. ANH NGỌC
LTG: Để thiết thực kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đưa những dòng nhật kí ghi trong mùa Xuân năm 1975, khi tôi cùng một số phóng viên Báo Quân đội nhân dân được cử vào chiến trường miền Nam để theo dõi và phản ánh tình hình chiến sự. Do có ngày không ghi được (nhất là đoạn đầu vì thời gian lưu giữ đã quá lâu nên tôi để mất hai trang) và cũng do thời gian, một số chỗ chính tôi không đọc được, do đó, đành để trống và kí hiệu bằng ba chấm để trong ngoặc đơn (…)

Bộ đội vận tải thồ hàng phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: TL
21/2/1975. Chiều qua, 5 giờ đến bên sông Đồng Nai. Tre phất phơ trong gió. Mái nhà trạm thuyền. Đã xuất hiện các cô của tuyến vận tải H50. D bộ H50 bên sông Đồng Nai - Lâm Đồng. Anh Cúc đoàn trưởng, o Hồng trợ lí chính trị, anh An (người địa phương, tổ chức).
Anh An kể. Đoàn đi tuyến từ biên giới tới quân khu (250, 300 km), một ngày 8 tiếng, 15 ngày một tháng… tùy tình hình phục vụ chiến dịch. Vượt 35, 40 dốc (mỗi dốc 30 phút trở lên), dốc 3 tiếng (307), dốc đồi lá bép 1 giờ 30 phút, nghỉ 3 lần. Vượt sông Đặc Quýt (sông biên giới). Vượt 6 con lộ có địch (14, Buprăng, Buýt, Bù Gia Mập, 20, 8)
(…)
Lưới cầu Đồng Nai Thượng: cõng hàng bám vào dây (bằng mây, như lưới vó), chòng chành trong nước, thác mạnh. Cầu Đặc Kê bị lũ cuốn, phải theo một thân cây nghiêng rồi làm thang thõng xuống. Phụ nữ đi vận chuyển mà thấy kinh thì san hàng cho nhau. Khiêng người, khiêng hàng (nếu đang đi mà bị sốt rét). Ăn cơm vắt muối (hoặc nhân lá bép). Đường 20 (tuyến gần) qua ban đêm, cách địch 500m. Thương vong liên tục. Đơn vị chốt hai đầu. Chị em dầm mình 3 tiếng trong cống chui dưới đường 20 dài 18m, bùn, rác, mốc… khom người mà đi, nước lớn có khi đến ngực, phải đi liên tục không được dừng vì ngạt thở… Dốc Ba Tầng (ba nhát), dốc nhất là quãng Phước Long, dốc Bù Du, dốc Đồi lá bép (D186 được gọi là “Tiểu đoàn lá bép”)…
Xuống đến Đồng Nai chị em gọi dốc là “gò mối” (!)… Chị Hiệp lấy bao đựng đạn M79 may áo để mặc. Áo vá bốn lần. Chị Tùng nói. “Còn cái lai quần cũng đi tải”. Có khi phải mặc hai quần vì sợ rách. (…) Chị Ung Thị Hòa vác 67kg (nòng sơn pháo 75, vốn hai người khiêng). Chị Hường vác một DK 75 (75kg) lúc địch càn, chị phát biểu “cũng không ngờ”. Chị Thu đẩy xe thồ 1 tạ ba, tạ tư (mà không biết đi xe)…
Biết hi sinh - phấn đấu một tháng xuống đường 27 ngày, không nghỉ cả ngày thấy kinh…
Tại Đại hội thanh niên vũ trang, quân khu biểu dương: “Tập thể H50 là một điển hình, các đồng chí đã kiên trì bám trụ, bám giữ hành lang trong một thời kì dài địch đánh phá rất ác liệt”
Qua sông Đặc Lấp (đổ vào sông Bé). Xuống, đi bè, giăng dây. Mỗi bên 6 đồng chí bảo hiểm. Nước quá to. Anh Sơn, C trưởng C3 chỉ huy. Chuyến đầu qua (6 nữ). Nửa sông ngập bè. Nước tới bụng. Hàng sắp ngập. Bíu nhau thành vòng cung. Kéo tiếp. Khúc gỗ to trườn qua đè dây bè xuống. Nước xoáy đè đuôi, ngỏng đầu bè, quay 180 độ, gạt hết chị em xuống sông. Nguyên cả nón áo, tổ bảo hiểm lao xuống. Không ra được. Vớt được 4 người. Hi sinh 2. Lặn xuống tìm được một xác (chị Hoa) và lấy hết hàng. (Lúc bè gặp nguy hiểm, chị ấy đã nhảy xuống trước để cho bè nhẹ bớt). Tìm được chỗ chị chết nhờ một sợi chỉ của chị trong bòng thò ra lập lờ trong nước, phát hiện thấy, liền lần theo và tìm đến được chỗ chị bị kẹt dưới sâu. Dùng tre lồ ô vót nhọn thay xẻng đào huyệt an táng chị Hoa ngay bên bờ sông Đặc Lấp.
