Thứ Sáu, 01/02/2019 00:59

Nhớ Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu

Đồng chí Phạm Ngọc Mậu là một lão thành cách mạng trung kiên của Đảng, một vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Thái Bình. (LÊ KHẢ PHIÊU)

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Ngọc Mậu báo cáo công tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh

LTS: Hướng đến kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), Tạp chí Văn nghệ Quân đội số này giới thiệu đến bạn đọc một phần hồi ức của đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu - người vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào tháng 3 năm 1961.

 

 

. LÊ KHẢ PHIÊU

Đồng chí Phạm Ngọc Mậu là một lão thành cách mạng trung kiên của Đảng, một vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Thái Bình. Cuộc đời và sự nghiệp của anh nhiều năm gắn liền với Tổng cục Chính trị. Anh làm Cục trưởng Cục Cán bộ từ tháng 5/1957 đến tháng 12/1958, Cục trưởng Cục Tổ chức từ tháng 1/1959 đến tháng 2/1961; tháng 3/1961 anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Anh ở cương vị này cho đến khi nghỉ hưu (tháng 11/1989). Trong 32 năm công tác tại Tổng cục Chính trị, nhiều năm anh phụ trách công tác cán bộ, tổ chức, bảo vệ an ninh quân đội và nhiều lĩnh vực khác. Anh luôn cùng tập thể thủ trưởng Tổng cục Chính trị tham mưu cho Quân ủy Trung ương lãnh đạo quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh Phạm Ngọc Mậu đã cùng các đồng chí trong tập thể thủ trưởng Tổng cục Chính trị tham mưu cho Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội phát triển toàn diện trên tất cả các mặt; chỉ đạo các cấp ủy, chỉ huy cơ quan chính trị các cấp huy động tối đa các lực lượng, áp dụng phong phú, sinh động các biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nhằm đạt hiệu quả cao nhất, tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn, có ý nghĩa quyết định của quân đội ta.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, với những điều kiện khó khăn phức tạp, anh Phạm Ngọc Mậu cùng Tổng cục Chính trị bám sát cơ sở, bám sát thực tiễn chiến trường, tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp công tác đảng, công tác chính trị trong tác chiến, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên chiến thắng của hai cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ vững chắc cương vực bờ cõi, chủ quyền của Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, anh Phạm Ngọc Mậu luôn kiên trì đấu tranh để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, cùng tập thể thủ trưởng Tổng cục Chính trị lãnh đạo công tác tư tưởng, chính trị trong toàn quân tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, không hoang mang dao động trước những biến động ở Liên Xô và Đông Âu, góp phần tháo dỡ sự bao vây cấm vận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Ngày 20/1/1962, Bộ Chính trị khóa III ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về việc tăng cường đấu tranh chống bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy trong toàn Đảng phải hết sức chú ý làm tốt công tác nội bộ, phải có kế hoạch từng bước thẩm tra nội bộ để hiểu kĩ về từng người cán bộ, nhân viên và thẩm tra kĩ vấn đề phát triển đảng viên mới. Ngày 12/9/1962, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW thành lập Ban thẩm tra chính trị đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Trung ương (gọi tắt là Ban thẩm tra Trung ương) và chỉ định 6 đồng chí vào ban này; đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương được giao làm Trưởng ban, anh Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm ủy viên. Với vai trò ủy viên Ban thẩm tra Trung ương, phụ trách thẩm tra chính trị nội bộ trong quân đội, đồng chí Phạm Ngọc Mậu đã chỉ đạo thẩm tra làm rõ chất lượng chính trị nội bộ quân đội, thẩm tra công tác tuyển quân, tuyển sinh, tuyển người vào làm việc tại các vị trí trọng yếu, cơ mật, nhất là việc tuyển chọn cán bộ cho chiến trường miền Nam, kịp thời phát hiện những phần tử đầu hàng phản bội, thoái hóa biến chất, tay sai của đế quốc, ngụy quân, ngụy quyền chui vào hàng ngũ quân đội, góp phần đắc lực làm trong sạch nội bộ quân đội, bảo đảm cho quân đội là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Lần đầu tiên tôi làm việc với anh Phạm Ngọc Mậu là năm 1972, khi tôi ra miền Bắc báo cáo tình hình.

Lần tiếp theo là khi anh làm trưởng đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị sang công tác tại Campuchia, lúc đó tôi làm Chủ nhiệm chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Năm 1986 anh Phạm Ngọc Mậu về dự Đại hội Đảng bộ Quân khu 9, lúc này tôi làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9.

Sau đó không lâu tôi về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, từ đấy được gần gũi và làm việc với anh Phạm Ngọc Mậu nhiều hơn.

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu ra đi đã 25 năm, nhưng tinh thần, nhân cách và hình ảnh thân thiết của đồng chí vẫn luôn đậm nét trong tôi, không bao giờ phai nhạt.

Hà Nội, những ngày cuối năm 2018

L.K.P