôi “mắt lửa” đầy sự kiên nghị, vươn lên vị trí cao trong xã hội từ đôi bàn tay trắng (Ba đoạn đời - Nguyễn Thị Diệp Mai). Đó là nhân vật “anh” giàu tình cảm, luôn muốn bảo vệ, che chở những người phụ nữ yếu đuối, bất hạnh với tinh thần trượng nghĩa của một trăm linh tám vị anh hùng Lương Sơn Bạc (Một trăm linh tám cây bằng lăng - Nguyễn Thị Thu Huệ)… Ở họ hội tụ những phẩm chất tốt đẹp khiến phái nữ luôn nhìn với một cái nhìn ngưỡng vọng, tin cậy.

Cũng giống như hình tượng người phụ nữ, nhân vật người đàn ông trong truyện ngắn nữ Việt đương đại được khắc họa nhiều ở mảng đề tài tình yêu và cuộc sống hôn nhân, gia đình. Chính trong phạm vi đề tài này, với sự song hành cùng cuộc sống của phái nữ, hai thái cực tốt - xấu, chính diện - phản diện của người đàn ông được bộc lộ rõ.

Ở thái cực những người đàn ông chính diện, nổi lên mô-típ người đàn ông si tình, lụy tình, chiều chuộng, cung phụng người phụ nữ của họ hết mực, dẫu những người phụ nữ đó có đỏng đảnh, lạnh lùng, gây nhiều phiền toái hay nỗi day dứt, đau khổ cho họ. Nhân vật người họa sĩ trong Điều kì lạ của tình yêu (Thanh Hương) khiến mọi người không bao giờ hiểu được rằng tại sao ông, “người đã ruồng bỏ bao cô gái và người đàn bà đẹp đã đến với ông và yêu ông”, lại có thể say mê Thảo - một cô gái nhan sắc không có gì nổi bật, lại lặng lẽ, ít nói - “một cách nhanh chóng và đau khổ đến thế”. Ông đã là một con người hoàn toàn khác, chăm sóc Thảo một cách tận tụy miễn là được ở bên cô, đem lại niềm vui cho cô. Trong truyện ngắn Thời mà nàng còn điên (Trân Sa), nhân vật chàng trai tên Hoài cũng đã chấp nhận mọi tính khí bất thường của cô gái tên Phiêu, thậm chí chấp nhận cả nỗi đau mình chỉ là người “thế chân” tạm thời trong mối tình vừa đổ vỡ của cô gái, chỉ để đổi lấy những ngày được sống bên cô. Với vai trò là một người chồng, người đàn ông trong các câu chuyện của Y Ban (Sau chớp là giông bão), Nguyễn Thị Thu Huệ (Một nửa cuộc đời) đã rất mực yêu chiều, chăm sóc chu đáo người vợ của mình. Phải chăng, những mẫu hình như thế là ước mơ, khát vọng của những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại? Tự ý thức được giá trị, vai trò của giới mình trong cuộc đời, họ đòi hỏi phải được nâng niu, trân trọng bởi “một nửa còn lại của thế giới”? Hình tượng những người đàn ông si tình, lụy tình, đa cảm, yêu chiều người phụ nữ của mình hết mực, theo tôi, cũng là một cách thức thể hiện ý thức phái tính của những người phụ nữ khi cầm bút.

Ở thái cực những người đàn ông phản diện, đã xảy ra “một sự cực đoan thú vị”, đó là các nhân vật nam hầu như không còn là thần tượng của chị em nữa, họ bị hạ bệ, bị bóc mẽ, bị kết án. Trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, rất nhiều hình ảnh, nhiều câu văn “hình tượng hóa” bản chất bội bạc, giả dối hoặc bộ mặt nhu nhược, đớn hèn, nhạt nhẽo đến thảm hại của những “đấng” nam nhi quân tử: “Khánh đến với em như người khát thấy dòng suối trong mát giữa rừng, vồ lấy uống. Uống no rồi bắt đầu rửa chân tay mặt mũi. Và cả tắm lẫn giặt đồ. Xong xuôi. Là đái” (Sơri đắng). Hình ảnh méo mó về người đàn ông kiểu như vậy xuất hiện nhiều nơi những trang viết của các tác giả nữ khác: Phạm Thị Hoài, Dạ Ngân, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thùy Mai, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Chu Thị Minh Huệ… Mọi thói xấu của con người dường như chúng ta đều có thể quan sát được ở những nhân vật nam giới: ích kỉ, đê tiện, tham lam, hèn nhát, tàn độc... Xây dựng hình ảnh những người đàn ông “bất toàn” trong con mắt của những người phụ nữ phải chăng là một cách thức để giới nữ khẳng định bản thể của họ (bằng cách phủ định nam giới) trên hành trình tìm kiếm chính mình?

“Một nửa còn lại của thế giới” qua cảm nhận của các nhà văn nữ hiện lên “muôn mặt đời thường” chứ không chỉ là những “đấng”, “bậc” theo như quan niệm truyền thống. Trái tim người phụ nữ cũng đã rung đủ cung bậc cảm xúc khi hướng về thế giới đàn ông: từ sự ngợi ca, khâm phục, thương yêu đến thất vọng, căm ghét, khinh bỉ, uất hận… Họ cũng không quên thấu cảm khi khắc họa hình ảnh người đàn ông cô đơn với những nỗi đau, bi kịch (Đứa con không về - Bích Ngân, Ngôi sao xanh - Hà Khánh Linh, Tiếng kèn pí lè - Bùi Thị Như Lan…) Nghĩa là, sang thời hiện đại, dẫu có “lấn lướt” trong nhiều trường hợp, thì với đàn ông, phụ nữ vẫn đối mặt, đồng hành, bình đẳng, bình quyền, vì một cuộc đời chung.

P.T.T.P