Chị Hoa người Bình Thuận, sau đó được truy kết nạp Đảng, tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Còn một chị không tìm được xác, là chị Hải, chị nằm lại mãi mãi nơi này.
Ba giờ sáng hành quân tiếp. Đội hình lê thê dọc đường. Thức suốt đêm. Gạo vơi bớt. Hạn chế khẩu phần.
Đi tiếp. Một đồng chí (Thái - nam) mang 36 quả DK 57.
22/2/1975. Đúng một tháng hành quân rồi. (Ghi tiếp về H50)
Văn nghệ: C4 đầu tàu. Khuê (chính trị viên đoàn) làm một bài nhạc tặng chi đoàn C4: “Đoàn viên thanh niên C4 lá cờ đầu phất phới tung bay phấp phới dưới ánh nắng hồng, ta sướng vui chiến công ngày đầu…” Cơ sở cải thiện “lá bép, rau lưỡi nai”, đề khẩu hiệu “đi có, về có, chịu khó ăn ngon”. Trong phong trào tăng cung tăng chuyến có những câu thành khẩu hiệu xương sống “cung đường là chiến trường, bòng quai là vũ khí, năng suất là chiến công”, “bền bỉ dẻo dai, đường dài không ngán, khó khăn không nản, quyết vượt chỉ tiêu”.
Xây dựng Đảng: “Đảng viên cầm lái, cán bộ nhổ neo, tất cả cùng chèo hàng ra tiền tuyến” (C3 phát sinh khi vượt đường 14, trong Đại hội chi bộ). Lấy khẩu hiệu Lê Mã Lương, “nước còn giặc còn đi đánh giặc, đạn chiến trường cần ta chắc đôi vai”. Hát vọng cổ những khẩu hiệu ấy, chị Hoàng Thị Loan (khu 5), C2, hay hát, hát trước anh em rồi Lê Thị Thính… Các đội đều có đội văn nghệ, ghi ta, măng đô lin, ác mô ni ca. Mọi người tặng C4: “Ai về trên đất C4/ Lắng nghe tiếng hát giọng cười đêm đêm”.
Sông Đắc Lấp, C4 gọi là “sông chia tay” (trước đây có 2B nam, 2B nữ. Sau 1968 trên quyết định nam lên chiến trường, nữ ở lại. Chị em lên đường công tác (nam đi sau), lúc chị em quay về thì nam lên đường, gặp nhau ở giữa con sông, máy bay đánh sông, hai bên giãn ra, xong, mùa nắng, khói lửa nghi ngút, dứt, hai bên tranh thủ qua, gặp nhau giữa sông, bắt tay, tay che lá ngụy trang, bận bịu, chúc tụng nhau, “anh về dưới đó bắn tiết kiệm nghe, mang khổ lắm đó…”
(…)
Trên đường hành quân đốt lửa trại, rất vui. Có người không được đi lại khóc (chị Nguyên - đã hi sinh). Đêm đó không mưa, tối hơi sớm, thư thái, có chỗ bằng, có lồ ô, có một đơn vị chủ công chịu trách nhiệm lửa khói (tránh máy bay). Đứng thành vòng tròn, trừ một khoảng nhỏ, hàng trăm người, đến 10 - 11 giờ. Ca hát, kể chuyện, có đăng kí trước (duyệt nội dung). Các cán bộ cũng lên. Anh Tâm (C4) đặt vè chế giễu gian khổ, trêu nhau. Phước pha trò nhất C4. Có một lần văn công Bình Thuận lên làm nghĩa vụ khá lâu ở C4 nên phong trào lên. Hay ngâm bài thơ (vọng cổ) Khu Lê bất khuất “Quê tôi ở miền đông Bình Thuận, có bãi cát vàng nằm cạnh biển Đông, mang tên nhà ái quốc Lê Hồng Phong, đã anh hùng kiên cường góp công thắng Mĩ”. Những bài hát về Tam Giác của Trúc Linh, bài Tam Giác quê tôi: “Em reo vui hát mừng chiến thắng, đi dân công tiếp đạn ra chiến trường, quê mình Tam Giác kiên cường, Bình Lâm, đường số 8, Phú Hội, Tân Điền lừng danh”. Hát những bài miền Bắc, thích nhất Trông cây lại nhớ đến Người, Nổi lửa lên em, Đường cày đảm đang, Bài ca năm tấn, Người con gái Pa Cô, Du kích Đà Nẵng, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết Xuân… Có người được văn công xin về (cô Lan C5, Thính), nhưng không chịu đi.
Sau khi Bác mất, tổ chức để tang 7 ngày, động viên cao điểm lập thành tích đền ơn Bác. Đồng chí Ấm thuộc lòng Di chúc ngay. Học nhiều lần Di chúc. Có người tự nhận khuyết điểm. Giải quyết được một số vấn đề tư tưởng lớn. Chị Nguyễn Thị Nguyệt dẫm phải thùng AK, đứt xé chân, đang mang 45kg (3 thùng đạn 15kg), yêu cầu chị bỏ thùng, chị cương quyết mang. Sau nói quá, sớt đi một thùng. Người nhỏ, lùn (4 năm chiến sĩ thi đua), từ nuôi quân xin ra đi tải.
Đồng chí Văn Công An (người đang kể chuyện về H50 cho chúng tôi), thồ 64kg, bật xương quai xanh, phải đi bệnh viện.
Chị Lê Thị Nguyên (liệt sĩ): Trước tình hình địch phong tỏa, không có ăn. Phải mở đường cứu đói (có chuyến đi hi sinh 7 đồng chí C trưởng, B phó, bị Mĩ phục). Chị Nguyên, người ở Hàm Hiệp (Xuân Phong ) cùng tải gạo xuống cho C3, sốt rét chưa khỏi vẫn khóc đòi đi “mang gạo cho mấy anh ăn”. Chị ngất xỉu phải cấp cứu. Khỏe, lại đòi mang đủ hàng gạo (người được sớt hàng rất khổ tâm vì phải trút gánh nặng cho bạn). Tình đồng chí, quê hương, tình chị em quyện làm một. Hi sinh trên chốt chặn, đợt Chồm lịch sử. Em út C5. Hi sinh lúc 21 tuổi (Đảng viên).
(…)
DKB 75kg một người mang, té, ra máu (chị Hòa). Sau lưng lót bòng của mình cho đỡ. Có thể lấy ni lông bọc lá cây lót lưng. Thồ súng cối 120 (thồ cả chân và đế, hơn một tạ), đi đêm qua lộ 20. Anh Bi vác một nòng DKZ (75kg).
Anh Văn Công An người Bình Thuận, môi thâm, mắt sâu, người gầy, tóc quăn, một trong những chiến sĩ trung kiên, vác nhiều, chiến sĩ thi đua từ 1969 (đầu tiên). Nói lưu loát, gãy gọn,dễ hiểu.
Bao giờ hết nước Đồng Nai
Thì em mới lấy con trai Bắc Kỳ,
Bao giờ khu 6 hết mì
Thì anh mới lấy các dì miền Nam,
Lấy vợ Bác Ái thì ăn thịt gà
Lấy vợ Bình Thuận uống trà Blao (Bảo Lộc),
Đất khu 10, người khu 6
(Thơ đùa của các anh chị ở đây - A.N.)
(…)
Chị em ở đây đều lớn tuổi, 26, 27, 28, đập vào mắt là co người mập, đô, đều mặc áo quần đen, may rất bó, ngang lưng thành một cái nơm, xòe ra ôm lấy hông. Quần láng áo vải, tóc dài. Đi dép quai rất nhỏ để tránh vắt. Chân to, bè, nứt nẻ, ngăm đen. Họ có dáng những người bốc vác - đi xòe chân, vai u.
Nói chung tính kín đáo, có người hay cười (cười thoải mái, to - cô Hồng nấu bếp chẳng hạn). Nét chính tính cách, kín, hiền, e dè trước người lạ, nhỏ nhẹ. Không nhiều vấn đề tinh vi.
Khu 6 là chuyển tiếp giữa cái bộc trực Nam Kỳ và cái thô lỗ khu 5. Vừa phải.
Đều ở trong những mái lán trung quân trống trải, có giường, nhưng mắc võng, tổ quân bưu có bốn chị em. Cô Hồng đang đi công tác (dẫn khách đặc biệt, thư từ công văn qua đường).
Lá trung quân to, dài, lợp bền và không cháy (chỉ ngún chứ không thành ngọn). Lợp dùng tăm cài như trò chơi trẻ con.
Nắng khu 6 mùa xuân ong ong, đêm lạnh. Rừng nứa. Nhiều chim…
23/2/75. Xem bản báo công của Ung Thị Hòa (Hàm Thuận).
Nói chung chị em lúc đầu vác từ 17 - 20kg, sau rèn luyện lên đến 55kg (75 lít gạo, thường xuyên). Thương nhau cái nón, cái khăn, áo rách lưng vá đi vá lại. Hàng xếp cao, nặng hơn cả người. Cơm đói, ăn dâu da, lá bép, lá chát…
Năm 1972, 12 lần dũng sĩ cấp ưu tú. Quy định: hàng 7128kg, công 264. Đã làm: hàng 12408kg, công 278. Đã vượt: 5280kg hàng, 14 công.
Đồng chí Lê Thị Thính (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Hát hay, đóng kịch.
Lúc đầu (68) mang 27kg, dần lên 30 - 35kg, sau 50kg, có lần 55kg - 62kg đi cung đoạn 1 ngày 1 chuyến hoặc 2 ngày 1 chuyến. Chị em đều có những kỉ niệm quá gắn bó với H50 những ngày gian khổ. Chị Ninh nói, “nghe ai nhắc lại với người lạ là mấy em thấy khó chịu”.
Chuyến Tuyên Đức phục vụ 1968.
Chuyến cứu kho Bù Na.
Chuyến vượt đồng Nam Sao.
Ở Bù Na hai chị tên Xuân đều hi sinh…
Những ngày ấy rất ít vấn đề tư tưởng. Chỉ nghĩ hoàn thành nhiệm vụ, không ai nghĩ đến ngày mai.
Bây giờ nghĩ lại vẫn rùng mình: Sinh tư tưởng? - Hạnh phúc? Lấy ai?
Chị Ninh bảo: ”có người xưa kia hẹn hò, đã ra phía trước 7 năm. Giờ chỉ còn lại vài ông già “không thấy hứng thú gì tình yêu hết”(!)
Viết gì về những cô gái này?
Đôi vai nào, bàn chân nào, dáng người nào, tâm hồn nào… Họ đã làm thế nào để sống qua một thời oanh liệt đến thế?
Những Hồng, Hương, Thu, Loan, những Ninh, Tâm, Nguyên… Những cô gái hiền dịu của Bình Thuận. Họ đã làm người ra sao trong cái quãng đời gian lao ấy? Giờ đây, họ được cái gì và mất cái gì?
Những con sông Đắc…
Những địa danh Bù…
Những K’ho, Châu Mạ, Rắclây…
Hàm Thuận - xứ “nụ”, quả gì cũng gọi nụ: nụ bưởi, nụ cam… nụ bom, nụ bi đông (!)
Xuân Phong - xứ “trái”: Nhiều quả cây.
Mình đã bắt đầu ngây ngấy vị sốt rét, môi thâm, mắt trắng. Chóng lắm. Mà đường thì còn rất xa…
24/2/75. C2 - H50.
Chiều qua hành quân sang đây, trên tuyến đường về khu. Chuẩn bị vượt lộ 20.
Đây là C tập trung nhất và vận tải qua lộ 20, bằng xe thồ.
Sáng nay nói chuyện với đồng chí Ung Thị Hòa. Gương mặt em có cái gì đó rất tiêu biểu về những cô gái Bình Thuận: chân thành, kín đáo, dịu dàng, quy củ, lễ phép. Hòa đã đoạt hơn 40 “cái” dũng sĩ, 18 cái ưu tú, cả năm 1972, 12 cái (nhiều tháng đạt 27 ngày, mang hơn 44kg). Quê Hàm Chính: làng nghèo (Bình An), có ba đi kháng chiến, bị tù, ốm chết, một anh hi sinh trong kháng chiến, 3 anh 1 chị hi sinh trong chống Mĩ, anh rể hi sinh. Đào cua nấu rau đắng. Hòa có người yêu - anh Đồng (đang làm thủ kho đoàn). Giấu lắm, chưa báo.
Chiều sang chỗ B2. Nói chuyện với Phương Lan (Võ Thị). Rất xúc động. Cô ấy khá đẹp. Gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt hai mí rõ rệt, có cái gì dễ thương lắm. Một răng vàng, môi hồng. Nhỏ nhẹ. Nhưng còn biết biểu hiện tình cảm hơn các cô khác. Ba má ở Bố Trạch, Quảng Bình, họ vào từ trước cách mạng: Ba tham gia kháng chiến, bệnh, mất. Ba chị em gái, Lan là chị cả. Em hai lấy lính dân vệ (Lan viết thư cho nó, bảo ban), em ba 19 tuổi. Lên H50 từ 1968. A phó. Rất nhiều bằng dũng sĩ quyết thắng, từ cấp ưu tú đến 1, 2. Thân hình tương đối duyên dáng, hơn các cô khác.
Cô ấy kể cho nghe câu chuyện về tình yêu với một anh quê ở Nghệ An (Tân Kỳ) - Ngọc Túy. Túy là lính đặc công (công binh) của D87 khu, 1972 về chốt lộ 20, bảo vệ cho H50 đi qua. Gặp nhau nhiều lần. Thương. Các đồng chí cán bộ đều giúp đỡ. Cô cho xem tất cả thư của Túy gửi. Đúng là một anh hoàn toàn xứ Nghệ, nhiều thơ, bay bướm, chữ đẹp. “Các chị đều bảo viết thư hay”. Những đêm cô đi tải hàng qua, Túy vẫn ra đón, gặp nhau không kịp nói gì, cô đang đi thồ mà (tay đẩy ghi đông, tay đẩy yên, không còn tay nào mà bắt), vượt lộ 20 gấp, đến chỗ giao hàng lại phải trở lại ngay. Túy có hai em cũng ở B, nhưng không gặp. Nhắn Lan nếu có gì viết thư cho em mình, hoặc viết về cho bố ở Bắc (Lan bảo sẽ viết và gửi thư ra Bắc). Từ 3/1972 đến 20/12/73, Túy đi phá mìn thông đường bị “lĩnh trọn” cả quả claymo, hi sinh. Lan đang đi tải. 6 hôm sau mới biết. Ra vĩnh biệt ở mộ. Mộ Túy vẫn ở bên kia đường 20, cạnh tuyến đi của Lan hiện nay.
Anh còn nằm đó, Túy ơi! Một bi kịch…
Trước hôm hi sinh, Túy gửi cho Lan một thư - không hiểu sao ở cuối lại đề “đây là thư cuối cùng anh tạm biệt em”! Có Trời trong những chuyện đau thương này không? Thương quá.
Mình xúc động lắm, vì câu chuyện của cô và vì chính cô ấy. Người con gái ấy đáng phải được hưởng hạnh phúc chứ. Lẽ nào lại chỉ có thế.
Chép cho cô ấy bài “cây xấu hổ” vào sổ tay và hứa sẽ tặng cô quyển lịch QĐND, nếu cô ấy sang.
Một vài giòng thư của Túy:
Thư Thúy cứ đề Phương - Ngọc (Phương Lan - Ngọc Túy)
“Nếu mai sau ta có con trai sẽ đặt tên là Phương Ngọc, nếu con gái thì Ngọc Phương”. Sao kì cục vậy, anh bạn Nghệ An quá cố của tôi, anh lại cứ tên tôi… mà gọi!
“Anh cũng như tất cả mọi người lính cách mạng không cửa không nhà, đều không sợ làn da bị thủng đạn, còn sức còn đi, đi để kéo ngắn ngày đoàn tụ. Anh liệu còn sống đến ngày đó để thực hiện mơ ước hạnh phúc của đôi ta hay cũng vĩnh viễn qua đời như bao nhiêu đồng chí đã yên nghỉ ở các nẻo đường của đất nước” (!!!)
Hòm thư 765600.
Lan nói với Túy: “Tất cả do anh quyết định” - một lời quen thuộc quá đi.
“Cây ngay thì bóng tròn”. C2 D17 (?)
“Bao tháng ngày xa cách, bao nỗi nhớ niềm thương. Hôm nay đây lòng tràn ngập niềm vui phấn khởi. Anh được trở lại với chiến trường xưa, trở lại với dòng Đồng Nai, với lộ 20, với người yêu đã bao ngày xa cách.
Muối đã mặn ngàn năm còn mặn
Gừng đã cay thì ngàn tháng còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dầy
Dù có xa nhau đi chăng nữa ba vạn sáu ngàn ngày chẳng xa”.
“Trời mưa đường trơn vác nặng đi chú ý kẻo ngã nghe em. Nhất là vượt lộ, nhanh nhẹn và tháo vát một tí em nhé. Anh lo cho em lắm đó”
“Anh Ngọc (!) (tên con tương lai) sẽ chắp cánh tung bay để toại nguyện ý chí của đời anh. Rồi ngày mai khi nước nhà thống nhất, Anh Ngọc sẽ trở lại với cành lan thực hiện ước mơ ta đã định?”
Xúc động vô cùng… Đã tặng cô ấy lịch 1975 QĐND: “Thân tặng Phương Lan”.
A.N